Sunday 27 January 2013

SẢN PHẨM CỦA LÒNG HẬN THÙ MÙ QUÁNG (Vũ Ánh)




Vũ Ánh
Thursday, January 24, 2013 5:05:03 PM

Tôi quay trở lại nghề nghiệp cũ kể từ ngày định cư ở Hoa Kỳ đã 19 năm ở một địa phương mà người ta gọi là cái nôi của người tị nạn. Cái tên ai khéo chọn và thật là hay.

Nó gợi lại cho những người Việt Nam thất tán sang đất Mỹ này có thể tạm coi đây là một mảnh của Saigon mà họ cố gắng mang theo kể từ ngày đặt bước chân bàng hoàng của mình xuống thành phố nhỏ này. Ðến nay 38 năm sắp qua sự phát triển của Little Saigon là niềm hãnh diện không những cho những cư dân gốc Việt sinh sống tại quận Cam mà còn cho tất cả những cư dân gốc Việt khác sống tập trung thành những cộng đồng nhỏ hơn trên toàn liên bang Hoa Kỳ.

Những ai đã phải bỏ quê hương nơi chôn nhau cắt rún của mình để nhận một nước khác làm quê hương thứ hai tất không thể chấp nhận chế độ Cộng sản. Nhưng trong nhiều trường hợp họ phải tạm gạt bỏ thù hận để lo toan cho một đời sống mới cũng đầy những khó khăn. Chế độ Cộng sản đã tồn tại tại Miền Bắc Việt Nam nhiều thập niên và kể từ ngày 30 tháng 4, 1975, họ vẫn còn hiện diện cho đến nay, ước mơ của người Việt Nam ở trong nước rằng trong một tương lai gần, những người lãnh đạo ở Việt Nam sẽ quay lưng lại với những chính sách hà khắc do họ đặt ra từ bao năm nay giống như ông Thein Sein đã mở một trang sử mới cho đất nước Miến Ðiện, ngày một xa vời, trong khi hiểm họa Trung Quốc ngày càng cận kề. Xem ra niềm tin của một số người Việt Nam ở hải ngoại theo đó sẽ có một “Ðông Âu tại Việt Nam” cũng đã bắt đầu nhạt nhòa. Tình hình này rõ ràng không phải là tảng sơn mầu hồng cho bức tranh “Ðông Âu Tại Việt Nam” và mặc nhiên đã đẩy một số nhà hoạt động chống Cộng thiếu kiên nhẫn vào tình trạng bối rối. Họ có vẻ không bằng lòng với sự chuyển đổi mục tiêu “đấu tranh vì một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ và nhân quyền phải được tôn trọng.” Lý do rất dễ hiểu: con đường tranh đấu này đòi hỏi thời gian lâu dài và sự đoàn kết của cả người Việt Nam ở hải ngoại lẫn người Việt Nam ở trong nước.

Hiện tại, tôi chưa thấy có nhiều bằng chứng đại đa số những người Việt Nam ở trong nước chịu chấp nhận những bất ổn và đảo lộn trong đời sống của họ như người dân Ba Lan đã biểu lộ ở hải cảng Gdansk hồi thập niên 80s. Nhưng kể từ lúc ông Lech Walesa chủ tịch Công Ðoàn Ðoàn Kết Ba Lan khởi sự chiến lược trường kỳ mai phục cho đến khi sự kiện Gdansk xảy ra với gần một triệu người biểu tình đổ xuống đường trong một thành phố nhỏ khiến cho lực lượng quân đội và công an được sử dụng để đàn áp đã phải quay về với nhân dân, thời gian nung nấu ý chí người dân Ba Lan không phải chỉ ngày một ngày hai. Walesa phải là người bản lãnh, tài ba và nhẫn nại mới có thể khiến chiến lược trường kỳ mai phục dẫn đến hậu quả là chế độ Cộng sản Ba Lan bị cáo chung. Những ai đã có dịp nói chuyện với những nhân chứng của sự kiện Gdansk, đã từng có dịp lục tìm trong một núi những tài liệu và nhất là tác phẩm tuyệt vời của Norman Davies, một nhà báo người Anh viết về lịch sử và cuộc cách mạng lật đổ chế độ Cộng sản Ba Lan tất sẽ tìm thấy một khẩu hiệu hay nói cho đúng hơn một hiệu lệnh cho thời trường kỳ mai phục như sau: “...Trong khi chờ đợi ngày khởi nghĩa, mọi người dân Ba Lan phải nỗ lực phục vụ tốt quyền lợi của đất nước Ba Lan, lẽ phải và nhân phẩm của người Ba Lan...”

