Monday 14 January 2013

CÔNG TY MẠNG TRUNG QUỐC PHÁT TRIỂN Ở VIỆT NAM (BBC)




BBC
Cập nhật: 15:54 GMT - thứ hai, 14 tháng 1, 2013

Các công ty Internet và phát triển phần mềm của Trung Quốc phát triển ở Việt Nam bất chấp căng thẳng chủ quyền biển đảo, tạp chí Forbes nhận xét trong bài hôm 14/1.
"Xung đột chủ quyền giữa Trung Quốc với các quốc gia láng giềng thường không tốt cho thương mại," tờ tạp chí Mỹ bình luận.
"Trường hợp này đúng đối với những nhà sản xuất xe Nhật trong suốt thời điểm tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư/Senkaku với Trung Quốc."
Thế nhưng theo Forbes, điều này đã không xảy ra đối với Việt Nam, bất chấp bối cảnh quan hệ giữa hai nước xấu đi nhiều trong thời gian gần đây khi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết Biển Đông.
Nằm trong khu vực yếu sách của Trung Quốc, bao gồm cả những quần đảo đã chứng kiến sự giao tranh quân sự giữa hai nước trong quá khứ.
Việt Nam gần đây đã phải từ chối đóng dấu trực tiếp vào hộ chiếu điện tử mới của Trung Quốc, trong đó kèm theo tấm bản đồ ghi nhận chủ quyền của nước này đối với khu vực tranh chấp với các nước láng giềng.
Trong khi đó, Trung Quốc lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
"Đây là nghịch cảnh mà Việt Nam phải chia sẻ với nhiều nước Châu Á khác, khi ở trong thế xung đột chính trị phức tạp với một cường quốc kinh tế đang trỗi dậy," tạp chí này nói thêm.

'Bàn đạp'
Tuy nhiên, tranh chấp giữ hai nước có vẻ như không làm ngưng sự mở rộng hoạt động của các công ty Internet Trung Quốc tại Việt Nam.
"Việt Nam đang trở thành một bàn đạp cho các công ty Internet của Trung Quốc sải cánh," Forbes nhận định.
Forbes lấy ví dụ từ trường hợp của Baidu, công ty hiện nắm công cụ tìm kiếm trên mạng hàng đầu của Trung Quốc.
Năm ngoái, Baidu khai trương dịch vụ tìm kiếm tại Việt Nam, sau một thời gian thăm dò thị trường.
Dịch vụ Trà đá quán của Baidu, sau khi mở chính thức đã gặp phải phản ứng dữ dội từ cộng đồng mạng cũng như chỉ trích từ phía chính quyền Việt Nam vì không xin giấy phép.
Mặc dù vậy, Forbes cho rằng lượng người sử dụng dịch vụ của Baidu tại Việt Nam 'vẫn tăng'.
Việt Nam cũng là điểm đầu tư hấp dẫn của Tencent, một công ty phần mềm khác của Trung Quốc.
Năm ngoái, Tencent đã bắt đầu đưa phần mềm thịnh hành trên thiết bị di động, "Wechat" vào thị trường nước này và hiện nay đã thu hút khoảng 1 triệu người sử dụng.
Điều này khiến Viêt Nam trở thành một trong những thị trường tiếp cận sớm nhất sản phẩm Wechat của công ty này.
Vancl, một công ty bán quần áo giá rẻ trên mạng, mặc dù đã phải sa thải nhiều lao động và bỏ luôn cả kế hoạch tung chứng khoán ra thị trường lần đầu tiên hồi năm 2011, vẫn tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến.
Forbes nhận định "nhiều người theo dân tộc chủ nghĩa đã đặt câu hỏi việc Việt Nam có nên phụ thuộc vào phần mềm trực tuyến của Trung Quốc."
"Những quan ngại khác về virus và việc các phần mềm này bị sử dụng vào mục đích xấu cũng được nêu ra."
Tất nhiên, theo Forbes điều tương tự cũng có thể được dùng để nói về các công ty phần mềm với tầm vươn ra toàn cầu của Mỹ.
"Tuy nhiên, sự nghi ngờ đối với Trung Quốc thể hiện qua bề dày lịch sử đã ăn sâu tại Việt Nam, và cuộc chiến với Mỹ, chỉ là một đốm sáng nhỏ".






No comments:

Post a Comment

View My Stats