Lê Thương
January 17, 2013
January 17, 2013
Trận
hải chiến đẫm máu ở Hoàng Sa-Trường Sa giữa Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa và Hải
Quân Trung Cộng bắt
nguồn từ ngày 11-1-1974 khi Trung Cộng lên tiếng tuyên bố các quần đảo nầy
thuộc lãnh thổ của họ, đồng thời họ gởi nhiều tàu chiến ngụy trang tàu đánh cá
đổ quân lên các đảo lân cận.
Ngày
hôm sau, 12-1-1974, Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Vương Văn Bắc cực lực bác bỏ
những luận điệu ngang ngược, vô căn cứ nầy và mạnh mẽ lên án trước dư luận thế
giới về ý đồ xâm lăng của Trung Cộng. Để bảo tồn sự vẹn toàn lãnh thổ, ngày
15-1-1974, Bộ Tư Lệnh Hải Quân Việt Nam phái Tuần Dương Hạm Lý Thường Kiệt HQ16
ra tăng cường tuần tiễu và bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa thuộc chủ
quyền của Việt Nam ta. Ngày xưa, vị anh hùng Lý Thường Kiệt mang gươm đi đánh
Tống, ngày nay con tàu mang tên ông cũng đang lướt sóng trực chỉ Biển Đông, sẵn
sàng chống giữ Hoàng Sa.
Hạm
trưởng HQ16 là Hải Quân Trung Tá Lê Văn Thự, xuất thân từ Khóa 10 Trường Sĩ
Quan Hải Quân Nha Trang, chiến hạm có chở theo phái đoàn Công Binh gồm Thiếu Tá
Hồng, 2 sĩ quan cấp úy và 2 trung sĩ Công Binh để khảo sát địa thế cho kế hoạch
thiết lập một phi trường trên đảo nầy, ngoài ra còn có ông Gerald Emil Kosh
thuộc cơ quan DAO của Hoa Kỳ ở Đà Nẳng đi theo cho biết đảo. Chiến hạm đến
Hoàng Sa vào lúc chiều tối ngày 15-1-1974. Đêm đó con tàu bỏ neo trong vùng chờ
trời sáng sẽ đưa phái đoàn vào đảo.
Đêm
không trăng, bầu trời cao thăm thẳm lấp lánh những vì sao, tiếng sóng vỗ rì rào
quanh mạn con tàu. Thật là đêm bình yên thơ mộng giữa trùng dương mênh mông đối
với những chàng lính biển. Quân chủng Hải Quân như một người cha, luôn luôn mở
rộng vòng tay âu yếm đón nhận những chàng trai trẻ mang mộng hải hồ vào đại gia
đình “áo trắng”. Có biết bao nhiêu thiếu nữ yêu kiều đã gởi con tim mình cho
những người lính áo trắng mà “mỗi bến nước là một bến tình” cho nên bị dân gian
“mắng yêu” bằng hai câu ca dao dễ thương:
Đường
nào dài bằng đường Trần Hưng Đạo,
Lính nào xạo cho bằng lính Hải Quân.
Lính nào xạo cho bằng lính Hải Quân.
Buổi
sáng ngày 16-1-1974, HQ16 cho xuồng đổ bộ phái đoàn Công Binh lên đảo Pattern,
công tác hoàn tất tốt đẹp. Đến trưa, vị sĩ quan trực Quart 1200-1500H là Hải
Quân Trung Úy Đào Dân bỗng phát hiện một con tàu lạ trước mặt đảo Cam Tuyền
(đảo Robert), chiếc tàu nhỏ, cỡ tàu đánh cá. Chiến hạm đánh đèn yêu cầu tàu lạ
cho biết xuất xứ, đúng theo quy luật hàng hải quốc tế nhưng tàu lạ vẫn im lặng.
Để gợi sự chú ý và cũng để đuổi tàu lạ ra khỏi lãnh hải, chiến hạm cho bắn chỉ
thiên một tràng đại liên 30. Tiếng súng nổ dòn dã giữa buổi trưa yên tĩnh trên
mặt biển nhưng đối tượng vẫn lì lợm, không nhúc nhích. Khi tàu ta đến gần hơn
thì mọi người đều chưng hửng vì tàu lạ là tàu Trung Cộng, mang cờ nền đỏ với
các ngôi sao vàng ở ngay góc. Sự xuất hiện của chiến hạm Việt Nam cũng làm
khuấy động sự sinh hoạt trên tàu Trung Cộng, hàng chục binh sĩ của họ lên boong
nhìn sang tàu ta bằng những đôi mắt soi mói, kỳ lạ lẫn ngạc nhiên.
Hạm
trưởng HQ16 khẩn báo về Bộ Tư Lệnh Hải Quân để xin chỉ thị, đồng thời cho nhân
viên dùng đèn, dùng cờ, dùng máy phóng thanh yêu cầu tàu Trung Cộng rời khỏi
hải phận Việt Nam. Lúc đầu cuộc đối thoại như với người câm nhưng sau đó họ
cũng dùng loa phóng thanh cầm tay yêu cầu ta ra khỏi lãnh hải Trung Quốc. Hai
bên tiếp tục đấu võ mồm suốt cả buổi chiều ngày 16-1-1974 mà không bên nào
nhượng bộ. Đêm đến, HQ16 phải lui ra xa để giữ an toàn cho chiến hạm. Buổi sáng
ngày 17-1-1974, ta lại phát hiện thêm một tàu địch cạnh đảo Vĩnh Lạc (đảo
Money) và hàng trăm lá cờ Trung Cộng được cắm dọc bờ biển. Chỉ có đảo Cam Tuyền
mà HQ16 đang ở gần là còn trinh bạch, chưa bị hoen ố bởi cái rừng cờ màu máu
đó.
