BBC
Cập nhật: 07:25 GMT - thứ tư, 9 tháng 1, 2013
Trưởng ban
Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nói thành phố đã tổ chức
đội ngũ chuyên gia để "đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên
internet chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch".
Ngoài ra, ông
Lợi còn cho hay cơ quan tuyên giáo thành phố đã tổ chức đội ngũ 900
'dư luận viên' làm công tác tuyên truyền miệng.
Các chi tiết
nói trên được nêu ra trong bài phát biểu của ông Hồ Quang Lợi tại Hội
nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012 sáng thứ Tư 9/1 ở Hà Nội.
Trưởng ban Tuyên
giáo Thành ủy từng làm phó tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân và tổng
biên tập báo Hà Nội Mới.
Báo Lao Động
dẫn lời ông Lợi nhận định rằng thủ đô Hà Nội "là địa bàn chống phá
của các đối tượng".
Ông Hồ Quang Lợi nói: "Trong nước, các nhóm đối
tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần chúng nhân dân đối với
các hành vi của Trung Quốc trên biển Đông, sự bức xúc trong đền bù giải tỏa đất
đai đã kích động nhân dân tổ chức hàng chục cuộc tuần hành biểu tình, gây những
hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển chung của đất
nước".
Theo ông, để
đấu tranh với sự chống phá này, "thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 dư
luận viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền
miệng".
Song song với
đội ngũ 'dư luận viên' này, còn có "nhóm chuyên gia đấu tranh
trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet".
Các
"chuyên gia" của Thành ủy Hà Nội tới nay được biết đã xây
dựng 19 trang tin điện tử và lập ra hơn 400 tài khoản trên các mạng
xã hội để trực tiếp bút chiến với các "thế lực phản
động".
Ông Hồ Quang
Lợi còn cho biết, "báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ
việc nhạy cảm, thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh".
Các cơ quan
truyền thông Hà Nội, như Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội hay
báo Hà Nội Mới trong vài năm nay đã khá tích cực trong việc công
kích, đả phá hoạt động biểu tình chống Trung Quốc trên địa bàn
thành phố.
'Không để lợi dụng công kích Đảng'
Trong khi đó,
ở cấp độ cao hơn, người đứng đầu ngành tuyên giáo của Đảng Cộng sản
kêu gọi "xử lý việc lợi dụng lấy ý kiến về sửa đổi Hiến pháp để xuyên
tạc, công kích, chống phá Đảng".
Ông Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban
Tuyên giáo Trung ương, nói tại Hội nghị toàn quốc triển khai lấy ý kiến nhân
dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp hôm thứ Ba 8/1, rằng các cấp cán bộ
Đảng cần "nêu cao tinh thần cảnh giác, ý thức tự đề kháng, năng lực phản
bác của nhân dân trong cuộc đấu tranh làm thất bại những âm mưu, thủ đoạn, luận
điệu sai trái của các thế lực thù địch".
Ông cũng nói
phải "xử lý kịp thời những hành động tán phát tài liệu xấu, mạo danh, nặc
danh, lợi dụng việc lấy ý kiến nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp để xuyên
tạc, công kích, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân".
Hiện dự thảo
Hiến pháp mới đang được mang ra xin ý kiến người dân từ tháng 1 đến
hết tháng 3 năm 2013.
Theo ông Đinh
Thế Huynh, việc lấy ý kiến người dân phải bảm đảm “dân chủ và thực
chất” đồng thời “phải thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng”.
Ông chỉ đạo
các báo khi chọn đăng ý kiến của dân phải bảo đảm "khách quan,
mang tính tiêu biểu và tính xây dựng; tránh khuynh hướng phiến diện, thiên
lệch, không chuẩn xác, thiếu trung thực".
------------------------------------------
Thứ
tư, ngày 09 tháng một năm 2013
Phát biểu tại hội nghị công tác Tuyên giáo toàn
quốc 2012 diễn ra sáng nay 9/12/2013, ông Hồ Quang Lợi,
Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Hà Nội nói: "Đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận
viên trên toàn thành phố nhằm phát huy sức mạnh của đội ngũ tuyên truyền miệng.
Trong khi đó, báo chí thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy
cảm; thành lập các tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “nhóm chuyên
gia” đấu tranh trực diện trên mạng internet, tham gia bút chiến trên internet.
Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng
(Zich)”
Một thông tin khá bất ngờ, tạo cho
tôi cảm giác thích thú.
Tuy nhiên, không biết 19 trang tin
điện tử và hơn 400 tài khoản mạng mà ông Lợi nói đã được lập với vai trò “tham
chiến” kia là những trang nào, công khai hay nặc danh?
Đó là riêng Hà Nội, còn các địa bàn
khác hoặc cấp trung ương, bộ ngành chuyên trách cao hơn có không, bao nhiêu,
công khai hay che núp dưới những cái tên kiểu “quan, vua, chúa, tướng, dân, thợ
thầy” làm báo ba sàm bá láp hoặc "đồng chí X, Y, Z...” nào đó?
