Hồng Nga
Moscow, Liên bang Nga
Cập nhật: 08:17 GMT -
thứ năm, 14 tháng 11, 2013
Ngày 12/11, khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Hà
Nội, các phương tiện thông tin đại chúng ở Nga tràn ngập thông tin,
hình ảnh về chuyến thăm.
Ông Putin mang theo mình một
đoàn phóng viên tháp tùng khá đông đảo, bởi vậy ngay cả những kênh
radio FM không mấy nổi tiếng cũng có tường thuật tại chỗ.
Các bài liên quan
Rồi các trang mạng bắt đầu
đăng tải hình ảnh chụp từ Hà Nội, nơi Việt Nam dành cho vị nguyên
thủ Nga nghi thức chào đón cấp nhà nước với một sự thân tình có
thể nói là độc nhất vô nhị.
Ấn tượng nhất là hình Chủ
tịch nước Trương Tấn Sang nắm tay Tổng thống Putin thật chặt và không
rời trong lễ đón, mà một nhiếp ảnh gia có mặt nhận xét là
"giống như đưa người yêu đi ra mắt họ hàng".
Trong một tấm ảnh, hai nguyên
thủ ôm hôn nhau thắm thiết trên phông nền đầy màu sắc rực rỡ của cờ
và các loại hoa miền nhiệt đới.
Igor Popov, chủ biên tạp chí
Nomer ở Moscow, nói: "Hai bên dường như đang chứng tỏ quan hệ anh em
ruột thịt của mình".
Thế nhưng sự vồn vã dường
như hơi quá mức của chủ nhà khiến người ta phải đặt câu hỏi: trong
quan hệ này, ai là anh và ai là em?
Tuần báo Ogonyok trong bài
viết của phóng viên Viktor Loshak gửi về từ Hà Nội nhận định rằng
chuyến đi của ông Putin tới Việt Nam là một sự "thư giãn về
chính trị".
"Ở đó [Việt Nam] người
ta học tiếng Nga và bắt chước người Nga; ở đó người ta biết ơn chúng
ta và quan tâm tới nước Nga. Người Nga tới đó không cần visa."
"Ở đó người ta đơn
giản là yêu mến chúng ta."
Nhà báo này nói trong các
cuộc trò chuyện ở Việt Nam, ông không nhận thấy "sự cay cú của
đối tác nhỏ bị bỏ rơi" cho dù nước Nga đã trải qua bao nhiêu
biến đổi về chính sách.
"Đã có nhiều thay đổi,
nhưng chúng ta vẫn còn lại với nhau."
'Nghịch tử'?
Loshak kết thúc bài viết
của mình bằng nhận xét: "Nước Nga thật may mắn ở Việt Nam".
"Moscow và Hà Nội đã
xây dựng được quan hệ đúng đắn một cách đáng ngạc nhiên."
Tuy nhiên, không phải ai cũng
chia sẻ quan điểm "tươi hồng" nói trên.
Một phóng viên Nga khác,
Andrei Kolesnikov của tờ Kommersant, thì mô tả cuộc đối thoại của mình
với một nhân viên an ninh của Việt Nam đi cùng với đoàn.
Khi được hỏi về công tác
bảo đảm an ninh cho đoàn của Tổng thống Putin, người này nói thực ra
"chẳng có gì để làm" vì "chúng ta là cùng gia đình
mà".
Kolesnikov viết: "Tôi
định nói là trong gia đình nào thường cũng có một vài nghịch tử
[nguyên văn tiếng Nga: урод], nhưng tất nhiên là tôi không nói vì sợ nhân
viên an ninh chuyên nghiệp này sẽ giật thột".
Phóng viên Kommersant không
nói rõ theo ý ông, ai là "nghịch tử" trong gia đình.
Ở Nga cũng như ở Việt Nam,
một số người bắt đầu cho rằng hai nước nay không còn gắn kết bởi ý
thức hệ và mối quan hệ cũng đã chuyển sang bị định hướng bởi các
quan tâm chiến lược hay các hợp đồng làm ăn.
