Wednesday 16 January 2013

CHỦ NGHĨA DÂN TỘC THÔNG MINH KIỂU NHẬT (Hồng Mai - SGTT online)




Hồng Mai  -  SGTT Online
Ngày 16.01.2013, 07:21 (GMT+7)

SGTT.VN - Dân tộc chủ nghĩa hay chăm lo bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc? Một sắc thái lành mạnh của tinh thần dân tộc khác với chủ nghĩa bành trướng, bá quyền!

Chủ nhật 13.1 vừa qua, Nhật Bản đã tiến hành một cuộc tập trận với mục đích rõ ràng là củng cố khả năng phòng vệ cho một quần đảo hiện đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Cuộc tập trận diễn ra tại một địa điểm gần thủ đô Tokyo.

Chuẩn bị quả đấm
Theo VOV (Việt Nam), ngày 14.1, chín máy bay chiến đấu tàng hình F-22 của Mỹ, từ căn cứ không quân Langley-Eustis, đã đến căn cứ Kadena của lực lượng không quân Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) trong đợt triển khai lực lượng kéo dài bốn tháng.

Bộ Quốc phòng Nhật cho biết đây là lần đầu tiên cuộc tập trận thường niên của nước này lấy chủ đề phòng vệ biển đảo. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera cho biết nước ông cần phải nâng cao tầm chiến thuật quân sự trong bối cảnh có tranh chấp với Trung Quốc.

Bộ trưởng Onodera đánh giá: “Môi trường an ninh đất nước đang ngày càng trở nên căng thẳng với các vụ việc như phi cơ và tàu thuyền Trung Quốc xâm phạm hải phận và không phận xung quanh quần đảo Senkaku… Chúng ta sẽ tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng phòng vệ bằng cách xem xét lại chính sách quốc phòng để bảo vệ cuộc sống và tài sản của người dân, lãnh thổ, vùng trời và vùng biển của chúng ta trước bất kỳ mối đe doạ nào”.

Từ một cánh quân khác ở tỉnh Miyazaki, Nhật Bản và Mỹ đã triển khai cuộc tập trận chung, tại căn cứ không quân của lực lượng phòng vệ trên không, với sự tham gia của các máy bay chiến đấu F/A-18. Đây là các phi đội máy bay tiêm kích đến từ sân bay quân sự Iwakuni thuộc lực lượng lính thuỷ đánh bộ Mỹ, đóng tại tỉnh Yamaguchi. Phía Nhật Bản có bốn máy bay chiến đấu F-4 của lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản.

Để tránh chiến tranh
Mặc dầu những căng thẳng do tranh chấp chủ quyền giữa Nhật Bản với Trung Quốc sẽ tiếp tục, nhưng theo GS Malcolm Cook, chuyên gia an ninh Đông Bắc Á của đại học Flinders (Úc), đôi bên sẽ không để xảy ra chiến tranh. GS Cook nhắc lại khi được bầu làm thủ tướng lần trước vào năm 2006, ông Abe đã chọn Trung Quốc làm nơi thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên nhằm giảm thiểu những mối căng thẳng.

Tuy nhiên, kỳ này, tân Thủ tướng Shinzo Abe đã chọn Hà Nội làm điểm đột phá đầu tiên trong mũi tiến công ngoại giao của Nhật Bản vào Đông Nam Á, thay vì đến Washington như dự kiến ban đầu. Ông Abe sẽ thăm ba nước Đông Nam Á từ ngày 16 – 19.1. Mục đích của chuyến công du này là làm sâu sắc thêm các mối quan hệ hợp tác chiến lược với các nước trong khu vực.

Dân tộc chủ nghĩa hay chăm lo bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo vệ lợi ích dân tộc? Một sắc thái lành mạnh của tinh thần dân tộc khác với chủ nghĩa bành trướng, bá quyền và khác cả với chủ nghĩa đầu hàng!

GS Carl Thayer, một chuyên gia chính trị Á châu của đại học New South Wales ở Úc, cho rằng tình trạng suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ buộc Thủ tướng Nhật Abe và Tổng bí thư Trung Quốc Tập Cận Bình phải đặt các vấn đề quốc nội làm ưu tiên trong nghị trình làm việc.

