18-12013
Tiến sỹ Sử học Nguyễn Nhã, người đã
tranh đấu cô đơn trong nhiều năm để nói với thế giới hai quần đảo Hoàng Sa và
Trường Sa là của Việt Nam, vào ngày 14 tháng 01 (2013) từ Việt Nam, đã báo động
với đồng bào trong và ngoài nước: “Tôi vốn là nhà sử học nghiên cứu lịch sử
Việt Nam với cách nhìn ngàn năm trước hướng về ngàn năm sau, nhận thấy rằng
hiện nay không còn là nguy cơ xâm lược mà thật sự đã xảy ra xâm lược lãnh thổ ở
Biển Đông và xâm lược phá nát kinh tế văn hóa xã hội Việt một cách thâm sâu
chưa từng có.”
Ông Nhã công bố bài viết của mình
trên báo điện tử Bauxite Việt Nam, hai ngày sau khi Cơ quan Đo đạc, Bản đồ và
Thông tin địa chất quốc gia Trung Cộng (the National Administration of
Surveying, Mappingand Geoinformation, NASMG) công bố bản đồ mới (12/1/2013) “tự
đặt chủ quyền mới của Trung Cộng” lên hơn 130 quần đảo và đảo ở Biển Đông, bao
gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, hay toàn vùng Lưỡi Bò
mà Trung Cộng gọi là “Đường 9 Đoạn”, sau khi đồng ý bỏ bớt 2 đoạn tại cuộc đàm
phán phân định Vịnh Bắc Bộ với Việt Nam năm 2000.
Trước đó vào ngày 15/05/2012, Trung
Cộng đã phát hành Hộ chiếu mới có in hình Lưỡi Bò nhưng bị phủ nhận bởi Việt
Nam, Phi Luật Tân và một số nước Đông Nam Á khác. Nhưng hiện nay các Hộ chiếu
này vẫn đang lưu hành như một âm mưu “hợp thức hóa” lãnh thổ của Bắc Kinh.
Báo động của Tiến sỹ Nhã không gây
bất ngờ nhưng ông là Nhà sử học đầu tiên ở trong nước đã gióng lên tiếng chuông
thức tỉnh nhà cầm quyền và nhân dân trước khi quá trễ để cứu nước ra khỏi bàn
tay hiểm độc của Trung Cộng.
Trong bài viết ngắn gọi là “Kế sách cứu
nước và xây dựng nội lực đất nước hùng cường thế kỷ XXI” ông
nói: “Tôi ước mong tất cả người Việt chúng ta trong và ngoài nước phải bừng
tỉnh, cần có tâm và có tầm, nhất là các bạn thanh niên hãy cương quyết xóa đi
những gì xấu xí của người Việt, quyết bỏ qua một bên và hàn gắn những đau
thương của thế kỷ XX với “một triệu người vui và một triệu người buồn”.
Ông nói với đảng và chính phủ Cộng
sản Việt Nam (CSVN): “Nhà nước là yếu tố quan trọng song nhất định từ bỏ mọi
bao cấp kể cả bao cấp yêu nước.”
Tại sao Nhà sử học Nguyễn Nhã nói
như thế? Bởi vì nhà nước muốn độc quyền mọi thứ, kể cả “độc quyền yêu nước” nên
đã sử dụng công an, mật vụ, thuê mướn côn đồ và dân phòng đàn áp người dân biểu
tình chống Trung Cộng từ năm 2007 và dã man hơn từ năm 2011 ở Sài Gòn và Hà Nội
đối với các cuộc biểu tỉnh bảo vệ Hoàng Sa và Trường Sa.
Trong khi đó thì nhà nước đã hoàn
toàn bất lực trước các hành động của Trung Cộng đàn áp ngư dân Việt đánh bắt ở
hai khu vực truyền thống Hoàng Sa và Trường Sa.
