07-11-2013
Tiếp
tục trao đổi với tác giả Từ Huy, nhân Vụ Luận văn về Mở Miệng: còn cơ hội nào cho ngành KHXH&NV?
bài mạng Bauxite
Việt Nam 7-10-2013
I / CŨNG CHỈ LÀ MỨC ĐỘ….. THÔNG
THƯỜNG.
Trong đời sống văn chương học thuật ở
ta, luôn luôn người ta thấy có những hiện tượng tạm gọi là chệch hướng,
còn chữ của giới chính thống là sai lầm hư hỏng chống đối. Rồi có sự tố giác
phê phán. Rồi sau vài lời nói qua nói lại và có khi cả những “chiến dịch đấu
tranh” kèm theo là những xử lý, dư luận lại rơi vào im ắng cho đến khi …
có những vụ mới.
Vụ Mở miệng và luận văn Nhã Thuyên thuộc loại
ấy.
Về khâu xử lý, tôi nhớ thời chống Mỹ, cả Lưu Quang
Vũ lẫn Phạm Tiến Duật đều có những chuyện lôi thôi khiến người một hai
năm, người tới bốn năm năm, bị cấm in trên các báo. Tức là hình thức xử lý còn
nặng hơn rất nhiều so với cách chức hoặc cho thôi việc thời nay.
Đặt trên cái nền chung, thấy tình hình
chung quanh vụ luận văn về “Mở miệng” hôm nay còn là ở mức …có thể hiểu
được.
Điều tôi cho rất đáng hoan nghênh là, khi nhìn
nhận vụ việc, nhà nghiên cứu Từ Huy đã không dừng lại ở hiện tượng cụ
thể mà nhân đó nêu ra nhiều vấn đề chung của giới KHXH. Tôi cho là một sự triển
khai cần thiết. Trong phạm vi bài này, tôi thử đi vào giải thích tại sao
giới nghiên cứu KHXH VN đã có những ứng xử như tất cả chúng ta đã
thấy.
Cả giới đã được đào tạo để trở thành như thế.
Nhắc tới mấy năm 1956-58, ngày nay chúng ta
chỉ nhớ tới vụ Nhân văn Giai phẩm , và những ảnh hưởng của nó tới giới
sáng tác.
Nhưng thời điểm trên cũng là bước ngoặt trong
giới ở ta đại học ở ta, rõ nhất là giới nghiên cứu các bộ môn thuộc khoa học xã
hội.
Sự phát triển trước đó của đại học là tự phát.
Nay nền đại học non trẻ và “tiên thiên bất túc”, “bất thành nhân dạng”
về nhiều phương diện ấy, được làm lại với những chủ đích rõ ràng.
Nếu ở các nước khác, đại học là khu vực
cuộc sống được thể nghiệm, khu vực tự trị, khu vực dân sự điển hình, thì
ở ta nó được đặt dưới sự giám sát nghiêm ngặt cũng như sự can thiệp mạnh
mẽ và trực tiếp của chính trị. Các cơ sở đại học phải trở thành những “pháo đài
xã hội chủ nghĩa” như chữ nghĩa hồi 1958-60 vẫn dùng.
Lý do thì, như chỉ dẫn của một tác giả Nga mà
tôi nêu trong bài viết ngày 14-10-2013 trên blog này, KHXH ở VN
được sinh ra như thế, nó phải như thế, có gì là lạ. Nó cũng có nghiên
cứu, nhưng là chỉ làm ở mức hết sức sơ lược. Trong những lúc bốc đồng, hoặc cố
ý làm dáng, người ta cũng tuyên bố đi tìm chân lý, đứng về phía sự thật lịch sử
…. . nhưng đó chỉ là trong ao ước. Phần chính khoa học lúc này phải làm là
những công việc mà thần học trung thế kỷ vẫn làm. Nếu thần học cuối cùng
phải chứng minh được chỗ đúng của các kinh sách có liên quan tới Chúa thì khoa
học xã hội lúc này lấy việc đi vào minh họa cho cái đúng của thời hiện nay,
cái đúng theo các chỉ thị nghị quyết, cái đúng của cấp trên…làm mục đich.