Ngay
khi nhận được báo cáo của HQ16 phát hiện tàu Trung Cộng xâm phạm hải phận Việt
Nam, Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại, tư lệnh Hải Quân Vùng I Duyên Hải chỉ thị cho
Khu Trục Hạm Trần Khánh Dư HQ4 ra Hoàng Sa tăng cường. Khu Truc Hạm Trần Khánh
Dư, chiến hạm mang tên danh tướng đã oanh liệt chiến thắng trận Vân Đồn, mở đầu
cho trận đại thắng quân Nguyên trên sông Bạch Đằng của quân dân ta dưới thời
nhà Trần ra đến Hoàng Sa khoảng 2:00 giờ chiều ngày 17-1-1974, chở theo một
trung đội Người Nhái (Navy Seal).
Hạm
trưởng HQ4 là Hải Quân Trung Tá Vũ Hữu San, Khóa 11, khi nhập vùng đã hợp với
HQ16 có những hành động tức thời để uy hiếp lực lượng Trung Cộng. Chiếc HQ16
vận chuyển từ phìa Bắc Hoàng Sa xuống trong khi HQ4 từ phía Nam đảo Vĩnh Lạc
tiến lên, tạo thế gọng kìm, kẹp chặt 2 tàu địch vào giữa. Thấy lực lượng Hải
Quân Việt Nam được tăng cường, địch di chuyển ra khỏi đảo Cam Tuyền nhưng vẫn
bám vùng. Tàu ta tiếp tục tiến đến gần hơn, sát tàu địch. Hai phe lại dùng loa
phóng thanh trao đổi yêu sách, bên nầy đòi bên kia rời khỏi lãnh hải của mình.
Địch không rời mà còn lải nhải mãi khiến Trung Tá Vũ Hữu San tức giận, mặt ông
đỏ gay, ông vung nắm tay về hướng tàu địch lúc đó đang ở rất gần, quát lớn “bọn
bố láo”, đoạn ông ra lệnh cho HQ4 dùng mũi húc vào chiếc tàu địch nầy để đẩy nó
ra. HQ4 to lớn, gồ ghề, 3 tầng kiến trúc với đài chỉ huy cao nghều nghệu trong
khi tàu Trung Cộng nhỏ hơn, thấp hơn nên bị tàu ta húc bể một lỗ lớn ở đài chỉ
huy. Trước hành động quyết liệt nầy, 2 tàu Trung Cộng đành nhượng bộ, bỏ chạy
về hướng đảo Duy Mộng và Quang Hòa.
Sau
khi đuổi được hai tàu Trung Cộng, theo đặc lệnh hành quân, Tuần Dương Hạm HQ16
liền cho đổ bổ bộ toán nhân viên cơ hữu của tàu gồm 15 người lên đảo Cam Tuyền,
mang theo súng ống, đạn dược, máy truyền tin và lương khô đủ dùng trong 3 ngày,
do Trung Úy Lâm Trí Liêm chỉ huy. Toán đổ bộ nầy đã hoàn tất công tác dẹp cờ
Trung Cộng và cắm cờ Việt Nam Cộng Hòa mà không gặp sự kháng cự nào của địch.
Tiếp đó, HQ4 cũng cho đổ bộ 13 nhân viên cơ hữu lên đảo Vĩnh Lạc. Tại đây,
Trung Cộng có 3 tàu neo gần đó, khi thấy lực lượng Việt Nam đổ quân họ lặng lẻ
rút lui mà không chống trả.
Đến
khoảng 6:00 giờ chiều ngày 17-1-1974, phe Trung Cộng được tăng cường thêm 2 Hộ
Tống Hạm Kronstadts mang số 271 và 274. Đặc tính của loại Kronstadt là mình
hẹp, lườn thấp, có vận tốc cao để săn đuổi tàu ngầm, dài 170 ft, ngang 21.5 ft,
2 máy, 2 chân vit, vận tốc 24 knots, trang bị 1 hải pháo 100 ly (3.5 inch) ở
sân trước và 2 đại bác 37 ly ở sân sau, 2 giàn thả thủy lựu đạn (Depth Charges)
và 2 giàn thả mìn, thủy thủ đoàn khoảng 65 người. Vừa tới, 2 chiếc Kronstadts
nầy từ phía đảo Quang Hòa hùng hổ xả hết tốc lực về hướng HQ4 và HQ16 với thái
độ khiêu khích, thách thức. Không một chút nao núng, với đội hình tác chiến, 2
chiến hạm ta hùng dũng rẻ sóng xông lên nghênh cản tàu địch, đồng thời đánh
quang hiệu yêu cầu địch ra khỏi hải phận Việt Nam. Địch cũng dùng quang hiệu yêu
cầu ngược lại. Đôi bên trao đổi tín hiệu gần một tiếng đồng hồ mà không có kết
quả nhưng trước thái độ cứng rắn của Việt Nam Cộng Hòa, 2 chiếc Kronstadts đành
nhập đoàn với các tàu Trung Cộng khác lui về bố trí tại hai đảo Quang Hòa và
Duy Mộng.