Khi các tầu hải quân của Trung Cộng
có võ trang ngụy trang tầu dân sự dưới tên hải giám xua đuổi, ngăn cấm và tấn
công ngư dân Việt thì chúng đã hộ tống hàng nghìn tầu đánh cá của Bắc Kinh đi
thu vén hải sản của Việt Nam cả ngày và đêm mà hải quân Việt Nam không dám can
thiệp để bảo vệ sinh mạng và tài sản của đồng bào.
QUÂN ĐỘI PHỤC VỤ NƯỚC NGOÀI?
Trong khi ấy thì Quân đội Nhân dân
của Việt Nam, tuy ăn cơm và nhận lương của dân lại được lệnh “không sử dụng
lực lượng quân sự để xử lý vấn đề dân sự” (Báo Quân đội Nhân dân, 17-092012).
Đây là “đề xuất đơn phương” của
phía Việt Nam với Trung Cộng trong cuộc Đối thoại chiến lược quốc phòng cấp
thứ trưởng Việt-Trung lần thứ ba họp ở Hà Nội đầu tháng 09/2012 giữa Thượng
tướng Nguyễn Chí Vịnh với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên, Phó tổng tham mưu trưởng
Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc.
Nhưng Mã Hiểu Thiên, theo lời Tướng
Vịnh, đã “ghi nhận tích cực đề xuất của chúng ta và hai bên đang nghiên cứu
triển khai”, nhưng thực tế thì lính Trung Cộng vẫn không ngừng mà còn gia
tăng các cuộc truy kích và bắn vào thuyền ngư dân Việt trên biển Đông.
Bên cạnh các hành động chỉ biết
“cúi mặt mà đi” đảng và nhà nước CSVN còn tập trung tuyên truyền chủ bại: “Đã
có đảng và nhà nước lo” nhằm làm nhụt khí đấu tranh của toàn dân.
Phía Quân đội, điển hình hai người,
Đại tá, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đăng Thanh và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh
lại thay phiên nhau cổ võ mị dân “cần duy trì hòa bình, cần ổn định để phát
triển”.
Ban Tuyên giáo của đảng còn chỉ thị
Bộ Thông Tin và Truyền Thông cấm cả báo chí không được viết đích danh quân
Trung Cộng đã tấn công chiếm 8 đảo đá ngầm ở Trường Sa và giết hại 64 binh sĩ
bảo vệ quần đảo này trong trận chiến ngày 14-03-1988!
Báo ViệtNam Express, trong số ra
ngày 10/01/2013, chỉ dám viết “các tàu chiến của đối phương” trong khi
Đài Tiếng Nói Việt Nam, trong bản tin ngày 06/01/2013 cũng phải tránh đề cập
đến lính Trung Cộng đã tấn công quân Việt Nam trên Trường Sa.
Bản tin chỉ viết trống không: “Cách
đây 25 năm, tháng 3/1988 tại vùng biển Trường Sa ở các bãi đá ngầm Gạc Ma, Len
Đao, Colin, 64 cán bộ chiến sĩ, cán bộ Hải quân nhân dân Việt Nam đã dũng cảm
chiến đấu kiên quyết giữ đảo.”
Cách nay 3 năm, trong lễ tưởng niệm
tại Trường Sa ngày 09-05-2010, ngay cả Sỹ quan Hải quân CSVN cũng chỉ dám nói “lực
lượng quân sự Nước Ngoài” đã tấn công và chiếm đóng một số vị trí của
Trường Sa.
Hai thông tín viên Mạnh Hùng và
Việt Cường của Đài Tiếng Nói Việt Nam viết: “Trong diễn văn đọc tại Lễ tưởng
niệm, Thượng tá Trịnh Lương Vượng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn M46, vùng D Hải
quân nhấn mạnh: Với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông, từ cuối
năm 1987, đầu năm 1988, lực lượng quân sự “nước ngoài” đã ngang nhiên chiếm
đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Thực hiện nhiệm
vụ bảo vệ Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam đã kiên quyết
bảo vệ chủ quyền lãnh thổ quốc gia với phương châm “không dùng vũ lực để giải
quyết những vấn đề tranh chấp trên biển”. Bất chấp lẽ phải, quân đội “nước
ngoài” ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta.”
