Trương Phước Trường
talawas
talawas
Phía Trước
15/01/2013
Tại
một quốc gia dân chủ, thông thường một đảng được đa số người dân tín nhiệm bầu
ra (hoặc trực tiếp, hoặc theo đa số số ghế trong Hạ Nghị Viện), sẽ ra nắm quyền
và những đảng còn lại sẽ đóng vai trò “đối lập”. Danh từ “đối lập” thật ra
không diễn tả được trọn vẹn tất cả ý nghĩa và vai trò của những đảng “không nắm
quyền” vì mới nghe qua, người ta có một cảm giác rất tiêu cực về hai chữ “đối
lập”, trong khi thực tế kinh nghiệm của những quốc gia dân chủ cho ta thấy vai
trò của những đảng đối lập thật ra rất tích cực và quan trọng. Có thể nói, không có “đối lập”, người dân một nước dân
chủ sẽ “chẳng biết đâu mà lường” đối với các chính sách của nhà nước. Vì sao?
Vì sẽ không có những người làm các công việc kiểm
tra, giám sát, phân tích: vạch rõ ra các lổ hổng, các ngõ cụt, các
điểm thiếu thực tế, các sự thiếu cân bằng, các sai lầm về lý luận, v.v. trong
các chính sách của nhà nước.
Trên
nguyên tắc, một người dân biểu của một đảng “đối lập” mang những trách nhiệm đối với
người dân không thua gì trách nhiệm của những người dân biểu thuộc đảng đang
nắm quyền. Chỉ khác nhau ở chỗ là “đối lập” không nắm quyền và vì thế họ không
thể trực tiếp
xây dựng cho các chính sách cho nhà nước. Tuy nhiên, họ vẫn có thể gián tiếp góp phần xây
dựng cho các chính sách ấy bằng nhiệm vụ kiểm tra, phân tích, thẩm định, chất
vấn về các chính sách của nhà nước trước quốc hội. Vai trò gián tiếp ấy quan
trọng không kém gì vai trò trực tiếp của nhà nước. Nếu không có những người
kiểm tra và thẩm định các chính sách thì có khi chính sách sai, kém hiệu quả mà
cũng chẳng ai biết đến, hay khi biết đến thì sự việc đã quá trễ rồi. Người dân
một nước dân chủ vì nhờ có các đảng đối lập (ngoài vai trò của báo chí tự do)
mà am tường và cập nhật hơn hơn về các chính sách của nhà nước. Nhờ thế mà họ
mới có thể có khả năng quyết định tối
hậu ai là người sẽ lãnh đạo họ.
Nói
vắn tắt, người dân một nước dân chủ chọn
chính phủ để lãnh đạo họ, và nếu không nhờ có sự hiện diện của
những đảng “đối lập” thì sự chọn lựa ấy gần như vô nghĩa. Nói một cách chính
xác, các đảng “đối lập” không phải là các tổ chức chỉ lo “chống” lại nhà nước
như người ta hiểu lầm nó. Một đảng đối lập mà chỉ lo làm các công việc tiêu cực
ấy thì chẳng bao giờ mong được sự tín nhiệm của người dân để ra nắm quyền. Thêm
vào đó, thực tế của các quốc gia dân chủ cho ta thấy tài năng lãnh đạo của
những người trong các đảng đang cầm quyền ít khi nào rơi vào tình trạng bế tắc
và tệ mạt đến mức độ các đảng phái đối lập cần phải “chống đối” toàn diện. Vì
thế, nói chung, các công việc bình thường của các đảng “đối lập” hầu như chỉ
gồm việc theo dõi giám sát và có khi cũng có thể phải bổ sung thêm cho các
chính sách của nhà nước (nếu muốn được uy tín với người dân là một đảng “đối
lập” có thiện chí xây dựng hơn là chỉ “chống phá”). Đó là trách nhiệm chính yếu
của “đối lập”. Đối lập để xây
dựng (dù là gián tiếp) cho đường lối và chính sách của đất nước họ.
Đối lập nhưng không “đứng ngoài lề”, và sau cùng “đối lập” như những công dân bình đẳng với
người nắm quyền, chứ không phải vì không có quyền lực trong tay mà trở thành
dân “hạ cấp” (second class citizens).
Bây
giờ ta thử tìm hiểu về các vai trò “đối lập” (nếu có) trong một quốc gia thiếu
dân chủ. Trước nhất, ngay từ định nghĩa của chữ “thiếu dân chủ”, ta đã hiểu
rằng nếu không có dân chủ thực sự tức là người dân không có quyền tối hậu chọn lựa các cá nhân để
lãnh đạo mình và các chính sách do nhà nước đưa ra thì nói làm chi đến quyền
“đối lập”. Tuy nhiên, vì để tạo ra một không khí “khoa học” và có vẻ như dân
chủ – dù là dân chủ kiểu “tối ưu”, tức là “đồng thuận” (100 phần trăm thay vì
chỉ cần đa số đồng ý) người ta vẫn có thể chứng kiến những sự “đối lập giả tạo”
trong những quốc gia thiếu dân chủ qua hình thức của những cơ quan hay tổ chức
gọi là “nghiên cứu” để “phản biện”. Nhưng thế nào là “phản biện”?
