NgyThanh
Đăng bởi lúc 12:56 Sáng 5/01/13
VRNs (05.01.2013) –
Sài Gòn - Tháng 2/2009, tưởng nhớ 30 năm nước Việt Nam cộng sản bị người đồng
chí đàn anh cộng sản Trung Quốc đánh qua biên giới phía bắc, có một nhà báo từ
Sài Gòn ra Hà Nội và lặn lội trèo đèo vượt suối đúng nghĩa đen để đi tìm sự
thực về sự bội phản giữa những đảng cộng sản Đông Nam Á mà Nayan Chanda gọi là huynh đệ hận thù khi đặt tên cho
cuốn Brother Enemy mà ông
phát hành năm 1986 về lịch sử Đông Dương tính từ ngày thất thủ Sài Gòn. Nhà báo
ấy là Huy Đức.
Ông Nayan Chanda viết là trước rạng đông ngày
thứ Bảy 17/02/1979, khi sương mù dày đặc phủ kín những núi đồi nằm dọc biên
giới Việt Trung, Quân đội Giải phóng Nhân Dân TQ đã trút cơn thịnh nộ. Tầm cỡ
tấn công lần nầy khác hẳn với lần trước vào năm 1788 khi hoàng đế Càn Long của
nhà Thanh phái một đạo quân gồm bộ và kỵ binh sang để dựng một vương triều bù
nhìn ở Hà Nội theo chọn lựa của mình. Trong một cuộc biểu dương hỏa lực ngoạn
mục, hàng trăm khẩu đại pháo tầm xa 130 ly và 122 ly cùng với các giàn hỏa tiễn
140 ly tới tấp trút đạn vào lãnh thổ Việt Nam, với cường độ mỗi trái trong một giây
đồng hồ. Về sau một ký giả Mỹ tới thăm lại chiến trường ghi nhận rằng trận địa
pháo quá sức dày kín, nên nghe từ xa cứ như một chuỗi ì ầm kéo dài như một trận
mưa bom B-52. Nhà báo nầy kể là có lúc, trận địa pháo kéo dài suốt hai mươi
phút, thay vì chỉ một phút hay hơn một phút như người Mỹ trải thảm bằng bom.
Rồi, như nước vỡ bờ tràn xuống từ đập cao, khoảng 85 ngàn tay súng Trung quốc
được xe thiết giáp yểm trợ ùa qua Việt Nam bằng hai mươi sáu điểm dọc theo biên
giới. Với chiến thuật biển người cố hữu đã dùng trong chiến tranh Triều Tiên
trước kia, làn sóng binh lính đã đánh bật dân quân du kích và bộ đội biên phòng
Việt Nam trú đóng trên các đỉnh đồi và những vách đá dựng đứng.
Khi Huy Đức trở lại thăm cũng vào tháng Hai.
Chiến trường cũng mịt mù trong sương núi. Bên cạnh những cây đào cổ thụ
trước cổng đồn biên phòng Lũng Cú vẫn chưa có đủ hơi ấm để đâm hoa, anh đã gặp
những người dân như vợ chồng cụ già Nguyễn Văn Quế, 82 tuổi để nghe kể lại cái
chết 30 năm trước của con trai mình khi Trung Quốc nổ súng trên toàn tuyến biên
giới Việt Nam, đánh chiếm từ Phong Thổ, Lai Châu, tới địa đầu Móng Cái. Huy Đức
ghi nhận: “Lào Cai, Sapa, Đồng Đăng, Lạng Sơn… bị phá tan hoang. Tại Cao Bằng,
quân Trung Quốc phá sạch sẽ từng ngôi nhà, từng công trình, ốp mìn cho nổ tung
từng cột điện. Nếu như, ở Bát Xát, Lao Cai, hàng trăm phụ nữ trẻ em bị hãm
hiếp, bị giết một cách dã man ngay trong ngày đầu tiên quân Trung Quốc tiến
sang. Thì, tại thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, huyện Hòa An, Cao Bằng, trong ngày
9-3, trước khi rút lui, quân Trung Quốc đã giết 43 người, gồm 21 phụ nữ, 20 trẻ
em, trong đó có 7 phụ nữ đang mang thai. Tất cả đều bị giết bằng dao như Pol
Pốt. Mười người bị ném xuống giếng, hơn 30 người khác, xác bị chặt ra nhiều
khúc, vứt hai bên bờ suối.”
Lần mò lên tới vùng rừng núi thuộc huyện biên
giới Vị Xuyên của tỉnh Hà Giang, ký giả Huy Đức đã gặp được ông Nguyễn Thanh
Loan, người trông giữ nghĩa trang của huyện. Nghĩa trang có 1.680 ngôi mộ thì
1.600 mộ đã là của bộ đội Việt Nam chết vì súng đạn của Trung quốc, vào thời
điểm mà cứ nửa đêm về sáng, xe quân sự lại chở xác về, từng túi xếp chồng lên
nhau. Trở lại Tổng Chúp, nhà báo đã phải nhờ người địa phương dẫn đường tới cái
giếng nơi quân Trung Quốc dùng búa và dao chặt 43 phụ nữ và trẻ em Việt Nam hôm
9/03/1979, rồi quăng xuống giếng. Cái giếng bây giờ nằm lọt trong một mảnh vườn
riêng của dân, không có lối vào, phải nhờ thanh niên cùng đi chặt bớt cành tre
để nhà báo chụp hình ghi lại sự kiện nay đã chìm trong gai tre và lau lách. Bài
phóng sự “Biên giới Tháng Hai” đăng
lên trang mạng báo Sài Gòn Tiếp Thị đã bị nhà nước rút xuống ngay trong cùng
buổi sáng đã trở thành một nghi vấn trong tâm tư người viết.
Chỉ đạo không công cho Thủ tướng
Đúng nửa năm sau, hôm 25/08/2009, đảng cộng
sản Việt Nam bất bình vì bài viết của Huy Đức đăng trên Sài Gòn Tiếp Thị
ca ngợi sự sụp đổ Bức tường Bá Linh, gọi đấy là bức tường ô nhục, và chỉ trích
các nhà cựu lãnh đạo Xô Viết đã dẫn dắt nhân dân Đông Âu đi vào vũng lầy trầm
luân trong nhiều năm. Sau khi mất việc, Huy Đức viết rằng trong 21 năm làm báo,
anh đã từng bị mất việc nhiều lần, anh không có ý định chia tay với nghề báo,
nhưng đây là thời gian thích hợp để anh viết lại một vài chương sách, làm một
vài việc mà anh cảm thấy như là món nợ với một người đã khuất.
Thêm hai năm nữa trôi qua, đầu tháng 8/2011,
người ta đọc thấy trên mạng bài của Huy Đức chê Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng
tới nhiệm kỳ thứ hai mà cũng không kiếm được người viết diễn văn đủ trình độ,
làm lời lẽ của nguyên thủ chẳng khác gì ngôn ngữ của một chuyên viên cấp vụ.
Ngoài ra, Huy Đức nhận xét rằng “Cái mà một bậc nguyên thủ quốc gia mưu cầu
phải là lưu danh chứ không phải là tiền bạc. Tất nhiên, để được lịch sử ghi
nhận công lao thì khó hơn chia phần trăm và nhận bao thơ. Trong cái chính thể
do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, Nguyễn Tấn Dũng là vị Thủ tướng có nhiều
quyền lực nhất. Thật khó để nói về đóng góp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong
nhiệm kỳ đầu nhất là về mặt chính sách.”
Sợ ông Dũng chậm tiêu, anh nhà báo phải đứng
ra làm nhà giáo, để bày vẽ cho học trò mình: “Có rất nhiều điều chúng ta
muốn làm cho đất nước nhưng chúng ta không có quyền. Có rất nhiều điều có thể
ông Dũng cũng muốn làm, nhưng thế và lực cũng không cho phép. Với năng lực của
cá nhân Thủ tướng và đội ngũ cố vấn hiện thời, Chính phủ chưa nên ban hành
chính sách gì mới. Việc đầu tiên, trong phạm vi quyền Hiến định của mình, Chính
phủ nên sắp xếp lại các cơ quan chính phủ theo hướng tách bạch chức năng hành
pháp chính trị và hành chính công vụ.”
Ở Mỹ hay ở bên Tây, nói như vừa nói thì được
xem là xây dựng, là sử dụng quyền tự do ngôn luận, là dân chủ. Trong một quốc
gia cộng sản, nói như thế không những là phản động, mà còn phạm thượng. Huy Đức
không chỉ coi thường Nguyễn Tấn Dũng. Huy Đức cũng chẳng thèm úy kỵ những bậc
thánh và thần của chế độ Hà Nội. Ví dụ, đến cả cố tổng bí thư Lê Duẩn cũng được
anh nhà báo chiêu hồn, gọi tên đích danh: “ông Lê Duẩn cho rằng tinh thần
của Hiến pháp 1980 phải dựa trên ba yếu tố: làm chủ tập thể, chuyên chính vô
sản và sở hữu toàn dân. Cả chuyên chính vô sản và làm chủ tập thể đã gãy và cái
kiềng ba chân ấy chỉ còn cái chân sở hữu toàn dân cà nhắc.”
Vì đảng cộng sản Việt Nam và chính quyền Hà
Nội không nhớ hay không biết thế nào là sĩ diện, hay vì nghĩ rằng Nguyễn Tấn
Dũng là người mù còn có thể dắt đường được, Huy Đức làm cố vấn không công: “Việc
các chính quyền địa phương bị thao túng bởi các doanh nghiệp, tiếp tay cho họ
cướp đất, đang là mầm mống của những vụ gây bất ổn về chính trị. Có lẽ chính
quyền cũng nên biết xấu hổ khi người dân ở các vùng đất chống Mỹ như Bến Tre,
Long An… giờ đây khi bị mất đất thay vì cậy đến chính quyền mà họ đã đổ máu để
lập nên đã phải khăn gói đến cầu xin trợ giúp trước các cơ quan ngoại giao của
Mỹ. Việt Nam, xét về bản chất, không còn là một quốc gia cộng sản mà chỉ là quốc
gia độc đảng. Ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam bắt đầu chấp nhận kinh tế
nhiều thành phần, chưa bao giờ khu vực kinh tế quốc doanh được coi là một khu
vực kinh doanh hiệu quả. Không thể có cái gọi là chủ nghĩa xã hội như đức tin
của một số người nếu những anh nắm nhiều nhất tài nguyên và vốn liếng quốc gia
lại làm ra tiền ít nhất. Một nội các mà một số thành viên của nó đã phải chi
phí rất nhiều để ngồi vào không thể sẵn sàng chia tay với quyền cấp từng tờ
giấy phép. Đối với một dòng họ có một người ngồi trên ghế Thủ tướng tới hai
nhiệm kỳ thì điều đáng tự hào là những gì người đó đã làm chứ không phải là
lượng đất đai, cổ phiếu mà các thành viên trong gia đình nắm được.”