Khi nói về tình hình hiện nay ở
vùng biển Trường Sa, Thượng tá Vượng nói tiếp: “Với toan tính và tham vọng
thôn tính Trường Sa, độc chiếm biển Đông của “nước ngoài”, Trường Sa hôm nay
vẫn chưa thực sự bình yên. Chúng tôi, những người hiện đang tiếp tục sự nghiệp
của các đồng chí, xin thề trước anh linh của tổ tiên, trước hương hồn của các
đồng chí, đồng thời xin nhắn nhủ tới các thế hệ mai sau, quyết tâm bảo vệ bằng
được quần đảo Trường Sa - một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc và xây
dựng Trường Sa trở thành một huyện đảo giàu mạnh, ngang tầm với vị trí chiến
lược trên Biển Đông”.
Nghiêm trọng và nhục nhã hơn, đảng
còn cấm không cho dân tổ chức tưởng niệm mỗi năm để tri ơn trên 40 ngàn chiến
sỹ và đồng bào đã hy sinh trong trận chiến chống quân Trung Cộng xâm lược trong
cuộc chiến tranh biên giới năm 1979.
Bộ Thông tin và Truyền thông của
CSVN còn cấm cả báo chí viết tầu võ trang của Trung Cộng tấn công ngư dân Việt
Nam, thay vào đó phải viết là “tầu lạ”!
Tại sao lại nhục nhã như thế? Hào
khí dân tộc để đâu mà những người lãnh đạo đảng và nhà nước CSVN lại cả gan
“trôi tro trát trấu” vào mặt tổ tiên và để lại gương mù gương xấu cho hậu thế
như vậy?
Do đó, Tiến sỹ Nhã mới nói thẳng
với nhà nước: “Phải tạo động lực yêu nước trong đấu tranh và xây dựng, lấy
mối nhục tụt hậu và bị cường quốc láng giềng xử ép, làm nhục làm động cơ hành động
xây dựng đất nước.”
Ông nhấn mạnh: “Kế sách cứu nước
ngoài chiến lược lâu dài trên, phải ưu tiên trước tiên tập trung chiến lược đối
phó xâm lược ở Biển Đông với ngoại giao khôn ngoan hòa bình đa phương, đa dạng,
tích cực phòng vệ vững chắc các hải đảo, quốc phòng toàn dân, mỗi ngư dân là
một dân binh.”
XÂM LĂNG KINH TẾ ĐỘC HẠI
Ngoài xâm lăng lãnh thổ ở Biển
Đông, Trung Cộng đã xâm lăng cả trên đất liền núp sau danh nghĩa hợp tác khai
thác Bauxite ở Tây Nguyên (Tân Rai, Lâm Đồng và Nhân Cơ, Đak Nông) qua thỏa
hiệp thời Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.
Nhiều quan chức địa phương, vì mối
lợi trước mắt, đã cho người Trung Hoa Bắc Kinh, Đài loan và Hồng Kông thuê hàng
ngàn mẫu đất rừng dọc biên giới Việt-Trung trong thời hạn 50 năm và mở mang cơ
sở kinh tế ở nhiều vùng đất chiến lược ven biển. Bên cạnh đó là sự có mặt của
một đạo quân kinh tế lên tới hàng chục ngàn người, phần nhiều là thanh niên
trai tráng, được ngụy trang dưới lới vỏ bọc công nhân lao động và chuyên viên
đang sống rải rác từ các tỉnh cực bắc xuống tận mũi Cà Mâu mà Bộ Lao động Việt
Nam không kiểm soát được!
Vì vậy Tiến sỹ Nhã đã kêu gọi phải
cấp thời cứu nguy và tẩy chay hàng hóa của Trung Cộng: “Với xâm lăng kinh
tế, văn hóa xã hội thì quyết bảo vệ bản sắc Việt, xã hội lành mạnh, chống văn
hóa, giáo dục nô dịch ngoại lai, xây dựng nền kinh tế tự lập tự cường, không lệ
thuộc, đặc biệt cấp tốc bài trừ các hàng Trung Quốc và cách nuôi trồng Trung
Quốc độc hại như rau củ quả, thực phẩm, các gia vị, phẩm màu, các đồ chơi cùng
nhiều hàng hóa khác rất độc hại đang đe dọa đến sự sống còn của mỗi người Việt
Nam, của dân tộc Việt Nam!”