Trong
khi tình hìng đang căng thẳng ngoài Hoàng Sa thì ở đất liền, Tổng Thống Nguyễn
Văn Thiệu bay ra Vùng I và được Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại thuyết trình vào lúc
8:00 giờ sáng ngày 17-1-1974 về lịch sử, địa lý, tài nguyên, chủ quyền của Việt
Nam Cộng Hòa cùng những diễn tiến giữa lực lượng ta và lực lượng Trung Cộng ở
Hoàng Sa. Sau khi nghe thuyết trình, Tổng Thống Thiệu đã ra những chỉ thị cho
Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và nhấn mạnh câu: “Đừng để mất một tấc đất”.
Được
tin Trung Cộng gởi thêm quân và nhiều chiến hạm từ căn cứ Hải Quân Yulin ở đảo
Hải Nàm (Hainan) đến Hoàng Sa, Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa cũng gởi thêm 2 chiến
hạm, đó là Tuần Dương Hạm Trần Bình Trọng HQ5, chiến hạm mang tên dũng tướng
với câu nói khí khái: “Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất
Bắc” và Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 tăng viện cho Hoàng Sa. Hạm trưởng HQ5 là Hải
Quân Trung Tá Phạm Trọng Quỳnh, Khóa 11, còn hạm trưởng HQ10 là Hải Quân Thiếu
Tá Ngụy Văn Thà. Khóa 12. Cùng đi trên HQ5 có Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc, Khóa
5, chỉ huy trưởng Hải Đội 3 Tuần Dương, trực thuộc Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, vừa được
chỉ định làm Tư Lệnh Đặc Nhiệm Chiến Dịch Hoàng Sa và Đại Tá Ngạc dùng HQ5 làm
soái hạm để chỉ huy cuộc hải chiến. Sự hiện diện của Đại Tá Hà Văn Ngạc, một sĩ
quan cao cấp, nhiều kinh nghiệm, đã từng tu nghiệp ở Đại Học Hải Chiến Hoa Kỳ
làm cho mọi người thêm vững tâm, lên tinh thần. HQ5 cũng còn chở theo 49 chiến
sĩ Hải Kích (Người Nhái). Tinh hình vô cùng khẩn cấp mà HQ10 bị hư một máy chưa
sửa chữa kịp chỉ chạy một máy thành thử vận tốc bị giảm khoảng 50%, thêm vào đó
Radar của HQ10 cũng bị bất khiển dụng nên Đại Tá Ngạc ra lệnh cho HQ5 tách
đoàn, tăng vận tốc để ra Hoàng Sa càng sớm càng tốt. Khoảng 3:00 giờ chiều ngày
18-1-1974, HQ5 ra đến Hoàng Sa. Lúc đó lực lượng của đôi bên như sau: Ta có Khu
Trục Hạm HQ4, 2 Tuần Dương Hạm HQ5 và HQ16, còn phía Trung Cộng có 2 Hộ Tống
Hạm Kronstadts mang số 271 và 274, được coi là chủ lực của địch với 2 tàu chở
quân võ trang mang số 402 và 407 cùng một tàu vận tải và một ghe buồm.
Vừa
nhập vùng, Đại Tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho 3 chiến hạm chuẩn bị cuộc phô diễn
lực lượng để thăm dò phản ứng địch. Đi đầu là Tuần Dương Hạm HQ16 rồi đến HQ5,
sau cùng là HQ4 với các khẩu hải pháo 127 ly (5 inch), 76.2 ly và các đại bác
40 ly đơn, đại bác 40 ly đôi (2 nòng), đại bác 20 ly như sẵn sàng nhả đạn vào
quân thù trong khi 3 lá đại kỳ nền vàng 3 sọc đỏ của Việt Nam Cộng Hòa tung bay
ngạo nghễ trên 3 cột buồm giữa gió chiều Hoàng Sa. Trong lúc các chiến hạm đang
rẻ sóng thì các dàn Radars khổng lồ quay chầm chậm có nhiệm vụ phát hiện rồi
cung cấp các dữ kiện để đo khoảng cách, hướng đi và vận tốc của tàu địch. Với 3
chiến hạm bệ vệ, bề thế lực lượng phe ta trông oai dũng và “ngầu” lắm. Đoàn tàu
tiến theo đội hình hàng dọc từ phía Nam đảo Pattern trực chỉ về hai đảo Quang
Hòa và Duy Mộng, tất cả đều 2 máy tiến 2, cách khoảng nhau 500 mét. Khi vừa
chạy được độ hai hải lý thì 2 chiến hạm chủ lực 271 và 274 của Trung Cộng đang
nẳm im trong vùng biển cũng nổ máy, tăng tốc và cũng theo đội hình hàng dọc
tiến thẳng về hướng đội hình tàu Việt Nam. Chiến hạm của Trung Cộng chạy rất
nhanh, hai máy tiến full để lại đằng sau những bọt nước trắng xóa. Khi đến cách
đoàn tàu ta chừng một hải lý, chiếc đầu của địch bỗng quay trái, được một đoạn
ngắn lại quay ngược chiều 180 độ chạy băng ngang trước mũi HQ16. Vừa qua khỏi
chúng lại lộn ngược trở lại về phía phải để vẽ một đường ngang khác trên mặt
nước. Rồi chiếc thứ hai của chúng cũng lập lại những động tác y như chiếc đầu
để cuối cùng đường giăng ngang của chúng vẽ nên chỉ cách tàu ta khoảng 150 mét.