Khen
Cứ tưởng anh nhà báo bị treo niêu nên dọa
viết sách. Không ngờ anh chàng nói sao thì làm vậy. Nói về đứa con tinh thần
của mình, Huy Đức giải thích: “Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ kể lại những
gì đã xảy ra ở Sài Gòn, ở Việt Nam sau ngày 30/4: cải tạo, đánh tư sản, đổi
tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970,
một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn
sóng vượt biên sau năm 1975, và về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu
chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.”
Nếu cựu đại tá Bùi Tín thu thập nhiều nhưng
chỉ bật mí chẳng bao nhiêu các bí mật mà ông ấy biết qua Bộ Mặt Che Giấu của
Chế Độ (ấn bản tháng 11/1999 của nhà phát hành Kergour) do người thân thích
của ông còn đang sống bên trong “nhà tù lớn” Việt Nam (chữ của tác giả trong Bên
Thắng Cuộc), Huy Đức không thèm đếm xỉa tới những trò độc địa của bộ máy
công an cộng sản, để nói bật ra nhiều lần hơn chuyện thâm cung bí sử của chính
quyền Hà Nội, làm người đọc khó lòng tách bạch đấy là cuốn ký sự hay một bản
cáo trạng về tội ác và sai phạm của đảng Cộng sản trong hành trình đưa cả dân
tộc tới chỗ lầm than. Huy Đức cho biết anh thu thập chất liệu cho cuốn sách
trong hơn hai mươi năm. Trong vòng ba năm, từ tháng 8-2009 khi mất việc ở Sài
Gòn Tiếp Thị đến tháng 8/2012 vừa qua, tác giả đã viết full-time. Viết
xong, anh gửi bản thảo đến một số nhà xuất bản trong nước, và, dĩ nhiên, đã bị
từ chối. Một số nhà xuất bản tiếng Việt ở Mỹ và Pháp muốn in, nhưng tác giả
quyết định tự mình xuất bản cuốn sách để lãnh trách nhiệm cá nhân và giữ vị trí
khách quan cho cuốn sách.
Bộ sách Bên Thắng Cuộc của Huy Đức
chia làm 2 cuốn: Giải phóng và Quyền Bính.
Mở trang “Mục lục” của cuốn một, Giải
Phóng, người đọc thấy ngay khối lượng đề tài đồ sộ mà tác giả trình bày với
người đọc. Sau Mấy lời của tác giả và Lời cảm ơn, Huy Đức sắp xếp
cuốn một thành 2 phần. Phần 1 viết về Miền Nam với các chương 1
về ngày 30 tháng Tư với các tiêu đề Đi từ bưng biền, Xuân Lộc, Tướng Big
Minh, Trại Davis, Nguyễn Hữu Hạnh, Sài Gòn trong vòng vây, Xe tăng 390, Đầu
hàng, Tuẫn tiết; chương 2 về cải tạo với các tiêu đề Những ngày
đầu, “Ngụy Quyền”, “Ngụy Quân”, “Đoàn tụ”, “Phản động”, Tù và cải tạo, “Thăm Nuôi”, “Học Tập” [các ngoặc kép đóng mở do chính
Huy Đức với ngụ ý mỉa mai]; chương 3 về chuyện đánh tư sản với các tiêu
đề “Chiến dịch X-2”, Đổi tiền, “Gian thương”, “Cải tạo công thương nghiệp tư doanh”, Hai gia
đình tư sản, Kinh tế mới; chương 4 về nạn kiều với các tiêu đề Đội
quân thứ năm, Hiệp định Geneva, “Chổi ngắn không quét xa”, Hoàng Sa, Sợ “con
ngựa thành Troy”, “Nạn Kiều”, “Phương án II”, “Ban 69”, Vụ Cát Lái; chương 5 về
chiến tranh với các tiêu đề Biên giới Tây Nam, Pol Pot, Đi dây, Khmer Đỏ và
Campuchia dân chủ, “Kẻ Thù Lịch Sử”, Thất bại trong tấn công ngăn
chặn (Pre-emptive War), “Nhất Biên Đảo”, “Áo lính lại khoác vào ngay”; chương 6 về
vượt biên với các tiêu đề “Vượt biên”, Từ “trí thức yêu nước”, Đến “thường
dân”, Trước khi tới biển, Đường tới các trại tị nạn; chương 7 về
“giải phóng” [trong ngoặc kép] với các tiêu đề Sài Gòn thay đổi, Kinh tế
mới, Đốt sách, Cạo râu, “Cách mạng là đảo lộn”, Lòng người, Những người
được sinh ra không đúng cửa, “Cánh cửa” Thanh niên Xung phong, “Nổi loạn”, “Sài Gòn lại bắt đầu ghẻ lở”. Phần 2 mang
tên Thời Lê Duẩn với các chương 8 về thống nhất với các tiêu đề Nước
Việt Nam là một, “Bắc hóa”, Chủ nghĩa xã hội, “Con đường của Bác”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, Lê Duẩn và mối
tình miền Nam, Chấp chính và chuyên chính; chương 9 về xé rào với
các tiêu đề Bế tắc, Mậu dịch quốc doanh, Máy bỏ không công nhân cuốc ruộng,
Tháo gỡ, Nghị quyết Trung ương 6, Bù giá vào lương, Cắm cờ xé rào, Khoán chui,
Ông Kiệt xé rào ông Linh lãnh đạn, “Ai thắng ai”; chương 10 về đổi mới
với các tiêu đề Hội nghị Đà Lạt, Nhóm giúp việc mới, Người của những khúc
quanh lịch sử, Từ chính sách Kinh Tế Mới, Đến chọc thủng thành trì bao cấp,
Giá-Lương-Tiền, Nã pháo vào bộ tổng, Khép lại trang sử Lê Duẩn, Vai trò của
Mikhail Gorbachev, Tuyên ngôn đổi mới, Bàn tay Lê Đức Thọ, Phút 89; chương
11 về Campuchia với các tiêu đề “Pot ở đầu phum ta cuối phum”, “Xuất khẩu cách mạng”, Tư tưởng nước lớn, Bị cô
lập, Phương Bắc, Hội nghị Thành Đô, Campuchia thời hậu Việt Nam. Sau cùng
là Phụ lục 1 về sự thật lịch sử về xe tăng số 390 và xe tăng số 384, Phụ
lục 2 về Tướng Big Minh sau 1975, về sơ yếu lý lịch tác giả, và bảng danh
mục sách tham khảo.
Vì bộ sách bao gồm quá nhiều vấn đề mà tác
giả bắt gặp, thao thức, rồi chắt chiu lại trên cả ngàn trang giấy, chúng tôi
chỉ xin tường thuật sơ lược những đoạn chở chất lý luận gay cấn, những vấn đề
tanh tởm của chế độ, hay những phát hiện bất ngờ của anh trong cương vị may mắn
được tiếp xúc với những nhân vật cao cấp mà ngôn ngữ miền Bắc gọi chung là “trên”
– những bậc thánh và thần của chế độ.
30 Tháng Tư
30 tháng Tư là ngày mà tất cả “bộ đội cụ Hồ”
– từ lính lác lên tới tướng tá – xưng tụng bằng tên “ngày đại thắng”,
ngày nhà báo Pháp Olivier Todd chọn chữ Cruel Avril (Tháng Tư Tàn
Ác) để đặt tên cho tác phẩm của mình khi giao cho nhà xuất bản Robert Laffront
ở Paris in vào năm 1987, và tiến sĩ George Veith gọi cuốn sách của ông là Black
April (Tháng Tư Hắc Ám). Riêng Huy Đức – thằng bé Trương Huy San 13 tuổi
vào thời điểm lịch sử ấy – nhập ngũ vào lúc Trung quốc đánh Việt Nam, được
chính phủ dành ra 3 năm để huấn luyện thành sĩ quan hóa học và sử dụng 4 năm kế
tiếp trong cương vị chuyên gia quân sự ở chiến trường Campuchia, đã mòn răng
với cơm của bác và đảng, để phát giác ra rằng “ngày 30/04/1975 – ngày nhiều
người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại
suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là
miền Bắc.”
Nếu Bộ Chính trị Trung ương đảng Cộng sản
Việt Nam có chất vấn, thì câu trả lời đã nằm rải rác ở nhiều nơi trong sách. Ví
dụ như, theo lời Huy Đức, trước 30/04/1975, tại Sài Gòn có 735 đảng viên tại
chỗ, nhưng đến cuối tháng 5/1975, đúng một tháng sau, số đảng viên đã nhanh
chóng tăng lên đến 6.553 người. Ông Võ Văn Kiệt thừa nhận: không ai trong số
những người tiếp quản Sài Gòn năm 1975 có kiến thức về quản lý nhà nước. Hoặc
như, trong chiến dịch cải tạo công thương nghiệp, chính phủ đã trưng mua và
mua, trưng thu và tịch thu hầu hết phương tiện vận tải của tư nhân, nói là mua
và trưng mua, nhưng thực chất, giá xe do Nhà nước định trên thực tế chỉ tương
đương với 1% giá thật. Đã vậy, công ty chỉ mua chịu trả dần, mỗi lần một ít. Có
người đến khi không còn ở công ty, hoặc đã chết vẫn chưa được trả hết. Mà dù có
được trả hết thì khoản tiền đó cũng không đủ mua chiếc xích lô.
Bằng chiến dịch cướp cạn qua hình thức kinh
tế quốc doanh và công tư hợp doanh có tên “cải tạo” nầy, theo Huy Đức, nhà nước
thủ đắc 100% ngành năng lượng, 45% ngành cơ khí, 45% ngành xay xát lương thực,
100% ngành bia, nước ngọt, bột ngọt, thuốc lá, 45% trong các ngành chế biến
đường, dầu thực vật, 60% ngành dệt, 100% ngành sản xuất giấy, 80% ngành sản
xuất bột giặt, xà phòng. Thương nghiệp quốc doanh nắm 80% nguồn hàng công
nghiệp và 92% số xã trên toàn miền Nam có hợp tác xã mua bán. Tác giả viết: “Chính
quyền tin rằng: ‘Ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa là cơ quan hậu cần của
toàn dân, là người nội trợ của toàn xã hội’. Chẳng bao lâu sau, niềm tin này sẽ
nhanh chóng tan thành mây khói.”
