Chủ
nhật, 27 Tháng 1 2013 23:50
Mới
nhận được tin từ anh ĐH, phóng viên báo Thanh Niên, cho biết Nhạc sĩ
Phạm Duy vừa qua đời vào lúc 14:30 tại phòng cấp cứu Bệnh viện 115. Ông thọ 93
tuổi. Thế là người nhạc sĩ thiên tài đã ra đi về cõi vĩnh hằng, tiếp theo những
người bạn của ông như Văn Cao, Hữu Loan, Trịnh Công Sơn, Hoàng Cầm, v.v. Mới
hôm nào mình chúc ông thọ 100 tuổi, thế
mà bây giờ thì, nói theo chính lời nhạc của ông, nghìn trùng xa cách, người
đã đi rồi. Dù Phạm Duy đã tắt thở, nhưng âm nhạc của ông thì chưa tắt và sẽ
không tắt, và do đó, ông chưa chết. Qua âm nhạc, Phạm Duy đã đóng góp một phần
tích cực trong việc làm cho người Việt xích lại gần nhau hơn.
Tên
người nhạc sĩ đại tài và những lời ca của ông đã đi vào tâm trí tôi từ hồi nào
chẳng hay. Nhớ cách đây trên dưới 10 năm, phóng viên Trần Nguyên (lúc đó còn
làm cho tạp chí Khám Phá) trong một lần phỏng vấn, hỏi tôi thích bài
nhạc hay câu nhạc nào nhất, tôi nói ngay đó là bài Tình ca của Nhạc sĩ
Phạm Duy, trong đó có câu Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, Tôi
yêu bác nông phu đội sương nắng bên bờ ruộng sâu, và Tôi yêu đất nước
tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh. Viết ra một cách tự nhiên, không cần
suy nghĩ gì cả. Thế mới biết có những câu hát đã đi vào máu xương mình hồi nào
mà không hay.
Viết
về Phạm Duy và nhạc của ông thì chắc phải cần đến nhiều luận án và nhiều sách.
Trong 40 năm qua đã có nhiều tác giả, Việt Nam và nước ngoài, viết về sự nghiệp
và những dòng nhạc của ông. Trung tâm nhạc Thuý Nga đã thực hiện hẳn hai
chương trình nhạc chủ đề Phạm Duy, cũng là một cách vinh danh người nhạc sĩ số
1 của Việt Nam. Ở trong nước cũng đã có hàng loạt chương trình văn nghệ giới
thiệu những tác phẩm của ông. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có nhiều chuyên gia
tiếp tục khai thác kho tàng nhạc của ông và cuộc đời đầy theo vận nước nổi
trôi của ông.
Riêng
tôi cũng có vài kỉ niệm nhỏ với ông. Năm 1997, trong một chuyến công tác bên
Mĩ, một người bạn (anh NH) rủ tôi đến thăm ông ở Midway City, nơi mà ông gọi là
“Thị trấn giữa đàng”. Lúc đó ông đang soạn trường ca minh hoạ Kiều. Ông nói một
cách hào hứng về tác phẩm này, và hi vọng rằng ông sẽ phổ biến ở Việt Nam. Năm
2005, ông quyết định về sống bên Việt Nam. Thực ra, ông đã có ý định về sống
bên nhà rất lâu rồi, chứ không phải chờ năm 2005 mới đi đến quyết định đó. Ông
vẫn cho rằng ông phải ở Việt Nam mới có cảm hứng để sáng tác nhạc Việt Nam.
Mười năm sau, trong một chuyến công tác bên nhà, tình cờ nói chuyện với một anh
bạn là giám đốc bệnh viện tôi mới biết Nhạc sĩ Phạm Duy đang nằm điều trị trong
bệnh viện của anh! Thế là chúng tôi kéo nhau đi thăm ông. Mười năm sau mà ông
vẫn còn nhớ tôi. Hôm đó, ông rất vui vẻ khi có nhiều người đến viếng thăm. Ông
còn chỉ một người đến thăm nói đùa rằng bà này là người tình của tôi!
Ngay hôm đó, ông cũng có một người bác sĩ cá nhân chăm sóc cho ông khi về nhà.
