Thursday 14 November 2013

VLADIMIR PUTIN ĐÙA VỚI LỬA (Hùng Tân - Người Việt)




Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, November 13, 2013 3:32:09 PM

Di dân và chủ nghĩa dân tộc tại Nga

Hôm Thứ Ba 12, Tháng Mười Một, tổ chức Năng Lượng Quốc Tế IEA của Liên Hiệp Quốc vừa công bố phúc trình về viễn ảnh năng lượng 2013 với nhiều chi tiết đáng chú ý.

Ðầu tiên là năm 2016 này Hoa Kỳ sẽ vượt Saudi Arabia để thành quốc gia sản xuất dầu thô nhiều nhất thế giới. Ðáng chú ý vì IEA điều chỉnh dự báo năm ngoái, theo đó Hoa Kỳ sẽ chiếm ngôi vô địch vào năm 2017. Nghĩa là nước Mỹ có thể tiến nhanh hơn một năm! Chi tiết kia là Liên Bang Nga còn tụt hậu nhanh hơn vậy, và đấy là tin kém vui cho Tổng Thống Vladimir Putin.

Liên Bang Nga là đại gia về năng lượng dầu khí, dầu thô và khí đốt, với trữ lượng dầu rất cao ở miền Ðông và miền Tây của khu vực Tây Bá Lợi Á và với sản lượng khí đốt chỉ đứng sau Hoa Kỳ. Năng lượng Nga là võ khí chiến lược cho Putin có thể chi phối Liên hiệp Âu Châu qua các ống dẫn dầu và khí đốt vắt ngang xứ Belarus ở hướng Bắc và Ukraine ở hướng Nam.

Ưu thế sa sút về năng lượng vì tình trạng tụt hậu kỹ thuật sẽ là vấn đề trường kỳ cho nước Nga.

Nhưng trước đó, Liên Bang Nga còn gặp nhiều mối nguy khác ngay trong nội bộ. Sau bài viết kỳ trước (Khi Liên Bang Nga có loạn - Chiêu bài dân tộc gây phản ứng ngược), “Hồ Sơ Người Việt” sẽ tìm hiểu tiếp về những mối nguy này. Ðây là điều có lợi để chúng ta đặt chuyến thăm viếng Việt Nam vừa qua của Tổng Thống Putin vào đúng bối cảnh, và để chúng ta nhìn lại vào ruột gan của Trung Quốc.

Kinh tế suy trầm

Ngay trong hiện tại, kinh tế Nga bị đình trệ dù năng lượng vẫn cao giá và số xuất cảng của Nga đang ở mức kỷ lục.

Sau khi tăng trưởng 3% vào năm 2010, rồi 4.6% vào năm 2012, sản lượng kinh tế của Nga sẽ chỉ tăng có 1.3% trong năm nay. Qua năm tới, tình hình có thể còn khó khăn hơn nữa nếu năng lượng sụt giá. Chi tiết đó cho thấy sự yếu kém của các khu vực sản xuất ngoài năng lượng, mà năng lượng lại là ưu thế đang mất dần. Muốn có tương lai, nước Nga cần cải cách kinh tế và trước hết cải tiến kỹ thuật khai thác năng lượng. Kỹ thuật đó, Nga phải học từ nước khác qua việc tiếp nhận đầu tư. Mà muốn tiếp nhận đầu tư cho có lợi về dài thì Nga phải cải tổ cơ chế kinh tế và chính trị.

Ðối chiếu với Trung Quốc vừa qua mặt Hoa Kỳ về lượng dầu nhập cảng, Liên Bang Nga có cảnh ngộ tương tự: chậm tiến về kỹ thuật. Hội nghị kỳ ba của Ban Chấp Hành Trung Ương khóa 18 vừa kết thúc tại Bắc Kinh đã gây thất vọng vì không đẩy mạnh việc cải cách như dự tính nhưng lại có một chi tiết còn đáng chú ý hơn: lãnh đạo mới của xứ này vừa lập ra một “Hội Ðồng An Ninh Quốc Gia” để tập trung các quyết định về tình báo và ngoại giao nhằm đối phó với những vấn đề an ninh trong nội bộ.

An ninh trong nội bộ là bài toán chung của lãnh đạo Moscow và Bắc Kinh.

Một nghịch lý của Nga hiện nay là uy tín rất cao của Tổng Thống Vladimir Putin, được hơn 60% dân Nga ủng hộ, so với sự thất vọng còn cao hơn nữa của người dân đối với chính quyền. Chỉ có 16% dân Nga tin tưởng vào khả năng giải quyết vấn đề của bộ máy công quyền. Nghịch lý ấy cho thấy là cả hệ thống chính trị hiện tại dựa trên một cá nhân. Sau 15 năm lãnh đạo liên tục với tư thế thủ tướng rồi tổng thống rồi thủ tướng rồi tổng thống, ông Putin cũng có ngày phải lui.