Trên đại thể là thế, mà trong từng việc cụ thể cũng
là thế.
Tôi lấy một ví dụ. Vào những ngày hạ tuần tháng mười
2013, trên báo chí đang rộ lên lời trách cứ các nhà nghiên cứu lịch sử hiện đại
về việc sao không đưa tướng Giáp vào sách giáo khoa. Tôi xin thanh minh hộ các
giáo sư sử học thế này -- họ đâu có quyền! Đây toàn là do chỉ thị từ
trên xuống cả. Thách kẹo cũng không có người biên soạn SGK dám tự tiện viết
khác và các thầy lên lớp từ tiểu học tới đại học dám giảng khác.
Không có ngoại lệ
Đọc bài của Từ Huy, ngay từ đầu, tôi đã không hiểu
những lời ưu ái mà tác giả đưa ra đối với khoa nọ của trường đại học kia. Rằng
đó là nơi rất có truyền thống tìm tòi chân lý. Rằng ở nơi đó luôn luôn có sự
đón nhận, làm “bà đỡ” cho những tư tưởng mới trong nghiên cứu văn chương.
Theo chỗ tôi biết thì hiện nay chẳng có một cơ
sở nào như thế cả.
Cuối bài, Từ Huy có nói tới tình trạng tạm gọi
là “vượt thoát” và kể ra là đã có những trường hợp khá thành công cả
trong khu vực mà tác giả có quan hệ.
Trước hết là trong sáng tác, tôi thấy những trường
hợp như Nguyễn Huy Thiệp, như Bảo Ninh đúng là những nhân vật vượt thoát thành
công thật. Nhưng thử hỏi là sau họ làm gì có những tên tuổi nào khác.
Thứ nữa, nay các tác tác giả này đã được các tài
liệu chính thống công nhận đâu. Trong xã hội, Bảo Ninh và Nguyễn Huy Thiệp vẫn
được hoan nghênh được in lại. Nhưng họ không bao giờ được đưa vào giảng dạy
trong nhà trường.
Khi cần kể thành tựu của giới nghiên cứu, Từ Huy có
phần lúng túng hơn. Những ưu điểm tác giả nêu ra ở đây chỉ hạn chế trong việc
sử dụng những lý thuyết văn học ở nước ngoài vào để thúc đẩy tình hình trong
nước.
Về mặt số lượng, tôi cho là người đi theo phương
hướng này còn rất ít.
Hơn thế phải nói thẳng là những thành công của mấy
người này còn ở mức rất khiêm tốn. Trong những trường hợp tốt nhất thì chúng ta
mới may mắn được coi là những người thuộc bài, còn việc áp dụng những kiến thức
đó vào việc nghiên cứu văn học Việt Nam – xin lỗi cho tôi nói một cảm giác mà
có thể nhiều người không đồng ý – còn chưa có thành tựu nào đáng kể.
Trong một bài viết gần đây, tôi có nói rằng giáo dục
ở ta nói chung đang trong tình trạng vô phương cứu chữa. Một trong những luận
cứ của tôi là giá kể bây giờ có chương trình đúng đắn, sách giáo khoa đúng đắn
thì cũng không lấy đâu ra người để dạy các chương trình đó cả. Và người ta cũng
không biết làm gì với hàng triệu giáo viên đang đứng trên bục giảng hiện nay; ở
họ, có một cái gì đó đã cứng lại rồi, họ không thể thay đổi được nữa.
Với giới đại học cũng thế.
II/ THỬ XÁC ĐỊNH MỘT THỰC TRẠNG
Khi điểm lại tình hình, Từ Huy có ngỏ ý “trách móc”
rằng sao từ ngày xảy ra cái vụ phê phán luận văn này, sau vài lời phản biện yếu
ớt, trong giới không thấy nhiều người lên tiếng.Trong khi tỏ ý lo lắng cho tình
hình từ nay về sau, tác giả thỉnh thoảng không quên giảng giải cho mọi người
thế này mới là nghiên cứu, thế kia mới là khoa học.
