Saturday, 12 January 2013

NHÂN QUYỀN TRONG MÔI TRƯỜNG GIÁO DỤC VIỆT NAM (Song Chi)




Song Chi/Người Việt
Friday, January 11, 2013 7:51:30 PM

Lâu nay chúng ta đã nói mãi về tình trạng nhân quyền tệ hại ở Việt Nam. Nhiều tổ chức phi chính phủ, nhiều quốc gia tự do dân chủ trên thế giới trong đó có Hoa Kỳ, đã từng lên tiếng rất nhiều lần về những hành động vi phạm nhân quyền ngày càng nghiêm trọng của nhà nước Cộng Sản Việt Nam.

Các em học sinh trường THCS Châu Tiến và THCS Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, bất ngờ bị lấy máu. (Hình: VNN)

Nhưng chúng ta lại dường như chưa nhận ra một cách đầy đủ rằng tình trạng vi phạm nhân quyền đó cũng đang diễn ra trong một môi trường mà lẽ ra phải là nơi đầu tiên nghiêm túc thực hiện sự tôn trọng con người, đó là môi trường giáo dục.

Từ nhiều năm nay giáo dục Việt Nam đã bị dư luận phân tích, mổ xẻ rất nhiều về sự lạc hậu từ kiến thức cho đến phương pháp dạy và học. Một nền giáo dục nhồi nhét, tuyên truyền về chính trị, nặng kiến thức sách vở mà thiếu phần thực hành, thiếu phần rèn luyện, bồi dưỡng về tâm hồn, nhân cách, thiếu phần đào tạo kỹ năng sống, phương pháp tư duy...

Một nền giáo dục dựa trên những quan niệm sai lầm, học để lấy điểm, đi thi, lấy bằng chứ không phải học để hiểu, để có những suy nghĩ độc lập, thành những con người biết sống đẹp, can đảm, giàu lòng nhân ái... Nghĩa là hoàn toàn thiếu vắng một tư tưởng triết học nhân văn và khai phóng.

Mặt khác, trong bối cảnh chung của một xã hội đang bị xuống cấp về đạo đức, khủng hoảng về niềm tin, lý tưởng, môi trường giáo dục ở Việt Nam thay vì có thể bù đắp phần nào cái phần thiếu hụt ấy thì cũng lại bị tác động, sa sút về đạo đức.

Mối quan hệ giữa thầy trò không còn thiêng liêng như thời xưa. Sự dối trá lan tràn từ ngoài xã hội vào trong học đường. Nạn gian dối trong thi cử, chạy điểm, gạ tình lấy điểm, mua bằng, thầy đánh trò, trò đánh thầy, học trò đánh lẫn nhau, thầy ngủ với trò, hiếp dâm trò...

Và một khía cạnh khác nữa, đã đề cập ở trên: Quyền con người cũng không hề được tôn trọng trong môi trường học đường, từ nhà trẻ cho đến bậc trung học phổ thông, đại học.

Ở lứa tuổi còn thơ, báo chí thỉnh thoảng lại đưa tin các cô bảo mẫu, cô giáo xúc phạm trẻ, đánh trẻ, có những trường hợp dẫn đến cái chết thương tâm cho trẻ.

Như vụ cô bảo mẫu V. trường mầm non tư thục Thiên Thơ, Phú Nhuận, Sài Gòn dán băng keo lên miệng một em bé đang khóc làm em ngưng thở và tử vong sau khi đưa vào bệnh viện cấp cứu mấy ngày, vào Tháng Mười Hai 2007.
Cô giáo N. trường mầm non Hoa Lan, Tân Bình, Saigon, nhốt trẻ 4 tuổi vào thang máy để phạt vì không chịu ăn cơm, khiến em bị đa chấn thương, Tháng Chín 2010.

Cô giáo chủ nhiệm lớp 6A4 trường THCS Quảng Hiệp, huyện Ðức Trọng (Lâm Ðồng) dùng roi đánh các em, có em phải nhập viện. (“Cô giáo bị tố đánh học sinh nhập viện”, VNExpress)

Tại một lớp học thêm ở ngoài nhà trường, cô giáo đã cầm bút đâm chảy máu đầu học sinh tiểu học. (“Hà Nội: Cô giáo cầm bút đâm chảy máu đầu học sinh”, báo Người Lao Ðộng)

Ðó là lứa tuổi mẫu giáo, mầm non, tiểu học, khi các em còn quá nhỏ và không thể tự bảo vệ mình.

Sự vi phạm nhân quyền còn thể hiện ở nhiều hình thức khác nhau, không cần phải đánh đập mà là xúc phạm nhân phẩm các em cách này cách khác. Người thầy, hoặc do thiếu hiểu biết, thiếu kiến thức sư phạm, thiếu kềm chế hay vì những bực dọc đời thường mà trút lên đầu các em.

Nhiều thầy cô còn “sáng tạo” ra những hình phạt lạ lùng, phản sư phạm như cho các bạn học thay nhau tát vào mặt em học sinh có lỗi, bắt nuốt phấn, liếm ghế cô ngồi...

Ở bậc phổ thông trung học, chuyện xúc phạm bằng cách la mắng, thậm chí dùng những ngôn ngữ phản sư phạm không phải là chuyện hiếm hoi.

Dư luận từng bị sốc trước vụ cô giáo T.N. lớp 11 chuyên Lý trường Trần Phú, Hải Phòng mắng chửi học sinh suốt hơn 15 phút, bị học sinh lén ghi âm đưa lên mạng, Tháng Chín 2010. Một videp clip mắng chửi học sinh khác là cô giáo N. ở trường THPT dân lập Hàng Hải, tháng 12.2010.

