Thursday, 14 November 2013

VIỆT - PHI, TỪ THUYỀN NHÂN ĐẾN CỨU TRỢ SAU BÃO (Kính Hòa - RFA)




Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-11-13

Công cuộc vận động cứu giúp Philippines sau cơn bão khủng khiếp Hải Yến đang được cả thế giới tiến hành. Đối với người Việt Nam, công cuộc cứu trợ này lại mang những ý nghĩa đặc biệt.

Cơn bão Hải Yến chết chóc đã để lại đống hoang tàn khổng lồ trên những hòn đảo xinh đẹp của Philippines. Liên hiệp quốc cùng nhiều quốc gia đang vận động tiền của và sức lực để cứu giúp người Philippines qua cơn hoạn nạn. Với tư cách một quốc gia láng giềng chính phủ Việt Nam đã lên tiếng đóng góp vào việc cứu trợ. Tuy nhiên, đối với người Việt khắp nơi trên thế giới, Philippines có một quan hệ về nhân đạo sâu sắc.

Sau năm 1975, thế giới được biết một từ mới, có lẽ xuất hiện lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, đó là Thuyền nhân. Những người tị nạn chính trị ra đi bằng đường biển này để tìm tự do đã phải trải qua nhiều khổ nạn, và ước tính đã có khoảng nửa triệu người mất mạng. Trong hành trình đó, nước Philippines đã xuất hiện như là một bến bờ an toàn cho các Thuyền nhân. Nhà thơ Trần Trung Đạo, một thuyền nhân từng ở trại Palawan nhớ lại rằng hướng đi về Philippines đối với các thuyền nhân là để tránh các thảm cảnh hãm hiếp, giết chóc…mà bọn hải tặc nhắm vào hàng trăm ngàn con mồi lênh đênh trên biển lúc ấy.

Và nay nhà thơ Trần Trung Đạo, hiện sống tại Boston đã viết bài kêu gọi vận động đóng góp giúp đỡ những ân nhân Philippines ngày ấy. Ông chia sẻ với đài Á châu tự do:
“Người Việt có một tính tốt đó là tình nhân ái. Đối với đồng bào mình trong nước, mỗi khi có lũ lụt là đồng bào hải ngoại lại tổ chức yểm trợ . Điều đó không chỉ với đồng bào mà còn là tình con người nữa. Đối với người Phi thì rất là đặc biệt, nước Phi đã giang tay đón tới cả trăm ngàn người Việt đến Palawan và Bataan, là trạm trung chuyển để đi định cư ở nước thứ ba. Nhiều người Việt chúng ta được những người Phi giang tay chia sẻ, bảo bọc trong cái giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời mình, mà họ cũng chẳng sung túc gì. Hình ảnh những người dân thường Phi ra bờ biển cõng những bà mẹ, những em bé vào bờ, những hình ảnh ấy sẽ không bao giờ bị quên đi cả. Ngay cả mình chỉ nhìn tấm hình thôi nó cũng ghi mãi trong tiềm thức của mình. Tôi thấy đồng bào hải ngoại ở khắp nơi đều lên tiếng ủng hộ.”

Vận động cứu giúp người Phi đang được tiến hành ở nhiều nơi có người Việt sinh sống, những cơ quan truyền thông hay những trang mạng xã hội của người Việt bắt đầu quyên góp chỉ một ngày sau khi tuyên bố thảm họa được Tổng thống Philippines đưa ra. Tại Nam California chỉ sau hơn 1 giờ đồng hồ gây quỹ số tiền đã lên đến $20,000. Con số ấy càng có ý nghĩa khi biết rằng số tiền mà cường quốc hàng thứ hai thế giới Trung quốc tuyên bố giúp cho Philippines là $100,000.

Ở trong nước, cũng có những hoạt động quyên góp ủng hộ người Phi. Anh Nguyễn Lân Thắng, một nhà hoạt động xã hội từng sống một thời gian dài ở Manila cho chúng tôi biết là anh cùng nhóm NO-U, một nhóm dân sự đấu tranh chống sự gây hấn của Trung quốc trên biển Đông, đang thực hiện việc quyên tiền cứu trợ:
 “Qua phương tiện thông tin đại chúng, câu lạc bộ NO-U chúng tôi biết được cơn bão rất tệ hại ở Philippines. Chúng tôi cũng đã có nhiều bạn bè người Philippines, cũng như những người có cùng những hoạt động lý tưởng với nhóm NO-U như chống đường lưỡi bò của Trung quốc trên biển Đông. Khi biết được các bạn Philippines đang chịu cái điều kinh khủng của cơn bão này, chúng tôi muốn làm điều gì đó để chia sẻ với các bạn.”

Trong thời gian gần đây, những nhà hoạt động trẻ tuổi Việt Nam đã tìm thấy nơi Philippines nhiều điểm tương đồng với hoạt động của họ. Các tổ chức dân sự Philippines là hình mẩu mà nhiều nhà hoạt động Việt Nam đang học hỏi. Và có lẽ thái độ cứng rắn không khuất phục trước sự gây hấn của Trung quốc trên biển Đông từ phía chính quyền Manila đã tạo nên nhiều cảm phục nơi thế hệ trẻ Việt Nam. Những cuộc biểu tình chống Trung quốc trên đường phố Manila thường xuyên có bóng dáng các thanh niên từ Việt Nam sang.

Thế hệ trẻ tại Việt Nam, không biết nhiều về thuyền nhân, nhưng lại tìm thấy ở quốc gia láng giềng này những niềm hy vọng cho cuộc đấu tranh của họ. Và họ cảm thấy phải giúp đỡ người bạn đồng hành trong cơn hoạn nạn.

Dù từ quá khứ thuyền nhân hay hiện tại đấu tranh chống bá quyền, có lẽ nhiều người Việt nghĩ như lời nhà thơ Trần Trung Đạo rằng đây là dịp để người Việt bày tỏ lòng biết ơn của mình.

Tin liên quan :






No comments:

Post a Comment

View My Stats