Thursday, 10 January 2013

HỒ DIỆU BANG & SỰ KIỆN THIÊN AN MÔN (Huỳnh Văn Úc)




Huỳnh Văn Úc
10/01/2013

Ngày 7/1/2013 tờ The Straits Times đưa tin: Statue built to honour reformer whose death sparked Tiananmen - Tượng được xây dựng để tôn vinh nhà cải cách có cái chết gây ra sự kiện Quảng trường Thiên An Môn. Kèm theo đó là ảnh chụp của AFP thực hiện ngày 6/1/2013 chụp bức tượng ông Hồ Diệu Bang-cố Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 1980-1987 đã được dựng tại thành phố duyên hải Đài Châu, tỉnh Chiết Giang Trung Quốc. Người ta dựng tượng ông Hồ Diệu Bang ở Đài Châu là để tưởng nhớ công lao của ông trong việc phát triển kinh tế của đảo Đại Trần năm 1956 khi ông là lãnh đạo Liên đoàn Thanh niên Cộng sản tại đây. Tại sao báo chí nước ngoài lại gắn cái chết của ông Hồ Diệu Bang với sự kiện Thiên An Môn đẫm máu? Về việc này tưởng cũng nên có đôi điều giải thích.

Hồ Diệu Bang (1915-1989) hoạt động cách mạng từ khi còn trẻ. Ông là người ủng hộ Mao Trạch Đông một cách nhiệt thành. Khi Mao Trạch Đông bị thất sủng một thời gian ngắn ngay trước cuộc Vạn lý trường chinh, Hồ Diệu Bang đã từng bị kết án tử hình. Nếu không được một lãnh đạo cao cấp là ông Đàm Dư Bảo cứu mạng có lẽ bản án đã được thi hành. Trong chiến dịch Trường Giang Hồng quân bị đại bại, Hồ Diệu Bang bị thương nặng và bị bỏ lại bên cạnh đường hành quân chờ chết. May mắn cho ông một vị chỉ huy Hồng quân là bạn thời thơ ấu của ông đi ngang qua chỗ ông nằm đã đem theo ông trên đường rút lui nhờ vậy mà ông sống sót. Sau cuộc Vạn lý trường chinh Hồ Diệu Bang tham gia cuộc vượt sông Hoàng Hà của Hồng quân do Trương Quốc Đào chỉ huy. Lần này ông bị quân địch bắt làm tù binh và bị đưa đi làm lao động khổ sai nhưng sau đó ông và hơn một nghìn người khác chạy trốn và về được tới Diên An.

Sau khi Mao Trạch Đông qua đời Đặng Tiểu Bình dần dần giành lại quyền kiểm soát Đảng Cộng sản Trung Quốc. Năm 1980 Triệu Tử Dương thay Hoa Quốc Phong làm Thủ tướng Quốc vụ viện, Hồ Diệu Bang giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc. Ngày 16/1/1987 ông bị buộc phải rời chức vụ này vì “những sai lầm trong các vấn đề liên quan đến những nguyên tắc chính trị quan trọng”. Sai lầm gì? Hồ Diệu Bang thi hành một chính sách thực dụng tại Tây Tạng, rút hàng nghìn người Hán khỏi Khu tự trị Tây Tạng vì ông tin rằng người Tây Tạng có đủ sức tự điều hành các công việc của mình. Cuối năm 1986 nổ ra hàng loạt cuộc biểu tình của sinh viên. Người ta cho rằng dó là hậu quả của thái độ thông cảm và chính sách khoan dung của ông Hồ Diệu Bang đối với trí thức-những người yêu cầu cải cách và nới lỏng tự do chính trị.