Sau đó tình hình sẽ ra sao? Nhiều phần sẽ là những va chạm và xung đột giữa chủ nghĩa dân tộc của người Nga với phản ứng ngày càng gay gắt hơn của các sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi. “Hồ Sơ Người Việt” vào tuần trước đã đề cập tới mối nguy này.

Muốn dự đoán tình hình trong trường kỳ, chúng ta có thể nhìn lại vào quá khứ của nước Nga...

Những tiền lệ đáng ngại

Ðế quốc Nga cổ xưa đã bị cuộc cách mạng cộng sản lật đổ vào năm 1917. Biến cố lịch sử này có những nguyên nhân sâu xa hơn lý luận của Karl Marx hay kỹ thuật đảo chánh của Lenin. Nhưng nguyên nhân đó đang tái xuất hiện và có thể đe dọa Liên Bang Nga thời “Hậu-Putin.”

Trước hết, trong hai chục năm liền từ cuối thế kỷ 19 cho tới Thế Chiến I (1914-1918), dân số Nga đã tăng rất mạnh, từ khoảng 127 triệu lên tới 170 triệu, và tăng mạnh nhất là tại các thành phố. Tiến trình kỹ nghệ hóa và đô thị hóa đã tạo ra một thành phần thị dân sau này là lực lượng lao động sẽ tham gia “cách mạng.” Thành phần dân số đó xuất phát từ nông thôn và được giới quý tộc Nga gọi là “di dân.” Trung Quốc ngày nay cũng đang có lực lượng lao động ấy, từ 250 đến 280 triệu, mà họ gọi là “dân công,” từ nông thôn đi vào thành thị kiếm sống mà không có hộ khẩu. Truyền thông quốc tế cứ gọi thành phần này tại Nga và Trung Quốc bằng một từ chung là “migrants.”

Nhớ lại chuyện xưa của Nga thì ta có một thiểu số ưu tú ở trên nhìn vào đám người thấp kém ở dưới lặng lẽ tràn vào như thủy triều. Nhưng nhiều người Nga lại coi làn sóng nhân lực này là mối đe dọa cho việc làm của họ, y như phản ứng kỳ thị ngày nay của dân Nga trắng với người Hồi giáo ở phía Nam hay di dân từ các nước Trung Á.

Thứ hai, nhờ Nga bãi bỏ chế độ nô lệ vào năm 1861, nhiều người Nga ở giai tầng thấp kém được đi học và vài chục năm sau, xã hội đã xuất hiện một thành phần trẻ, hiểu biết hơn xưa mà chưa cải thiện được cuộc sống. Họ thất vọng khi nhìn lên trên và bước qua thế kỷ 20 thì nhiều người trở thành lực lượng thanh niên có hoài bão cách mạng.

Sau giai đoạn đình trệ kinh tế tại Âu Châu và vụ khủng hoảng tài chánh của giới quý tộc Nga vào năm 1899, tinh thần bạo động và phương pháp khủng bố mang màu sắc Nga đã xuất hiện. Những yếu tố đặc thù này góp phần đáng kể cho cuộc cách mạng của Lenin. Chúng ta cần nhìn lại chuyện đó khi nhớ tới sự sa sút kinh tế tại Nga lồng trong vụ khủng hoảng của khối Euro ngày nay.

Thứ ba, vào thời đó rồi, người ta đã chứng kiến tinh thần bài ngoại của dân Nga đi cùng nạn kỳ thị chủng tộc giữa các sắc dân thiểu số với nhau, như giữa dân Armenia với Azerbaijan hay giữa dân Kazakh và dân Turk. Khi Ðế quốc Nga lụn bại, những tranh chấp như vậy đã lan rộng và gây thêm bất ổn. Trong sự bất ổn chung, tại miền Tây tiếp cận với Âu Châu đã xuất hiện nạn xung đột tôn giáo giữa Chính Thống Giáo và Thiên Chúa Giáo, giữa Công Giáo và Tin Lành.

Ðáng chú ý vì có hậu quả lâu dài nhất là sự ngược đãi người Do Thái. Sắc dân này chỉ chiếm 6% dân số Nga, nhưng bị tập trung trong khu vực ngày nay trải rộng trên lãnh thổ Ukraine, Ba Lan, Lithuania, Belarus, Moldovia và Liên Bang Nga. Dù bị khoanh vùng sinh hoạt, họ khá thành công về kinh doanh, có vai trò trọng yếu cho giao thương buôn bán và bị đa số dân Nga bần cùng coi là nguyên nhân của mọi khó khăn kinh tế. Khi tình hình làm ăn sa sút, hoặc việc giao thương bị hạn chế, công nhân Nga bị các ông chủ Do Thái sa thải.

