Tuesday, 15 January 2013

HIẾN PHÁP VẪN LÀ "DÒNG SÔNG MÀU ĐỎ" ? (Nguyễn Thị Hường)




Nguyễn Thị Hường
Gửi tới BBC từ Hoa Kỳ
Cập nhật: 11:38 GMT - thứ ba, 15 tháng 1, 2013

Nhìn vào những thảo luận nhiều chiều xung quanh chuyện sửa Hiến pháp đang diễn ra, có thể thấy sự cách biệt giữa ý thức hệ chính thống và dư luận tự do trong xã hội.

Chưa nói gì đến nội dung, chỉ riêng thủ tục sửa đổi Hiến pháp đã không tạo được đồng thuận ngay trong chính giới tinh hoa trong nước.

Trong thời gian qua, phúc quyết hiến pháp là một trong những đòi hỏi mạnh mẽ nhất trong các ý kiến sửa đổi Hiến pháp.

Nhưng bản dự thảo và giới lãnh đạo chỉ tổ chức “góp ý” chứ không đả động gì đến trưng cầu dân ý.

Xét về nội dung, một số người nhìn vào lời mở đầu với cách hành văn dài dòng khẳng định kiên định "ánh sáng của chủ nghĩa Mác -Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh," vào điều 4 với Đảng Cộng sản "là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội," là đã không muốn đọc tiếp, đừng nói đến chuyện góp ý.

Nhưng công bằng mà nói, cũng có một số sửa đổi - tuy nhỏ nhưng phản ảnh và tiếp thu phần nào những ý kiến tiến bộ của giới trí thức trong thời gian qua: thêm từ "kiểm soát" vào điều 2 - tuy vẫn khẳng định quyền lực nhà nước là "thống nhất", tức từ chối khái niệm tam quyền phân lập.

Dự thảo có thêm vào 'hội đồng bảo hiến' - dù đó chỉ là một hội đồng bảo hiến cấp thấp, thuộc Quốc hội; thêm điều khoản về quyền "được sống trong môi trường trong lành" và trách nhiệm bảo vệ môi trường; sửa điều khoản về bình đẳng giới, bỏ đi những điều khoản gia trưởng, thêm quy định "nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử về giới."

Nhìn vào bản dự thảo, người bi quan thấy dòng sông vẫn còn đỏ - chủ nghĩa Mác-Lênin, sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản dường như vẫn là nền tảng.

Người lạc quan nghĩ dòng sông bắt đầu pha màu xanh từ những tư tưởng cấp tiến được tiếp thu một cách manh mún.

Những cải cách pháp luật hỗn dung, tư tưởng mới pha trộn những tư tưởng cũ, phản ảnh những thay đổi trong môi trường tri thức và xã hội, và thái độ miễn cưỡng cải cách của đảng cầm quyền để đối phó với những đòi hỏi chính đáng trong xã hội.


Xã hội dân sự thúc đẩy

Nhìn vào lịch sử hiến pháp của các nước, người ta thấy những thay đổi Hiến pháp quan trọng là hệ quả của những phong trào cấp tiến của xã hội dân sự.

Ở Mỹ, phải trải qua cả trăm năm, qua chia rẽ, thậm chí nội chiến, chế độ nô lệ mới được bãi bỏ.

Phải thêm trăm năm nữa, người Mỹ gốc châu Phi và phụ nữ mới được quyền bỏ phiếu.

Các tu chính quan trọng trong Hiến pháp Hoa kỳ là hệ quả của phong trào dân quyền và nữ quyền qua nhiều thế hệ.

Ở Pháp, dù nổi tiếng với Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền 1789, phải đến năm 1958, một Hội đồng Hiến pháp mới được lập ra, với thẩm quyền hạn chế - xem xét tính hợp hiến trong thủ tục lập pháp của các dự án luật trước khi Tổng thống ký ban hành dự luật đó.

Phải đến những năm 1970, Hội đồng Hiến pháp Pháp mới bắt đầu xem xét các điều khoản nhân quyền và tự do cá nhân trong Hiến pháp như là cơ sở để phán xét tính hợp hiến của các dự luật.

Và gần đây, năm 2008, một tu chính Hiến pháp cho phép các tòa án tối cao yêu cầu Hội đồng Hiến pháp xem xét tính hợp hiến của các văn bản luật khi chúng được áp dụng vào cuộc sống.