Đưa
ra một vài ví dụ. Hai “viện” nghiên cứu về chính sách phát triển kinh tế có thể
đưa ra hai loại chính sách hoàn toàn trái ngược nhau: (1) tăng thuế lợi tức đối
với người giàu và tăng ngân sách của chính phủ cho người nghèo, hoặc (2) giảm
thuế lợi tức cho người giàu và cắt ngân sách của chính phủ cho người nghèo. Rõ
ràng là hai loại chính sách nầy “phản biện” nhau, nhưng không cần đến những sự
“nghiên cứu” cao siêu thì người ta mới nhận ra được các đường lối phát triển
“trái ngược” nhau như vậy. Vấn đề chính yếu trong chính sách không phải là
“phản biện” mà thực sự là ai có quyền
chọn lựa và quyết định tối hậu để đưa ra các chính sách. Thêm vào
đó, thực tế của các vấn đề chính sách (kinh tế hay chính trị, ngoại giao, và cả
quân sự) thường không phải là vấn đề chính sách “trắng” hay “đen” mà thường là
ở mức độ và ở
các chi tiết nhiều
hơn là ở các vấn đề triết học trừu tượng hay lý thuyết cao siêu. Vì thế có khi
sự chọn lựa giữa (1) và (2) còn tùy theo thời điểm của thế giới và tùy theo mức
độ cân bằng (hay mất cân bằng) trong hiện tại. Vì vậy, để quyết định cần phải chọn
đường lối nào, người ta cần quyền
quyết định và những con người có
trách nhiệm hơn là những con người chỉ biết lo có sự “nghiên cứu”.
“Phản biện” vì thế có khi chẳng mang đến lợi ích thực tế gì nếu như không có
quyền “đối lập” thật sự, vi “đối lập” – như trên đã trình bày chi tiết, không
phải là quyền “chống đối” suông một cách vô trách nhiệm mà quả thật là một trách nhiệm đứng ra thay
cho quyền chọn lựa tối hậu của người dân. Nếu như người dân không có quyền để
chọn lựa thì dù cho có quyền “phản biện”, quyền ấy để cho ai và “đại diện” được
cho ai?
Nói
tóm lại, việc xây dựng
các chính sách phục vụ cho đất nước và cho người dân có khi không cần phải có
các sự “chống đối” dù trên lý thuyết hay thực tế. Chỉ cần có các quyền thay đổi vì nói chung,
kinh nghiệm của các xã hội đã phát triển cho ta thấy, phát triển không nhất
thiết là lúc nào cũng cần “cách mạng” tức là đạp đổ tất cả những gì đã hay đang
được xây dựng, mà quả thật là cần nhiều hơn các quyền kiểm tra, phân tích, giám
sát để bổ sung những gì cần xây dựng thêm và thay đổi những gì không có hiệu
quả. Đó chính là ý nghĩa thật sự của hai chữ “đối lập” trong một quốc gia dân
chủ. Không có “đối lập” tích cực thì dù có phản biện từ trong hay ngoài nước,
từ cá nhân hay đoàn thể, cũng là vô tích sự, và chỉ có giá trị, nhiều lắm là
như những bức “tâm thư” cho những con người không bao giờ cần đọc.
©
2009 Trương Phước Trường
© 2009 talawas blog
© 2009 talawas blog
-----------------------------------
Giới Thiệu TỦ SÁCH
ĐIỆN TỬ TALAWAS
Giới Thiệu TỦ SÁCH ĐIỆN TỬ TALAWAS (1)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/giowis-thieu-tu-sach-ien-tu-talawas-1.html
Giới Thiệu TỦ SÁCH ĐIỆN TỬ TALAWAS (2)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/gioi-thieu-tu-sach-ien-tu-talawas-2.html
SÁCH XUẤT BẢN TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975 (Tủ Sách talawas) (1)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/05/sach-xuat-ban-tai-mien-nam-truoc-1975_17.html
SÁCH XUẤT BẢN TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975 (Tủ Sách talawas) (2)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/05/sach-xuat-ban-tai-mien-nam-truoc-1975.html
Giới Thiệu TỦ SÁCH ĐIỆN TỬ TALAWAS (1)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/giowis-thieu-tu-sach-ien-tu-talawas-1.html
Giới Thiệu TỦ SÁCH ĐIỆN TỬ TALAWAS (2)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/06/gioi-thieu-tu-sach-ien-tu-talawas-2.html
SÁCH XUẤT BẢN TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975 (Tủ Sách talawas) (1)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/05/sach-xuat-ban-tai-mien-nam-truoc-1975_17.html
SÁCH XUẤT BẢN TẠI MIỀN NAM TRƯỚC 1975 (Tủ Sách talawas) (2)
http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/05/sach-xuat-ban-tai-mien-nam-truoc-1975.html
No comments:
Post a Comment