Vì vậy, năm 1905 đã có những vụ biểu tình phản đối, nổi loạn và bạo động với cường độ chưa từng thấy, khiến 15 ngàn người thiệt mạng, trong đó có ba ngàn dân Do Thái. Nghiêm trọng nhất là tại St. Peterburg.

Khi đó, chế độ Sa Hoàng (hoàng đế Nga) đã có nhiều cách xử trí khác nhau. Trước thì thẳng tay đàn áp công nhân, nhưng về sau nhượng bộ và cho họ nhiều quyền hạn hơn trong một cơ chế đại diện mới, là Quốc Hội Duma sau này. Với những vụ xung đột sắc tộc, chế độ không trừng phạt mà còn kín đáo yểm trợ các nhóm “dân quân Nga” đang tấn công người thiểu số. Xa hơn thế, và y như Putin ngày nay, chế độ khai thác tinh thần dân tộc của người Nga để chuyển trọng tâm đấu tranh qua hướng khác: dồn sự bất mãn của người dân vào thành phần thiểu số.

Chiến lược đó thành công được vài năm, cho đến 1907 thì gây phản ứng ngược. Mọi sự bất mãn đều nhắm vào chế độ và thành phần quý tộc. Mười năm sau thì Lenin gặt hái thành quả.

Lịch sử tất nhiên là không tái diễn y hệt như ngày xưa. Nhưng những gì đang xảy ra tại Liên Bang Nga có thể cho thấy giới hạn của Putin.

Vấn đề của Vladimir Putin

Trước những khó khăn chồng chất về nhiều mặt kinh tế, xã hội và chính trị, tổng thống Nga áp dụng chiến thuật xưa là đối xử có dị biệt đằng sau chủ nghĩa dân tộc của người Nga La Tư (Slav).

Trong các vụ xung đột giữa người Nga và dân thiểu số Hồi Giáo hay di dân Trung Á, nhà chức trách địa phương không trừng phạt mà còn ngầm yểm trợ các nhóm Nga quá khích. Ở cấp quốc gia, các lực lượng bảo thủ đã có thế mạnh và đưa ra chủ trương chính sách hạn chế di dân, thậm chí đòi hỏi các gia đình Hồi Giáo chỉ được có hai con. Lập trường đó của Vladimir Zhirinovsky có hậu thuẫn đáng kể nên đảng Tự Do Dân Chủ Nga đang là chính đảng đứng hạng thứ tư.

Nhưng cũng trong thành phần có tinh thần quốc gia dân tộc đã thấy xuất hiện sự lạ.

Nhiều người, như lãnh tụ Alexei Navalny, không chỉ kêu gọi biểu tình chống di dân và người Hồi giáo trong các năm 2010-2011 mà còn xoay ra chống Putin trong các cuộc bầu cử Quốc Hội và tổng thống vào năm ngoái. Dù đã bị đàn áp, chủ trương chống chính quyền này vẫn còn âm ỉ và khẩu hiệu đòi hỏi dân chủ đang là một bài toán mới cho Putin. Bài toán sẽ trở thành nan giải hơn khi kinh tế bị suy thoái.

Huống hồ là chính sách kỳ thị thiểu số cũng không thể là giải pháp lâu dài vì thành phần này vẫn là công dân của nước Nga, trên nguyên tắc thì phải được Hiến Pháp bảo vệ. Với di dân từ Trung Á, chính sách kỳ thị cũng gây phản tác dụng về ngoại giao: Putin cần sự hợp tác của các nước Trung Á cho chiến lược xây dựng Liên Hiệp Quan Thuế Âu-Á, trải rộng từ biên giới với Âu Châu qua khu vực Viễn Ðông.

Putin không thể để bùng nổ xung đột hay nội chiến như đã xảy ra với Chechnya và càng không muốn có thêm mâu thuẫn với các nước Trung Á trước sự ve vãn mua chuộc của của Trung Quốc.

Khi ông bị yếu thế, là điều khó tránh, những vấn đề nói trên có thể bất ngờ phát tác.

Kết luận ở đây là gì?

Hoa Kỳ đang có nhiều vấn đề nội bộ, gây tranh luận hàng ngày hàng giờ trước sự chứng kiến và phê phán của dân chúng. Kết quả tranh luận sẽ dồn vào các cuộc bầu cử, không 2014 thì 2016, v.v... Nhưng nước Mỹ không có loại vấn đề sinh tử trong tạng phủ như Liên Bang Nga, hay Trung Quốc.

Bối cảnh nhiễu nhương của Nga khiến ta càng chú ý đến bài toán Hồi Giáo, Tây Tạng và chuyện Tân Cương của Trung Quốc.

Chủ nghĩa dân tộc Nga của Putin hay “Giấc mộng Trung Hoa” của Tập Cận Bình có khi lại là ác mộng.



No comments:

Post a Comment

View My Stats