Như vậy, sau khi Trung Cộng công bố
thành lập Thành phố Tam Sa ngày 24/07/2012 gồm Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam
và Trung Sa (vùng Bãi Cỏ Rong, hay bãi Macclesfield
và bãi cạn Scarborough mà Trung Cộng có tranh
chấp với Phi Luật Tân), Tổng công ty Dầu khí Hải Dương của họ (China National
Offshore Oil Corporation, CNOOC) đã công khai gọi đấu thầu quốc tế tìm dầu tại
9 lô nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam giữa Trường Sa và đất liền.
Tiếp theo sau là hàng loạt các hành
động “bành trướng chủ quyền” được ghi trong “Điều lệ quản lý trị an biên phòng
ven biển Hải Nam”, theo tin của Việt Nam, Trung Cộng đã: Tổ chức tập trận tại
đảo Quang Hòa, thuộc quần đảo Hoàng Sa; tổ chức khai thông và cung cấp dịch vụ
3G, CDMA tại đá Chữ Thập, thuộc quần đảo Trường Sa; phê duyệt “Quy hoạch
phát triển du lịch tàu khách thành phố Tam Á 2012 – 2022” trong đó có tuyến
đi tới các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa v.v…
Hành động ngang ngược như thế thì
rõ ràng Bắc Kinh đã nuốt phương châm 16 chữ: “láng giềng hữu nghị, hợp tác
toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt:
“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.
Nhưng phía nhà nước Việt Nam thì
cũng chỉ biết “giương mắt ếch” ra mà nhìn qua miệng lưỡi trơn tru của người
Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị như ông ta nói hôm 14/01/2013: “Những
hoạt động nêu trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền
chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa
và Trường Sa, làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp, trái với tinh thần
DOC, không có lợi cho hòa bình ổn định trong khu vực và quan hệ Việt Nam -
Trung Quốc. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay các
hoạt động sai trái đó.”
Ai cũng biết, sau 10 năm
(2002-2012) thi hành thỏa hiệp giữa Trung Cộng và 10 nước trong Hiệp hội các
nước Đông Nam Á (The Association of South East Asia Nations, ASEAN), được gọi
là “Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông” (Declaration Of Conduct, DOC)
Trung Cộng là quốc gia vi phạm mọi điều khỏan của Thỏa hiệp này, trong đó quan
trọng nhất là các Điều:
- “Các Bên khẳng định cam kết đối
với mục tiêu và các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Công ước Luật
Biển 1982, Hiệp ước thân thiện và hợp tác ở Đông Nam Á, năm nguyên tắc chung
sống hòa bình và các nguyên tắc được công nhận rộng rãi khác của pháp luật quốc
tế, coi đây là các quy phạm cơ bản điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia.
- “Các Bên cam kết giải quyết mọi
tranh chấp lãnh thổ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa
sử dụng vũ lực, thông qua trao đổi ý kiến và thương lượng giữa các quốc gia có
chủ quyền liên quan phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của pháp
luật quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển 1982.
- Các Bên khẳng định tôn trọng tự
do hàng hải và tự do bay ở Biển Đông phù hợp với các quy định của Công ước Luật
Biển 1982.
- Các Bên cam kết kiềm chế các hoạt
động có thể làm phức tạp thêm tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định,
trong đó kiềm chế không đưa người lên các đảo, bãi hiện nay không có người ở.”
Sau cùng, các bên cam kết: “Các Bên
khẳng định việc thông qua Luật ứng xử ở Biển Đông (Code of Conduct,COC) sẽ thúc
đẩy hơn nữa hòa bình và ổn định trong khu vực và đồng ý sẽ cùng nhau làm việc
để đạt mục tiêu này.”