Tôi thì tôi thấy cách cư xử của cả giới
KHXH như vừa rồi là nằm trong bản chất và lý do tồn tại của nghề nghiệp.
Có một guồng máy đã hình thành, họ vừa là sản phẩm, lại vừa là các thành tố góp
phần vận hành guồng máy đó. Bận lắm, quay cuồng lắm! Về chuyện nên làm
thế nào, họ không có thời gian mà nghĩ đến nữa. Cái phần tự vệ trong mỗi người
luôn luôn mách bảo họ rằng biết ra chỉ thêm phiền, tốt hơn là đừng biết đừng
nghĩ.
Cáo trạng và biện hộ
Đi vào cụ thể hơn.
Từ Huy tự hỏi nguyên nhân của vụ phê
phán Luận văn về Mở Miệng xuất phát từ những hiềm khích cá nhân hay xuất phát
từ một chủ trương
Trả
lời: là
chủ trương. Để mượn lại chữ của Từ Huy, chẳng có “nhát dao nào là mù
quáng cả“.
Từ Huy
cảnh báo: Điều gây tuyệt vọng không phải chỉ là sự tái bùng nổ đáng ngạc
nhiên của những cây bút phê bình dao búa [ …] mà còn là (và có lẽ chủ yếu là)
biểu hiện của thái độ chấp nhận đầu hàng ở giới đại học. Chính sự chấp nhận này
rất có thể sẽ đẩy KHXH&NV vào tử lộ.
Trả
lời: Không
đầu hàng sao được! Đến những Trần Văn Giàu Trần Đức Thảo Nguyễn Mạnh
Tường Đào Duy Anh Trương Tửu… cũng phải mất chức khi người ta đã chẳng cần, nữa
là những cá nhân mới nẩy nòi lên chính trong tay nhà cầm quyền mấy chục năm
nay. Dựng lên thành bụt đạp xuống thành đất ngay, chuyện đâu có lạ.
Còn lo rằng, do đó, nó – bộ môn KHXH mà chúng
ta đang quan tâm -- sẽ suy tàn ư ? khó lòng sống sót ư?
Người ta đã đẻ, người ta sẽ nuôi. Cái việc phù phép cho nó trở thành sống động
đâu có quá khó. Người ta sẽ biểu dương nó, khen ngợi nó. Cấp tiền nuôi nó. Ban
cho nó danh hiệu. Giới thiệu nó với giới khoa học quốc tế (còn việc quốc tế có
công nhận không thì không cần biết). Còn muốn gì nữa?
Từ Huy nhắc tới một chân lý: không có tự do
học thuật thì khoa học không thể phát triển được.
Trả
lời: Trên nước Việt Nam này, không có thứ
KHXH mà Từ Huy hiểu và các nước người ta vẫn hiểu. Ngược lại, ở ta, cũng
như ở nước Nga xô viết trước đây, nó có một cái nghĩa riêng. Theo nghĩa này, tự
nó vẫn phát triển chứ đâu có dừng lại. Cái làm cho nó phát triển không phải là
tự do mà là các … mệnh lệnh chỉ thị hồi trước và và các đơn đặt hàng. Cái
đó thì hiện nay không thiếu, không bao giờ thiếu.
Từ Huy viết : Người nghiên cứu cũng có
quyền nhìn đối tượng theo cách của mình, có quyền đưa ra một quan điểm nghiên
cứu và chứng minh quan điểm đó bằng các lý lẽ lập luận được thể hiện trong công
trình của mình. Quan điểm đó đúng hay sai, có thuyết phục người khác hay không,
đó là chuyện cần phải tranh luận, nhưng người nghiên cứu không thể bị vùi dập
vì quan điểm riêng.
Trả
lời: Không.