Quay lại các cộng đồng người Mỹ gốc Việt và đặc biệt là ở Little Saigon được gọi là thủ đô của người Việt tị nạn, người ta có thể thấy gì? Trở lại nghề cũ là làm báo và làm truyền thông ở quận Cam liên tiếp suốt trong 19 năm qua tạo cho tôi một cơ hội chuyện trò với nhiều người Việt tị nạn thuộc đủ mọi tầng lớp. Tôi hiểu thế nào là dư luận thầm lặng ở đây và suy nghĩ của họ ra sao. Một trong những lời than phiền của họ là như thế này: “Một cộng đồng của người Việt tị nạn ở đây tức là cộng đồng của hầu hết những người yêu tự do nhưng lạ một điều là tại sao không đoàn kết được, không có được những cuộc tranh luận nghiêm túc, không có được một sách lược chống Cộng chung hữu hiệu, thuần lý và những người lãnh đạo chỉ làm một công việc là tuyên xưng lập trường chống Cộng của mình và đi tìm kẻ thù trong số những đồng cảnh với mình chỉ vì họ không thích, ghét những việc gây chia rẽ, bất ổn chính trị trong cộng đồng hoặc vì họ không có suy nghĩ giống mình, thậm chí chỉ biết bới móc lý lịch và đời tư của người ta....”

Nếu cần phải kê khai đến những sự kiện không được lòng dân của một vài tổ chức hay ủy ban có tiêu đề chống Cộng và tay sai thì phải dùng đến một danh sách cũng không phải ngắn. Nhưng theo tôi, điều này cũng không cần thiết nữa vì đã là chuyện cũ và người Mỹ gốc Việt trong cộng đồng này cũng đã biết nhiều. Cho nên, tôi không hề ngạc nhiên về thái độ chống đối của một số người đối với cuốn “Bên Thắng Cuộc” của Huy Ðức và tôi cũng đã từng nói với tác giả là khi nó được ấn hành anh sẽ phải đi dưới hai lằn đạn. Và quả thật điều này đã xảy ra. Những phản ứng mạnh mẽ nhất của một số người trong cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ dựa trên lý lịch, dùng những từ ngữ quá đáng để mô tả diện mạo của tác giả và sau đó là lên án bằng những luận cứ bất di bất dịch từ ba mươi mấy năm qua nghe đã đầy tai rồi kết luận là không nên đọc, thậm chí lại có người dùng những nhóm từ “bưng bô cho Cộng sản” để nhục mạ một số cơ quan truyền thông Việt ngữ quốc tế chỉ vì họ có tiếng nói độc lập, không giống những suy nghĩ của mình. Trong một đất nước tự do như Hoa Kỳ, quyền tranh luận được bảo vệ bởi Hiến Pháp cho nên việc ủng hộ hay chống một tác phẩm trí tuệ là điều không ai có thể ngăn được. Quyền này đã rộng thênh thang thì hà cớ gì mà phải cuồng nộ, giận dữ và dùng những từ ngữ không thích hợp cho những cuộc đấu tranh trong mặt trận tư tưởng và văn hóa vốn rất cần thuyết phục dư luận quần chúng? Cho nên điều làm tôi ngạc nhiên lại là trong cuộc biểu tình ngày 19 tháng 1, 2013 trước trụ sở nhật báo Người Việt để chống cuốn “Bên Thắng Cuộc” vì kể cả những người trong ban tổ chức lẫn người tham dự đều nói là họ chưa đọc cuốn sách nhưng vẫn chống! Chỉ cần điều này cũng đã đủ cho thấy chính họ không thuyết phục được họ rồi, nói chi đến thuyết phục những người khác. Sự kiện này quả là một điều đáng buồn. Trong các cuộc tranh đấu, hành động này được mô tả là sản phẩm tồi của lòng hận thù mù quáng thường dẫn đến những thất bại. Trong cuộc chiến tranh trước 30 tháng 4, 1975, điều đáng sợ nhất là những người chỉ huy dẫn quân vào mục tiêu mà không hề biết mục tiêu đó như thế nào, cũng như ngày nay chống Cộng mà không biết tại sao chúng ta chống!
Nhưng nói cho cùng những phản ứng của những người chống đối cuốn “Bên Thắng Cuộc” chỉ là đòn gió so với những đòn thật của chính quyền Cộng sản tại Việt Nam.

Tôi xin trích một đoạn trong bài Mật Mã “Bên Thắng Cuộc” của Nguyễn Khánh Hưng trình bày ý kiến về chuyện này:
“Thế nhưng những hình thức chống Bên Thắng Cuộc của các nhân vật của Sài Gòn Nhỏ chỉ là chuyện nhỏ so với một chiến dịch bài bản, thiện nghệ, và đầy uy lực của chính quyền cộng sản trong nước. Ðầu tiên là tờ báo Pháp Luật Tp HCM với lượng xuất bản gần 100 ngàn tờ mỗi tuần lên án Bên Thắng Cuộc là một cái nhìn thiên kiến về lịch sử, phủ nhận công lao của đảng Cộng sản và ca ngợi kẻ thù của dân tộc! Tiếp theo, cơ quan ngôn luận của thành ủy Tp HCM, báo Sài Gòn Giải Phóng đăng hai bài kết án tác giả Bên Thắng Cuộc phản bội lợi ích của đất nước, theo đuôi đế quốc Mỹ và tay sai... Rồi, của lực lượng công an Việt Nam, tờ báo có lượng phát hành cao nhất nước với hơn 500 ngàn bản mỗi số đã tung ra loạt bài đấu tố tác giả Bên Thắng Cuộc thuộc hàng ‘phản động’ bán rẻ tổ quốc và đồng đội... Tuổi Trẻ và hàng loạt các tờ báo mạng của hệ thống báo chí do đảng Cộng sản quản lý đã và đang tiếp tục đánh Bên Thắng Cuộc và tác giả của nó theo chiều hướng qui vào những vi phạm luật pháp của nhà nước mà kết luận chính thức đang phôi thai bởi nhận định của Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Ðỗ Quý Doãn rằng sẽ xem xét cuốn sách này dưới gốc độ của nghị định 97, tức cuốn sách nầy (bị) xem như là sản phẩm văn hóa tuyên truyền chống đối chế độ, một vi phạm hình sự đối với pháp luật Việt Nam, mở đường cho khả năng có thể truy tố tác giả của nó về tội phản quốc!”