Trước thái độ khiêu khích của địch khiến phe ta khó xử. Dùng võ lực thì chưa có
lệnh, còn tiếp tục tiến có thể gây tai nạn đụng tàu vì tàu Trung Cộng chạy quá
nhanh mà khoảng cách lại quá gần. Cuối cùng đoàn tàu được lệnh quay mũi theo
hàng dọc trở về hướng Bắc. Thế là cuộc phô diễn lực lượng coi như hoàn tất.
Đến
khoảng 10:00 giờ tối ngày 18-1-1974 chiếc HQ10 ra đến nhập đoàn với các chiến
hạm Việt Nam. Đêm 18 rạng ngày 19-1-1974 nhằm đêm 29 Tết Nhâm Dần cũng là đêm
cực kỳ căng thẳng. Trời tối thui như mực, các tàu Trung Cộng vẫn tiếp tục khiêu
khích, tiến đến gần đảo Hoàng Sa, trên các tàu ta còi nhiệm sở tác chiến báo
động liên hồi. Chiến Hạm HQ4 phải dùng đèn hồ quang cực sáng trên nóc đài chỉ
huy rọi thẳng vào đội hình tàu địch và đánh quang hiệu yêu cầu họ ra khỏi lãnh
hải Việt Nam cho đến khi tàu Trung Cộng rút lui tình hình mới dịu hơn. Đêm đó,
tất cả các chiến hạm Việt Nam được lệnh trong tư thế Zebra, nghĩa là không để
lọt ánh sáng ra ngoài hầu tàu địch không phát hiện được vị trí.
Mặc
dù phía Trung Cộng phản ứng mạnh, lực lượng Việt Nam vẫn tiến hành kế hoạch đổ
quân tái chiếm đảo Quang Hòa như đã dự định. Lúc 6:50 giờ sáng ngày 19-1-1974,
lực lượng đổ quân được chia làm hai toán. Toán Biệt Hải trên HQ4 được lệnh đổ
bộ lên mặt Nam trong khi toán Hải Kích (Người Nhái) trên HQ5 đổ bộ lên mặt Tây
Nam. Phần lớn sĩ quan và binh sĩ của toán Hải Kích được huấn luyện ở trường
Navy Seal của Hoa Kỳ. Lực lượng độ bộ gồm toàn những thành phần được huấn luyện
tinh nhuệ, thiện chiến nhất của Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa. Ngay khi đặt chân
lên bìa đảo, cả hai toán đều bị quân Trung Cộng đông hơn, dùng hỏa lực cực mạnh
từ các chiến hào bắn xối xả khiến lực lượng đổ bộ không thể nào tiến sâu vào
trung tâm đảo. Tình hình lúc bấy giờ thật nguy cấp và bất lợi cho lực lượng
Việt Nam nhưng vì tuân hành thượng lệnh, quyết tâm bảo vệ lãnh thổ nên vào lúc
9:00 giờ sáng, toán Hải Kích được lệnh vượt lên trước. Hạ Sĩ Người Nhái Đỗ Văn
Long là chiến sĩ đầu tiên vừa nổ súng vừa xung phong vào đảo liền bị hỏa lực
địch bắn tử thương. Trung Úy Lê Văn Đơn nhào lên để thu hồi tử thi của đồng đội
lại cũng bị đạn thù quật ngã. Trước quân số đông hơn và hỏa lực mạnh hơn của
địch nên cả hai toán được lệnh rút về tàu với xác của Trung Úy Đơn và các chiến
sĩ bị thương khác, còn xác của Hạ Sĩ Long đành bỏ lại trên đảo vì nếu cố gắng
vào thu hồi sẽ gây thêm nhiều thương vong.
Anh
Chị Đơn vừa có đứa con trai lên 2 tuổi, giống Anh như đúc, đặt tên là Lê Văn
Nguyên. Cha tên Đơn đặt tên con là Nguyên. Sau khi Anh Đơn hy sinh, Chị Đơn đã
đổi tên con thành Lê Hoàng Sa để tưởng niệm nơi cha cháu đã chiến đấu cho sự
vẹn toàn lãnh thổ và đã anh dũng nằm xuống!