Nhưng sau nhiều Hội nghị, khối
ASEAN và Trung Cộng vẫn không sao đạt được COC để khép các bên vào một văn kiện
có tính pháp lý ràng buộc như luật định, trái với DOC là văn kiện không có tính
pháp lý mà tùy vào thiện chí thi hành của các bên.
Phía Trung Cộng vẫn dẻo mép tham dự
mọi phiên họp nhưng lại ma lanh bảo rằng “hiện tại chưa phải thời điểm thích
hợp” để kéo dài thời gian cho Bắc Kinh tự tung tự tác lấn chiếm phi pháp lãnh
thổ của các nước khác trên Biển Đông, trong đó Việt Nam là nước chịu thiệt thòi
nhất trong vùng Đông Nam Á.
Đấy là chưa kể có một số nước trong
khối ASEAN, tiêu biểu như Cao Miên, đã bị Trung Cộng bỏ tiền ra mua nhằm chia
rẽ khối ASEAN khiến khối này không đồng thuận được về một kế họach chung để đối
phó với âm mưu xảo quyệt của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Nam Vang đã công khai đứng về phía
Bắc Kinh trong suốt nhiệm kỳ nước này giữ vai Chủ tịch luân phiên khối ASEAN
trong năm 2012.
Như vậy, nếu chẳng may không ai
ngăn chặn được sự bành trướng lãnh thổ của Trung Cộng trên Biển Đông qua hình
thức công bố bản đồ mới chiếm trọn Biển Đông và tờ Hộ chiếu có in hình Lưỡi Bò
thì Việt Nam sẽ mất nốt quần đảo Trường Sa trong bất kỳ lúc nào Trung Cộng
muốn.
Quân đội Việt Nam, qua chiến dịch
“đầu hàng Trung Cộng trước khi nổ súng” của hai ông Trần Đăng Thanh và Nguyễn
Chí Vịnh và qua hành động “nhớ ơn kẻ xâm lược” của một số Lãnh đạo trong nội bộ
đảng CSVN đã lộ diện trong năm 2012 thì khả năng đối kháng Bắc Kinh về mặt
ngoại giao và chính trị sẽ khó đạt được, nhất là khi “liên hệ máu thịt” giữa
đảng và nhân dân không còn như trong hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống
Mỹ nữa vì ngày nay, quyền làm chủ đất nước của người dân đã bị đảng gạt qua một
bên.
Vì vậy mà viễn ảnh Việt Nam sẽ bị
mất tài sản ở Biển Đông về tay Trung Cộng không còn là chuyện ảo tưởng hay
phóng đại trong tình hình hiện nay.
Theo tài liệu của nhóm nghiên cứu
“Quỹ Biển Đông”, diện tích Biển Đông có khoảng 3,5 triệu km vuông với số lượng
đánh bắt khoảng 7-8% tổng sản lượng đánh bắt cá trên toàn thế giới. Biển Đông
được coi là một trong năm bồn trũng chứa dầu khí lớn nhất thế giới.
Theo đánh giá của Bộ Năng lượng Mỹ,
lượng dự trữ dầu đã được kiểm chứng ở Biển Đông là 07 tỉ thùng với khả năng sản
xuất 2,5 triệu thùng/ngày.
Nhưng đánh giá của Trung Cộng cho biết
trữ lượng dầu khí ở Biển Đông khoảng 213 tỷ thùng, trong đó trữ lượng dầu tại
quần đảo Trường Sa có thể lên tới 105 tỷ thùng. Với trữ lượng này và sản lượng
khai thác có thể đạt khoảng 18,5 triệu tấn/năm duy trì được trong vòng 15 - 20
năm tới.
Như vậy, nếu không bị ngăn chặn,
Trung Cộng sẽ chiếm hết lãnh thổ của các nước có tranh chấp trực tiếp ở Biển
Đông với Bắc Kinh gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Ma Lai Á và Brunei.
Ấy là không kể Đài Loan đã kiểm
soát đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa của Việt Nam, từ Thế
chiến thứ II, và đã công bố sẽ khai thác dầu khí ở đó trong năm 2013.
