Tuesday, 12 November 2013

VIỆT NAM HỌC GÌ TỪ MIẾN ĐIỆN : BÀI 1, BÀI 2, BÀI 3 (Chu Công Phùng / Hoàng Hường - Vietnamnet)




Việt Nam học gì từ Myanmar:
Tác giả: Hoàng Hường (Thực hiện)
Bài đã được xuất bản.: 06/11/2013 06:00 GMT+7

'Myanmar vừa công khai hóa 'sự kiện 8888' là nằm trong tiến trình thực hiện dân chủ hóa của họ, không có cơ sở cho rằng đó là "động thái dưới sức ép phương Tây'.  

LTS: Trong khi các diễn đàn quốc tế đang nóng cùng những biến động bất ổn tại Bắc Phi, vấn đề Sirya, Ai Cập... thì một quốc gia Châu Á khác cũng đang được nhắc đến từng ngày từng giờ theo chiều hướng ngược lại: một ví dụ cho sự thay đổi thể chế chính trị - xã hội diễn ra khá êm thấm, được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế;  không chỉ trở thành điểm đến nóng nhất Châu Á hiện nay của các nhà đầu tư kinh tế, các học giả, quan sát viên... quốc tế; mà còn là đối tượng 'giằng co' ảnh hưởng của các nước lớn.
Điều gì đang thực sự xảy ra ở Myanmar, đất nước của ngôi Chùa Vàng nổi tiếng. Tuần Việt Nam giới thiệu góc nhìn của ông Chu Công Phùng, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar giai đoạn 2009-2012.

Ông Chu Công Phùng. Ảnh: Hoàng Hường

Bài 1: Sự kiện 8888 và 'vết nhọ' quốc gia

Myanmar công khai nói về sự kiện 8888, điều này có thể hiện tinh thần mạnh mẽ, thẳng thắn và tự do ngôn luận; chân thành mong muốn thay đổi đất nước của người Myanmar hay đây là động thái dưới sức ép của phương Tây, theo ông?
- Trước tiên cần giới thiệu cho các bạn đọc biết rõ về "sự kiện 8888" (viết tắt ngày 8 tháng 8 năm 1988). Đó là ngày Chính phủ quân sự của Thủ tướng Ne Win huy động quân đội nổ súng đàn áp các cuộc biểu tình của sinh viên, dân chúng Thủ đô Yangon và các thành phố lớn khác ở Myanmar phản đối chính phủ Myanmar tham nhũng, bóp nghẹt dân chủ, bất lực trong quản lý, phát triển kinh tế khiến Liên Hợp Quốc phải xếp Myanmar thuộc nhóm nước kém phát triển nhất thế giới và cho hưởng quy chế "tha nợ".
Cuộc trấn áp đẫm máu này khiến hàng ngàn sinh viên và người dân vô tội thiệt mạng, cũng là "giọt nước tràn ly" dẫn đến sự ra đời "Liên minh quốc gia đấu tranh vì dân chủ - NLD" (27/8/1988) do bà Aung San Suu Kyi (con gái cựu Thủ tướng Aung San) đứng đầu. Tiếp theo đó là cuộc đảo chính quân sự ngày 18/9/1988 của Đại tướng Bộ trưởng Quốc phòng Saw Maung lật đổ chính phủ của Thủ tướng Ne Win.
"Sự kiện 8888" thực sự là một "vết nhọ" đối với đất nước Myanmar và cũng là nguyên nhân quan trọng khiến Liên hợp quốc, Mỹ, phương Tây thực hiện chính sách bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanamr suốt hơn 20 năm qua.
Các bạn đọc Việt Nam đều đã biết, chính phủ dân sự Myanmar do Tổng thống Thein Sein đứng đầu ngay từ khi thành lập (30/3/2011) đã tiến hành đồng bộ nhiều chính sách đổi mới về đối nội và đối ngoại, trong đó thực hiện dân chủ hóa là một nội dung quan trọng được tất cả dân chúng trong và ngoài nước, các đảng phái đối lập hoan nghênh ủng hộ. Các điều luật cho phép xuất bản báo chí tư nhân, Luật biểu tình tự do trong hòa bình, thả tù chính trị, cho phép người Myanmar bất đồng chính kiến lưu vong trở về xây dựng đất nước... lần lượt được thực hiện.
Vì vậy, việc chính phủ Myanmar vừa công khai hóa "sự kiện 8888" là nằm trong tiến trình thực hiện dân chủ hóa của họ, không có cơ sở cho rằng đó là "động thái dưới sức ép Phương Tây" như suy nghĩ của một số học giả nước ngoài.