Với
tôi, một người trưởng thành cùng những ca khúc của ông, tôi xem Phạm Duy là một
thiên tài về âm nhạc. Ông sáng tác hơn 1000 bài hát, một gia tài nghệ thuật đồ
sộ ít ai sánh kịp. Không chỉ số lượng, mà còn phẩm chất âm nhạc của ông đáng để
người đời sau chiêm nghiệm. Không như những nhạc sĩ khác, Phạm Duy sáng tác đủ
thể loại: từ tình ca, thiếu nhi ca, đạo ca, tục ca, ngục ca, Hoàng Cầm ca, Bích
Khê ca, Hàn Mặc Tử ca, đến những trường khúc để đời như Con Đường Cái Quan và
Kiều. Hình như chưa có một nhạc sĩ Việt Nam nào có sức sáng tác “khủng”
như ông. Cũng chưa có một nhạc sĩ nào có thể chuyển hoá hàng trăm bài thơ thành
những ca khúc bất hủ. Thật vậy, có những bài thơ chẳng ai biết đến nhưng đến
khi qua tay của phù thuỷ âm nhạc thì trở nên nổi tiếng và để đời, như Thuyền
viễn xứ và Kỉ vật cho em. Khả năng phổ thơ thành nhạc của Phạm Duy
chỉ có thể nói là thần tài.
Tôi
có hẳn một thư viện nhạc của ông. Có thể nói không một ngày nào tôi không nghe
nhạc của Phạm Duy. Có những bài đã đi cùng tôi từ thời thiếu niên đến bây giờ,
từ dân ca đến tình ca. Không thể nào kể hết những ảnh hưởng của âm nhạc Phạm
Duy đến đời sống tinh thần của cá nhân tôi. Nghe tin ông qua đời tôi thấy như
mình mất một điểm tựa.
Cái
tài và âm nhạc của Phạm Duy còn cảm hoá cả những người không hẳn cùng chính
kiến với ông. Cách đây vài năm, trong một lần nói chuyện với một giáo sư y khoa
ở Hà Nội, người từng là đồng chí của ông trong thời kháng chiến nhưng không hài
lòng về việc Phạm Duy “dinh tê”, vị giáo sư này đưa ra một nhận xét đơn giản: đó
là một thiên tài. Vị giáo sư đó còn nói thêm rằng âm nhạc của Phạm Duy là
một tài sản của văn hoá Việt Nam.
Tôi
nghĩ vị giáo sư đó nói không quá đáng chút nào. Nhạc Phạm Duy đi cùng năm tháng
với vận nước. Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA, ông nói rằng “Tôi đưa
ra một câu nói thôi: ‘Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi’ đất nước bơ vơ, nó rối
bù đi thì tôi phải khóc thôi. Lúc nào mà đoàn kết thì tôi cười theo. Khóc cười
theo mệnh nước. Cái xã hội mình nó rối tung lên như vậy thì làm sao mà mình ….
thành thử tôi nghĩ rằng vấn đề là … Các anh yêu tôi thì nói là tôi có sự nghiệp
hơi đầy đủ, hơi lớn một tí đấy, nhưng mà riêng tôi thì tôi thấy cho đến giờ
phút này thì tôi hoàn toàn thất bại. Bởi vì đất nước đã thống nhất rồi mà lòng
người thì không thống nhất, thành thử đại khái nếu mà tôi có chết đi thì tôi
hãy còn gần như là tôi không được thỏa mãn.”