Bởi nếu không công khai tên tuổi cá
nhân (hoặc tổ chức) như trang web của tôi (http://truongduynhat.vn)
thì đó là việc làm mờ ám, không trong sáng và đặc biệt là vi luật. Nó không
đáng có và không được phép ở một chính quyền đàng hoàng, minh bạch.
Nếu vậy, nó chẳng khác nào blog “Quan
làm báo” và những trang blog/website ẩn danh khác đang công kích đả phá chế độ
mà chính ông Lợi, ngành Tuyên giáo và chính quyền đang lên án.
Còn nếu tất cả 19 trang tin điện tử
cùng hơn 400 tài khoản trên mạng kia là chính danh, công khai tên tuổi địa chỉ
và danh vị thật, đường đường chính chính thì chẳng những không nên phê phán mà
ngược lại, tôi xem đó là một động thái nên làm và đáng biểu dương.
Lâu nay, tôi vẫn luôn phê phán chính
quyền và hệ thống tuyên giáo- báo chí truyền thông chính thống ở điểm này. Rằng
đáng ra phải công khai mọi sự, công khai thông tin, công khai tranh luận thì
chính quyền và cả một hệ thống tuyên giáo- báo chí truyền thông chính thống lại
luôn cho là nhạy cảm, chọn cách im lặng né tránh. Báo chí mà cứ ngại chuyện
nhạy cảm, nhạy tí là né tránh, thậm chí Ban Tuyên giáo luôn chỉ đạo ngưng hoặc
tránh vì lý do “nhạy cảm”. Đó là một lối tư duy rất cổ lỗ, lạc hậu kiểu đầu
đất. Nhạy cảm mới cần báo chí, không nhạy cảm, vớ va vớ vít toàn mấy chuyện
không đâu, hoặc đâm chém, hiếp dâm, cởi áo tụt quần thì cần báo chí làm gì?
Tôi hay ví đó là cách nhường thế trận
truyền thông cho... “địch”.
Hãy công khai tranh luận một cách
chính danh quân tử, thay vì sử dụng những biện pháp kỹ thuật lén lút cướp phá
không khác gì bọn hacker, hoặc chụp mũ chính trị và kết án một cây bút chỉ vì
những bài viết góp ý, phê bình phản biện của họ. Trước một thông tin, trước một
tác phẩm, một bài viết, một cây bút, một góp bàn phản biện, chỉ được phép dùng
chính phương cách truyền thông “tham chiến”, chứ không được phép dùng đến cái
còng số 8, nòng súng và nhà giam.
Cái nghĩa bút chiến truyền thông là ở
đó. Và tôi luôn mong đợi, phấn khích điều này.
“Bút chiến trên internet”- nói như
ông Hồ Quang Lợi- tại sao không?
-----------------------------------
Tháng Một 9, 2013
Ông Hồ Quang Lợi, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nêu kinh nghiệm «Tổ chức
nhóm chuyên gia» đấu tranh trực diện, tham gia bút chiến trên Internet trong
việc đấu tranh với các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Phát biểu tại Hội nghị công tác tuyên giáo toàn quốc 2012
sáng nay 9-1 tại Hà Nội, Trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy đã dùng từ “Tuần hành,
biểu tình liên quan đến Biển Đông” với số lượng lên tới «hàng chục cuộc» ở Hà
Nội .
Theo ông, HN là địa bàn chống phá của các đối tượng.
Trong nước các nhóm đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng lòng yêu nước của quần
chúng ND đối với các hành vi của TQ trên biển đông, sự bức xúc trong đền bù
giải tỏa đất đai kích động nhân dân tổ chức hàng chục các cuộc tuần hành biểu
tình, gây những hệ quả tiêu cực, ảnh hưởng đến hình ảnh và sự phát triển chung
của đất nước.
Về các biện pháp tuyên giáo, theo ông Lợi, Thành phố đã tổ chức đội ngũ 900 dư luận viên trên toàn TP nhằm phát huy sức mạnh đội ngũ tuyên truyền miệng. Trong khi đó, báo chí Thủ đô thực hiện ý kiến chỉ đạo về những vụ việc nhạy cảm; thành lập các Tổ phóng viên bấm nút, phản ứng nhanh. Tổ chức “Nhóm chuyên gia” đấu tranh trực diện trên mạng internet. Tham gia bút chiến trên Internet». Đến nay, đã xây dựng được 19 trang tin điện tử, hơn 400 tài khoản trên mạng (Zich). Thành phố cũng đã tổ chức đối thoại, thuyết phục với tác giả cuốn « Không thể một lúc đi trên 2 con đường”. Qua đó, tác giả nhận ra sai lầm, cam kết không in, hứa thu hồi những gì đã phát tán.
7 kinh nghiệm, cũng là bài học được ông Lợi rút ra. Trong đó, Báo chí, truyền thông cần đưa tin chính xác kịp thời, sẽ ngăn chặn kẻ xấu kích động nhân dân. Chủ động đối thoại trong các vụ việc liên quan đến tư tưởng, đường lối, không để họ đối đầu với chính quyền. Tổ chức các lực lượng quần chúng tham gia đấu tranh.
No comments:
Post a Comment