Ở KH XH Việt Nam, khi đã nhận những chức danh như giáo sư tiến sĩ , người ta
không có quyền có quan điểm riêng, lại càng không có quyền có quan điểm sai (so
với cái đúng mà nhà nước quy định). Chỗ riêng tư, anh có vụng trộm nói khác
nghĩ khác, tôi tạm tha. Nhưng công khai thì không. Cái chuyện ăn đòn (= vùi
dập) khi làm sai là chuyện đương nhiên. Anh có vì thế mà chết cũng chẳng
ai thương tiếc. Cố nhiên, người đứng đắn thì sẽ ăn đòn xong lại đứng dậy, nhưng
đó là việc riêng của anh.
Sức sống dai dẳng
Từ Huy lo một khối băng giá đang ngự trị trong
cả giới. Và tác giả đặt giả thiết:
Đằng sau sự im lặng của giới đại học [ …
] có thể đọc thấy điều gì? Nỗi sợ hãi? Sự hạn chế về năng lực chuyên môn? Sự tê
liệt khả năng phản ứng? Sự thờ ơ vô cảm (coi đấy không phải là việc của mình)?
Sự chuẩn bị tâm lý cho một quá trình chịu đựng vô điều kiện những áp đặt từ
trên xuống, bất kể những áp đặt đó phi lý như thế nào, một quá trình chịu đựng lâu
dài chưa biết bao giờ mới kết thúc?
Trả
lời: Tất
cả sự dự đoán của tác giả là đúng. Nhưng cần biết thêm, cách phản ứng
của con người hiện nay nói chung -- chứ không phải riêng của các “nhà” KHXH --
bị điều kiện hóa rất chặt chẽ và đó chỉ là một bộ phận trong sự chịu đựng
hàng ngày. Đừng quá hy vọng ở họ. Họ sẽ chẳng chết như đã chẳng sống. Họ sẽ như
thế này… mãi. Và sống có lý có lẽ, có sự tự tin cẩn thận.
Hồi chống Mỹ, miền Bắc tức “bên thắng cuộc” sống
trong một tình thế bị cắt đứt hoàn toàn với giới khoa học bên ngoài. Phía tư
bản thì những Freud, Kafka, Sartre, Camus , Levy Strauss …đều phản động hết
không nói làm gì. Ngay cả với thế giới XHCN cũng vậy. Trung Quốc rơi vào
cách mạng văn hóa, còn Liên Xô bị coi là xét lại, là một thứ nấm độc cần phải
từ chối.
Những năm đó, bao nhiêu sinh viên và thực tập sinh
đang học các ngành KHXH ở Liên xô và Đông Âu đều bị gọi về dù học còn dang dở.
Tôi tuy chỉ ở bên văn chương nhưng mọi chuyện
bên khoa học cũng được biết ít nhiều, vì cả hai khu vực này đều trong
phạm vi chi phối của ông Tố Hữu. Tôi nhớ có một tư tưởng của Tố Hữu, do giới tuyên huấn lúc ấy cho
lan truyền, cho rằng về khoa học tự nhiên thì chúng ta có thể kém các nước,
nhưng còn về khoa học xã hội thì ta là nhất, các nước khác cần cắp sách
đến học chúng ta.
Về sau này, những tư tưởng đó có thể được trình bày
kín đáo hơn, nhưng theo tôi thấy nó không bao giờ mất hẳn. Và nó biến hình
thành những tư tưởng tinh vi hơn, chẳng hạn về cái gọi là tinh thần dân tộc
trong nghiên cứu xã hội hay được nói gần đây. Riêng nó đủ tạo nên sức sống dai
dẳng của các loại các bộ môn khoa học ở VN hôm nay.
Mức độ suy đồi
Không phải trong giới không còn những người muốn làm
khoa học xã hội thực sự.
Ở đây có một số người được đào tạo đúng bài
bản, tiếp thu được tinh thần khoa học chân chính từ nước ngoài về.
