Saturday, 12 January 2013

GIẤC MƠ TRUNG QUỐC ? (Lê Phan)




Lê Phan
Friday, January 11, 2013 2:51:02 PM

Một người bạn đồng nghiệp của tôi trước đây ở đài BBC vừa gửi cho từ Trung Quốc một tấm hình với hàng chữ “Có làm bạn nhớ đến Hyde Park Corner không?”

Ðó là một tấm hình chụp cảnh những người biểu tình ủng hộ tờ Nam Phương Chu Mạt (Southern Weekend). Họ cầm biểu ngữ và vác loa đứng ở góc đường đưa ra những lời chỉ trích chính quyền ủng hộ cho tờ báo.

Sở dĩ anh bạn của tôi nói đến Hyde Park Corner vì ở Luân Ðôn này, ở một góc của công viên Hyde Park không xa khu quyền lực của Anh Quốc, thường xuyên có những người leo lên thùng gỗ và bắt đầu diễn thuyết. Họ tự do biện minh cho tất cả mọi lập trường chính trị. Họ cũng tự do biện minh cho mọi chủ thuyết của con người. Hyde Park Corner thường được gọi là một biểu hiệu của nền dân chủ đường phố thuần túy nhất.

Anh bạn phóng viên, bây giờ làm cho một tờ tuần báo đầy uy tín, là phóng viên thường trú ở Bắc Kinh. Anh đã thêm trong thông điệp một dòng “Nhớ Thiên An Môn.”

Mà quả như anh đã nói, đã lâu lắm rồi, từ thời Thiên An Môn và những cuộc biểu tình đòi dân chủ của thanh niên học sinh hồi năm 1989, hồi đầu tuần mới thấy một số người Hoa xuống đường, mang biểu ngữ đòi tự do dân chủ.
Những số người tụ tập bên ngoài tòa soạn của Nam Phương Chu Mạt không đông lắm, không phải là cái con số khổng lồ như thời Thiên An Môn. Hôm Thứ Hai có khoảng vài trăm người. Hôm Thứ Ba có khoảng 100 người. Nhưng luận điệu của những diễn giả thay phiên nhau nói với đám đông ngày càng bạo dạn hơn. Nhiều người kêu gọi tự do báo chí, tự do ngôn luận, cũng như bầu cử tự do, và những lời hô hưởng ứng của những người tụ tập bên lề đường trước cửa tòa soạn cũng ngày càng hăng say hơn.

Ðiều còn đáng ngạc nhiên hơn nữa là có khoảng 20 công an được gửi tới, nhưng họ không làm gì để ngăn chặn các diễn giả hay là giành các khẩu hiệu, biểu ngữ bày tỏ những ý tưởng tương tự mà các người tham dự đã tự hào giơ lên. Một tấm bích chương lớn do hai người cầm chỉ viết có vỏn vẹn hai chữ “Free China.” Bạn muốn hiểu là “Trung Quốc tự do” hay “Hãy trả tự do cho Trung Quốc” cũng được. Có lúc một ai đó trong đám đông đã la lớn “Ðả đảo đảng Cộng sản. Ðảng Cộng sản phải từ chức!”

Thái độ của công an có vẻ thật bình tĩnh. Một số người trong đám đông nói họ nghe có vài người tranh đấu bị bắt hay bị ngăn cản không cho đến dự. Nhưng so với thái độ hung hăng thường xuyên của nhà nước khi phản ứng trước một vài cố gắng hồi đầu năm 2011 để ủng hộ cho Mùa Xuân Ả Rập, thái độ hiền lành của mấy ngày đầu tuần của công an Quảng Châu thật là đáng ngạc nhiên.

Nhưng câu chuyện bắt đầu từ một lời khai bút tân niên. Nam Phương, đã xuất bản từ 29 năm nay, là một tờ báo nổi tiếng lúc nào cũng tìm cách phá lệ, theo đuổi những vấn đề ấn định nghị trình, và những tin tức nảy lửa. Tuy xuất bản ở Quảng Châu, tờ báo có độc giả trên toàn quốc mỗi tuần lên đến 1.7 triệu người. Mỗi năm vào số đầu năm, Nam Phương thường cho đăng một lời khai bút. Ðã có những lời khai bút khiến một chủ bút của Nam Phương bị cách chức rồi dần dà phải bỏ nước ra đi. Nam Phương là một ấn bản của Tổ hợp Nam Phương, vốn là của thành ủy tỉnh Quảng Ðông. Ngoài Nam Phương, tổ hợp này còn có Hoa Nam Ðô Thị Báo, một tờ nhật báo cũng nổi tiếng tranh đấu và liên doanh trong tờ Bắc Kinh.