“Đi ngoài ra nước”
Mặc dù bị chế diễu bằng cụm từ “đi ngoài
ra nước”, chủ trương cho dân “đi ra nước ngoài” đã là một trong những chính
sách lớn, có liên quan đến sinh mạng cả triệu người, được nhà nước thí mạng để
kiếm vàng. Ngày 20/03/1981, đảng Cộng sản thành lập “Ban 69” để gánh vác chủ
trương cho người Hoa đi nước ngoài để lấy vàng (Chiến dịch PA2, tức Phương Án
2), việc buôn bán lậu với tàu nước ngoài của một số tỉnh và việc bắt giữ vượt
biên trái phép.
“Theo chỉ đạo của Bộ Nội vụ thì các tỉnh được
phép tổ chức thực hiện PA2 ngay từ đầu gồm có: Quảng Nam-Đà Nẵng, Nghĩa Bình,
Phú Khánh, Thuận Hải, Đồng Nai, Bến Tre, Kiên Giang, TP. Hồ Chí Minh, Tiền
Giang, Minh Hải; các tỉnh không được phép làm nhưng sau đó xin làm: Sông Bé, An
Giang, Hậu Giang, Cửu Long, Long An.” Sau
đợt 1 với tai nạn thương tâm xẩy ra, vào tháng 12/1978 có lệnh ngưng cho người
Hoa ra đi. Nhưng qua tháng 4/1979 chính phủ cho tiếp tục đi đến hết tháng
5/1979. Một số nơi xin phép cho đi 13 ngàn người nhưng sau khi 70 – 80 ngàn
người đi mà vẫn còn đọng lại hàng vạn người khác. Là một chủ trương liên quan
đến mạng sống của người dân, Ban 69 báo cáo: “Là một công việc hệ trọng có
quan hệ đến chính sách đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước, nhưng Ban Bí
thư trung ương Đảng không có một văn bản nào về lãnh đạo và chỉ đạo các cấp ủy
Đảng lãnh đạo và thực hiện PA2 này, các cấp ủy Đảng ở địa phương rất lúng
túng.”
Ban 69 cũng đưa ra khác biệt rất lớn giữa báo
cáo của Bộ Nội vụ và thực tế do PA2 thực hiện. Trong khi báo cáo của Bộ nội vụ
ghi nhận từ tháng 8/1978 đến 6/1979, mười lăm tỉnh, thành đã chỉ cho người Hoa
xuất ngoại 156 chuyến tàu thuyền với số người là 59.329 người, thu vào 5.612 kg
vàng, 50.000.000 đồng Việt Nam, 57.000 đô la Mỹ, 235 xe hơi các loại, 1.749 nhà
và gian nhà – thì Ban 69 thống kê con số thực tế đã cho đi gồm 533 chuyến tàu,
134.322 đầu người, thu vào 16,181 tấn vàng, 164.505 đô la, 34.548.138 đồng VN,
538 xe hơi các loại, và 4.145 căn nhà. Chính Ban 69 cũng không thể lấy thúng úp
voi: “Nhiều tỉnh cho người đi nước ngoài, khi họ xuống tàu rồi tổ chức bắt
thu tài sản (Bến Tre, Quảng Nam-Đà Nẵng). Nhiều tỉnh cho đi sau khi có lệnh cấm
tháng 5-79 (Minh Hải, Đồng Nai, Bến Tre, Cửu Long, Nghĩa Bình, Phú Khánh, Long
An, Sông Bé) do nặng vì lợi ích chính trị và kinh tế của địa phương… Về chủ
quan do ta quản lý không chặt chẽ về tư tưởng và do cán bộ hư hỏng. Một số cán
bộ công an, cán bộ các ngành có liên quan đến PA2 có sai phạm. Trong lực lượng
vũ trang ở mười bốn tỉnh đã có 105 sĩ quan từ thượng tá đến chuẩn úy vi phạm.
Bộ Nội vụ quy định chế độ, nguyên tắc, quyền hạn không chặt chẽ, làm cho một số
cán bộ tham ô, hối lộ, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, làm quỹ riêng địa
phương, buôn bán với nước ngoài, gây thất thoát lớn. Tính hết các khoản trên
đây thì chỉ số thất thoát cũng gần bằng số thu được. Con số thất thoát lớn chưa
từng thấy… Là công cụ sắc bén của Đảng, của lực lượng chuyên chính vô sản,
nhưng tính tổ chức kỷ luật của cán bộ công an làm PA2 rất yếu: cấp dưới không báo
cáo đầy đủ lên cấp trên; báo cáo gian dối… Một số cán bộ chủ chốt ở các ty công
an sai phạm, cán bộ và lực lượng ngành một số hư hỏng, thoái hóa, tham ô tập
thể khá rõ, có nhiều dư luận xấu, nội bộ nghi ngờ nhau. Công an đốt xé, sửa đổi
sách vì gian dối số tàu, người, vàng, tiền: Hậu Giang, Kiên Giang, Minh Hải,
Bến Tre, Nghĩa Bình, Đồng Nai, Phú Khánh, Thuận Hải, Quảng Nam-Đà Nẵng. Dùng
nghiệp vụ để đối phó với kiểm tra: bắt một số người để bịt đầu mối như Kiên
Giang, Minh Hải. Có nhiều trường hợp giữ tiền PA2 làm của riêng. Nghiêm trọng
hơn, phòng bảo vệ chính trị Ty Công an tỉnh An Giang đã cấp biển xe, chứng nhận
họ là nhân viên nhà nước, làm giấy ký hợp đồng với họ về việc tổ chức để cho
người Hoa đi lại hoạt động.”
Tóm
lại, trong việc buôn bán sự sống con người cho sóng nước, các chính quyền địa
phương gây thất thu tài chính như: Hậu Giang 4.866 lượng, Minh Hải 48.195
lượng, Bến Tre 3.789 lượng, Cửu Long 27.000 lượng, Nghĩa Bình 27.000 lượng, Phú
Khánh 10.987 lượng, Thuận Hải 1.220 lượng, An Giang 1.445 lượng, chưa kể một số
cơ quan cấp tỉnh lập quỹ đen trái phép.
Về khía cạnh đạo đức và nhân đạo của nhà
nước, Huy Đức kể rằng do kiểm tra không chặt chẽ về công tác bảo đảm an toàn,
đã có chín tàu bị tai nạn làm chết 902 người: Đồng Nai, một tàu; Bến Tre, một
tàu, chết năm mươi bốn người; Sông Bé, một tàu hư, tàu Liên Xô kéo vào; Tiền
Giang, ba tàu, chết 504 người; Long An, một tàu, chết ba mươi tám người; TpHCM,
một tàu, chết 227 người; Nghĩa Bình, một tàu, chết bảy mươi tám người. Vụ chìm
tàu PA2 chết hàng trăm người ở Thành phố xảy ra vào giữa năm 1979, gần bến phà
Cát Lái, Thủ Đức, nhưng gần như rất ít người sống ở Sài Gòn vào thời bấy giờ
nghe nói tới câu chuyện đau lòng này. Đại tá Phạm Ngọc Thế, khi ấy là phó Phòng
Hậu cần Công an Thành phố, người đảm trách việc tìm xác và chôn cất các nạn
nhân, kể:
“Hôm ấy là ngày thứ 7, đúng giờ G, chủ tàu
bắc loa kêu những người đã có danh sách ra đi xuống tàu. Đêm hôm trước họ đã bí
mật tập kết ở xung quanh đó, công an canh phòng cẩn mật cho họ ở vòng ngoài. Vì
ai cũng sốt ruột chờ đón giây phút ấy nên hàng trăm người tranh nhau xuống tàu
rất nhanh. Tàu có ba tầng, những người mua chỗ ở tầng dưới, rẻ hơn, khi tàu
chưa chạy thấy ngột ngạt quá leo lên, ngồi cả trên mui, khiến cho con tàu chòng
chành. Càng chòng chành, họ lại càng chạy qua, chạy lại, khiến cho tàu nghiêng
hẳn và nhanh chóng bị chìm. Ông Thế nói, nếu con tàu ấy không chìm tại bến thì
khi ra khơi nó cũng sẽ không chịu nổi vì nó vốn chỉ là một chiếc tàu kéo. Khi
ấy Thành ủy phải điều hai cần cẩu sáu mươi tấn từ Vũng Tàu vô để kéo rị rị từng
chút. Cũng phải tới ngày thứ ba thì mới đưa tàu lên được.” Theo Đại tá Thế: “có khoảng hơn bốn mươi người sống
sót. Cứ mỗi cái xác được đưa ra, chúng tôi chỉ dám để hai mươi phút để bộ phận
nghiệp vụ lấy dấu tay rồi chuyển qua ngay cho bộ phận mai táng, vì đã bắt đầu
nặng mùi. Cứ hàng chục xác một được xếp lên xe, phủ bạt, rồi chạy từ Cát Lái về
mai táng ở khu đất cách đấy chừng ba cây số. Những người sống sót cũng cứ như
mất hồn vì chứng kiến xác người thân của mình đang trương lên, phải khó khăn
lắm mới đưa ra được khỏi con tàu đã chìm ba, bốn ngày dưới nước.”
Người Việt chỉ nghe tới chuyện “Nạn kiều” của
người Hoa ở Việt Nam, nhưng khó có đủ điều kiện để nắm vững chi tiết. Riêng
trong cương vị nhà báo, Huy Đức có cơ hội nhận thấy: “Trong lịch sử di dân
của loài người, cuộc di dân cưỡng bức của người Hoa năm 1978 ở Quảng Ninh có lẽ
là một trong những chương bi thương nhất. Nhiều người Hoa đã đến đây từ nhiều
đời, đã chọn Việt Nam làm quê hương; nhiều người không nói tiếng Hoa, không hề
nhớ gốc gác mình từ đâu. Tất cả đều bị khép vào thành phần phải trở về Trung
Quốc. Bị ép quá, một phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Tỉnh, ông Voong Hổi, đã tự
sát bằng cách tự mổ bụng. Ở xã Hà An, huyện Yên Hưng, có một gia đình, chồng là
Trần Vĩnh Ngọc, hiệu trưởng một trường phổ thông, vợ là Chu Thị Họa. Chị Họa
quê ở Thái Bình, là người Việt Nam. Anh Ngọc sinh ở Việt Nam, có mẹ là người
Việt, cha là người Hoa, nhưng ông chết từ khi anh còn nhỏ. Trần Vĩnh Ngọc được
xếp vào diện người Hoa. Theo ông Vũ Cẩm: ‘Bị công an yêu cầu phải trở về Trung
Quốc, Ngọc tới gặp tôi xin ở lại vì nó có biết quê quán ở đâu đâu, tiếng Hoa
cũng không biết. Tôi gặp Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Tâm báo cáo. Ông Tâm lạnh
lùng bảo tôi đừng can thiệp vào, để cho công an người ta làm. Bế tắc, Ngọc về
bắt ba đứa con quàng khăn đỏ đội viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, buộc
nằm lên giường rồi lấy chăn bông đè lên cho tới chết. Xong, anh ta lấy búa đập
vỡ đầu vợ rồi lấy dao tự đâm vào tim mình.’”