Ông
rất quan tâm đến chuyện hoà hợp hoà giải dân tộc, cũng là vấn đề thời sự hiện
nay. Theo ông, âm nhạc là một phương tiện để làm cho người Việt xích lại gần
nhau sau thời chiến. Thế nhưng trớ trêu thay sau 1975 thì nhạc của ông bị cấm
đoán, thậm chí nhiều sách nhạc còn bị đem đi đốt. Mãi đến nay, dù ông đã về quê
và tham gia biểu diễn nghệ thuật trong nước, mà số tác phẩm của ông được bổ
biến một cách nhỏ giọt. Có một bài mà tôi nghĩ rất đáng làm ca khúc của dân
tộc, đó là bài Việt Nam – Việt Nam với những lời ca kiêu hùng nhưng cũng
dễ làm xúc động lòng người:
Việt
Nam Việt Nam nghe từ vào đời
Việt Nam hai câu nói trên vành môi
Việt Nam nước tôi
Việt Nam hai câu nói trên vành môi
Việt Nam nước tôi
Việt
Nam Việt Nam tên gọi là người
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xanh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam Việt Nam
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam Việt Nam muôn đời
Việt Nam hai câu nói sau cùng khi lìa đời
Việt Nam đây miền xanh tươi
Việt Nam đem vào sông núi
Tự do công bình bác ái muôn đời
Việt Nam không đòi xương máu
Việt Nam kêu gọi thương nhau
Việt Nam đi xây đắp yên vui dài lâu
Việt Nam trên đường tương lai,
Lửa thiêng soi toàn thế giới
Việt Nam ta nguyện tranh đấu cho đời
Tình yêu đây là khí giới,
Tình thương đem về muôn nơi
Việt Nam đây tiếng nói đi xây tình người
Việt Nam Việt Nam
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam Việt Nam muôn đời
Bất
cứ người Việt có chính kiến gì hay ở chiến tuyến nào cũng có thể xích lại gần
nhau hơn khi cất tiếng ca lên bài hát đó. Khi được Mặc Lâm của RFA hỏi về bài
này, ông giải thích: “Anh nhớ lại từng chữ từng câu trong bài ‘Việt Nam!
Việt Nam!’. Tại sao đầu đề lại hai chữ ‘Việt Nam! Việt Nam!’? Bởi vì nước Việt
Nam mình bị chia làm hai, thành hai thứ ‘Việt Nam – Việt Nam’. Bây giờ chỉ có
một Việt Nam thôi thì tốt hơn. Trong khi đó tôi xưng tụng một nước Việt Nam như
vậy, trong đó thì ‘tình yêu đây là khí giới’ mà, hai bên vẫn còn nghi kỵ nhau,
vẫn chưa bắt tay nhau. Thành thử vấn đề là lòng người chưa thống nhất mà đất
nước thống nhất rồi.”
Phạm
Duy cũng quan tâm đến vai trò của nghệ thuật và tôn giáo trong quá trình hoà
giải dân tộc. Trong một lần trả lời phỏng vấn trên Thuý Nga Paris by Night, ông
phát biểu rằng chỉ có tôn giáo và nghệ thuật mới cứu vãn dân tộc ra khỏi tình
trạng bế tắc hiện nay. Nói như anh bạn tôi, Hoàng Nguyên Nhuận, rằng “Tôn
giáo và nghệ thuật không cướp chính quyền lịch sử. Tôn giáo và nghệ thuật chỉ
hóa giải những cuồng vọng lịch sử, tạo những nhịp cầu chuyển hoá cho hận thù
thành yêu thương, ngộ nhận thành thông cảm, tác hại thành xây dựng, xa cách
thành cận kề. […] Nhưng tôn giáo cũng có thể là cái thắng của lịch sử, cũng như
nghệ thuật vẫn có thể là yếu tố thức tỉnh những mê mờ cuồng vọng của ý thức hệ
bất cứ màu sắc nào. Phải chăng với ý nghĩa đó mà Phạm Duy đã nghĩ rằng tôn giáo
và nghệ thuật phải giữ vai trò tích cực trong việc tái dựng quê hương đổ nát
cùng quẩn?” Phạm Duy đã đóng góp một phần cho nghệ thuật qua âm nhạc của
ông, và đó cũng là một cách làm cho người Việt Nam gần nhau hơn.
Vĩnh
biệt người nhạc sĩ tài hoa đã làm cho cuộc sống của tôi (và nhiều triệu người
Việt Nam) phong phú hơn. Xin có lời thành thật chia buồn cùng gia đình của Nhạc
sĩ.
N.V.T
Nhạc sĩ Phạm Duy
thời tham gia kháng chiến
Nhạc sĩ Phạm Duy và
Nhà thơ Hữu Loan (Phạm Duy phổ bài thơ Màu
tím hoa sim thành bài nhạc Áo
anh sứt chỉ đường tà bất hủ)
Nhạc sĩ Phạm Duy và
Nhà thơ Hoàng Cầm
Nhạc sĩ Phạm Duy
trên giường bệnh những ngày cuối đời (nguồn: phamhongphuoc.net)
No comments:
Post a Comment