Ngay trong những người chỉ là dân nội địa cũng có những người do lương
tri và học hỏi mà cảm thấy lẽ ra chúng ta phải có một thứ khoa học khác.
Tuy vậy, trong thực tế, có hai khía cạnh phải tính
tới.
Một là ngay từ điểm xuất phát, giới đại học ở ta, nhất
là bên KHXH, đã được hình thành theo kiểu ba vạ. Không ít người trong họ ban
đầu là những cán bộ tuyên truyền chỉ giỏi về xách động, thiếu chuyên môn nhưng
lại thừa ý chí, xông vào đủ mọi lĩnh vực và nay hóa ra những nhân vật đầu đàn,
những pioneer (tạm dịch: người đặt nền móng) cho KHXH VN hiện
đại.
Việc bảo vệ con đường đã qua của KHXH hôm nay là lẽ
sống của họ. Cố nhiên họ thừa hiểu, mọi cố gắng đưa ngành này vào quỹ đạo của
KHXH thế giới đều có nghĩa là phủ định công lao và vai trò của họ, đời nào họ
cho phép.
Hai là mấy chục năm nay, tình trạng ọp ẹp ngành này kéo dài. Trên
cái mặt bằng quá thấp của giáo dục nước ta, KHXH chính là khu vực trũng nhất.
Học sinh phổ thông giỏi đi học y khoa, học tin học, học kinh tế… chứ mấy ai
chịu theo bên văn bên sử. Khi vào ngành rồi, thì lại có sự sàng lọc tiếp theo,
theo phương châm “ hồng trước chuyên sau”.
Ở các ngành khoa học tự nhiên, thì sự kém cỏi
còn khó che giấu. Chứ ở đây, cứ mạnh mồm là được. Không có gì lạ nếu bộ phận
kém cỏi và hoạt đầu trong KHXH, lại được coi là bộ phận đáng nâng đỡ và dần dần
đóng vai thao túng tình hình.
Những người ưu tú thì bị chèn ép, chỉ riêng việc
chống lại chủ nghĩa bình quân cũng đủ khiến họ tiêu mòn sức lực.
Quan trọng không kém là vai trò của đãi ngộ. Trong
khi các cán bộ có thiện chí khoa học cô đơn, và thiếu đủ mọi điều kiện để làm
việc, thì những kẻ nịnh nọt, một lòng một dạ kiên trì thứ khoa học minh họa
tha hồ được khen thưởng, được cho đi học nước ngoài, được cấp những khoản kinh
phí lớn để “nghiên cứu”, những gì họ viết ra được đưa vào sách giáo khoa chính
thức giảng dạy cho hàng triệu sinh viên học sinh.
Các nhà nghiên cứu trẻ có phải là thánh cả đâu? Bao
nhiêu thông minh vốn có trong họ trước tiên được sử dụng để giúp họ thích
ứng với hoàn cảnh mà cũng là để mỗi người tìm cho mình một chỗ đứng. Nhu cầu tự
do và khả năng học hỏi ở mỗi người dần bị mài mòn, người trước kẻ sau họ đều
rơi vào cái quỹ đạo đã được vạch sẵn.
Xét đại trà, bộ mặt của giới nghiên cứu đã hình thành đúng như sự nhào
nặn của những người trả lương họ. Để đỡ phiền phức, càng ngày, những
người trong cuộc càng tự mình thỏa mãn với công việc và trình độ của mình,
không ai có ý ân hận và lo lắng về sự xa cách giữa KHXH Việt Nam và KHXH thế
giới.
Không có gì là khó hiểu trong cái định hướng mà cả
giới đã chọn. Thắc mắc mà làm chi khi bây giờ khi đại cục đã hỏng, tôi chỉ
một con chim non bé bỏng – vứt trong lồng con giữa một lồng to (Tố Hữu). Trong
khi đó, nhìn đi nhìn lại hóa ra so với ngày hàn vi mình nay cũng không đến nỗi
nào. Phần lớn các nhân vật khôn ngoan trong giới đã đạt tới cái đích mà họ ôm
ấp. Giáo sư cũng có, tiến sĩ “ như lợn con”, viện sĩ hàn lâm nếu muốn rồi
anh cũng có thể có.