Trước tội ác dây chuyền của đảng viên như
thế, đảng Cộng sản bèn chủ trương tự tha bỗng cho mình: “Nếu cứ có sai phạm
là kỷ luật thì các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, các cấp ủy ở Miền Nam phải chịu.
Nếu việc xử lí kỷ luật nhiều cấp ủy, nhiều đồng chí chủ chốt ở các Đảng bộ Miền
Nam thì trong lịch sử Đảng ta sẽ để lại một ấn tượng cho thế hệ mai sau. Vì vậy
việc xử lý kỷ luật trong thực hiện PA2 cần được cân nhắc theo tính chất đặc
biệt của nó”. Thế là huề tiền.
Đổi tiền
Đổi tiền là chuyện dài cướp cạn 3 hồi xảy ra
ở Việt Nam, sau 1975, ai cũng biết. Hồi 1, lấy lý do “để tước đoạt bớt
phương tiện hoạt động của bọn gián điệp, tình báo, với nhận thức tiền là phương
tiện hoạt động của bọn gián điệp, tình báo”, Chính phủ Cách mạng Lâm thời
Cộng hoà Miền Nam Việt Nam bằng Chiến dịch X3 ra lệnh trong thời gian hạn định
từ 8 giờ sáng đến 11 giờ tối ngày 22/09/1975, mỗi hộ gia đình từ đèo Hải Vân
trở vào Nam bất kể bao nhiêu đầu người được đổi tối đa 100.000 đồng tiền “Chánh
quyền Sài Gòn cũ” với tỷ giá 500 đồng tiền VNCH đổi được một đồng bạc cộng sản
(tối đa 200 đồng mới); cán bộ nhà nước được đổi mỗi người 15.000đ (30đ mới);
mỗi hộ kinh doanh tiểu công nghệ, thương nghiệp, vận tải được đổi 100.000đ; mỗi
tổ chức kinh doanh lớn được đổi từ 100.000 đến 500.000đ; và mỗi khách vãng lai
được đổi 20.000đ, tiền còn dư phải nộp cho ban đổi tiền, lấy biên nhận về địa
phương giải quyết. Cũng trong ngày nầy, từ lãnh thổ Bình Trị Thiên trở ra Bắc,
1 đồng miền Bắc được đổi thành 0,8 đồng tiền mới của miền Nam. Huy Đức viết
trong cuốn 1 Bên Thắng Cuộc rằng “Nhiều người, nhiều gia đình quá uất
ức vì tài sản bị cướp một cách trắng trợn nên đã tự tử.” Vừa đổi xong, dân
chưa hòan hồn, ngày 3/05/1978 nhà cầm quyền lại đổi tiền thêm lần nữa: 1 đồng
tiền miền Bắc đổi thành 1 đồng tiền mới, còn ở miền Nam thì 1 đồng giải phóng
(đã đổi ngày 22/09/1975 trước kia) rớt giá xuống còn 8 hào tiền mới. Mỗi đầu
người chỉ đổi được 100 đồng tiền mới, hộ có trên 3 người, người thứ ba trở đi
chỉ được đổi tối đa 50đ và bất kể hộ ấy đông tới bao nhiêu người, cả gia đình
chỉ được đổi tối đa 500đ. Hộ dân quê chỉ được đổi bằng nửa hộ thị thành, tiền
dư phải ký gởi cho ngân hàng, khi cần dùng có thể rút ra với điều kiện chứng
minh được số tiền đó do sức lao động của mình làm ra chứ không phải hưởng lợi
từ sức lao động của người khác. Lần đổi tiền nầy được nhà nước lấy lý do thống
nhất tiền tệ cả nước, nhưng Huy Đức cho hay đồng tiền đổi lần trước vào ngày
22/09/1975 là tiền thuộc lô “Hàng 65” do Trung Quốc in giúp, rồi bị giữ bản kẽm
lại, Việt Nam xin mấy lần không được, nên lần nầy Việt Nam bắt đổi lấy một loại
tiền mới được in từ Tiệp Khắc. Hồi thứ ba tiến hành vào ngày 14/09/1985 theo
mức 10 đồng tiền hiện hành bỗng rớt xuống thành 1 đồng tiền mới. Trước 1975,
chính quyền cộng sản đã từng đổi tiền 3 lần sau khi cướp được chính quyền tại miền
Bắc. Lần thứ nhất: ngày 15/05/1947, bằng sắc lệnh 48, nhà nước đổi 1 đồng bạc
Đông Dương lấy 1 đồng bạc “Tài chính”. Lần thứ hai, với sắc lệnh số 15 do chính
Hồ Chí Minh ký, dân miền Bắc phải đổi 10đ tiền Tài chính ăn 1 đồng tiền ngân
hàng; cuộc đổi tiền nầy chỉ kết thúc sau 20 tháng, dài nhất trong lịch sử đổi
tiền của Việt Nam và khôi hài nhất trong lịch sử tiền tệ thế giới. Lần thứ ba,
vào tháng 2/1959, chính phủ bắt dân đổi tiền nữa, với tỷ lệ 1.000đ đổi lấy 1đ
tiền mới. Huy Đức ghi xuống trang sách của mình: “Người dân miền Nam từng
nghe những ‘luận điệu’ như Việt Cộng về thì sẽ lấy kìm rút móng những ai sơn
móng tay, bắt đàn bà con gái lấy thương binh. Ít ai lường được sẽ có những mũi
kìm êm ái hơn như… đổi tiền.”
Về Hoàng Sa và Trường Sa
Huy Đức đã dành một phần của cuốn sách để
phân tích về chủ quyền Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Sau
khi rõ rệt ghi chiến công đẫm máu của Hải quân Việt Nam Cộng hòa trong trận hải
chiến với Trung cộng năm 1974 để bảo vệ lãnh thổ, anh nhắc lại việc “bán
nước” của Phạm Văn Đồng khi xác nhận hai quần đảo Tây Sa và Nam Sa thuộc
lãnh thổ Trung Quốc. Huy
Đức trích lời Trần Việt Phương (một thư ký trong đoàn đàm phán Hiệp định Geneva
của Việt Nam) làm chứng rằng “Phạm Văn Đồng có bàn bạc với Hồ Chí Minh và
vấn đề còn được đưa ra bàn ở ‘cấp cao nhất’”. Như thế, hành động dâng hiến
Hoàng Sa và Trường Sa là tội của toàn đảng Cộng Sản VN từ chủ tịch HCM trở
xuống, chứ không riêng Phạm Văn Đồng – ông thủ tướng của một quốc gia từng thừa
nhận “khi Chu Ân Lai nói sông Bến Hải sẽ được lấy làm giới tuyến, ông Phạm
Văn Đồng không biết là Việt Nam có con sông ấy.” Từ quan điểm lịch
sử ấy, Huy Đức tuyên bố “Về thực chất, không thể coi những tài liệu ấy có đủ
giá trị pháp lý để công nhận chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Trường
Sa và Hoàng Sa. Trước ngày 30/04/1975, miền Bắc không có thẩm quyền để nói về
Hoàng Sa và Trường Sa, bấy giờ đang là phần lãnh thổ hợp pháp của Việt Nam Cộng
Hòa, một quốc gia đang hiện diện ở Liên Hiệp Quốc.”
Ai phải ra đi?
Có thể nói mặt tích cực và điểm son của cuốn
1 bộ Bên Thắng Cuộc là những đoạn xoáy vào thực tế bầm dập mà đảng Cộng
sản lèo lái đất nước lên xã hội chủ nghĩa. Ở một trong những lúc gay cấn vì
phải trực diện với sự thật, thay vì màu mè đẽo gọt hay nguỵ trang, Huy Đức
viết: “Bên ngoài thì giặc dã, bên trong thì bức bối, đói kém, không khí càng
trở nên ngột ngạt, nhất là từ giữa năm 1978. Lượng người bỏ nước ra đi càng lúc
càng tăng, cỗ xe như đang lao xuống dốc mà không ai nhìn thấy chân phanh ở đâu.
Ông Võ Văn Kiệt quyết định gặp gỡ giới trí thức Thành phố. Với hy vọng có được
sự chia sẻ từ những người Sài Gòn vốn được coi là có cảm tình với ‘Cách mạng’,
ông Kiệt đã nói khá chân thành: ‘Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa,
nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường’. Cả hội
trường im lặng. Rồi, giáo sư Nguyễn Trọng Văn đứng lên: ‘Chúng tôi sẵn sàng ở
lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người
nên ra đi phải là các anh’”. Phần thiếu sót mà Huy Đức không viết ra là,
sau khi đã dìm đất nước xuống bùn, chẳng có anh Việt Cộng nào ra đi cả. Nếu họ
đi, còn băng đảng nào trụ lại để diễn tuồng hài chuyên chính vô sản?
Chuyện “học tập”, chuyện thăm nuôi
Nói về “đạo đức cách mạng” của cán bộ
quản giáo trong hàng ngũ thắng cuộc, Huy Đức viết “những người trực tiếp
giáo dục lại các ‘ngụy quân và ngụy quyền’ là những người lớn lên trong một xã
hội hoàn toàn khép kín. Những giai thoại nói mấy chú bộ đội ngày mới vô, thấy
Sài Gòn giàu có, đã giữ tư thế cho miền Bắc xã hội chủ nghĩa bằng cách khoe:
‘Ngoài đó, ti vi tủ lạnh chạy đầy đường’, không chỉ là những chuyện kể khôi
hài. Chuyện bộ đội tiếp quản biệt thự, cao ốc, nhìn thấy cái bồn cầu sứ trắng
tinh tưởng là bồn rửa rau, cho rau vào, giật nước, thấy rau trôi mất bèn kêu:
‘Bọn tư bản nó gài bẫy’ cũng không hẳn là tiếu lâm chính trị. Hầu hết bộ đội
miền Bắc đều ra đi từ những làng quê nghèo đói. Họ được dạy rằng người dân miền
Nam đang phải rên xiết, lầm than; nhiều thanh niên miền Bắc trong ngày
30/04/1975 còn ước ao được nhanh chóng vào Nam để giáo dục những thanh niên lầm
đường lạc lối. Không ít quản giáo khi tiếp xúc với những sỹ quan được đào tạo
chính quy của miền Nam đã nhận ra sức hiểu biết của mình đang ở đâu. Cũng có
những người vì mặc cảm đã dùng quyền uy lấn át. Nhưng cũng có những người tiếp
tục trung thành với những gì được dạy. Sự say sưa làm ‘thầy’ của họ đã tạo ra
không ít tình huống trớ trêu. Không chỉ bị hành hạ về tinh thần, thật khó lý
giải vì sao những người chiến thắng lại giam giữ những đối thủ đã đầu hàng mình
lâu như vậy.”
