Đức Tâm – RFI
Thứ hai 21 Tháng Giêng 2013
Hôm thứ Năm, 17/01/2013, quân đội Algeri đã tấn công vào
khu nhà máy khí đốt In Amenas, nơi bọn khủng bố đang giam giữ hàng trăm con tin
ngoại quốc và Algeri. Cuộc giải cứu kéo dài nhiều ngày, đã kết thúc trong biển
máu. Theo tổng kết sơ bộ của chính quyền Alger, được công bố hôm nay, 32 tên
khủng bố bị tiêu diệt, nhưng có ít nhất 48 con tin thiệt mạng.
Phương pháp cứng rắn của quân đội Algeri, thường được so
sánh với biện pháp của đặc nhiệm Nga, bất chấp tính mạng con tin, ban đầu, đã
gây nên sự phẫn nộ của nhiều quốc gia có công dân bị giam giữ ở In Amenas, như
Hoa Kỳ, Anh Quốc và đặc biệt là Nhật Bản.
Tuy nhiên, giới phân tích nhận định rằng, Alger buộc phải
hành động nhanh chóng và mạnh mẽ vì đang hứng chịu ba áp lực, đến từ Pháp, cộng
đồng quốc tế và công luận trong nước.
Trong những qua, Pháp từ chối chỉ trích Algeri. Tổng
thống François Hollande bày tỏ sự tin tưởng hoàn toàn vào khả năng xử lý vấn đề
của Algeri. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius nhấn mạnh thêm : Không thể dung
tha bọn khủng bố và ông bị sốc trước những lời phê phán mạnh mẽ nhắm vào
Algeri. Có thể hiểu được thái độ này. Paris biết rõ rằng Alger là đồng minh
quan trọng cho phép Pháp tiến hành chiến dịch quân sự tại Mali. Tuy chỉ trích
chiến dịch Serval – Mèo rừng châu Phi – nhưng Algeri lại cho Pháp sử dụng không
phận nước này và đóng cửa đường biên giới chung với Mali.
Chính sự ủng hộ của Paris trong vụ giải cứu con tin đã
buộc Alger, từ nay trở đi, phải tham gia tích cực hơn vào cuộc chiến chống
khủng bố. Mối đe dọa khủng bố không phải chỉ ở ngoài biên giới, mà ở ngay trên
lãnh thổ của Algeri.
Về phần các nước phương Tây khác, sau những phê phán mạnh
mẽ về phương pháp giải cứu con tin, Washington và Luân Đôn, giờ đây, có thái độ
chừng mực hơn và đều cho rằng kẻ thù chung là mối đe dọa khủng bố, chứ không
phải là chính quyền Alger.
Tối thứ Bẩy, 19/01, tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định,
chỉ có những tên khủng bố là thủ phạm giết hại các con tin. Thủ tướng Anh David
Cameron cũng dịu giọng khi cho rằng trong bối cảnh cực kỳ khó khăn như vậy,
Alger không thể làm mọi việc một cách hoàn hảo được. Thậm chí, đối với thủ
tướng Anh, sự cố ngoại giao này là dịp để rút ra bài học, tăng cường quan hệ
ngoại giao với Algeri.
Khi xếp Algeri trong hàng ngũ các đồng minh, phương Tây
đã có một sự lựa chọn chiến lược, tạo áp lực lớn đối với Alger : Từ nay, Algeri
không có một sự lựa chọn nào khác là phải nỗ lực chống khủng bố trong vùng
Sahara và Sahel.
Vụ bắt con tin tại In Amenas đã làm cho công luận Algeri
nhớ lại những kỷ niệm đau thương. Trong nhiều thập niên, các phần tử khủng bố
thuộc Nhóm Hồi giáo vũ trang – Groupe Islamique armé – GIA – đã reo rắc nhiều
nỗi kinh hoàng, với các vụ thảm sát dân chúng, nổ bom và tấn công vũ trang.
Theo cựu thủ tướng Algeri Ahmed Ghozali, thì vụ băt con tin sẽ giúp đặt lại vấn
đề. Algeri không thể thờ ơ và có thái độ không rõ ràng về những gì đang xẩy ra
tại Mali. Chuyên gia Mathieu Guidère, được tạp chí Nouvel Observateur trích
dẫn, nhận định, bọn khủng bố đặt chính quyền Alger trước việc đã rồi. Cùng với
Pháp, Algeri phải dấn thân vào cuộc chiến chống khủng bố.
Trong hồ sơ này, chính sách ngoại giao thực tiễn –
Realpolitik – cần phải vượt lên trên mọi tranh cãi.
No comments:
Post a Comment