Tuesday, 12 November 2013

VIỆT - NGA "CHƯA ĐỦ MỨC CHIẾN LƯỢC" ? (Lê Hồng Hiệp gửi BBC)




Lê Hồng Hiệp
Nghiên cứu sinh Tiến sỹ
Cập nhật: 09:35 GMT - chủ nhật, 10 tháng 11, 2013

Chuyến thăm ngày 12/11 của Tổng thống Nga Vladimir Putin là chuyến thăm chính thức lần thứ 3 của Putin tới Việt Nam.

Việt Nam cũng là quốc gia thứ hai ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương mà ông viếng thăm sau khi quay lại làm chủ điện Kremlin trong vai trò tổng thống vào tháng 3 năm ngoái. Chuyến thăm này một lần nữa cho thấy mối quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” ngày càng chín muồi giữa hai nước.

Mối quan hệ mật thiết của Việt Nam với Liên Xô và ngày nay là Liên bang Nga có gốc rễ từ những thập niên đầu của thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Mối quan hệ này đã được tăng cường những năm 1960 và 1970, đánh dấu bằng đỉnh cao là Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Việt Xô năm 1978, vốn mang tính chất gần như là một hiệp ước đồng minh chiến lược.

Sau một giai đoạn trầm lắng thời kỳ những năm 1990 chủ yếu do các vấn đề nội bộ của Nga sau khi Liên Xô tan rã và việc Kremlin tái định hướng chính sách đối ngoại hướng sang phương Tây, quan hệ hai nước đã lấy lại động lực vốn có với việc Nga trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của Việt Nam vào năm 2001. Năm ngoái, quan hệ đối tác này được nâng cấp lên tầm “chiến lược toàn diện” nhằm phản ánh sự phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu của mối quan hệ trong thời gian gần đây.

Mối quan hệ đối tác song phương giờ đây bao gồm các cơ chế được thể chế hóa nhằm thúc đẩy hợp tác trên mọi lĩnh vực. Đáng chú ý nhất là việc thường xuyên trao đổi các chuyến thăm cấp cao, cuộc họp thường niên của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, khoa học và công nghệ, tham vấn chính trị và đối thoại chiến lược, cũng như việc phối hợp thường xuyên trong các tổ chức và diễn đàn quốc tế.

Khía cạnh nổi bật nhất của mối quan hệ ngày càng chín muồi này chính là lĩnh vực hợp tác quốc phòng. Nga hiện nay là nguồn cung cấp vũ khí và công nghệ quân sự chính cho Việt Nam, chiến hơn 80% giá trị vũ khí và thiết bị quân sự mà Việt Nam đã nhập khẩu trong giai đoạn 1990-2010.

Chỉ năm ngày trước chuyến thăm của Putin, Nga đã bàn giao tàu ngầm Hà Nội cho Việt Nam. Đây là chiếc đầu tiên trong số 6 chiến tàu ngầm lớp Kilo trị giá khoảng 2 tỉ đô la mà Việt Nam đã đặt mua từ Nga năm 2009. Một số đơn hàng vũ khí đáng chú ý khác mà Nga đã chuyển giao cho Việt Nam gần đây còn bao gồm 20 chiếc máy bay chiến đấu Su-30MK (thêm 12 chiếc được chuyển giao giai đoạn 2014-15), 2 tàu hộ vệ lớp Gepard-3 (thêm 2 chiếc sẽ được chuyển giao năm 2014-16), và hai hệ thống tên lửa phòng thủ bờ biển K-300P Bastion-P.

Nga và Việt Nam cũng được cho là đang hoàn thiện một hiệp định hợp tác quân sự nhằm chính thức hóa mối hợp tác quốc phòng giữa hai nước. Bên cạnh quan hệ quân sự, hai nước cũng đang thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng khác, như thăm dò và khai thác dầu khí cũng như năng lượng hạt nhân. Ví dụ, Nga đã được Việt Nam chọn làm đối tác cung cấp các khoản vay cũng như công nghệ nhằm giúp Việt Nam xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Ninh Thuận trong thời gian tới.