Cuộc
đổ quân tái chiếm đẳo thất bại vì địch đông hơn, hỏa lực mạnh hơn, 2 chiến sĩ
đã đền nợ nước, một số khác bị thương, giặc đã chiếm đất, chiếm nhà của ta “Cái
nhà là nhà của ta, công khó ông cha lập ra, cháu con phải gìn giữ lấy” cho nên
Hải Quân Đại Tá Hà Văn Ngạc ra chỉ thị cho các chiến hạm chuẩn bị tấn công,
đánh đuổi quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Các chiến hạm đều ở trong tình trạng
chiến đấu toàn diện, còi nhiệm sở tác chiến rú lên dồn dập, liên hồi như thúc
giục bước chân của các chàng lính thủy chạy nhanh hơn vào các nhiệm sở chiến
đấu. Tất cả thủy thủ đoàn với áo giáp, phao nổi, nón sắt ngồi trong các ụ hải
pháo chờ lệnh khai hỏa, sẵn sàng tác xạ tiêu diệt địch. Sau khi các đài chiến
báo (CIC) từ các chiến hạm báo cáo “sẵn sàng” thì từ Soái Hạm HQ5, Hải Quân Đại
Tá Hà Văn Ngạc, tư lệnh Chiến Dịch Hoàng Sa ban hành lệnh “khai hỏa” hồi 10 giờ
24 phút sáng ngày 19-1-1974. Trận hải chiến bắt đầu.
Trong
khi tấn công, các chiến hạm Việt Nam theo đội hình tác chiến vòng cung, xông
thẳng vào tàu địch, một đối một, tác xạ đồng loạt. Máy tàu rú lên tăng vận tốc,
chân vịt gầm gừ ra sức đẩy con tàu nhanh thêm, mũi tàu xé nước trùng dương lướt
tới, các chiến sĩ ta mắt sáng quắc đang nhả đạn vào đoàn tàu xâm lăng như mưa.
Sóng Hoàng Sa làm sống lại Tiếng Sóng Vân Đồn, khí thế Bạch Đằng Giang đang sôi
sùng sục trong huyết quản các chiến sĩ Hoàng Sa…“Đây Bạch Đằng Giang, sông hùng
dũng của nòi giống Tiên Rồng, giống Lạc Hồng, giống oai hùng
Nam-Bắc-Trung…”(Hải Quân Hành Khúc). Khói lửa bốc lên mịt mù, không khí khét
lẹt mùi thuốc súng trong buổi bình minh trên Biển Đông. Tiếng đạn hải pháo xé
gió rít lên những âm thanh nghe rợn người, đạn rơi lủm chủm trên mặt biển, đạn
nổ quanh tàu bắn tung những cột nước lên cao, thân tàu run lên bần bật vì trúng
đạn. Một chiến sĩ ta bị trúng đạn địch ngã xuống thì chiến sĩ khác phóng lên ôm
súng nhả đạn vào tàu địch xâm lăng, hai chiến sĩ ta ngã xuống thì có hai chiến
sĩ khác nhào lên tiếp tục ghì súng chiến đấu chống giữ Hoàng Sa ngàn đời máu
thịt của Việt Nam ta.
Hồn
thiêng sông núi như đang cất những tiếng cười ngạo nghễ giữa tiếng súng nổ đạn
bay vì Tổ Quốc Việt Nam đã có những người con hào hùng như các chiến sĩ Hoàng
Sa:
Cuối hàng thế kỷ thứ hai mươi,
Chống giữ Hoàng Sa cũng lắm người!
(Thơ của Ngọc Giao Nguyễn Đình Nhạc)
Cuối hàng thế kỷ thứ hai mươi,
Chống giữ Hoàng Sa cũng lắm người!
(Thơ của Ngọc Giao Nguyễn Đình Nhạc)
Trận
hải chiến tiếp diễn khốc liệt, với chiến thuật “tốc chiến, tốc thắng”, các
chiến hạm Việt Nam chiếm được thế thượng phong vì bắn trước với cỡ súng lớn
hơn. Các tàu địch bị thiệt hai nhiều trong những phút đầu của cuộc giao tranh,
chiếc Hộ Tống Hạm Kronstadt 271 của địch bị trúng hải pháo 76.2 ly và 40 ly của
HQ4 nên không còn khả năng tác chiến sau đó phát nổ và chìm. Hạm trưởng chiếc
nầy là Đại Tá Vương Kỳ Uy bị tử thương với một số thủy thủ đoàn. Nhưng cũng như
những chiến hạm khác của ta, HQ4 cũng là mục tiêu khá lớn cho tàu địch nên cũng
bị trúng nhiều vết đạn. Một trái hải pháo địch thổi bay hệ thống hút khổng lồ
của HQ4. Trong lúc hổn chiến, bộ phận quan sát bằng ống dòm trên nóc đài chỉ
huy của HQ4 báo cáo có hai tàu địch đang đuổi theo. HQ4 liền tăng vận tốc tối
đa và vận hành theo đội hình tác chiến Zig Zag, uốn lượn như con rắn nên tránh
được các quả hải pháo của 2 tàu địch đang đuổi theo. Ngay lúc đó, chiếc HQ5
cũng vừa trờ tới, cắt ngang đuôi HQ4, phóng vào 2 tàu địch đang đuổi theo HQ4.
