Được đăng ngày Chủ nhật, 06 Tháng 1 2013 14:43
Kể từ khi cuộc Đại Suy Thoái (Great
Recession) toàn cầu bắt đầu xảy ra vào năm 2008, người ta đã chờ đợi rằng thế
giới sẽ quay trở lại tình trạng bảo hộ mậu dịch như đã xảy ra sau cuộc Đại
Khủng Hoảng của những năm 1930 với tất cả những hậu quả kinh tế và chính trị
của nó. May mắn là những chuyện đó đã không xảy ra trong những năm sau. Nhưng
vào năm 2013, người ta có thể thấy một nguy cơ rất rõ rệt là sau hai chục năm
toàn cầu hóa càng ngày càng chặt chẽ, các quốc gia và các đại lục trên thế giới
nay bắt đầu dựng lại những hàng rào và càng ngày càng tập trung vào việc hàn
gắn nền kinh tế nội bộ thay vì lo đến thế giới.
Tại châu Âu, khu vực Euro đã đạt được một
sự ổn định đáng chú ý kể từ khi Ngân Hàng Trung Ương châu Âu dưới sự lãnh đạo
của ông Mario Draghi can thiệp vào thị trường trái phiếu vào mùa hè năm 2012.
Nhưng sự hội nhập càng ngày càng sâu đậm của các nuớc trong khu vực Euro cũng
lại dẫn đến một sự phân hóa xa hơn về chính trị và kinh tế của Liên Hiệp Châu
Âu 27 nước nói chung. Trên thực tế, những biện pháp nhằm dẫn đến một hệ thống
ngân hàng chung, tăng cường quyền hạn của Nghị Viện Châu Âu và những biện pháp
cải cách khác có thể dẫn cùng lúc đến một sự tan rã chính trị và kinh tế “de
facto” chứ không phải “de jure” của Liên Hiệp châu Âu.
Trên phương diện kinh tế như Sebastien
Dullen biện luận trong một tài liệu nghiên cứu “Why the euro crisis
threatens the EU single market”, có những nguy cơ đáng kể về một sự sụp đổ
khả dĩ của hệ thống thị trường chung của Liên Hiệp châu Âu. Một sự tan rã toàn
diện của khu vực Euro sẽ làm hệ thống Euro sụp đổ trong khi việc tiến thêm đến
một liên bang chính trị sẽ dẫn đến sự thu nhỏ lại của châu Âu với sự ra đi của
những nước như Anh.
Nhưng ngay cả không làm gì, cuộc khủng
hoảng này cũng đã làm cho thị trường chung châu Âu không còn hoàn toàn là đồng
nhất nữa. Trong những tháng gần đây, các ngân hàng châu Âu đã bắt đầu rút ra
khỏi các hoạt động qua biên giới của họ. Và hiện nay, ta có thể thấy rằng những
công ty Đức dù đuợc quản trị dở đến đâu cũng được hưởng một lãi xuất tín dụng
thấp hơn nhiều so với những công ty Tây Ban Nha dù quản trị khéo đến đâu. Và
những hàng rào cản đó ngay giữa các nước thành phần của khu vực Euro sẽ dẫn
người ta đến tập trung nhiều hơn vào thị trường nội địa. Đối với châu Âu, điều
đó có nghĩa là ít cạnh tranh hơn, tăng trưởng chậm hơn và giá hàng cao hơn cho
giới tiêu thụ.
Sự chuyển đổi về kinh tế của châu Âu cũng
đi kèm theo với một tiến trình địa lý chính trị mới. Lục địa này đã thấy có một
số thay đổi về chính trị với những thế lực chính trị truyền thống tại nhiều
nước - từ Hy Lạp cho đến Ý; từ Phần Lan cho đến Áo - thấy họ bị bao vây bởi
những thế lực mỵ dân mới xuất hiện cả về phía tả lẫn phía hữu. Ngoài ra ta cũng
thấy có những phân ly trong quan hệ giữa vùng “căn bản” (core) và vùng “biên
duyên” (periphery) với rất nhiều nước thành viên của Liên Hiệp châu Âu kể cả
những nước lớn như nước Anh, Ba Lan, Tây Ban Nha quan ngại rằng họ bị đẩy ra
rìa của dự án châu Âu. Và quan trọng hơn cả là tình trạng đổ vỡ khả dĩ ngay
chính bên trong khu vực “căn bản” với những khác biệt càng ngày càng rõ rệt hơn
giữa Paris và Berlin về hình dáng tương lai của một châu Âu hợp nhất.