Tin này được Cục trưởng Cục Năng
lượng Âu Gia Thụy thông báo vào ngày 27/12/2012, theo đó một ngân sách khoảng
17 triệu đô la Đài Loan (khoảng 585.000 đô la Mỹ) được dành riêng cho dự án
này.
Mặt khác bản đồ mới của Trung Cộng
cũng mô tả hình ảnh thu nhỏ của quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), có tranh chấp với
Nhật Bản, ở vị trí tương quan với các đảo khác của Trung Cộng và Đài Loan mà
Bắc Kinh coi là một tỉnh của mình.
MIỆNG LƯỠI CHỦ BẠI
Đứng trước kế họach bành trướng
lãnh thổ của Trung Cộng rõ như ban ngày như thế mà Lãnh đạo CSVN vẫn ù lì mu ni
che tai trước những lời kêu than của nhân dân. Ai chống Trung Cộng thì họ cho
công an khủng bố, đe dọa, bắt bỏ tù. Ai yêu cầu họ hãy mở mắt để cứu nước thì
họ vu oan cáo vạ là tay sai của “những thế lực thù địch” bên ngoài hay nằm
trong âm mưu của “diễn biến hòa bình” chống lại nhân dân và tổ quốc!
Tệ hại hơn là bị buộc vào các tội
“hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tuyên truyền chống Nhà nước Cộng
hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam”; hay “phá rối an ninh.”
Trong khi đó thì có những kẻ công
khai gieo rắc tinh thần chủ bại, đầu hàng địch như ông Đại tá Trần Đăng Thanh
đã thuyết giáo với các lãnh đạo Đảng ủy khối, lãnh đạo Đảng, Tuyên giáo, Công
tác chính trị, Quản lý sinh viên, Đoàn, Hội thanh niên các trường Đại học-Cao
đẳng Hà Nội hồi giữa tháng 12/2012.
Ông Thanh bảo chúng ta phải: “Khôn
khéo nghĩa là đừng để xảy ra chiến tranh, đừng để va chạm, cứ tránh đã. Cha ông
ta đã dạy: Tránh voi không xấu mặt nào. Cứ tránh đi đã, còn khi nào không tránh
được thì ta phải khẳng định: dù rằng đời ta thích hoa hồng, khi nào kẻ thù buộc
ta ôm cây súng. Phải nói rõ là như vậy chứ, đúng không? Phải tránh. Kiên quyết,
kiên trì, khôn khéo, không khiêu khích, không mắc mưu khiêu khích và phải kiên
định, đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.”
Ông kêu gọi: “Trước mắt là chúng
ta phải tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng chúng ta, sự điều hành của Chính
phủ, cố gắng làm sao đừng để cho những vấn đề gây rối loạn an ninh chính trị,
trật tự an toàn xã hội. Và hôm nay các đồng chí nào tự ái thì tôi cũng mạnh
dạn, nếu trường đại học nào còn để sinh viên tham gia biểu tình bất hợp pháp
trước hết khuyết điểm thuộc về các đồng chí Hiệu trưởng và Ban Giám hiệu trường
đó, trước hết thuộc về Bí thư Đảng ủy – phòng quản lý sinh viên của trường Đại
học đó. Nếu để cho công an thành phố Hà Nội hoặc v..v… người ta giữ sinh viên
của mình, người ta điện mời thầy nọ mời thầy kia, ở trường nọ ở trường kia đến
nhận sinh viên của mình thì đấy là khuyết điểm của chúng ta. Và tôi hy vọng
rằng tất cả các thầy với trách nhiệm và với lòng tin của chúng ta, chúng ta sẽ
không để những trường hợp đó xảy ra.”