Những khối cầu lửa từ khẩu 127 ly trước mũi HQ5 bay thẳng về hướng 2 tàu Trung
Cộng, một chiếc của địch bị trúng đạn bốc cháy, khói lên ngùn ngụt, chiếc còn
lại quay ngang bỏ chạy mất dạng. Chiếc HQ4 bị thiệt hại nhẹ so với các tàu
khác, máy móc chính, hệ thống điện, hệ thống truyền tin vẫn trong tình trạng
khiển dụng tốt và con tàu vẫn còn khả năng tác chiến. Về nhân mạng. HQ4 có hai
chiến sĩ là Hải Quân Thiếu Úy Nguyễn Phúc Xá và Hạ sĩ nhất Vận chuyển Nguyễn
Thành Danh hy sinh cùng một số đoàn viên khác bị thương. Anh Danh bị trúng đạn
nơi ngực thoi thóp trên băng-ca, ngực đầy bông băng nhuộm máu, Thượng Sĩ Giám
lLộ Lữ Công Bảy rờ lên trán thấy nóng hối và hỏi Anh có khỏe không, Anh mở mắt
gật đầu nhưng sau đó lịm dần rồi vĩnh viễn ra đi.
Chiến
hạm của Trung Cộng bị trúng đạn của HQ5 bốc cháy nói trên là chiếc Hộ tống hạm
Kronstadt 274. Sau khi bị trúng đạn, chiếc nầy phải ủi vào bãi san hô để tránh
bị chìm nhưng sau đó cũng bị phá hủy hoàn toàn. Chiếc nầy cũng là Soái hạm của
địch do Đô Đốc Phương Quang Kính làm tư lệnh, chỉ huy cuộc hải chiến. Đô Đốc
Phương Quang Kính còn là tư lệnh phó Hải Đội Nam Hải của Trung Cộng. Ngoài Hạm
trưởng là Đại Tá Quang Đức tử thương, toàn bộ tham mưu của soái hạm địch gồm Đô
Đốc Phương Quang Kính, 2 đề Đốc, 4 đại tá, 6 trung tá, 2 thiếu tá và 7 sĩ quan
cấp úy đều tử thương. Về phần HQ5 cũng bị trúng đạn nhiều nơi, con tàu đầy vết
đạn của địch. Các ổ hải pháo 127 ly và 40 ly đôi trước mũi bị trúng đạn nên trở
ngại tác xạ, chỉ còn khẩu 40 ly bên tả hạm và 2 khẩu 20 ly là còn sử dụng được.
Chính khẩu 40 ly nầy do Thượng Sĩ Trọng Pháo Tài làm trưởng khẩu đã khạc đạn
tới tấp không cho tàu địch xáp lại gần. Lửa bốc cháy và nước tràn vào nhiều
nơi, Hạm trưởng phải ra lệnh làm ngập nước hầm đạn 127 ly để tránh đạn phát nổ
vì lửa cháy và điện chạm. Tuy bị hư hại khá trầm trọng nhưng HQ5 không có nguy
cơ bị chìm và sau đó cơ khí trưởng là Thiếu Tá Trần Đắc Nguyên, một sĩ quan cơ
khí nhiều kinh nghiệm đã điều động nhân viên ra sức dập tắt các đám cháy và hàn
bít các lỗ thủng nước đang tràn vào, sửa chữa các máy móc bị hư hỏng nên một
thời gian ngắn sau đó con tàu đã trở lại tình trạng hoạt động gần như bình
thường. Về nhân mạng, HQ5 có 1 sĩ quan và 2 hạ sĩ quan hy sinh, 3 sĩ quan cùng
4 hạ sĩ quan và 9 đoàn viên bị thương nặng nhẹ.
Về
phần HQ16, sau khi dùng các khẩu 127 ly và 40 ly bắn hư hại chiếc Trục Lôi Hạm
389 của Trung Cộng khiến hạm trưởng là Trung Tá Triệu Quát bị tử thương, Tuần
Dương Hạm HQ 16 cũng bị trúng nhiều hải pháo hư hải nặng. Hầm đạn 127 ly trước
mũi bị thủng một lỗ lớn, nước tràn vào mỗi khi mũi tàu chúc xuống nên phải cô
lập. Máy điện cũng bị trúng đạn, dây điện bị đứt nhiều nơi, hầm máy chỗ nào
cũng bị chạm điện khiến những nhân viên có phận sự ở khu vực nầy bị điện giật
nên phải di tản. Nguy hơn nữa là hông tàu ngay hầm máy tả bị đạn hải pháo địch
bắn trúng phá một lỗ lớn ngang tầm nước làm nước biển tràn vào như thác lũ,
chiến hạm mỗi lúc nghiêng thêm về bên trái và có nguy cơ bị chìm. Sau cùng, nhờ
sĩ quan cơ khí trưởng là Đại Úy Hiệp đôn đốc nhân viên ra sức cô lập hầm máy tả
nên chiến hạm vẫn tiếp tục vận chuyển được bằng máy bên hữu. HQ16 chỉ có một
chiến sĩ hy sinh, đó là Trung Sĩ Điện Khí Xuân bị đứt lìa cánh tay phải ở hầm
máy vì không cầm máu được nên Anh đã đền nợ nước. Trung úy Bính đã vuốt mắt và
cùng các y tá cầu nguyện cho Anh bằng Thánh Kinh dù không rõ Anh tôn giáo nào.
Còn
Hộ Tống Hạm Nhật Tảo HQ10 là chiến hạm nhỏ nhất, hỏa lực yếu nhất trong số các
chiến hạm Việt Nam tham chiến, ngoài ra tình trạng kỹ thuật cũng không khả quan
cho lắm vì hư một máy, vận chuyển, xoay trở chậm chạp nên bị trúng nhiều đạn.