Năm nay lời khai bút đó mang tên “Trung Quốc Mộng: Hiến Chính Mộng” (Giấc mơ Trung Quốc: Giấc mơ một chế độ hiến định.” Dựa vào hai chữ mà Tổng Bí Thư Tập Cận Bình thường nhắc đến “Trung Quốc mộng: Giấc mơ Trung Quốc,” hai chữ mà thực ra ông Tập dùng rất lỏng lẻo và chỉ để nói đến giấc mộng “hồi sinh nước Ðại Trung Hoa,” Nam Phương kêu gọi “thực hiện giấc mơ chế độ hiến định ở Trung Quốc,” để bảo đảm là nhân quyền được bảo vệ và quyền năng thực sự được kiểm soát.

Lời khai bút đó viết, “Chỉ nếu khi một chế độ hiến định được thực thi và công quyền có thể được kiểm soát hữu hiệu thì các công dân mới có thể lớn tiếng chỉ trích quyền lực một cách tự tin, và chỉ có như vậy thì mọi người mới có thể tin từ tâm can của họ là họ có thể tự do sống cuộc đời của mình. Chỉ lúc đó chúng ta mới có thể xây dựng một quốc gia thực sự tự do và hùng mạnh...” (dịch qua bản dịch tiếng Anh của China Media Project, một tổ chức theo dõi báo chí Hoa Lục ở Hồng Kông).

Nhưng lời khai bút đó đã quá bạo. Trưởng ban tuyên giáo tỉnh Quảng Ðông Thả Chấn, một cựu phó chủ bút của Tân Hoa Xã, và là một người nổi tiếng sắt đá đối với báo chí, đã đích thân viết một bài khác thay thế bài của Nam Phương. Bài của ông Thả hoàn toàn khác hẳn ý của ban biên tập. Thay vì kêu gọi tự do dân chủ và một chế độ theo Hiến Pháp, bài báo ca tụng chế độ và nói đến nhiệm vụ của nhà báo đối với chế độ. Bài báo còn đặc biệt làm các nhà báo tức giận vì trong đó còn có những lỗi sơ đẳng chẳng hạn như viết “cách đây hai ngàn năm Vũ Vương trị thủy.” Thực ra là 4,000 năm. Họ coi bài xã luận được đăng trên tờ báo của họ là một sự sỉ nhục cho tờ báo.

Tức giận, ban biên tập cho phổ biến nguyên văn bài báo nguyên thủy trên Internet và bắt đầu tổ chức phản đối. Một số nói họ đình công. Và rồi từ đầu tuần này, những người ủng hộ họ bắt đầu xuất hiện. Không những ở địa phương, một bức thư ngỏ với chữ ký của cả trăm nhà trí thức và các cựu viên chức yêu cầu cách chức ông Thả.
Chưa hết, ở Bắc Kinh, tờ báo anh em của Nam Phương, Tin Tức Bắc Kinh, từ chối đăng một bài xã luận chỉ trích Nam Phương do Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo vốn có những lập trường quá khích bảo thủ. Nhưng sau một đêm đối đầu, Bắc Kinh chịu thua phải đăng bài xã luận. Nhưng vẫn không hoàn toàn đầu hàng, họ để bài bình luận của Hoàn Cầu vào trang chót và cắt đi một phần ba đặc biệt những đoạn đòi nhà báo phải tuân thủ đảng. Cũng ngày phải đăng bài xã luận của Hoàn Cầu, Bắc Kinh đưa ra trong trang Ðời Sống một bài viết ca ngợi tô cháo. China Media Project giải thích đó là một cách ngấm ngầm ủng hộ Nam Phương, bởi chữ cháo đồng âm với tên tắt của Nam Phương là Nam Chu. Ăn cháo ủng hộ Nam Chu là lời kêu gọi.

Hôm Thứ Năm vừa qua, Nam Phương vẫn tiếp tục phát hành. Lúc đầu các nguồn tin từ nội bộ của Tổ hợp Nam Phương cho biết sau nhiều ngày điều đình, trước sự can thiệp của chính Tân Bí thư tỉnh ủy Quảng Ðông Hồ Xuân Hoa, Nam Phương được bảo đảm là chế độ kiểm duyệt sẽ được nới lỏng và tuy ông Hồ không hứa nhưng ngầm ý nói rồi sẽ cho ông tuyên giáo đi chỗ khác.

Ðể thử xem nhà nước có giữ lời hứa không, ban biên tập Nam Phương đã yêu cầu được viết một bài xã luận trình bày lập trường của mình. Hôm Thứ Năm vừa qua, tờ báo được in ra nhưng thay vì bài xã luận của ban biên tập thì chỉ có một bài xã luận đăng lại của Nhân Dân. Ở Bắc Kinh, chủ bút Ðới Tự Canh của tờ báo tuyên bố từ chức. Nam Phương, vốn hàng tuần được phát hành trên toàn quốc, chỉ được phát hành ở Quảng Ðông tuần này. Và công an đã lộ nguyên chân tướng, bắt đầu bắt nhốt những người biểu tình.

Thế là giấc mơ Trung Quốc đã tiêu tan. Anh bạn nhà báo của tôi mơ ước một Hyde Park Corner ở Trung Quốc sẽ còn phải chờ thêm một thời gian dài nữa.







No comments:

Post a Comment

View My Stats