Tuesday, 12 November 2013

VIỆT NAM CÓ GHẾ Ở HỘI ĐỒNG NHÂN QUYỀN LHQ (BBC, RFI)




Thụy My  -  RFI
Thứ ba 12 Tháng Mười Một 2013

Việt Nam hiện đang là ứng cử viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khóa 2014-2016, và cuộc bỏ phiếu diễn ra ngày hôm nay 12/11/2013. Hiện đã có những kháng thư của các nhà hoạt động và tổ chức bảo vệ nhân quyền của nhiều nước gởi đến các đại diện của Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu tại Liên Hiệp Quốc kêu gọi phản đối một số ứng viên trong đó có Việt Nam vì không đáp ứng tiêu chuẩn về bảo vệ nhân quyền.

Nghe (12:23)  :  Nhà bình luận Phạm Chí Dũng – TP.HCM    12/11/2013

RFI Việt ngữ đã đặt câu hỏi với nhà bình luận Phạm Chí Dũng tại Thành phố Hồ Chí Minh về vấn đề này.

RFI : Thân chào nhà bình luận Phạm Chí Dũng. Anh nhận xét thế nào về việc Việt Nam ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhất là đang có những kháng thư phản đối ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Theo tôi là tất nhiên phải có sự phản đối của dư luận quốc tế ở đây. Vì Việt Nam đang đứng gần như chót bảng theo xếp hạng của tổ chức Ân xá Quốc tế về vấn đề nhân quyền và dân chủ, cho nên tất nhiên phải có sự phản kháng, mà thậm chí phản kháng quyết liệt. Người ta không cho là Việt Nam xứng đáng vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Cho nên bây giờ đánh giá việc Việt Nam tham gia ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc là có hợp lý hay không, và có được thông qua hay không, thì đây là một ẩn số. Hiện nay cũng có mấy luồng quan điểm. Luồng quan điểm thông thường cho là Việt Nam không nên và không xứng đáng được vào. Còn một luồng quan điểm khác, dĩ nhiên là từ Nhà nước Việt Nam và một số « dư luận viên » nào đó thì cho là Việt Nam hoàn toàn xứng đáng. Chúng ta có thể đọc trên một số tờ báo Đảng như Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Đại đoàn kết, Saigon Giải phóng mấy ngày gần đây thì có thể thấy « Việt Nam đã tôn trọng nhân quyền và dân chủ quốc tế » như thế nào trong những năm qua.
Điều đó dẫn tới có một tín hiệu là vừa qua, ngày 7/11 diễn ra việc Việt Nam chính thức tham gia vào Công ước quốc tế chống tra tấn. Theo đánh giá của tôi, đây là một sự việc bất ngờ ! Bất ngờ không hẳn đối với dư luận quốc tế, mà đối với chính dư luận trong nước. Vì sao ? Đó là vì gần như trong nước không hề được thông tin về Công ước quốc tế chống tra tấn và việc Việt Nam tham gia ký kết Công ước này. Ký ngày 7/11 nhưng cho tới nay, theo tôi biết, hầu như không có thông tin trên mặt báo Đảng, trên báo chí trong nước.
Điều này cho thấy hoặc là Việt Nam không thừa nhận việc mình làm, hoặc là có thái độ như thế nào đó – tôi cho là xấu hổ - về việc Nhà nước Việt Nam lại đi tham gia ký kết một Công ước có phần nào đó không phù hợp với những điều mà họ đã làm từ trước tới nay. Có phải là như vậy hay không ? Nhưng dù sao đó cũng là một sự bất ngờ, và thực ra nếu xét theo lộ trình quốc tế thì không phải bất ngờ.
Đó là vì vào ngày 27/08/2013 vừa qua, phái đoàn thường trực của Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã chính thức công bố 14 cam kết về nhân quyền của chính phủ Việt Nam trước chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Trong đó có mấy nội dung quan trọng nhất là : thông qua các chính sách và biện pháp để đảm bảo tốt hơn tất cả các quyền căn bản về kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự và chính trị theo thông lệ quốc tế đã công nhận. Và lời cam kết số 13 là hoàn thành thủ tục nhanh chóng tham gia Công ước chống tra tấn.
Lời cam kết này khá thú vị, nội dung của nó cho thấy chính quốc tế đã và đang thúc giục Việt Nam phải nhanh chóng làm thủ tục tham gia vào Công ước chống tra tấn của quốc tế, chứ không phải là Việt Nam chủ động muốn tham gia vào việc này.
Và theo tôi được biết, việc quốc tế thúc giục cũng đã diễn ra từ lâu, nhưng Nhà nước Việt Nam vì nhiều lý do, đã có nhiều sự lần lữa. Thành thử cho tới trước ngày 7/11 đã không góp mặt trong bản Công ước này, mà chỉ chờ có một tác động, một tín hiệu, động thái nào đó từ phía quốc tế thì Việt Nam mới ký kết. Ký chỉ có năm ngày trước khi Việt Nam chính thức lên diễn đàn của Liên Hiệp Quốc để có thể xét việc được thông qua hay không thông qua vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Tôi cho là Việt Nam tham gia ký kết Công ước chống tra tấn là một tín hiệu vừa bất ngờ lại vừa không bất ngờ, là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam có khả năng đang đặt một chân vào vòng chung kết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