Một trái hải pháo 100 ly của địch bắn trúng đài chỉ huy, đốn ngã tất cả các
nhân viên có phận sự tại đây. Hạm Trưởng Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà và Hạm
Phó Hải Quân Đại Úy Nguyễn Thành Trí đều bị thương nặng. Kế tiếp, một trái hải
pháo khác trúng ngay hầm máy làm cho chiến hạm tê liệt, hoàn toàn bất khiển
dụng, trôi lờ đờ, lềnh bềnh trên mặt biển làm muc tiêu cho tàu địch tác xạ xối
xả. Số thương vong của HQ10 rất nặng và nhiều chiến sĩ chết một cách thê thảm
như Trung Úy Vũ Văn Bang, sĩ quan đệ tam chết thân xác không toàn vẹn tại Trung
Tâm Chiến Báo (CIC); Trung Úy Cơ khí Ngô Chí Thành chết ở phòng máy bị cháy nám
đen và hai chân hầu như lìa khỏi thân người; Trung Úy Nguyễn Văn Đông chết mất
mặt tại khẩu 76.2 ly ở sân trước;
Hạ
Sĩ Vận Chuyển Lê Văn Tây, người Ban Mê Thuột nhưng yêu màu áo trắng, yêu mộng
hải hồ nên sau khi lấy bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp gia nhập Hải Quân và đền nợ
nước bằng cách ghì khẩu súng cho đến giờ phút chót; Thủy Thủ Cơ Khí Đinh Hoàng
Mai ôm khẩu 20 ly bắn che cho các đồng đội trên bè đào thoát, bạn bè gọi xuống
bè ra đi nhưng không chịu xuống, ở lại chết theo con tàu… và còn nhiều chiến sĩ
khác đã liệt oanh nằm xuống mà ở đây không đủ giấy mực để kể cho hết. Những
người còn sống sót dìu dắt các chiến hũu bị thương lên 5 chiếc phao tập thể,
tất cả là 28 người, kể cả Hạm Phó Nguyễn Thành Trí. Riêng Hạm Trưởng Ngụy Văn
Thà từ chối ra đi mặc dù các chiến hữu yêu cầu nhiều lần. Anh ở lại chết theo
con tàu đúng với truyền thống cao đẹp của Hải Quân và Hàng Hải. Trên đường đào
thoát, có 8 chiến sĩ, trong đó có Hạm Phó Nguyễn Thành Trí bị chết vì các vết
thương, vì đói khát, vì kiệt sức trước khi được chiếc tàu dầu Hòa Lan
Skopionella cứu vớt vào đêm 22-1-1974. Khi các chiến sĩ ta được vớt lên, chính
tay nhị vị phu nhân của thuyền trưởng và thuyền phó tàu nầy đã tận tình băng
bó, săn sóc các vết thương, đút từng muỗng cháo cho các chiến sĩ Việt Nam thể
hiện tình người bao la. Thật là một nghĩa cử đẹp không bao giờ quên được!
Trong
trận chiến, HQ10 đã mượn đáy biển Hoàng Sa làm mồ dũng sĩ, mang theo 42 người
con yêu của Tổ Quốc, kể cả Hạm Trưởng Hải Quân Thiếu Tá Ngụy Văn Thà, Khóa 12,
sinh ngày 16-1-1943 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Anh lập gia đình với Chị Huỳnh
Thị Sinh, Chị Sinh còn rất trẻ, chưa tới tuổi 30. Hai Anh Chị có được 2 người
con gái, còn rất nhỏ, cháu đầu 4 tuổi, cháu sau 2 tuổi. Cùng chết theo tàu có
Trung Úy Vũ Văn Bang, ngày tàu rời Sài Gòn đi công tác, Anh Bang có đem theo
tấm hình của đứa con gái đầu lòng chưa đầy tháng để khoe với bạn bè. Khi chết,
tấm hình của cháu vẫn còn nằm trong túi áo trận trên ngực Anh, được bọc bằng
giấy ny-lon cho không bị ướt:
Sóng
biển chiều nay cuồn cuộn quá,
Còn đây uy dũng pháo Hoàng Sa.
Vành khăn tang trắng đầu con trẻ,
Kinh buồn vĩnh biệt tiếng cười cha!
(Thơ Nguyệt Trinh)
Còn đây uy dũng pháo Hoàng Sa.
Vành khăn tang trắng đầu con trẻ,
Kinh buồn vĩnh biệt tiếng cười cha!
(Thơ Nguyệt Trinh)
Còn
Trung Sĩ Giám lộ Vương Thương, cũng thuộc HQ10 đã chết trên bè đào thoát. Anh
bị mảnh đạn chém đứt mông trái và vĩnh viễn nằm xuống vì máu ra quá nhiều. Anh
đã hy sinh cho đất nước trước ngày làm lễ cưới. Lẽ ra Anh đã được đi phép cưới
vợ, giấy phép đã cầm trong tay nhưng Hạm trưởng động viên Anh ở lại đi công tác
chuyến nầy vì Anh quá rành quần đảo Hoàng Sa. Ngày tàu nhổ neo rời bến, người
vợ sắp cưới ra tận cầu tàu tiễn chân Anh, nàng âu yếm nắm chặt tay người yêu
như trao tất cả tình thương và hẹn ngày Anh về hai người sẽ làm đám cưới trọn
đời yêu nhau cho vẹn lời nguyền trăm năm kết tóc xe duyên… nhưng:
1.