Mỗ xẻ não trạng và trình độ của bên thắng
cuộc, Huy Đức không quên đưa ra nhận xét về thành phần quản giáo trại giam, ban
ngày vô cùng hắc ám nhưng khi đêm xuống đã hèn hạ tìm gặp những người tù vừa
được thăm nuôi để “xin tý mỡ”. Trong khi đó vợ con tù cải tạo ở nhà thì
phải đối phó với các quan cách mạng địa phương. Anh viết về những điều mà đảng
và nhà nước tìm cách lấp liếm: “Bán nhà chưa phải là bi kịch lớn nhất. Có
những người vợ đã phải đi bán thân. Có những người vợ đã phải sử dụng thế mạnh
của đàn bà để kinh doanh, buôn bán. Khi người trụ cột kinh tế là đàn bà, con
gái và trẻ em, lại phải tìm cách qua mặt công an, luồn lọt công quyền, ứng biến
khi sơ thất ngay cả trên đường xa… thì không thể nào trách những người phụ nữ
ấy. Chuyện một bà tứ tuần có mang với anh tài xế xe hàng, một bà vợ sỹ quan bán
chợ trời cặp với anh lính cũ của chồng mình… cũng không có gì bất ngờ khi nó
được đưa vào trại.” Huy Đức kể chuyện cán bộ kiêu hùng mắng tù: “Nhà
nước giam giữ các anh không phải nhằm mục đích chia rẽ gia đình, và chúng tôi
chiến đấu không phải là để cướp đoạt vợ con của các anh!”, rồi kết luận:
“nếu có ai mất vợ thì cũng chỉ vì thời thế” và ghi thêm: “Vợ của nhà thơ
Tạ Ký đã đi lấy chồng ‘Việt Cộng’ khi ông còn bị giam ở trại T6, Long Khánh”.
Kinh tế mới
Những người miền Nam may mắn rời Việt Nam vào
năm 1975 không có cơ hội nếm trải khí thế cách mạng mà Huy Đức gọi là “được
lãnh đạo bởi người mới từ trong rừng ra”, mang theo sự “quá tay” và “nhầm
lẫn” cũng như nhập cảng các hình thức cai trị của các nước Cộng sản đàn anh
để đày đọa đồng bào mình. Một trong các chính sách ấy là kinh tế mới.
Tác giả kể:
“Ngày đi, từ sáng sớm, xe ca mấy chục chiếc
đậu trên đường Phan Chu Trinh, nối đuôi nhau từ trường Bồ Đề đến sân Ty Thông
tin Chiêu hồi. Thoạt đầu bọn trẻ con rất vui vì sắp được đi chơi xa, nhưng khi
thấy người lớn khóc, bọn trẻ bắt đầu hiểu vấn đề nghiêm trọng hơn chúng tưởng.
Xe chạy ba ngày hai đêm thì hết đường. Đoàn xe ca dừng lại, chờ xe ủi, ủi đường
tới đâu thì tiến vào tới đó. Chập tối, đoàn xe dừng lại cho mọi người lấy đồ
đạc rồi quay về, để lại hơn nghìn con người giữa rừng. Hôm sau, các gia đình
được chia đất. Từ người lớn cho tới trẻ con đều phải đi chặt cây làm nhà. Đó là
một khu vực đêm đêm Fulro vẫn quấy phá chính quyền nhưng Fulro để yên cho người
Thượng và dân kinh tế mới. Chiều chiều, bọn trẻ vẫn cắt rừng đi lấy nước ở sông
Ana, cách đấy hàng cây số. Ông Tư Kết, thư ký riêng của ông Mai Chí Thọkể không
có báo cáo nào là không nói về tình hình người tự tử… Nhà nước cấp đất đai, nhà
cửa, gạo và tiền để sống ba tháng đầu. Nhưng thực tế không như mơ tưởng, nhất
là với những người dân trước đó quen sống ở thành phố có điện, có nước, chỉ
biết ngồi bàn giấy hay buôn bán, nay bỗng nhiên phải cuốc đất, trồng khoai ở
nơi thâm sơn… Ăn hết tiền, hết gạo, nhiều người dân lục tục bỏ về. Các thành
phố lại phải gánh chịu thêm những áp lực mới, nhất là từ những người dân bỏ
kinh tế mới về khi nhà cửa không còn, do đã bán đi trước đó hoặc do bị coi là
nhà ‘vắng chủ’ đã bị ‘Cách mạng 30-4’ nhảy vào ‘chốt’ mất.”
Trước khi Huy Đức lên tiếng báo động về hình
thức thanh trừng nầy, nhà báo Pháp Michel Tauriac cho biết ông đã từng đặt chân
tới khu kinh tế mới Nhị Xuân, chỉ cách Sài Gòn 28 km về hướng tây bắc: “Một
con kênh giả tạo, cặp theo mỗi bờ kênh là các mái nhà lá rập khuôn nhau xếp
hàng dài như được dàn dựng để lên ảnh. Chỉ còn thiếu hàng rào kẽm gai để giống
tạc như một trại trừng giới. Không nước sạch, không điện. Còn chung quanh, sa
mạc và cô lập. Từ năm 1979, hai ngàn con người bị ném vào đó. Đất đai khô cằn,
nước phèn chua chát, nơi người ta thử trồng dứa và mía, để rồi thất bại. Đây là
nơi lính Mỹ gọi là vùng oanh kích tự do, chưa một loài cây thực vật nào có thể
đâm chồi. Nhưng những người Cộng sản có một đức tin: không có một định luật tự
nhiên nào mạnh hơn Đảng. Ngót một triệu rưỡi hecta đất hoang phải làm thục, cho
dù khoa thổ nhưỡng học muốn hay là không muốn. Cho dù bàn tay con người có thể
hay bất khả. Không cần biết đám người nầy đã hay không hề được chuẩn bị thứ
công việc đồng áng ấy.” (Hồ sơ đen của Cộng sản Việt Nam, ấn bản
08/2001 của NXB Plon, trang 70). Như thế, nếu Michel Tauriac gặp tác giả Bên
Thắng Cuộc, hẳn ông phải đồng ý với Huy Đức khi nghe phát biểu: “Kinh tế
mới là nơi đày ải, đầy khó khăn gian khổ không thể nào sống được”.
Đỉnh cao trí tuệ
Người Cộng sản mỗi khi mở miệng nói về mình,
họ thường dùng 2 hình tượng, một, tự cho mình là hậu duệ của loài khỉ, và hai,
họ là đỉnh cao trí tuệ – những nhà lãnh đạo đất nước mà “việc dự trữ lương
thực của một thành phố như Sài Gòn có lúc chỉ còn đủ ăn vài ngày”.
Ở tiểu mục “Máy bỏ không, công nhân cuốc
ruộng”, Huy Đức thuật lại lời cán bộ Vũ Đình Liệu: “Máy móc thu được của
các nhà tư sản không những không tiếp tục làm ra của cải mà bị vất vào kho để
cho tới khi hư hỏng”. Điều nầy được Trần Hồng Quân xác nhận: “Khoảng
cuối năm 1978, trung ương nhờ trường Đại học Bách Khoa cho sinh viên vào kho
‘hiện vật cải tạo’ để xem những máy móc trong đó có cái gì còn dùng được. Nhưng
sinh viên thì chỉ biết mấy cái máy tiện, máy phay, những máy móc dùng trong
công nghiệp nhẹ thì chưa bao giờ được tiếp xúc, nên không thể làm gì. Cuối
cùng, trung ương ra lệnh tháo rã những chiếc máy đó ra, thu hồi những vòng bi
làm phụ tùng, còn phần lớn thì dùng như phế liệu”. Bản cáo trạng “Bên
Thắng Cuộc” viết: “Đây là những máy móc mà trước giải phóng đã giải
quyết việc làm cho hàng vạn công nhân và làm ra biết bao của cải cho xã hội.”
Tháng 9-1975, cán bộ Nguyễn Quang Lộc được
điều từ miền Bắc vào để nắm giữ các nhà máy của tư sản miền Nam. Được phân công
tiếp quản hãng Bột giặt Viso của ông Trần Văn Khôi, ông Lộc đã tâm sự: “điều
tôi lo nhất là những cán bộ từ miền Bắc vào”. Là kỹ sư, nhưng ông Lộc thú
nhận chưa bao giờ nhìn thấy một dây chuyền sản xuất như ở Viso, ngoài ra, vào
từ miền Bắc thiếu thốn, thấy cái gì trong nhà máy cũng có giá, không tránh khỏi
thèm thuồng. Nhưng thay vì học hỏi, không ít kẻ ở đỉnh cao trí tuệ nầy lại tự
cao, tự đại, chuyên môn chưa áp dụng được đã lo mót của. Cán bộ đã thế, nhà
nước còn hơn thế. Ông Lộc nhìn nhận tình trạng cướp cạn: “Nhà máy đã bị cơ
chế quản lý xé nhỏ, các bộ cắt dọc, địa phương cắt ngang. Sáu mươi xe tải của
Viso giao cho Bộ Giao thông Vận tải, hai máy phát điện giao Bộ Điện lực, khu
liên hợp sản xuất nguyên liệu hóa chất giao cho Tổng cục Hóa chất, dây chuyền
đóng gói bột giặt giao cho Bộ Công nghiệp nhẹ”. Khi cần mấy cái bồn dự trữ
nhiên liệu, thợ bậc bảy ngoài Bắc vào làm không được. Ông Lộc đành phải gọi một
ông thợ người Hoa. Ông nầy bảo “Ngộ làm được. Cho ngộ năm thợ phụ, hai thợ
hàn, hai thợ gò, mỗi ngày cho thêm hai bữa phụ bằng xôi và mấy két nước ngọt”.