Khi những điều kiện vật chất được thỏa mãn thì những
đòi hỏi về tinh thần dần dà rồi cũng tan biến.
Từ Huy đặt vấn đề trách nhiệm Chỉ còn hy vọng khi
những người làm nghiên cứu ở Việt Nam, với tư cách cá nhân, vẫn giữ được cho
mình quan điểm độc lập so với quan điểm chính thống này. Điều đó cũng đồng
nghĩa với việc họ phải nhìn thấy trách nhiệm của chính họ […] trong
sự suy tàn của ngành KHXH&NV
Theo tôi hiểu, với giới nghiên cứu KHXH hiện nay,
hai chữ trách nhiệm theo nghĩa cao nhất của nó -- trách nhiệm với lịch sử --
đang là thứ xa xỉ.
Trong nhiều luận văn công bố gần đây, Từ Huy đã
giảng giải cho chúng ta thấy giới đại học phải có một cách hoạt động như thế
nào, người làm khoa học xã hội phải có trình độ và tư cách như thế nào.
Chẳng hạn, trong bài này, tác giả có nói đến yêu cầu
của giới khoa học là đi tìm chân lý chứ không phải đi tìm cái đúng như cấp trên
chỉ thị, và nhiều khi họ nghiên cứu mà họ không biết rằng mình sai hay đúng.
Về phần mình, tôi ngờ rằng những điều đó ngày
càng khó nghe đối với giới nghiên cứu hiện nay, vì chúng đánh vào lòng tự ái
của họ, lương tâm của họ, là điều mà chính họ muốn quên lãng và không muốn ai
nhắc lại nữa.
Từ Huy có lẽ đã cảm thấy điều đó khi mở đầu
bài viết bằng đoạn cảm thán Vẫn biết rằng những gì nói ra ở đây có thể
chẳng ai nghe, có thể chẳng nhận được sự hồi đáp nào, mà có khi lại tự gây nguy
hiểm cho bản thân, chuốc lấy sự thù ghét của đồng nghiệp. Nhưng đã cầm bút thì
không làm khác được.
Đây tôi không
nói rằng việc giới nghiên cứu im lặng là tốt, nhưng chúng ta cần phải thông cảm
với họ. Họ được đào tạo theo những cách khác và đặt quyền lợi của mình ở những
điểm khác. Nêu ra những yêu cầu có tính chất " chuẩn mực quốc tế "
đối với họ, là làm phiền họ và cũng chỉ gây thất vọng vì sẽ chẳng bao giờ mà
yêu cầu đó được thỏa mãn.
Sống tiếp như thế nào đây
Chúng ta thường chỉ lo lắng là có vẻ như KHXH ở ta
hiện nay không có thành tựu. Cái đáng lo hơn là con người. Khi con người đã
hỏng thì còn làm ra cái gì có giá trị nữa!
Một bạn theo dõi tình hình khoa học ở Nga kể với tôi
câu chuyện sau:
Đúng năm 1991, khi Liên xô sụp đổ thì một nhà khoa
học trẻ bảo vệ thành công một luận án tiến sĩ xuất sắc về chủ nghĩa vô thần. Đó
là một người hết sức thông minh. Ông hiểu rằng cả tuổi trẻ của ông đã đi vào
con đường sai lầm. Cảm thấy không có lý do để sống nữa, ông nhẩy lầu tự tử.
Ở ta không có những con người như thế. Trong trường
hợp tốt nhất chúng ta chỉ có những mẫu người như Trần Quốc Vượng đã mô tả và
sống theo. Cái gì cũng có một chút. Một chút phải đạo, một chút chống đối làm
dáng. Một chút khoa học, một chút một chút xẩm chợ nói liều. Một chút cống hiến
hết mình, một chút nhặt nhạnh kiếm chác và hưởng thụ.