Ngày 15/4/1989 Hồ Diệu Bang chết sau một cơn đau tim. Trong thông báo của Đảng Cộng sản về cái chết, ông được miêu tả: “Đồng chí Hồ Diệu Bang là một chiến sĩ cộng sản trung thành và đã trải qua nhiều thử thách, một nhà cách mạng và một chính khách vô sản vĩ đại, một lãnh đạo chính trị kiệt xuất của quân đội Trung Quốc”. Trung Quốc dành cho ông lễ tang cấp Nhà nước với nhiều lời ca ngợi. Lễ tang bắt đầu ở Bắc Kinh ở Quảng trường Thiên An Môn. Lễ tang của ông đã trở thành cơ hội để người dân xuống đường bày tỏ sự tức giận trước nạn gia đình trị trong chính phủ, với sự nắm giữ quyền lực thực sự của Đặng Tiểu Bình mặc dù ông này đã nghỉ hưu. Những cuộc biểu tình xảy ra với quy mô nhỏ ngày 16 và 17/4/1989. Ngày 18/4/1989 một vạn sinh viên biểu tình ngồi tại Quảng trường Thiên An Môn. Cùng ngày hôm đó vài ngàn sinh viên tụ tập trước Trung Nam Hải yêu cầu gặp lãnh đạo. Xảy ra xô xát giữa sinh viên và cảnh sát. Trong đêm ngày 21/4/1989 mười vạn sinh viên tuần hành trên Quảng trường Thiên An Môn. Ngày 22/4/1989 họ yêu cầu được gặp Thủ tướng Lý Bằng. Cuộc phản kháng lan sang các tỉnh Thiểm Tây và Hồ Nam. Ngày 26/4/1989 Nhân dân Nhật báo đăng bài xã luận buộc tội “một số kẻ cơ hội lạc lõng đang âm mưu gây bất ổn dân sự”. Ngày 27/4/1989 năm vạn sinh viên tụ tập trên đường phố Bắc Kinh yêu cầu rút bỏ bài xã luận đó. Ngày 4/5/1989 mười vạn sinh viên và công nhân xuống đường tuần hành ở Bắc Kinh yêu cầu tự do báo chí và yêu cầu Chính phủ đối thoại. Chính phủ khước từ đối thoại. Ngày 13/5/1989 nhiều đám đông sinh viên chiếm giữ Quảng trường Thiên An Môn và bắt đầu tuyệt thực. Rạng sáng ngày 19/5/1989 Tổng Bí thư Triệu Tử Dương đến Quảng trường Thiên An Môn đọc một bài diễn văn ngắn thuyết phục sinh viên ngừng tuyệt thực. Chính vì hành động này làm ông Triệu Tử Dương bị thất sủng. Ngày 30/5/1989 sinh viên dựng bức tượng Nữ thần Dân chủ trên Quảng trường Thiên An Môn.

Chính phủ Trung Quốc tuyên bố thiết quân luật từ ngày 20/5/1989. Binh lính và xe tăng của Quân đoàn 27 và 28 từ các tỉnh biên giới được điều về Bắc Kinh. Những người biểu tình đốt cháy các xe bus để làm chướng ngại vật ngăn bước tiến của quân đội. Chiến lũy được dựng lên trong khi quân đội tìm cách giải tỏa bằng súng đạn, xe tăng và hơi cay. Cuộc tấn công vào Quảng trường Thiên An Môn bắt  đầu lúc 10 giờ 30 phút tối ngày 3/6/1989 với xe tăng, xe ủi và lính với lưỡi lê tuốt trần. Nhiều người bị bắn chết hay bị xe tăng nghiến nát. Nhiều sinh viên chạy khỏi Quảng trường bị bắt và đánh bằng gậy. Cuộc đàn áp kết thúc vào lúc 5 giờ 40 phút ngày 4/6/1989 để lại trên Quảng trường ngổn ngang xác người và những vũng máu.

Ảnh: Tượng Hồ Diệu Bang ở Đài Châu. AFP chụp ngày 6/1/2013
http://nguyentuongthuy2012.files.wordpress.com/2013/01/hvu.png?w=329&h=190
built to honour reformer whose death sparked Tiananmen – Tượng được xây dựng để tôn vinh nhà cải cách có cái chết gây ra sự kiện Quảng trường Thiên An Môn.

 Những đoạn tôi viết trên đây về Hồ Diệu Bang và Sự kiện Thiên An Môn có lẽ đã giải thích được cho độc giả cái tựa đề bài báo của The Straits Times.

Tác giả gửi cho Nguyễn Tường Thụy's Blog










No comments:

Post a Comment

View My Stats