15 ngày sau, toán thợ miền Nam nầy dựng xong 4 cái bồn đứng.
Trước 30 tháng Tư, Tái Thành Kỹ Nghệ là nhà
máy dệt có công nghệ tân tiến nhất Sài Gòn. Chiếm được miền Nam, cộng sản đổi
tên thành nhà máy Dệt Thành Công. Chưa tới hai năm sau, Thành Công đứng trước
bờ vực thất bại, một số công nhân phải kiếm sống bằng cách tận dụng vải vụn, tơ
rối để chế biến thành găng tay, búp bê nhồi, đan mũ, đan tất và làm đồ chơi
hình thú nhồi vải vụn. Số lớn còn lại kể cả công nhân lành nghề, kỹ sư, thợ
điện phải xuống Long An gặt mướn, ra Long Thành chăn bò, về Cà Mau làm ruộng,
lên Đồng Nai, Sông Bé phá rừng làm rẫy trồng củ mì. Trong nội thành Sài Gòn,
cán bộ cao cấp cỡ Tư Kết được chia chác tư dinh ở số 21 đường Duy Tân – cơ ngơi
của tổng giám đốc hãng Esso – để ngài thư ký riêng của Mai Chí Thọ phá vườn
bông trồng rau muống và dùng hồ bơi làm chỗ nuôi cá rô phi. Tất nhiên, mẩu
chuyện nầy chỉ là một trong ngàn lẻ một chuyện có tên “giải phóng”.
Tiếu lâm tân thời
Dù không chống trả lại được miền Bắc vì Mỹ
cắt quân viện, và dù tổng thống Dương văn Minh đã tuyến bố đầu hàng, không phải
tất cả dân miền Nam đều đã đầu hàng như tổng thống của mình, hay quy phục đám
người rừng mà Huy Đức gọi là “bên thắng cuộc”. Không vũ khí, dân
miền Nam bèn chống Cộng bằng sự miệt thị đối phương. Không phải quá nhọc công,
tác giả đã nghe tràn tai, và ghi lại ở hơn một chỗ trong sách, nên những mẩu
chuyện bỉ ổi và bần cùng của miền Bắc lẽ ra nên được bưng bít đi, thì Huy Đức
đã phơi bày lên giấy để làm bằng chứng lịch sử.
Năm 1987, trong cuốn Nỗi buồn Chiến tranh,
Bảo Ninh, nhà văn bộ đội xuất ngũ từ tiểu đoàn 5, trung đoàn 24, sư đoàn 10
thuộc mặt trận B-3 Tây Nguyên là người đầu tiên xác nhận chuyện cán bộ miền Bắc
vào Nam hốt của cải, xẻ vụn, nhét đầy ba lô cõng về Bắc: “Trên tàu Thống
Nhất chuyến ấy [vào cuối mùa thu năm 76] toàn là thương phế binh và lính
về vườn. Ba lô ken dày trên giá, võng chăng dọc ngang lòng toa biến đoàn tàu
thành một bãi khách. Cảnh chợ chiều nhốn nháo, nháo nhào không khác gì lại một
thứ tùy nghi di tản. Đã thế lại còn kiểm tra lên, kiểm tra xuống, lục lọi săm
soi từng cái túi cóc ba lô tuồng như người ta cho rằng một núi của cải ở miền
Nam sau giải phóng bị hư hao thất thoát, bị xâu xé, tranh đoạt, bị hốt vơ cào xúc
cho đến sạch sành sanh là bởi anh bộ đội chứ không phải bởi bọn người nào
khác…”
Nếu Bảo Ninh khui việc chở cả núi của cải của
miền Nam ra Bắc chỉ để thanh minh là hành động của các bộ đảng và chính quyền
chứ không phải của lính tráng, thì Huy Đức phân tích kỹ càng hơn, khi viết
“cuộc chiến tranh được nói là ‘giải phóng miền Nam’ đã nối nền kinh tế bị nhốt
kín suốt hai mươi năm của miền Bắc với nền kinh tế thị trường ở miền Nam. Cuộc
‘Bắc tiến’ ngoạn mục của những chiếc quạt bàn, tủ lạnh, xe máy Honda đã phần
nào giải phóng tư duy cho chính những người đã lãnh đạo chiến tranh”.
Không chỉ là thực tế không mấy thanh niên
miền Bắc nào có hơn hai bộ áo quần trong chiến tranh, chủ yếu bằng vải sợi
xanh, cũng như hiếm phụ nữ nào có được cái quần lụa và chiếc áo bằng vải phin
Hong Kong, tác giả còn phơi bày: “Ước mơ của người Hà Nội trong thập niên
1970 là một chiếc xe đạp Thống Nhất, một cái quạt tai voi hay một đôi dép nhựa
Tiền Phong. Tiêu chuẩn của các cô gái Hà Nội cũng thật là đơn giản: ‘Một yêu
anh có may ô, Hai yêu anh có cá khô ăn dần, Ba yêu rửa mặt bằng khăn, Bốn yêu
anh có chiếc quần đùi hoa’. Chỉ những người đạt các danh hiệu thi đua mới có
thể được phân phối xe đạp. Xe đạp muốn lưu hành cũng phải đăng kí xin cấp giấy
chứng nhận sở hữu và biển số xe. Cho đến cuối thập niên 1970, người dân miền
Bắc muốn sở hữu radio cũng cần giấy phép.” Chiếm xong miền Nam, bộ đội giải
ngũ hoặc về phép thăm nhà ngoài Bắc, của cải tay xách tay mang ào ạt đến nổi
thủ tướng chính phủ phải chỉ thị việc mang theo hàng hóa từ miền Nam ra miền
Bắc cần được kiểm soát chặt chẽ. Vấn đề miền Bắc vào Nam vơ vét từ cái quạt máy
đến đồng hồ, xe đạp được dân miền Nam cập nhật nhạc phẩm Nối Vòng Tay Lớn
của Trịnh Công Sơn thành “Từ Bắc vô Nam tay cầm bó rau; Tay kia cầm sợi dây,
để bắt con cầy”, làm ông Lê Duẫn phải phân bua “con cái miền Bắc chết ở
Trường Sơn chưa ai nói tới, đã nói là dân miền Bắc vào đây vơ vét hàng hóa”,
cho dù trợ lý của thủ tướng Phạm Văn Đồng làm thơ phủ nhận giá trị của bất cứ
gì ở phía tư bản, thậm chí, “Trăng Trung Hoa tròn hơn trăng nước Mỹ, Đồng hồ
Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thuỵ Sĩ”.
Nhờ đức tính bình tĩnh, Huy Đức đã lắng nghe
được các câu thơ và bài vè dân gian về chế độ. Ví dụ hồi tháng 8/1975 khi nhà
nước đổi tên đường ở Sài Gòn, dân chúng đã nhanh chóng truyền khẩu câu thơ “Nam
Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi lên rồi hết Tự Do”, hay nói về quyền
lực của công an: “Các-mác mà đến Việt Nam, Râu dài tóc rậm công an bắt liền.
Các-mác cầu cứu Ăng-ghen, Ăng-ghen cũng phải đóng tiền tóc râu. Truyền cho bốn
biển năm châu: [Đến Việt Nam thì nhớ] Râu Mao Chủ tịch tóc đầu Lê nin”, và
về thực trạng cuộc sống nhân dân trăm bề khó khăn dưới sự lãnh đạo của đảng: “Cây
đinh phải đăng ký, Trái bí cũng sắp hàng, Khoai lang cần tem phiếu, Thuốc điếu
phải mua bông, Lấy chồng phải cai đẻ, Bán lẻ chạy công an, Lang thang đi cải
tạo, Hết gạo ăn bo bo, Học trò không có tập…”, rồi đến tình hình tù chính
trị về từ các trại cải tạo không thể xin việc làm trộn lẫn với sĩ quan cách
mạng thất nghiệp: “Đầu đường đại tá bơm xe, Giữa đường trung tá bán chè đỗ
đen, Cuối đường thiếu tá buôn kem…” một tình trạng thê thảm mà Huy Đức đành
kết luận rằng “tinh thần của dân chúng dường như không còn có khả năng gượng
dậy” và dẫn chứng bằng giai thoại tiếu lâm nầy: “Một hôm, ba nhà lãnh
đạo cao nhất của đảng đi chung một chuyến chuyên cơ, ngó xuống hạ giới thấy dân
tình nheo nhóc, đói khát, mặt mũi thiểu não. Bỗng một người hỏi: ‘Bây giờ mình
ném cái gì xuống thì đám dân ấy mới tươi tỉnh lên được nhỉ?’. Bác Đồng nói
trước: ‘Chắc họ đang đói. Hãy ném cho họ mấy bữa cơm không độn’. Bác Chinh cho
rằng: ‘Điều họ thiếu là lý tưởng. Hãy ném cho họ lý luận về thời kỳ quá độ đi
lên chủ nghĩa xã hội’. Bác Duẩn lắc đầu: ‘Không phải! Không phải! Họ cần làm
chủ tập thể’. Trong khi ba bác còn chưa thống nhất được nên ném gì cho dân thì
anh phi công lái chuyến chuyên cơ rụt rè đề nghị: ‘Dạ thưa, cháu có ý kiến được
không ạ?’. Ông Lê Duẩn nói ngay: ‘Tại sao không? Cứ phát huy dân chủ’. Bấy giờ
anh phi công mới nói: ‘Dạ, muốn cho đám dân tình dưới đó reo vang hạnh phúc thì
chỉ có cách là ném cả ba bác ra khỏi máy bay thôi ạ’.”