Tức là vấn đề bảo hiến không chỉ còn là đặc quyền của các chính trị gia, mà người dân bình thường có thể đưa các vấn đề hiến pháp ra trước Hội đồng Hiến pháp.

Những phát triển đó, theo giáo sư Martin Rogoff, là kết quả của nhu cầu cần có một cơ chế làm mới Hiến pháp qua các giải thích Hiến pháp, thay vì liên tục tu chính Hiến pháp, để đáp ứng các nhu cầu chính trị và xã hội, như ảnh hưởng của luật pháp của Liên minh châu Âu, các đòi hỏi bình đẳng của một xã hội Pháp ngày càng đa dạng về sắc tộc và tôn giáo, hay sự xuất hiện của các hệ giá trị mới về dân chủ, bình đẳng giới, tự do kinh tế, bảo vệ môi trường.

Những phát triển Hiến pháp ở các nước dân chủ phương Tây đi theo chiều hướng ngày càng mở rộng quyền bình đẳng và tự do đến nhiều giai tầng trong xã hội hơn.

Ở Việt Nam, phát triển Hiến pháp có vẻ đi theo xu hướng ngược lại: từ bản Hiến pháp tương đối dân chủ năm 1946, đến những bản Hiến pháp xã hội chủ nghĩa áp đặt, thiếu chính danh năm 1959, 1980 - thay đổi chế độ chính trị, thay đổi tên nước mà không được nhân dân phúc quyết.

Hiến pháp 1992 và bản Hiến pháp sửa đổi năm 2001 đã bắt đầu có tín hiệu cởi mở hơn, vì những cải cách trong kinh tế và bang giao quốc tế khiến nhà cầm quyền không có lựa chọn nào khác.

Chế độ chính trị nhất nguyên không ngăn cản được sự trỗi dậy của một xã hội dân sự đang đòi hỏi những tự do thực tại của họ được công nhận trong Hiến pháp và pháp luật.

Một vài thay đổi tiến bộ manh mún nói trên - thêm quy định kiểm soát quyền lực, Hội đồng bảo hiến, quyền môi trường, quyền bình đẳng giới - không phải tự nhiên xuất hiện trong bản dự thảo.

Dự án Bô-xít Việt Nam từ năm 2008 đã làm dấy lên trong dư luận những đòi hỏi về quyền sống trong một môi trường trong lành.

Các nhóm cổ vũ nữ quyền và các nhà tài trợ quốc tế từ hơn một thập niên trở lại đây đã vận động để khái niệm bình đẳng giới được chấp nhận trong đời sống chính trị xã hội, phần nào thay thế quan niệm "giải phóng phụ nữ" kiểu gia trưởng xã hội chủ nghĩa.

Hội đồng bảo hiến, dù có vẻ hình thức, có mặt trong bản dự thảo Hiến pháp lần này, cũng là vì giới trí thức và dư luận hiểu việc thực thi và bảo vệ các quyền hiến định quan trọng hơn việc chỉ ghi các quyền này trên giấy.

Các cuộc biểu tình chống Trung Quốc bị đàn áp, việc bắt bớ các nhà bất đồng chính kiến bất kể quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội được ghi trong Hiến pháp, khiến người ta hiểu rằng một cơ chế bảo hiến là cần thiết.

Cơ chế bảo hiến đó có hiệu quả không trong chế độ chính trị một đảng, lại là chuyện khác.

Những gì đang diễn ra trong lần sửa đổi Hiến pháp lần này nên được đánh giá trong bối cảnh của sự chuyển mình không ngăn cản được của xã hội, của sự bối rối của nhà cầm quyền - đáp ứng cải cách cũng dở, mà cố chấp bảo vệ đặc quyền cũng chẳng xong.

Xã hội luôn có không gian tự do của chính nó, dù hạn hẹp, mà chính trị trước sau gì cũng phải thừa nhận.

Khi nhân dân ý thức và chủ động thực thi các quyền chính trị của họ, giới lãnh đạo chẳng có lựa chọn nào khác ngoài việc thừa nhận và cam kết tôn trọng các quyền ấy trong Hiến pháp và pháp luật.


Bài thể hiện quan điểm của cô Nguyễn Thị Hường, Nghiên cứu sinh khoa luật Đại học Indiana, Bloomington, Hoa Kỳ, với sự cộng tác của Luật sư Trần Minh Quốc, Boston, Hoa Kỳ và Luật sư Vũ Đức Khanh, Ottawa, Canada.





No comments:

Post a Comment

View My Stats