Sang đến vùng Trung Đông. Trong vòng hai
năm qua ta có thể thấy “mùa xuân Ả Rập”, hành động chính trị có vẻ đã đoàn kết
thế giới Ả Rập trong một cuộc “thức tỉnh” chưa từng có. Nó đã lan tràn từ thủ
đô này sang thủ đô khác nhờ vào những hệ thống Internet, những mạng xã hội, vệ
tinh TV và những hứa hẹn thay đổi đầy hấp dẫn. Nhưng “mùa xuân” nay có vẻ đã
tàn, những hứa hẹn thay đổi đã không thực hiện được và trong năm 2013 ta có thể
chờ đợi một sự chia rẽ hơn bao giờ hết tại vùng này. Cuộc nội chiến tại Syria
đã trở thành trung tâm của một cuộc chiến tông giáo, với những người thuộc các
tông phái cực đoan của Hồi giáo càng ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong phiến
quân chống lại chính quyền Assad. Nó đã làm sống lại những thế lực jihad của
phái Sunni, đẩy Iran và những đồng mình của nước này vào thê thủ và mở đường
cho những tham vọng của người Kurd. Bầu không khí sôi nổi tại các vùng của
người Kurd đã tạo ra những nứt rẽ trong liên minh “de facto” giữa Thổ
Nhĩ Kỳ với Saudi Arabia và Qatar. Những hệ quả của nó còn lan truyền đến tận
miền bắc Iraq.
Tại châu A tá có thể thấy những mâu thuẫn
bên trong nội bộ Trung Quốc đã đẩy châu Á mới đến tình trạng càng ngày càng
phân mảnh. Với dân chúng Trung Quốc càng ngày càng khá giả lên, nhà nước Trung
Quốc sẽ làm thế nào để giải quyết những vấn đề như tình trạng bất công gia
tăng, nhu cầu tái cân đối lại nền kinh tế. Đảng Cộng Sản Trung Quốc phải làm gì
để bảo vệ sự ổn định vào lúc mà xã hội Trung Quốc đang biến chuyển mạnh với một
nửa tỷ người có thể hội nhập mạng Internet.
Tháng 11 vừa qua, Đại Hội lần thứ 18 của
đảng Cộng Sàn Trung Quốc đã cho đăng quang những lãnh tụ mới mà mà quan điểm có
vẻ phù hơp với quá khứ hơn là với tương lai. Với hệ thống chính trị càng ngày
càng trở nên cứng rắn hơn và chính sách ngoại giao trở nên xâm lược hơn nó đã
ảnh hưởng mạnh đến phần còn lại của châu á.
Bản đồ kinh tế châu Á đã được vẽ lại nhiều
trong vòng 15 năm qua với các quan hệ thương mại, đầu tư và tiếp liệu được mở
rộng và đào sâu giữa các nước trong vùng (mà không có sự can thiệp của Mỹ).
Nhưng những tham vọng hoặc căng thẳng bên trong chính trị nội bộ của Trung Quốc
đã khiến nước này càng ngày càng có những hành động đáng quan ngại đối với
những nước láng giềng kể cả những nước bạn hàng lớn nhất như Nam Hàn và Nhật
Bản. Kể từ năm 2010, một Trung Quốc bá quyền đang càng ngày đe dọa làm tan rã
“châu Á kinh tế” vốn đang thành hình không có sự hiện diện của Mỹ để mở đường
cho một “châu Á an ninh” đòi hỏi một sự hiện diện của Mỹ chống lại mối đe dọa
đang nổi lên từ Trung Quốc.
Và điều đó, cũng như những gì xảy ra tại
châu Âu và vùng Trung Đông dẫn đến vấn đề sự lãnh đạo của Hoa Kỳ hay là sự
khiếm diện của Hoa Kỳ. Vào lúc này, giới lãnh đạo Mỹ kể cả tại tòa Bạch ốc cũng
như Quốc Hội có vẻ như chỉ quan tâm đến những chuyện bên trong nước Mỹ chứ
không chú ý gì đến bên ngoài thế giới. Chính tổng thống Obama, mặc dầu chính
sách chuyển hướng về châu Á, cũng đã tuyên bố nay là lúc xây dựng đất nước
(domestic nation building) chứ không phải phiêu lưu bên ngoài.
Tấn kịch “vực thẳm ngân sách” không cho
người ta thấy nước Mỹ ở trạng thái tốt nhất. Nhưng, tuy rằng chưa có một thế
lực nào xuất hiện để thay thế cho nước Mỹ, nước Mỹ hiện nay cũng không có thể
làm gì để ngăn chặn tình trạng sụp đổ của tiến trình toàn cầu hóa. Và quả thực,
ở mức độ mà nước Mỹ còn lãnh đạo thế giới, có thể rằng chính nước Mỹ sẽ đi tiên
phong trong việc tập trung vào công việc nội bộ thay vì mở ra những cuộc phiêu
lưu mới tại nước ngoài.
Lê Mạnh Hùng
No comments:
Post a Comment