Đối tác chủ chốt

Một số yếu tố thuận lợi đã góp phần thúc đẩy quan hệ Việt – Nga thời gian qua. Thứ nhất, nền tảng vững chắc và lâu dài của mối quan hệ từ thời Chiến tranh Lạnh đã mang lại một mức độ tin cậy lẫn nhau cao giữa hai nước. Trong khi Việt Nam coi Nga là một cường quốc lớn trong một thế giới đa cực và là một đối tác ngoại giao quan trọng, thì Nga với chiến lược “xoay trục”sang châu Á của riêng mình cũng coi Việt Nam là một đối tác chủ chốt nhằm mở rộng tầm với của mình tại khu vực Đông Nam Á.
Khuôn khổ của quan hệ song phương được thiết lập trong thời kỳ Chiến tranh lạnh cũng giúp tạo thuận lợi cho hợp tác giữa hai nước hiện nay cũng như trong tương lai. Ví dụ, quan hệ hợp tác quân sự truyền thống, đặc biệt là số vũ khí Liên Xô đã viện trợ cho Việt Nam cũng như sự quen thuộc của Việt Nam với công nghệ quân sự của Nga, đã khuyến khích Việt Nam chọn Nga làm nguồn cung cấp vũ khí chính. Tương tự, các liên doanh thăm dò và khai thác dầu khí bắt đầu từ những năm 1970 đã tiếp tục phát triển và gặt hái thành công ngay cả sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

Thứ hai, do một phần lớn các nhà hoạch định chính sách cấp cao ở nhiều bộ ngành khác nhau của Việt Nam hiện nay từng được đào tạo tại Liên Xô những năm 1980, sự gắn kết cá nhân này có xu hướng khiến họ có thiện cảm với Nga cũng như vai trò quốc tế của nước này, qua đó khuyến khích họ coi Nga như một đối tác quan trọng được yêu thích của Việt Nam.

Cuối cùng, không giống các cường quốc khác như Trung Quốc vốn có tranh chấp Biển Đông lâu dài với Việt Nam hay Mỹ vốn thường xuyên chỉ trích Hà Nội về vấn đề nhân quyền, Nga hầu như không có vấn đề gai góc nổi bật nào trong quan hệ với Việt Nam. Ngược lại, bản chất chuyên chế ngày càng tăng của hệ thống chính trị Nga dưới thời Putin-Medvedev có xu hướng tạo thuận lợi cho quan hệ song phương khi sự tương đồng về chính trị ngày càng gia tăng sẽ tạo ra những điểm đồng lớn hơn nữa giữa chính phủ hai nước.

Chính vì vậy, quan hệ Việt – Nga nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Mặc dù hợp tác chính trị và quân sự vẫn sẽ là điểm nhấn chủ yếu của mối quan hệ, chính lĩnh vực kinh tế mới là nơi nhiều khả năng chứng kiến những bước phát triển mạnh nhất trong tương lai. Hiện nay, quan hệ kinh tế song phương không đáng kể vẫn là một sự thất vọng lớn đối với cả hai bên. Ví dụ, năm 2012, thương mại hai chiều mới đạt 2,45 tỉ đôla, trong khi tổng vốn FDI đăng ký của Nga tại Việt Nam đến năm ngoái mới chỉ đạt hơn 1 tỉ đôla.

Hiện chính phủ hai nước đã cam kết nỗ lực đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên mức 7 tỉ đôla năm 2015 và 10 tỉ đôla vào năm 2020. Trong bối cảnh đó, Việt Nam và Liên minh Thuế quan Belarus, Kazakhstan và Nga gần đây đã khởi động đàm phán một Hiệp định Thương mại Tự do (FTA). Nếu thành công, hiệp định này sẽ đóng góp không nhỏ cho việc đạt được các mục tiêu trên cũng như góp phần thúc đẩy các mối quan hệ đầu tư song phương.

Quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” giữa Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục phát triển, mà chuyến thăm của ông Putin tới Hà Nội sắp tới chỉ là một trong nhiều minh chứng. Tuy nhiên, nền tảng kinh tế yếu của mối quan hệ cho thấy quan hệ song phương vẫn còn khập khiễng và chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa chiến lược thực sự của mối quan hệ này đối với cả hai nước.

Lê Hồng Hiệp là giảng viên tại khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TPHCM, và là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học New South Wales, Học viện Quốc phòng Australia, Canberra.




No comments:

Post a Comment

View My Stats