Kẽ hở của “Bên Thắng Cuộc”
Điểm
son lớn nhất trong sách của Huy Đức là dám viết những gì mà người khác không
dám viết, những điều mà dưới chế độ tàn bạo của Cộng sản, người ta chỉ dám thầm
thì vào tai nhau. Qua Bên Thắng Cuộc, tác giả đã dùng
ngòi bút điêu luyện của mình để lật ngửa những điều cấm kỵ, đẩy Lê Đức Thọ và
Phạm Văn Đồng vào cương vị vật tế thần, để thần tượng hóa hai nhân vật Võ Văn
Kiệt và Lê Duẩn – bằng cách dẫn lời của những người chứng khác. Nhưng, dẫn lời
của người khác để làm lập luận cho mình khi không có điều kiện để kiểm chứng và
suy luận là cửa ngõ mở rộng cho kẽ hở, sai sót. Cũng như bên thắng cuộc, sách Bên
Thắng Cuộc đã không tránh được kẽ hở và sai sót. Nhỏ, như tên của một vài
tên tuổi miền Nam mà ai cũng biết: chủ nhà sách Khai Trí ở số 62 Lê Lợi, Sài
gòn, do ông Nguyễn Hùng Trương thành lập năm 1952 cho đến khi bị “cách mạng”
tước đoạt năm 1976 và đốt 60 tấn – chứ không là Nguyễn Văn Trương. Ông Trương
bị bắt vào tháng 04/1976, vào nhà tù Chí Hòa nhiều năm, rồi xuất cảnh sang đoàn
tụ với con trai ở Sugar Land, ngoại ô Houston. Năm 1996, cả tin vào chính sách
đổi mới của chính quyền Việt Nam, ông đã quay về lại ở căn nhà số 237 Phan
Thanh Giản (Điện Biên Phủ) gần ngã tư Hai Bà Trưng để chờ nhà nước trao trả nhà
sách – lời hứa không bao giờ được thực hiện – và mất ngày 11/03/2005. Sai sót
nhỏ khác ở đoạn viết về họa sĩ tài danh Nguyễn Hải Chí: tên của người con gái
ông Chu Tử được Huy Đức viết sai, chứng tỏ tác giả không hề tiếp cận nhân vật
sống đang làm chủ căn nhà ở số 104 Công Lý, cũng không có dịp gặp Chóe trước
khi anh ấy xuất cảnh đi chữa bệnh và mất trong vòng tay bè bạn tại thành phố
Fairfax, Virginia, Hoa Kỳ. Nếu tìm hiểu lại, Huy Đức sẽ biết con gái của ông Chu
Văn Bình (vợ họa sĩ Đằng Giao) tên thật là Chu Vị Thủy, thay vì Chu Thị Thủy.
Sai sót về địa danh: ở đoạn nói về người vợ tù cải tạo đi thăm nuôi, Huy Đức
viết “May mắn, chạy suốt ngày ra tới Phước Tài thì đêm, không được lên đèo
An Khê, ngồi ngủ trên xe cho tới 6 giờ sáng.” Sau 30/04, người thua cuộc
nầy có thời gian dài kiếm sống bằng nghề lơ xe, nhưng chưa hề nghe tới tên
Phước Tài mà tác giả viết. Có lẽ Huy Đức muốn nói tới ngã ba Phú Tài ở
Qui Nhơn, nơi Quốc lộ 1A có lối rẽ qua Quốc lộ 19 để đi Pleiku. Huy Đức có thể
tự bào chữa rằng đó chỉ là các lỗ nhỏ. Vâng. Người Pháp nói lỗ nhỏ làm đắm
thuyền. Nếu lỗ quá nhỏ so với công trình vĩ đại của tác giả, thì xin kể tiếp
những mảng sai sót lớn hơn – những sự kiện được Huy Đức trích từ những nguồn
bất khả tín để làm giảm giá trị một tác phẩm mà tác giả dày công tìm hiểu, ghi
chép, suy nghĩ và chắt chiu. Ở tiểu mục “Nhất Biên Đảo”, ngay bên dưới
câu chuyện kể về văn bản hiệp định viện trợ quân sự không hoàn lại cho Khmer Đỏ
được ký kết giữa Trung tướng Vương Thượng Vinh, phó Tổng Tham mưu trưởng Quân
Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, với Son Sen tại Phnom Penh ngày 10-2-1976, Huy
Đức viết về việc chính phủ Hà Nội đánh mất cơ hội bình thường hóa quan hệ ngoại
giao với Hoa Kỳ rất sớm, sau khi Sài Gòn thất thủ chưa tới 2 năm. Sách Bên
Thắng Cuộc viết “Ngày 17-3-1977, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Duy
Trinh đã tiếp Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ Leonard Woodcock.” Nhà báo
lừng danh gốc Ấn Độ Nayan Chanda không đồng ý như thế. Ở trang 139 của cuốn Huynh
đệ Hận thù, ấn bản đầu tiên năm 1986, Chanda kể lại cuộc phỏng vấn mà
Leonard Woodcock dành cho ông vào ngày 17/08/1984 tại Washington, rằng chính
Nguyễn Duy Trinh dẫn xác tới nhà khách chính phủ vào tối hôm trước nơi Woodcock
ở, để gặp người Mỹ. Cũng may, chi tiết mà Huy Đức thuật lại lời ông Trần Quang
Cơ cho rằng “Một trong những điều ngáng trở tiến trình đàm phán là do chúng
ta cứ khăng khăng đòi Mỹ phải chi 3,2 tỷ đô-la bồi thường chiến tranh” rất
chính xác. Thái độ cứ gặp mặt người Mỹ là vòi vĩnh mà nhà văn Duyên Anh gọi
bằng chữ “Giặc Ô kê”, xảy ra ngay trong lần Nguyễn Duy Trinh tới tìm, và
nghe ông Woodcock mời mọc: “Tôi hy vọng vào cuối cuộc viếng thăm của chúng
tôi, chúng ta sẽ có thể đề ra căn bản cho một quan hệ bang giao gần gũi hơn”.
Nhưng ông ngoại trưởng, một con người miệng nhỏ như miệng cá và cặp mắt sắc
sảo, là một mẫu người cứng rắn, đã trả lời cụt ngủn rằng không chung tiền theo
tinh thần Hiệp định Paris thì không tin tức gì cả về người Mỹ mất tích.
Woodcock chẳng vừa. Ông nầy phản pháo lại ngay rằng Hiệp định Paris đã bị khai
tử từ khuya và vấn đề nên được giải quyết theo tinh thần nhân đạo: “Chúng
tôi không lặn lội từ nửa vòng trái đất phía bên kia tới đây để tham dự một cuộc
khẩu chiến”. Cuộc gặp gỡ đã kết thúc như thế.
Chưa đầy một tuần sau khi sách Bên Thắng
Cuộc được phổ biến đến người đọc, tác giả đã vấp phải phản ứng mảnh liệt
của các cựu quân nhân TQLC và Nhảy Dù Việt Nam Cộng Hòa do đoạn mà Huy Đức
trích lời của Phan Xuân Huy. Sáng 29/04/1975, binh sĩ TĐ12 Dù do tiểu đoàn
trưởng Nguyễn Văn Nghiêm và thiếu tá tiểu đoàn phó Nguyễn Trọng Nhi chỉ huy vẫn
chống trả quyết liệt ở khu vực ngã tư Hàng Xanh sát cầu Sài Gòn. Ở mặt trận nầy
không có đơn vị Biệt Động Quân như Phan Xuân Huy hư cấu. Thiếu tá Nghiêm cho
biết “Sau khi Dương văn Minh kêu gọi đầu hàng lúc 10:45 AM, Nguyễn Trọng Nhi
lái xe vào trong thành phố để xem sao và cho biết đầy hổn loạn; Phú Lâm, Ngã tư
Bảy Hiền đã xong. Không có ông Thiếu tá tên Chỉnh nào cả, cũng không một ai bén
mảng đến gần cầu để tiếp xúc với chúng tôi. Chúng tôi quyết định không phá sập
cầu. Sau đó tất cả chúng tôi rời vị trí lúc 12 giờ trưa ngày 30/04/1975.”
Chuyện cầu Sài Gòn đã không bị giật sập là thế. Việc dân biểu miền Nam Phan
Xuân Huy tự gắn huy chương cho đóng góp của mình vào chiến thắng của tướng Văn
Tiến Dũng bằng việc cộng tác với cụm điệp báo an ninh A10 của phía Cộng sản là
chuyện để đảng Cộng sản xem xét lại. Nhưng biết bài phóng sự của Phan Xuân Huy
đăng trên Tin Sáng “khiến người đọc có cảm giác nó được viết bởi một cán bộ
tuyên huấn từ ‘R’ về hoặc từ Bắc vào” mà vẫn trích, Huy Đức tự xếp mình
thành cá mè một lứa với phịa sử gia Phan Xuân Huy khi cho phép tác phẩm của
mình có những chi tiết sử liệu vô căn cứ như “phỏng vấn bà ‘LQL’, người vừa
trở lại Sài Gòn sau chuyến thăm chồng là ‘Thiếu tá Tiểu Đoàn phó Tiểu Đoàn 7,
Thủy Quân Lục Chiến Ngụy’… ‘Thiếu tá và cả Tiểu đoàn 7 của ông đã bị tên tướng
ngụy Bùi Thế Lân bỏ kẹt tại cửa Thuận An và đã cùng toàn bộ binh lính trong
Tiểu đoàn 7 đầu hàng quân đội giải phóng ngày 27/03 vừa qua’”. Trong chiến
tranh, tôi theo chân nhiều đơn vị VNCH, nhưng chiến trường rộng, khả năng giới
hạn, chưa được gặp và quen thiếu tá Lê Quang Liễn, TĐ Phó TĐ7/TQLC. Tới Mỹ, tôi
được hội thiện nguyện YMCA xin cho một chân lao động phổ thông ở hảng bào chế
dược phẩm Alcon. Một năm sau, thêm một người tị nạn nữa được đưa vào phòng của
tôi, đó là cựu quân nhân Lê Quang Liễn. Sau 18 năm, ông Liễn đã nghỉ hưu cách
đây 2 năm. Khi kể lại đoạn văn Huy Đức nói về Lê Quang Liễn đầu hàng cho các
bạn đồng sự người Việt ở hảng Alcon đọc, không ai tin ông Liễn là mẩu người
chịu khuất phục kẻ khác vì bạo lực hay vũ khí. Ngay sau đó tôi đã tìm cách liên
lạc với anh Phạm Cang, cựu tiểu đoàn trưởng TĐ7/TQLC, là cấp chỉ huy trực tiếp
của ông Liễn, và với anh Phạm Vũ Bằng, cựu bác sĩ quân y TQLC, để kiểm chứng
việc “toàn bộ binh lính trong Tiểu đoàn 7 đầu hàng quân đội giải phóng ngày
27/03”. Các chi tiết xảy ra tại tọa độ 16° 32′ 19.56″ vỹ Bắc và 107° 41′
22.81″ kinh Đông tức bãi biển thôn An Dương, xã Phú
Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – nơi nhà báo Phan Xuân Huy và
người vợ cũ của ông Liễn không có mặt là thế nầy: chiều hôm 25/03, TQLC giao
tranh ác liệt với địch để giành các cao điểm sát bờ biển. Trong trận nầy phía
TĐ4 có đại đội trưởng Tô Thanh Chiêu tử trận, phía TĐ7 có 2 trung đội trưởng tử
thương. Bản thân TĐ trưởng Phạm Cang cũng bị mảnh pháo 82 ly ghim vào mặt. Một
số thường dân chạy theo lính đã trúng đạn chết, trong đó có sinh viên Lê Quang
Thể 19 tuổi là em ruột ông Liễn. Sáng hôm sau, một quân vận đĩnh LCM vào gần bờ
đón thương binh, TĐ trưởng Cang phân nhiệm cho TĐ phó Liễn hướng dẫn anh em đưa
thương binh và tử sĩ của đơn vị xuống tàu tản thương. Dưới trận mưa pháo dày
đặc của địch, tàu kéo cửa và lùi ra khơi trong khi Liễn còn kẹt trên tàu, chưa
kịp mang xác em trai mình lên. Để thoát nạn, ông Liễn chỉ việc ở lại trên quân
vận đĩnh với đồng đội bị thương, nhưng tiểu đoàn phó đã quyết định nhảy xuống
nước, lội vào bờ, để tiếp tục chiến đấu với đồng đội. Trên đường vừa đánh vừa
rút xuôi Nam về phía cửa Tư Hiền, quân nhân TQLC lần lượt bị bắt sau khi hết
đạn, không có chuyện đầu hàng như Phan Xuân Huy dựng đứng. Ngoài ra, khi nói
lính TQLC “đã bị tên tướng ngụy Bùi Thế Lân bỏ kẹt tại cửa Thuận An”,
Phan Xuân Huy tự chứng tỏ mình không có cả khái niệm sơ cấp nhất về hệ thống
quân giai: các đơn vị TQLC triệt thoái không thành công khỏi cửa Thuận An là
những người lính thuộc quyền của trung tướng Lâm Quang Thi, tư lệnh Bộ Chỉ Huy
Tiền Phương Quân đoàn 1 tại Huế. Vào những giờ phút dầu sôi lửa bỏng ấy của
TQLC, chính ông Thi tự khai trong cuốn Thế kỷ Dài 25 Năm in tại Texas
năm 2001: “Tôi dùng trực thăng chở vợ tôi qua phi trường. Bà ấy đã cùng gia
đình của tướng Khánh, tư lệnh Sư đoàn 1 Không quân, đáp một trong những chuyến
bay quân sự cuối cùng rời Đà Nẵng, dưới sự hộ tống dày đặc của quân cảnh. Đêm
đó, quân Bắc Việt bắt đầu pháo vào thành phố và phi trường” (trg 361).