Lứa tuổi học trung học đang có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, đang muốn khẳng định cái “tôi”, nên các em rất nhạy cảm, dễ tổn thương, dễ có những hành động dại dột nếu bị người lớn, thầy cô xúc phạm. Học sinh Việt Nam thì lại không được đào tạo kỹ năng sống, bản lĩnh đối phó với mọi tình huống trong đời thường.

Trong năm 2012, báo chí dư luận đã phải đánh động về tình trạng học sinh tự tử, ngoài những lý do thuộc về đời sống cá nhân, gia đình, có nhiều trường hợp là do cách đối xử của thầy cô.

Vì bị cô giáo dạy Toán xúc phạm, ngày 7 Tháng Giêng, một nữ sinh lớp 12 của một trường THPT tư thục ở huyện Ðông Hưng (Thái Bình) đã nhảy từ tầng 2 xuống đất, tử vong.

Vì “bức xúc” với cô giáo, ngày 16 Tháng Mười 2012, một em nữ sinh trường THPT Trần Kỳ Phong, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã dùng dao lam cắt gân tay, may mà được cứu kịp.

Ngày 30 Tháng Mười 2012, một nam sinh lớp 11A7 trường THPT Lý Nhân, Hà Nam đã treo cổ tự vẫn để phản đối cách đối xử không công bằng và những lời nói xúc phạm nhân phẩm nặng nề của cô giáo chủ nhiệm.

Rất nhiều người lớn nói chung và thầy cô giáo nói riêng đã không ý thức được mình đang vi phạm nhân quyền, không tôn trọng các em như những con người. Dạy học thì học sinh chỉ được quyền nghe, không được cãi lại hay có ý kiến khác, khi học sinh sai thì la mắng, xúc phạm, còn khi chính mình sai, các em có ý kiến thì lại tự ái, không nghe hoặc trù dập.

Phải nói thật là những quan điểm, những lối hành xử như vậy hầu như không có trong môi trường giáo dục tại các nước dân chủ và phát triển, nơi trẻ em được tôn trọng từ khi còn rất nhỏ. Nơi học sinh có thể thoải mái phát biểu ý kiến cho dù ý kiến đó khác hẳn với giáo viên, với sách vở.

Một điều đáng nói nữa là trong hầu hết những chuyện thương tâm xảy ra, thầy cô và cả nhà trường thường có khuynh hướng giấu nhẹm sự việc, tìm cách thỏa thuận với gia đình các em để khỏi ầm ĩ, nhà trường bị mang tiếng. Chỉ đến khi báo chí vào cuộc, dư luận ồn ào thì mới chịu xử lý. Bản thân giáo viên có lỗi cũng không tỏ ra hối lỗi một cách thành khẩn.

Trong câu chuyện nam sinh treo cổ nói trên, các bạn học, cha mẹ của em rất bất bình vì thái độ không hề hối hận của cô giáo, nhà trường thì tìm cách cho qua. Các em buộc phải làm đơn xin đổi cô chủ nhiệm, gia đình làm đơn tố cáo (một loạt bài trên blog Nguyễn Tường Thụy: “Học sinh lớp 11A7 trường THPT Lý Nhân làm đơn kiến nghị thay cô giáo chủ nhiệm”, “Những hình phạt phản giáo dục, sự xúc phạm nhân phẩm của cô giáo Nguyễn Thanh Thủy”, “Ðơn tố cáo của phụ huynh em Nguyễn Văn Phúc”...).

Một câu chuyện khác cũng gây sốc không kém là một em học sinh lớp 2 bị cô giáo và nhà trường giao cho công an đưa lên đồn thẩm vấn cả buổi vì nghi lấy cắp tiền, sau đó cô phát hiện ra tiền không bị mất, em và anh trai học lớp 5 mới được thả ra.

Chuyện xảy ra cả tháng, trước sức ép của dư luận, cô giáo và nhà trường mới tổ chức xin lỗi công khai em học sinh trước toàn trường, bản thân cô giáo thì tặng em một chiếc xe đạp để đi học.

Mới đây, lại đến chuyện hàng trăm em học sinh trường THCS Châu Tiến và THCS Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) được nhà trường theo “lệnh” của chủ tịch UBND xã và trạm y tế cho một tổ chức lấy máu, mà không thông báo cho phụ huynh, cũng không giải thích lý do cho các em.

Ðến khi báo chí phanh phui thì nhà trường, chính quyền, cơ quan y tế có liên quan mới nêu lý do là để nghiên cứu về bệnh Thalassemia ở trẻ em dân tộc Thái và Mông tỉnh Nghệ An! Dù với lý do gì thì rõ ràng việc làm này cũng chứng tỏ người lớn không hề coi trọng quyền con người, quyền trẻ em.

Muốn thay đổi tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam không chỉ ở giới quan chức lãnh đạo và hệ thống chính trị, mà ngay từ trong môi trường giáo dục.

Muốn tôn trọng con người, hãy bắt đầu từ khi còn là những đứa trẻ, và người thực hành nghiêm túc trước hết phải là những người thầy đang dạy dỗ các em, là tấm gương của các em.

Và ngược lại, muốn xây dựng một xã hội dân chủ thì phải bắt đầu từ việc dạy cho trẻ em hiểu được những quyền của mình, để cho các em được dân chủ. Nếu không khi lớn lên đến lượt các em hoặc không biết quyền con người, quyền công dân của mình, hoặc sẽ vi phạm nhân quyền với người khác.










No comments:

Post a Comment

View My Stats