RFI : Theo anh thì tại sao Việt Nam phải lần khân như thế, có phải vì gần đây xảy ra hiện tượng người bị bắt « tự chết » trong đồn công an ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Chuyện « tự chết » trong đồn công an đã xảy ra từ năm 2010 tới giờ, một cách tương đối phổ biến và tần suất cao. Đặc biệt là từ những năm 2011 khi tình hình kinh tế suy thoái thì cũng đồng thời xảy ra một số cái chết dồn dập trong đồn công an và nạn bạo hành trong các trại giam, chứ không phải là trước đây không có.
Vấn đề trước đây cũng đã đặt ra nhưng Việt Nam không tham gia ký kết, gần đây mới ký thì theo tôi không phải là việc xảy ra những chuyện dồn dập như trên và do áp lực của dư luận trong nước.
Thực ra trong nước cũng có áp lực - báo chí có nêu ra vấn đề này như là một vấn nạn, nhưng không đủ lớn, mà cái này là chính từ tác động của quốc tế, từ Mỹ và các nước phương Tây. Điều này lại liên quan tới một số vấn đề về ngoại giao, đối ngoại, chính trị và kinh tế mà Nhà nước Việt Nam không thể bỏ qua được. Do vậy mới có chuyện mà, tôi nhắc lại, tháng Tám vừa rồi Việt Nam đã chính thức đưa ra 14 lời cam kết trước Liên Hiệp Quốc.
Nhưng cũng rất đáng lưu ý là 14 lời cam kết này hoàn toàn không được thông tin cho báo chí trong nước. Cho tới giờ người dân trong nước tuyệt đại đa số vẫn không biết Công ước chống tra tấn là cái gì, không biết 14 lời cam kết của Nhà nước Việt Nam trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc là gì. Thậm chí Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết vào năm 1982, cho tới nay tôi đoan chắc cũng rất nhiều người không biết đó là cái gì cả.
Cho nên tôi cho là chủ yếu đây là tác động quốc tế, và tác động này liên quan đến quyền lợi trực tiếp của Nhà nước Việt Nam. Liên quan đến những vấn đề kinh tế - chẳng hạn như là hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương, hay là vai trò của người Mỹ ở khu vực Biển Đông, thì Nhà nước Việt Nam mới có thể tham gia ký kết một cách nhanh chóng như vậy.
Và điều này cũng khá là logic với một số sự kiện khác, nếu chúng ta chịu khó nhìn lại. Đó là cuộc đối thoại nhân quyền Việt-Mỹ vào tháng 4/2013. Sau khi cuộc đối thoại vào tháng 12/2012 đã bị phía Mỹ đột ngột ngưng lại thì đến tháng Tư tái lập trở lại, và sau đó ba tháng đã diễn ra cuộc gặp giữa Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Trong một cuộc gặp với một viên chức chính trị Hoa Kỳ gần đây, tôi cũng được nghe viên chức đó nói với tôi rằng ông Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã cam kết với Tổng thống Barack Obama về một số nội dung nhân quyền mà Việt Nam phải bảo đảm.
Có thể nói là chuyến đi sang Việt Nam vừa rồi của Quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby, tôi cho thực chất là một chuyến đi « đòi nợ ». Tức là những gì mà Nhà nước Việt Nam đã hứa với chính phủ Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền và dân chủ nhưng chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ hoặc khá chậm trễ. Gần như là người Mỹ đang phải hối thúc Nhà nước Việt Nam phải thúc đẩy nhiều hơn nữa tiến độ thực hiện một số vấn đề về nhân quyền, về dân chủ.
Từ giữa năm nay đến giờ nếu coi việc bắt giữ là một biểu hiện rõ rệt nhất để đánh giá vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, thì không thấy bắt giam thêm một trường hợp nào nữa mà chỉ câu lưu trong vòng 24 hoặc 36 tiếng đồng hồ, sau đó thả ra.
Như vậy có thể thấy là Nhà nước Việt Nam đang quan tâm tới vấn đề vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc như thế nào. Khi tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, dĩ nhiên Nhà nước Việt Nam họ có mục đích của họ : để khôi phục vị thế đối ngoại và ngoại giao trên trường quốc tế hoặc là muốn phục hồi lại lòng tin của dân chúng. Mà lòng tin của dân thì vốn đã suy giảm trầm trọng trong những năm qua, đặc biệt kể cả lòng tin của cán bộ và đảng viên đối với Đảng.
Một mục tiêu không kém quan trọng nữa là phải bằng mọi cách phục hồi nền kinh tế, vốn đã bị suy giảm quá trầm trọng và đặt một chân vào hố khủng hoảng như hiện nay.