Sau khi “đe dọa” đừng để cho sinh
viên xuống đường biểu tình chống Trung Cộng, ông Thanh tuyên truyền phải biết
ơn anh hàng xóm “lưu manh” thế này: “Cái điều thứ hai chúng ta không được
quên đó là tháng 12 năm 1950 chúng ta giành thắng lợi chiến dịch biên giới,
khai thông biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Và trong 4 năm kháng chiến chống
Pháp, 21 năm chống Mỹ, nhân dân Trung Quốc, nhà nước Trung Quốc đã từng nhường
cơm xẻ áo dành cho chúng ta từ hạt gạo, từ khẩu súng, từ đôi dép để chúng ta
giành thắng lợi trong kháng chiến chống Pháp và thắng Mỹ. Như vậy ta không quên
họ đã từng xâm lược chúng ta nhưng ta cũng không được quên họ đã từng nhường
cơm xẻ áo cho chúng ta. Ta không thể là người vong ơn bội nghĩa, đấy là đối với
Trung Quốc hai điều không được quên.”
Người thứ hai, ở cấp Thượng tướng
là ông Nguyễn Chí Vịnh còn khuyên không nên có các cuộc biểu tình chống Trung
Cộng.
Ông nói với Báo Tuổi Trẻ hôm
01/01/013: “Trước đây tôi đã nói về vấn đề này và bây giờ vẫn nói rằng những
cuộc biểu tình đó là không nên. Để đối phó với tình hình phức tạp trên biển
Đông hiện nay, chúng ta cần một sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng và Nhà nước
cũng như giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Có thể người dân chưa thật hài lòng
và yên tâm vì chưa được cung cấp đầy đủ thông tin, nhưng tôi chỉ muốn nói với
những người biểu tình nói riêng và tất cả người dân rằng những người có trách
nhiệm của Đảng, Nhà nước, quân đội không một ai chịu để mất chủ quyền lãnh thổ
cả. Người dân phải tin vào điều đó.
Có thể đất nước ta có tham nhũng,
lãng phí, có tiêu cực, có thể một bộ phận cán bộ suy thoái về đạo đức, nhưng
tuyệt đại đa số nhân dân ta không ai có thể quên đi lợi ích quốc gia dân tộc,
quên đi chủ quyền lãnh thổ. Biểu tình bây giờ sẽ gây mất ổn định. Trong khi đó
đất nước ta đang hơn bao giờ hết cần ổn định, cần sự đồng thuận để phát triển,
để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.
Chúng ta trân trọng tình cảm, ý chí
của những người thật sự biểu tình vì yêu nước. Nhưng cũng phải thấy rằng với
những ai có dã tâm độc chiếm biển Đông thì họ sẽ viện cớ biểu tình để xuyên tạc
thiện chí của Việt Nam, xuyên tạc chủ trương giải quyết tranh chấp bằng biện
pháp hòa bình của Việt Nam. Vậy thì ai đang chờ biểu tình và biểu tình có lợi
cho ai?”
Nói như ông Vịnh là ông mới nhìn
quyền lợi của đất nước chưa qua khỏi cáo lỗ mũi của mình. Ông có biết rằng nhân
dân Phi Luật Tân đã đóng khố vẽ hình Lưỡi Bò biểu tình trước Tòa Đại sứ Trung
Cộng ở Thủ tô Manila thì họ cũng sở bị Trung Cộng coi là Phi Luật Tân không có
thiện chí à?
Ai sợ bị xuyên tạc, chính phủ Phi
Luật Tân hay nhà nước Việt Nam?
Hẳn ông Vịnh còn nhớ ý chí và lòng
ái quốc của Tổng thống Phi Luật Tân, ông Benigno Aquino III tại Hội nghị các
nước ASEAN ở Nam Vang hôm 19/11/2012, khi ông bất ngờ phản đối Thủ tướng Cao
Miên Hun Sen nói rằng đã có sự đồng thuận không “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Ông Aquino III nói với các phái
đoàn không làm gì có chuyện tất cả các nước của ASEAN đã đồng ý như lời tuyên
bố của ông Hun Sen.
Ngược lại, Tổng thống Aquino III
đòi phải mời các quốc gia có quyền lợi tại khu vực, điển hình như Hoa Kỳ, cùng
tham dự thương thuyết chủ quyền trên biển với Trung Quốc.
Phi Luật Tân nói Việt nam là nước
thứ hai tán thành việc phải “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông, nhưng đại biểu của
Việt Nam là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Ngoại trường Phạm Bình Minh đã không dám
nói trước sự hiện diện của Thủ tướng Trung Cộng Ôn Gia Bảo!