Có người đã công minh nhận định rằng câu nói
bất hủ “Đừng nghe những gì Cộng sản nói, mà hãy nhìn kỹ những gì Cộng sản
làm” của ông Nguyễn Văn Thiệu đã được Huy Đức sử dụng như kim chỉ nam, và
còn hơn thế. Qua sách Bên Thắng Cuộc, chúng ta thấy Huy Đức là mẫu người
vừa nghe Cộng sản nói, vừa xem xét những gì Cộng sản làm. Đáng tiếc, khi phân
tích về chế độ, xã hội và chính trị của miền Nam trước và sau ngày 30/04, Huy
Đức đã dành rất nhiều đoạn, một cách trang trọng, để trích dẫn Đoàn Kế Tường
như một nhân chứng lịch sử khả tín. Huy Đức viết: “Năm 1969, nhân Đại hội
Văn – Nghệ – Sỹ Quân đội toàn quốc, Đoàn Kế Tường nhờ Chu Tử xin cho về lại Sài
Gòn làm báo. Chu Tử, một nhà báo quen biết nhiều nhân vật có thế lực, đã nhờ
Trung tướng Lê Nguyên Khang can thiệp, đưa Tường cuối năm ấy về Sài Gòn làm
trong tờ báo Đời của Quân đội. Đầu năm 1970 khi Chu Tử ra thêm tờ nhật báo Sóng
Thần, Đoàn Kế Tường vừa viết cho Đời vừa viết thêm cho Sóng Thần. Tại đây, anh
chơi thân với họa sỹ Ớt (Huỳnh Bá Thành), đang làm cho báo Điện Tín. Tường kể:
‘Buổi trưa chúng tôi vẫn cùng nhau binh xập xám’” và ‘Ở Chí Hòa, tù nhân
Đoàn Kế Tường đã từng tổ chức biểu tình ‘đòi đi tắm’ hay ‘Họ bị cai ngục dẫn
đến một phòng trống. Bọn trật tự cầy cáo trói tay họ lại và đấm đá hội đồng.
Người nào cũng tím bầm mắt, máu khô còn ứa trên mép. Rồi họ bị tống vào biệt
giam khu FG. Không chịu nổi biệt giam Chí Hòa, họ đành làm Tự kiểm nhận lỗi.
Riêng Đoàn Kế Tường kiên trì” hoặc “Ông Tường kể tiếp: ‘Có lẽ những
người ca ngợi sự kiên cường của tôi khi còn ở trong Chí Hòa muốn tôi mãi mãi là
người hùng trong mắt họ. Còn những người ở phía khác thì cũng nhìn tôi khinh
miệt như nhìn một kẻ chiêu hồi.’” hay “Tôi [ĐKT] trốn trình diện dù có
quá khứ là thiếu úy biệt kích rồi cùng người bạn thân là Dương Đức Dũng tham
gia vào tổ chức Dân quân phục quốc”.
Đoàn Kế Tường là một cựu thiếu sinh quân, năm
sinh 1950. Tháng 7/1972, sau bài tường thuật trận đánh Phú Thứ sau lưng phi
trường Phú Bài, Đoàn Kế Tường được đưa về Sài Gòn ra mắt tòa soạn Sóng Thần. Ở
đây, Tường gặp Triều Giang, một ký giả của tờ báo, và 2 người lập gia đình với
nhau. Triều Giang là con nuôi của ông Chu Tử. Nhờ vợ mình, Tường được ông CT
giúp, vận động để được thuyên chuyển từ Tiểu đoàn 33 Pháo Binh thuộc Sư đoàn 3
đóng ở Vùng 1 Chiến Thuật, về thẳng Sài Gòn. Báo Đời không là báo quân đội.
Đứng tên Chu Tử, nhưng người gồng gánh tờ tuần báo lại là Đỗ Qúy Toàn. Báo Sóng
Thần do nhóm Hà Thúc Nhơn xuất bản, đứng tên nhà văn nữ Trùng Dương làm chủ
nhiệm kiêm chủ bút, và nhà văn Uyên Thao làm Tổng Thư Ký. Ông Chu Tử chỉ đứng
tên làm chủ biên, và chịu trách nhiệm mục “Ao Thả Vịt”. Những hôm ông
Chu Tử không viết, nhất là trong thời gian Chu Trọng Ly, con trai ông, quyên
sinh, ông chỉ viết bữa đực bữa cái, và Uyên Thao là người viết Ao Thả Vịt.
Là người có thể trực tiếp đến nhà tù Chí Hòa để xin phỏng vấn, nếu Huy Đức
thành tâm tìm hiểu, anh cứ hỏi và sẽ được cán bộ trại giam cho biết lịch sử
người hùng duy nhất kiên cường “tổ chức biểu tình” đòi đi tắm trong tù
là có thật, hay chỉ là sản phẩm giả tưởng của một tay khoác lác. Ngoài ra, cho
dù ái mộ Đoàn Kế Tưởng, chẳng ai chứng minh được người hùng Chí Hòa nầy tìm đâu
ra mấy năm để trám vào chỗ trống thời gian tính từ khi “người” rời
trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu, đi quân trường để trở thành sĩ quan, và ra đơn
vị làm thiếu úy Biệt Kích, rồi đào ngũ để đầu thai làm hạ sĩ của tiểu đoàn 33
Pháo Binh 105 ly Tân lập dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Nguyễn Bảo Cường. Cứ
vào văn khố quốc gia lục tìm các số báo Sóng Thần phát hành từ giữa tháng 6 đến
cuối tháng 7/1972 độc giả sẽ thấy những tấm ảnh đầu tay do ĐKT chụp bằng máy
ảnh Minolta SRT-101 ngoài chiến trường Trị Thiên, và lật lại các số báo Công an
Tp HCM phát hành vào tháng 6/1986, để thấy rõ chân tướng của nhân vật nầy khi
nhận đơn đặt hàng của Huỳnh Bá Thành để viết bài nói xấu sau lưng vợ mình (đã
liều chết dẫn con vượt biên). Sau khi Tường rời Chí Hòa, nhiều người – trong đó
có Ông Khai Trí – luôn cảnh giác và tìm cách tránh mặt “người hùng biểu tình
trong khám đường Chí Hòa”, để khỏi bị công an bắt như Huỳnh Bá Thành đã
còng tay Chóe.
Dù để dìm các nhà lãnh đạo Lê Duẩn và Võ Văn
Kiệt xuống ngang với Phan Xuân Huy và Đoàn Kế Tường, hay để thăng hoa loại tầm
thường lên ngang vai với tổng bí thư đảng Cộng Sản, tác giả Huy Đức cũng đã đầu
tư quá nhiều, nhiều đến phải lấp liếm các tội ác của đảng Cộng sản trong việc
thảm sát dân thường ở Huế hồi Tết Mậu Thân 1968, trên Đại lộ Kinh Hoàng hồi
tháng 5/1972 và trên Liên Tỉnh Lộ 7B hồi trung tuần tháng 3/1975. Chẳng ai cấm
một đảng viên Cộng sản dành ra 20 năm trường kỳ mai phục và khổ luyện, nay nhận
lệnh xuống núi viết sách để tuyên truyền cho chế độ, phong thánh bên thắng
cuộc, và phỉ báng những người thua cuộc. Đáng tiếc, sứ mạng của nhà văn đã
không trọn vẹn yêu cầu của đảng và nhà nước. Nếu khéo kết hợp chiêu thức khổ
nhục kế và tinh vi hơn trong chiến thuật ngụy trang, không chừng Huy Đức đã
thành công, để độc giả khó phát hiện được tham vọng của tác giả qua tác phẩm Bên
Thắng Cuộc: vừa lừa dối người đọc, vừa tự lừa dối mình. Một nửa khúc bánh
mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thực không còn là sự thực. Lần nầy, đảng và
chính phủ Việt Nam đã tính sai một nước cờ, khi hạ lệnh cho Huy Đức khai hỏa
một trận Điện Biên Phủ mới, bằng bộ sách được tiền hô hậu ủng ồn ào, nhưng rốt
cục chỉ làm người đọc thấy mình bị lừa phỉnh.
NgyThanh
Tác giả gởi trực tiếp cho VRNs.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác
giả.
No comments:
Post a Comment