RFI : Lúc nãy anh có nói Việt Nam có lẽ đã đặt một chân vào vòng chung kết của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, như vậy theo anh có những kịch bản nào cho Việt Nam lần này ?
Nhà bình luận Phạm Chí Dũng : Những kịch bản đó chủ yếu phụ thuộc vào quan điểm của Mỹ và phương Tây, trong việc đánh giá Việt Nam có thể vào được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc hay không.
Tôi muốn nhắc lại sự kiện gần đây nhất là đầu tháng 11 ông Quyền phó trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ Scott Busby đã đến Việt Nam làm việc với một số quan chức Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Có vẻ như là sau cuộc gặp này thì ông Busby đã không hoàn toàn hài lòng, hoặc là không hài lòng. Theo tôi cảm nhận thì mọi chuyện vẫn gần như là không có chuyển biến gì từ sau cuộc gặp của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang với Tổng thống Mỹ Barack Obama, về những cam kết về dân chủ và nhân quyền.
Trong quan điểm của người Mỹ, thì tôi nghĩ là họ không quên Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1982 mà Nhà nước Việt Nam đã ký kết đâu ! Vì sau Công ước đó thì tình hình Việt Nam cũng không có gì chuyển biến, và thực chất chỉ đến năm 1995, tức là 13 năm sau thì quan hệ giữa hai Nhà nước cựu thù mới được tái lập. Nhưng mà cũng phải đến 5 năm sau thì Hiệp định song phương Việt-Mỹ mới được ký kết, và 6 năm sau nữa tức là đến năm 2006, thì cánh cửa Nhà Trắng lần đầu tiên mới mở ra cho một nguyên thủ quốc gia Việt Nam là ông Nguyễn Minh Triết.
Và bài học nữa mà người Mỹ họ không quên và các nước phương Tây cũng vậy, là việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Trước đó Việt Nam đã có sự vận động rốt ráo đối với một số tổ chức quốc tế và các Nhà nước trên thế giới để có thể tham gia vào WTO. Do vậy người Mỹ đã nhấc Việt Nam ra khỏi danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về nhân quyền và tôn giáo (CPC). Nhưng sau khi được ra khỏi danh sách này và trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới, thì Việt Nam bị các nước phương Tây đánh giá là bất nhất về mặt chính trị. Đến mức mà sau đó họ bắt giữ một loạt các nhân vật lãnh đạo các tổ chức đối lập đã hình thành trước năm 2006, chẳng hạn như là khối 8406.
Như vậy lịch sử cũng có thể dẫn tới hiện tại. Có thể sẽ không có gì thay đổi nếu như lần này Việt Nam được thỏa mãn một số điều kiện về chiếc ghế ở trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, và kể cả trở thành một thành viên mới của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Như vậy quan điểm của người Mỹ như thế nào ? Tôi cho là người Mỹ vẫn còn rất dè dặt trong vấn đề Hội đồng Nhân quyền. Cũng cần phải nói thêm là cho tới nay, trong số 14 lời cam kết của Nhà nước Việt Nam trước Chủ tịch Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, thì vẫn có những lời hứa có thể nói hoàn toàn còn mơ màng, và những lời hứa vẫn chưa thực hiện.