Vả chăng, cái
mẫu như ông Vượng cũng đang ngày một hiếm.
Thế
tức là tình thế hoàn toàn tuyệt vọng hay sao? Khi tự đặt
cho mình câu hỏi này, tôi tìm tới câu trả lời nước đôi. Vâng, tuyệt vọng thật .
Đáng lẽ chúng ta phải có hàng trăm Bảo Ninh, hàng vài chục Nguyễn Huy Thiệp thì
văn chương chúng ta mới khởi sắc được, chứ chỉ có một hai người ấy, mọi sự hy
vọng đều là tự dối mình. Tuy nhiên, chúng ta không thể chết như ông tiến sĩ
người Nga, chúng ta phải sống. Đối với các bạn trẻ, tôi nghĩ nay là lúc phải
phân thân, vừa biết sống như mọi người, vừa dành một phần tối đa có thể để học
hỏi và thầm lặng bắt tay vào, làm một cách hết lòng, làm như làm cho chính
mình, những việc tử tế, có đóng góp cho khoa học mà cũng là có đóng
góp thực sự cho nhân dân đất nước .
May mà chúng ta làm khoa học xã hội, công cụ
làm việc nhiều khi chỉ cần ít cuốn sách là đủ. Cũng chẳng cần chung quanh công
nhận vội…Bởi cái đích của ta rất xa…Trong việc này mỗi người có thể rất đơn
độc, và thất bại nữa…Và trước mắt là chịu thiệt, là không có cả danh lẫn lợi.
Nhưng niềm vui lớn nhất, niềm vui của cuộc truy tìm chân lý đang chờ. Nhờ thế,
lòng ta luôn luôn thanh thản.
Trong cái cuộc sống khó khăn này, có một điều theo
tôi nên nghĩ. Là không phải chúng ta bi đát, mà nhiều người khác trên trái đất
này cũng bi đát, các trí thức Nga , các trí thức Trung Quốc, và gần đây các trí
thức Afganistan, Iraq , Ai Cập… Nghĩ rộng ra nữa, đọc kỹ vào văn học phương Tây
thế kỷ XX, thì ở đâu chúng ta chẳng bắt gặp cái giọng đau đớn vì sự bất lực khi
muốn làm người tử tế.
Trong thời hiện đại, có thể anh cần chấp nhận một số điều kiện mà những con người cổ điển thà chết chứ không chấp nhận. Phải sống để làm bằng được cái điều anh đã dự định ( như Tư Mã Thiên xưa nuốt nhục để làm nốt sứ mệnh của người viết sử). Như vậy là anh đã không đầu hàng, hơn thế nữa, đã chiến thắng .
Ở một trang sổ tay cũ, tôi có chép được một
câu danh ngôn, đúng hơn là một lời tự nhủ của một nhà văn, nó từng ám ảnh tôi
nhiều năm, hồi chiến tranh đã thấy đúng, nay càng thấy đúng:
Thời đại chúng ta cốt
yếu là một thời đại bi thảm, bởi thế chúng ta từ chối coi nó là một cái gì bi
thảm. Cuộc đại biến động đã xảy ra, chúng ta ở giữa những đổ nát, chúng ta bắt
đầu xây dựng những túp lều trú ngụ tạm bợ và dấy lên chút hy vọng nhỏ bé
mới. Đó là một công việc khá nhọc nhằn. Nay là lúc không có con đường bằng
phẳng nào dẫn tới tương lai. Nhưng chúng ta sẽ đi vòng quanh hoặc bò qua những
trở ngại. Chúng ta phải sống thây kệ bao nhiêu bầu trời đã sụp.
Câu
này của D.H. Lawrence (1885 - 1930), tôi đọc được từ trong một cuốn sách của
ông Nguyễn Hữu Hiệu, hình như là cuốn Con đường sáng tạo in ở Sài Gòn trước 1975.
No comments:
Post a Comment