Làm sao có thể giải thích lý do tại sao mà một cuốn sách như “Bên Thắng Cuộc” không mang tính tung hô bất cứ bên nào trong cuộc chiến tranh Quốc Cộng vừa qua mà chỉ là ghi nhận những sự kiện lịch sử không thể chối bỏ, lại có thể bị tấn công bởi cả bên thua cuộc lẫn bên thắng cuộc? Không những thế nội dung cuốn sách chỉ là những biên niên thời sự sau ngày 30 tháng 4, 1975 cộng thêm với phần chú thích và những chuyện hậu trường chính trị của bên thắng cuộc mà dư luận trong lẫn ngoài nước chưa hề biết hay có biết thì cũng rất sơ sài. Ðiều quan trọng nhất là phương thức làm việc của tác giả: Huy Ðức đã giảm thiểu đến mức tối đa ý kiến của mình vào những sự kiện và dành quyền cho độc giả phân tích để tìm kết luận riêng cho mình.

Cá nhân, tôi cho rằng kể từ khi xuất hiện cộng đồng người Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã có một sản phẩm tuyên truyền sau khi phải bỏ nước ra đi trong biến cố 30 tháng 4, 1975: phải cảnh giác vì Cộng sản trà trộn vào người tị nạn để đánh phá. Cái khung này trở thành những bức tường bê tông bảo vệ những cá nhân và tổ chức cực đoan và từ đó sinh ra chuyện lạm dụng, tưởng mình có quyền lực đến cái mức lạc hậu là tìm mọi cách để áp lực và kiểm duyệt suy nghĩ và hành động của người đồng cảnh. Không rõ ai là tác giả của sản phẩm này, nhưng sự hoang tưởng ấy ngày nay lại phát sinh ra hiện tượng một số nhà hoạt động chính trị quan niệm rằng cứ đem chụp mũ Cộng sản cho những người mình không thích, những tờ báo mình không ưa hay nâng quan điểm bảo họ là tay sai đánh phá cộng đồng, không cho ai biện minh thì mọi chuyện sẽ yên ổn. Và quả thật, những phần tử mù quáng cứ dán cái nhãn chống Cộng vào ngực áo để đàn áp cộng đồng đã yên trí với niềm tin đó trong nhiều năm, nhưng thực tế họ đang bị đẩy vào những bế tắc, không lối thoát.

Lẽ đời là “già néo đứt dây.” Một số nhà quan sát trong cộng đồng tin rằng vụ “Bên Thắng Cuộc” và vụ “27,000 tiền cứu trợ bão Sandy” đang là những ngọn gió có khả năng làm sập bức tường che chắn cho những sản phẩm chống Cộng đầy khuyết điểm, không những không hữu hiệu mà lại còn làm hại đến uy tín của cộng đồng. Hiện nay, nhà cầm quyền Việt Nam ngoài chiến dịch đàn áp những bloggers “lề trái,” kiểm soát chặt chẽ hơn các bloggers “lề phải,” đã nâng quan điểm để cấm lưu hành một đĩa DVD của trung tâm băng nhạc ASIA “32 năm nhìn lại” kỷ niệm ngày thành lập trung tâm trước ngày phát hành, đã mở chiến dịch tấn công Huy Ðức rộng khắp và nặng nề. Nhưng động thái vừa kể của nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam chẳng qua chỉ là động thái của những kẻ sợ ma nên đi đêm phải huýt gió mà thôi. Cho nên, nếu những nhà hoạt động trong cộng đồng này không cẩn trọng trong suy nghĩ và hành động của mình sẽ rất dễ bị đồng hóa với hành động ủng hộ những việc làm chà đạp vào quyền tự do tư tưởng và nhân quyền của nhà cầm quyền Việt Nam Cộng sản. (VA)


------------------------------------


Tuesday, January 22, 2013 6:42:44 PM

Friday, January 18, 2013 7:59:21 PM

Saturday, January 19, 2013 4:41:19 PM

January 25, 2013









No comments:

Post a Comment

View My Stats