Chẳng hạn tôi có thể liệt kê, đó là những cam kết « tiếp tục cải thiện hệ thống luật pháp và tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền, kiện toàn các thiết chế trong nước và bảo vệ nhân quyền, bao gồm việc có thể thành lập một cơ quan nhân quyền quốc gia ». Thực ra trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình Quốc hội trong kỳ họp lần này hoàn toàn không có Nhà nước pháp quyền. Trong kế hoạch - ít nhất là đưa ra công khai trên mặt báo - cũng chưa có thông tin nào về một cơ quan nhân quyền quốc gia.
Thứ hai nữa là lời cam kết tiếp tục thực hiện những khuyến nghị Việt Nam đã chấp nhận trong việc kiểm điểm định kỳ năm 2009, thì cho tới nay cũng chưa thấy thông tin nào cả. Dường như Nhà nước Việt Nam tỏ ra « bẽn lẽn », « xấu hổ » sao đó mà họ không công bố những thông tin này trên báo chí.
Còn một thông tin khác là tăng cường dân chủ cơ sở và sự tham gia của người dân vào việc lập kế hoạch, thực thi chính sách cải thiện sự gắn kết của Việt Nam với các tổ chức chính trị xã hội làm việc trong lãnh vực nhân quyền. Thực chất đây chính là vấn đề xã hội dân sự để Việt Nam tham gia, và các Nhà nước phương Tây đang thúc đẩy.
Một nội dung nữa là tăng cường hợp tác và đối thoại với các cơ chế nhân quyền Liên Hiệp Quốc, đặc biệt với các ủy ban Công ước và văn phòng Cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Các thủ tục đặc biệt bao gồm việc có thể mời thêm chuyên gia đến thăm Việt Nam. « Chuyên gia đến thăm Việt Nam » chúng ta có thể hiểu là thăm về vấn đề nhân quyền và dân chủ - có nghĩa là thăm các trại giam. Vấn đề là như vậy !
Đây có lẽ chính là những vấn đề mà người Mỹ đang rất băn khoăn.
Khả năng vào được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 12/11 theo tôi là nhỉnh hơn khả năng ra một chút. Tức là Việt Nam vẫn có khả năng vào, nhưng vào một cách khó khăn.
Ngoài ra còn có kịch bản khác là đa số các nước trong Liên Hiệp Quốc không đồng ý. Điều đó đã diễn ra trong quá khứ rồi. Có nghĩa là đưa ra chỉ có một trường hợp (ứng viên) thôi nhưng các nước khác không chịu, họ tỏ ra cứng rắn và yêu cầu phải đưa ra một ứng cử viên khác. Thì cũng không loại trừ trong trường hợp này Việt Nam bị loại, và Liên Hiệp Quốc sẽ đề nghị khu vực châu Á-Thái Bình Dương đưa ra một ứng cử viên khác ngoài Việt Nam.
Trong trường hợp đó, Nhà nước Việt Nam muốn vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cần phải có một thời gian, được coi là « thời gian thử thách ».