Hồng Mai

-----------------------------------


------------------------------------------------

Kiến thức Online
Cập nhật lúc 06:30 16/01/2013 (GMT+7)

Chiến lược Mỹ trở lại châu Á được tuyên bố vào năm Rồng sẽ có hình dạng thực tế trong năm Rắn.

Lầu Năm Góc bắt đầu mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở phía Nam khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Đây là phản ứng với hoạt động quân sự đang gia tăng của Trung Quốc xung quanh các đảo tranh chấp ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Hiện nay, các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc có 60-70 tàu chiến và 200-300 máy bay trực chiến. Ngoài ra, ở khu vực này thường có mặt hai tàu sân bay Mỹ. Bây giờ, theo lệnh của Tổng thống Barack Obama, Bộ chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương bắt đầu mở rộng sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực.

Ở Nhật Bản và Hàn Quốc, Mỹ có các căn cứ quân sự lớn. Còn ở Australia, Singapore và Philippines, quân Mỹ sẽ có mặt trên cơ sở luân phiên. Các đơn vị quân đội sẽ nhỏ gọn và hoạt động độc lập hơn. Ở Australia, số lính thủy đánh bộ Mỹ sẽ tăng đến 2.500 người. Ngoài ra, Hải quân Mỹ có quyền tiếp cận căn cứ hải quân của Australia ở phía Nam thành phố Perth trên bờ Ấn Độ Dương. Ở Singapore, Mỹ sẽ bố trí 4 tàu chiến và dự kiến trong tương lai sẽ có thêm 3 tàu chiến nữa.

Như dự kiến, ở Philippines sẽ có 500 quân nhân Mỹ và các máy bay trinh sát. Mỹ cũng sẽ thành lập trung tâm bảo dưỡng và sửa chữa tàu chiến Mỹ. Lầu Năm Góc nói rằng Philippines có thể trở thành chỗ dựa vững chắc để phối hợp và tương tác với các đơn vị hải quân trong khu vực.

Về phần mình, Trung Quốc nhận thức rõ rằng, mục tiêu của chiến lược Mỹ trở lại châu Á là kiềm chế Trung Quốc. Trong cuộc đàm đạo với phóng viên đài Tiếng nói nước Nga, chuyên viên Yuri Tavrovsky từ trường Đại học Hữu nghị giữa các dân tộc nói: “Trung Quốc phản ứng bằng cách gia tăng lực lượng hải quân. Đây là cách đáp trả hành động của Mỹ và các đồng minh của họ. Mặt khác, trong những năm gần đây, chính sách của Trung Quốc đã trở nên quyết đoán hơn. Bắc Kinh nhận thấy rằng, nhờ tiềm năng kinh tế đang gia tăng của Trung Quốc có thể củng cố tiềm lực quân sự. Các tướng lĩnh trẻ ở Bắc Kinh bắt đầu kêu gọi hành động kiên quyết hơn. Xu hướng này có thể dẫn đến hậu quả khá nghiêm trọng”.

Chuyên viên Evgeny Kanaev từ Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương thuộc Viện IMEMO nhận định: “Trung Quốc sẽ giữ lập trường không nhân nhượng. Mỹ cố gắng duy trì tình trạng hiện tại ở vùng biển khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Điều này liên quan đến việc thu thập thông tin quân sự và kiểm soát các tuyến hàng hải. Tất nhiên, Mỹ sẽ cố gắng không cho phép Trung Quốc, đối thủ địa chính trị chính của họ, thiết lập sự kiểm soát ở khu vực này”.

Giới chuyên gia cho rằng, chiến lược trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ làm trầm trọng thêm sự cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc trong việc áp đặt luật chơi trong khu vực. Trong điều kiện này, sự leo thang căng thẳng ở Biển Hoa Đông và Biển Đông xung quanh các đảo tranh chấp chỉ “đổ thêm dầu vào lửa” và làm gia tăng tình trạng đối đầu Mỹ-Trung.








No comments:

Post a Comment

View My Stats