Nhiều người Việt Nam từng
yêu nước Nga với một mối tình chân thành. Thời kỳ Chiến tranh lạnh,
khoảng 50.000 người Việt được học tập và đào tạo ở Liên Xô, nhiều
người khi trở về nước đã đảm nhiệm các vị trí cao trong xã hội.
Những người này trở nên
các "đại sứ thiện chí" một cách tự nhiên cho quan hệ với
nước Nga.
Thế nhưng đối với thế hệ
người Việt trẻ hơn, nước Nga không gây ấn tượng gì đặc biệt và họ
chỉ nghe tới đất nước xa xôi này qua những bài báo nói về thương vụ
làm ăn trong lĩnh vực năng lượng, hợp đồng tàu ngầm hay sự hiện diện
của du khách Nga tại một vài thành phố duyên hải.
Hợp đồng đặc biệt
Ông Putin mang tới Việt Nam
gần 20 thỏa thuận lớn trong các lĩnh vực dầu khí, điện nguyên tử,
khoáng sản, giao thông...
Trước khi ông đến Hà Nội,
Nga đã làm lễ ký chuyển giao chiếc tàu ngầm đầu tiên cho Việt Nam,
và chính Putin cũng ban hành Hiệp định liên chính phủ về lao động
tạm thời của Việt Nam tại Nga và của Nga tại Việt Nam.
Thỏa thuận này, ký từ 5
năm trước nhưng tới nay mới được phê chuẩn, được nói là tạo điều
kiện không chỉ cho công dân Việt Nam lao động ở Nga mà cho cả công dân
Nga ở Việt Nam.
Với các dự án to lớn như
xây dựng trung tâm bảo trì tàu ngầm, khu dịch vụ nghỉ dưỡng ở Cam
Ranh và nhà máy điện nguyên tử Ninh Thuận I, số người Nga sang Việt
Nam làm việc được trông đợi sẽ tăng mạnh.
Các báo Việt Nam không đề
cập tới khía cạnh này, cũng như không đề cập tới một thỏa thuận mà
giới truyền thông Nga lại hết sức để ý khai thác.
Đó là hợp đồng giữa công
ty Viện Công nghiệp Cao su của Nga và Ban Quản lý lăng Chủ tịch Hồ
Chí Minh, mà Tuyên bố chung hai bên gọi là "về nghiên cứu và chuyển
giao công nghệ sản xuất sản phẩm cao su phục vụ công tác y sinh".
Báo Nga nói thực chất đây
là hợp đồng chuyển giao công nghệ bảo quản thi hài cố chủ tịch, vốn
do các chuyên gia Nga sáng chế, cho phía Việt Nam.
Công nghệ này cho phép sản
xuất một loại chất liệu cao su hóa đặc biệt từ nguyên liệu tơ tằm
của Việt Nam, dùng để bảo quản thi hài.
Giám đốc Viện Công nghiệp
Cao su, bà Polina Taskaeva, được dẫn lời nói: "Cho tới nay chúng
tôi gửi cho Việt Nam tất cả các loại nguyên liệu dùng để [bảo quản
thi hài] Hồ Chí Minh, vì chúng tôi đã có kinh nghiệm từ trước".
"Thế nhưng nay phía
Việt Nam muốn tự mình đảm đương công việc này bằng công nghệ của
chúng tôi, và chúng tôi không phản đối."
Ở Nga nay đang ngày càng có
nhiều lời kêu gọi an táng thi hài lãnh tụ Cộng sản Nga Vladimir Iliych
Lenin. Chủ đề đưa Lenin ra khỏi lăng và chôn cất thực tế đã xuất hiện từ sau
khi Liên Xô giải thể cuối năm 1991.
Dường như điều này khiến
người Việt Nam muốn nắm vững công nghệ mà ở chính nước Nga có thể
sẽ dần mai một.
No comments:
Post a Comment