RFI : Xin chân thành cảm ơn nhà bình luận Phạm Chí Dũng đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.


------------------------------

Cập nhật: 12:07 GMT - thứ ba, 12 tháng 11, 2013

Việt Nam lần đầu tiên có ghế trong Hội đồng Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc sau cuộc bỏ phiếu hôm 12/11.
Việt Nam nhận được 184 trên 192 phiếu bầu.

Phát biểu sau khi có kết quả, Ngoại trưởng Phạm Bình Minh nói Việt Nam sẽ "thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên Liên Hiệp Quốc".

Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Cuba cũng được bỏ phiếu bất chấp chỉ trích của các nhóm nhân quyền.
Đại hội đồng Liên hiệp quốc trong hôm thứ Ba đã bầu 14 thành viên mới vào cơ quan gồm 47 đại diện đặt tại Geneva, là cơ quan theo dõi về tình trạng nhân quyền bằng cách ra các nghị quyết, nếu cần.
Hội đồng Nhân quyền cũng có các giám sát viên đặc biệt chuyên theo dõi tình hình và các vấn đề lớn tại các nước, từ việc thi hành án tử hình tới việc tiến hành các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch, có trụ sở chính tại New York, chỉ ra rằng năm ứng viên, gồm Trung Quốc, Nga, Ả rập Saudi, Việt Nam và Algeria, đã khước từ việc để các giám sát viên nhân quyền Liên Hiệp Quốc tới thăm và điều tra về các vụ bị cho là có tình trạng lạm dụng.

Đây là lần đầu tiên Hà Nội có chân trong Hội đồng Nhân quyền kể từ khi cơ quan này được thành lập năm 2006.

Đại diện theo khu vực

Các vị trí trong Hội đồng được phân bổ theo khu vực, và các nước trong những khu vực đó chọn lựa ứng viên vào vị trí đại diện cho vùng. Có khi việc bầu chọn có tính cạnh tranh cao, có khi không.
Toàn bộ 193 thành viên Đại hội đồng sẽ bỏ phiếu trong hôm thứ Ba.

Khối châu Á có các ứng viên không bị phản đối cho bốn ghế, là Trung Quốc, Maldives, Ả rập Saudi, và Việt Nam.
Ả rập Saudi có lúc được cho là sẽ gặp khó khăn trong quá trình bỏ phiếu tại Đại hội đồng sau khi đã được bỏ phiếu thuận, nhưng một ngày sau lại khước từ vị trí trong Hội đồng Bảo an cho nhiệm kỳ 2014-2015, một diễn biến chưa từng xảy ra trước đây.

Cho tới cuối tuần trước, Jordan vẫn là một ứng viên đại diện cho khối Á châu, nhưng sau bị rớt khỏi cuộc đua vào Hội đồng Nhân quyền, mở đường cho Ả rập Saudi vào vị thế không bị phản đối.
Jordan nay đang muốn hướng tới việc thế chỗ Ả rập Saudi tại Hội đồng Bảo an.

"Việc Jordan rời khỏi nhóm ứng viên Á châu là một cú đánh lớn, bởi việc thiếu cạnh tranh cũng có nghĩa là các nước như Ả rập Saudi có thể được bầu chọn vào hội đồng mà không bị sờ tới hồ sơ nhân quyền," bà Peggy Hicks từ Human Rights Watch nói.
"Các nước như Trung Quốc và Việt Nam cần phải bị đặt câu hỏi về tình trạng vi phạm nhân quyền, bắt giữ các nhà hoạt động, và cần bị áp lực phải đưa ra cam kết có tiến trình cải thiện rõ ràng nếu khi muốn được bầu chọn vào hội đồng."

"Không có cạnh tranh thì các mục tiêu cao quý của nghị quyết thành lập Hội đồng Nhân quyền, theo đó nói các thành viên sẽ duy trì 'những tiêu chuẩn cao nhất' về nhân quyền sẽ trở thành những lời hùng biện không khả thi," bà nói.

Bên cạnh các ứng viên đại diện cho châu Á là các ứng viên đại diện các khu vực khác, gồm:
  • Nhóm châu Phi có năm ứng viên cho bốn ghế: Algeria, Morocco, Namibia, Nam Phi, và Nam Sudan.
  • Nhóm Đông Âu, gồm Nga và Macedonia, không vấp phải phản đối nào cho hai ghế.
  • Nhóm Tây Âu và các nhóm khác, gồm Pháp và Nga, không vấp phải phản đối nào cho hai ghế.
Hiện Hoa Kỳ đang là thành viên của hội đồng này, với nhiệm kỳ sẽ kết thúc vào năm 2015.




No comments:

Post a Comment

View My Stats