Như vậy tại sao người Phi Luật Tân
không sợ bị Trung Cộng chê trách thiếu thiện chí mà Việt Nam, nói như ông Vịnh,
lại sợ bị Tầu chê trách đến thế?
Cũng giống như ông Thanh, ông Vịnh
nói với Báo Tuổi Trẻ: “Thế mạnh và công cụ đấu tranh quan trọng nhất của
chúng ta lúc này là chính nghĩa, là tuân thủ luật pháp quốc tế, là quyết tâm
rất rõ ràng giải quyết bằng biện pháp hòa bình.”
Nhưng “hòa bình” không có nghĩa là
ngồi yên để cho kẻ thù tát cho nổ đom đóm mắt ra mới bừng tỉnh dậy thì nước có
còn không?
Cũng nên nhắc lại vào ngày
28/8/2011, cũng chính ông Nguyễn Chí Vịnh khi ấy là, Trung tướng, Thứ trưởng
Quốc phòng Việt Nam trong lần họp “Đối thoại chiến lược quốc phòng-an ninh Việt
- Trung lần thứ hai” tại Bắc Kinh đã cam kết với Thượng tướng Mã Hiểu Thiên,
Phó tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc sẽ dẹp các cuộc
biểu tình chống Trung Cộng ở Việt Nam.
Thông tín viên Bảo Trung của Báo
Quân đội Nhân dân viết ngày 30-8-2011: “Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam
cũng thông báo chủ trương kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam
với tinh thần không để sự việc tái diễn.“Các thế lực thù địch hiện có hai luận
điệu chống phá. Thứ nhất, là Việt Nam dựa vào Mỹ để chống Trung Quốc. Thứ hai,
là Việt Nam nhượng bộ để Trung Quốc lấy đất, lấy biển Việt Nam. Đây là các luận
điệu bất lợi cho Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng như quan hệ Việt Nam-Trung
Quốc.
Chúng ta cần làm cho nhân dân hai
nước hiểu rõ, giữa Việt Nam và Trung Quốc còn tồn tại vấn đề nhưng hai Đảng,
hai Nhà nước đã cam kết xử lý bằng biện pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế,
với giải pháp hai bên cùng có thể chấp nhận được”.
Ngay sau đó, công an Sài Gòn và Hà
Nội được lệnh ra tay đán áp dã man người dân yêu nước biểu tình chống Trung
Cộng.
Chuyện ông Vịnh không khác gì việc
Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam,
ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc
phòng đã phải báo cáo trước với Thượng tướng Trần Bỉnh Đức, ủy viên Ban chấp
hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng Tham
mưu trưởng Quân Giải phóng nhân dân (GPND) Trung Quốc trong cuộc họp ở Bắc Kinh
chiều ngày 16-04 (2012) rằng: “Việt Nam không chấp nhận chế độ đa nguyên, đa
đảng; việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới vẫn khẳng định sự lãnh đạo tuyệt đối của
Đảng Cộng sản Việt Nam.” (Báo Quân đội Nhân dân, 16-04-2012)
Lời hứa của ông Tỵ xảy ra khi Ủy
ban Soạn thảo sửa đồi Hiến pháp của Việt Nam chưa đưa ra bất kỳ lời tuyên bố
nào thì phải hiểu chỉ thị này phải đến từ Tổng Bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú
Trọng được truyền xuống cho Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh để
ông Than chuyển cho ông Tỵ. Vì ở cấp bậc như ông Tỵ, có cho ăn vàng ông ta cũng
không dám cam kết với tướng Tầu như thế!
Như vậy phải chăng trong hàng ngũ
lãnh đạo Việt Nam cũng đã có những kẻ “ăn cơm Việt mà lại đi thờ ma Tầu” mà
người dân chưa hay biết vì bên trong chiếc áo Việt Nam họ đã mặc sẵn chiếc áo
lót “made in china” nên không ai có thể thấy được?
(01/013)
No comments:
Post a Comment