Lần tiễn đưa hôm ấy một lần thôi,
2.
Là chiến sĩ một đi không trở lại!
(Giòng
Lệ Cuối – Phạm Từ Quyên)
Riêng
toán đổ bộ lên đảo Cam Tuyền của HQ16, khi trận hải chiến xảy ra, HQ16 không
thể vớt họ được vì đang chiến đấu với tàu địch nếu tàu ngừng lại để vớt họ thì
con tàu sẽ là mục tiêu bất động cho tàu địch vì thế Hạm trưởng Lê Văn Thự liên
lạc bằng máy truyền tin với Trung úy Liêm, sau khi thông báo tình hình bất khả
kháng của chiến hạm, ông đã động viên anh em dùng bè đào thoát, cố vượt ra khỏi
vùng giao tranh, đồng thời yêu cầu mọi người thông cảm sự bất lực của ông trước
tình hình hiện tại vì ông đang mang trách nhiệm về sự an toàn của con tàu và
sinh mạng của hàng trăm thủy thủ đoàn. Càng nói, trông ông càng đau đớn, đôi
mắt đỏ hoe như ông đang muốn khóc vì không vớt được các chiến hữu và đồng đội
của ông!
Sau
đó, toán đổ bộ nầy dùng bè cao su vượt thoát ngay tức khắc trong lúc cuộc hải
chiến đang xảy ra.. Khi họ đang lênh đênh trên những xuồng đào thoát, một chiến
hạm địch bị trúng đạn của phe ta, cả toán 15 chiến sĩ nầy biểu lộ tinh thần yêu
nước cao độ bằng cách tất cả cùng giơ cao những cánh tay và đồng ca bản “Việt
Nam – Việt Nam” (Việt Nam, Việt Nam nghe từ vào đời… Việt Nam nước tôi…) Và sau
10 ngày chống chọi với sóng gió, đói khát các chiến sĩ ta được ngư dân ở Qui
Nhơn cứu sống. Chỉ có một chiến sỉ hy sinh sau khi đã lên thuyền ngư dân, đó là
Hạ sĩ Quản kho Nguyễn Văn Duyên. Anh Duyên đã ra đi vì đói, khát và kiệt sức.
Khi được ngư dân vớt lên thuyền, họ như những người về từ cõi chết, xơ xác, ốm
yếu, tiều tụy, mắt lõm sâu như những hố thẳm, râu tóc xồm xàm, rậm rạp trông họ
như những người rừng. Nhưng tận đáy lòng Mẹ Việt Nam họ là những người con kiêu
hùng của Mẹ về từ Tổ Quốc Đại Dương.
Sau
trận hải chiến, khoảng 7:00 giờ sáng ngày 20-1-1974 đoàn chiến hạm ta về đến
bến thương cảng Đà Nẳng nhưng đoàn tàu vắng bóng HQ10. Trên bến, đồng bào đứng
đông nghẹt, chen chút nhau tiếp đón các chiến sĩ Hoàng Sa bằng một rừng biểu
ngữ với các khẩu hiệu: “Hải Quân Việt Nam quyết tâm bảo vệ lãnh thổ đến giọt
máu cuối cùng” “Một ý chí: chống cộng – Một lời thề: Bảo vệ quê hương” “Hoan hô
tinh thần chiến đấu anh dũng của các chiến sĩ Hải Quân tham dự Hải Chiến Hoàng
Sa” “Hoan hô tinh thần bất khuất của các chiến sĩ Hải Chiến Hoàng Sa”
Chiến
sĩ Hoàng Sa, các Anh rất xứng đáng được vinh danh là những người con yêu của
đất nước! Các Anh đã không phụ lòng những bà mẹ hiền đã âu yếm trao các Anh cho
đất nước khi các Anh vừa khôn lớn. Các Anh cũng không phụ lòng mái quân trường
đã đào tạo các Anh thành những người trai thời chiến. Các Anh cũng không phụ
lòng đồng đội, chiến hữu khi các Anh xông pha trong các chiến trường lửa đạn.
Và các Anh cũng không phụ lòng đồng bào đã trao trọn niềm tin nơi các Anh. Lính
nào cũng là lính, lính nào cũng đóng góp xương máu cho quê hương đất nước và
các Anh cũng vậy, các Anh đã đại diện màu áo để góp máu cho Tổ Quốc.
Trận
Hải Chiến Hoàng Sa đã nói lên hùng tính Việt tộc, đồng thời nối tiếp tinh thần
chống Bắc xâm của dân tộc ta. “Hải Chiến Hoàng Sa” là một bản hùng ca phụ vào
với “Bình Long Anh Dũng” – “Kontum Kiêu Hùng” – “Trị Thiên Vùng Dậy” để tô đậm
thêm những nét son cho Pho Hùng Sử Của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Lê
Thương
------------------------------------------
VIDEO
:
No comments:
Post a Comment