Với sự hậu thuẫn của Mỹ và EU cho đảng NLD bà Aung San Suu Kyi và tiến trình dân chủ, Myanmar có tránh khỏi sự ảnh hưởng của 'cái bóng lớn' Trung Quốc giống như những nước ASEAN khác để phát triển độc lập?
- Quốc hội và Chính phủ mới Myanmar hiểu rất rõ, kể từ năm 1988 đến trước cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2010, đất nước Myanmar đã nếm trải đủ mọi khó khăn gian khổ: bên ngoài bị trừng phạt kinh tế, bao vây cấm vận; chính trị xã hội trong nước không ổn định, đảng NLD của Aung San Suu Kyi và các đảng phái đối lập chống đối chính phủ, các nhóm ly khai có vũ trang không ngừng chống lại chính phủ trung ương.
Vì vậy, chính phủ mới ở Myanmar đã thực hiện hòa giải dân tộc bằng nhiều biện pháp, trong đó có viện công nhận quyền hợp pháp của đảng NLD, mời NLD tham gia bầu cử và ứng cử trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung ngày 1/4/2012 và bầu bà Aung San Suu Kyi làm Chủ tịch Ủy ban Pháp chế của Quốc hội. Những động thái trên diễn ra trong không khí dân chủ và độc lập tự chủ được các nhà quan sát quốc tế ghi nhận.
Một động thái đáng chú ý về chính sách độc lập tự chủ của Myanmar là, ngày 30/9/2011, trước yêu cầu của đông đảo dân chúng và nghị sĩ Quốc hội về vấn đề bảo vệ môi trường, Tổng thống Thein Sein đã trình Quốc hội thông qua và tuyên bố ngừng xây dựng Dự án thủy điện khổng lồ Myitnone trên sông Irrawaddy - Bang Kachin trị giá 3,6 tỉ USD do Trung Quốc là chủ đầu tư, bất chấp sức ép của các nhà đầu tư Trung Quốc.
Hành động này được tuyệt đại đa số dân chúng, các đảng phái đối lập, các lực lượng vũ trang ly khai hoan nghênh ủng hộ. Lẽ đương nhiên, Mỹ và các nước Phương Tây nhất là các Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới đều hoan nghênh, khích lệ và "ghi điểm" cho Myanmar.
Từ hàng loạt động thái kể trên trong chính sách đối nội, đối ngoại của Myanmar, khó có cơ sở để nói rằng đang tồn tại "cái bóng lớn Trung Quốc" trong chính sách phát triển của Myanmar hiện tại và tương lai.

Nếu Myanmar 'thật sự muốn thay đổi', họ có chấp nhận thay đổi những điều khoản trong Hiến pháp mở đường cho bà Aung San Suu Kyi ứng cử Tổng thống để có được ủng hộ từ phương Tây hơn không?
- Trước hết cần nói về bản Hiến pháp năm 2008 của Myanmar. Theo thông tin của Chính phủ Myanmar ngày 26/5/2008, bản Hiến pháp này đã được trưng cầu dân ý với  27.288.100 cử tri bỏ phiếu thông qua, đạt 92,48% tổng số cử tri toàn Liên bang. (Đảng NLD của bà Aung San Suu Ky đã tẩy chay không tham gia bỏ phiếu thông qua Hiến pháp này). Trong Hiến pháp 2008 có 2 nội dung khiến NLD phản đối là: (1) Điều khoản quy định công dân Myanmar kết hôn với người nước ngoài sẽ mất quyền ứng cử Quốc hội. (2) Điều quản quy định quân đội được chiếm 25% tổng số ghế đại biểu Quốc hội.
Ai cũng biết rằng, điểm thứ nhất là nhằm vào bà Aung San Suu Ky vì chồng bà là người Anh. Điểm thứ hai là nhằm duy trì quyền lực của quân đội trong Quốc hội.
Tuy nhiên, kể từ tháng 4/2012 sau khi NLD tham gia Quốc hội và hợp tác với chính phủ mới, tình hình đã khác hẳn. Điểm thứ nhất đã hết tác dụng sau khi bà Aung San Suu Kyi ứng cử và trúng cử Quốc hội với số phiếu cao. Hiện chỉ còn tồn tại điểm thứ hai đang gây tranh cãi trong nội bộ Myanmar.
Đối với việc bà Aung San Suu Kyi có ứng cử Tổng thống trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2015 không, Tổng thống Thein Sein đã công khai trả lời dư luận: "điều này hoàn toàn do nhân dân quyết định".
Đương nhiên, việc sửa đổi Hiến pháp của một quốc gia không phải là việc dễ dàng, phải được đa số nghị sĩ quốc hội tán thành hoặc qua trưng cầu dân ý cả nước. Trên  cơ sở hòa hợp dân tộc như hiện nay, tôi tin rằng Chính phủ và Quốc hội Myanmar, các nghị sĩ quốc hội và cử tri Myanmar sẽ có mẫu số chung để tìm ra giải pháp tốt nhất đưa Myanmar tiếp tục ổn định, phát triển trước khi có sự can thiệp từ bên ngoài.

Nữ sinh viên người Yangon, Ma Win Maw Oo, bị bắn trọng thương ngày 19/8/1988, đang được các bác sĩ chạy đua để cứu. Hình ảnh này trở thành biểu tượng đau thương của sự kiện 8888

Di sản người Anh và thế mạnh người Miến

Người Anh đóng vai trò như thế nào trong việc thay đổi ở Myanmar, từ thời Thủ tướng Aung San đến sau này là sự hậu thuẫn cho con gái ông: Aung San Suu Kyi?
- Người Anh có nhiều ân oán nhất với Myanmar. Thực dân Anh đã xâm lược và thống trị Myanmar hơn một thế kỷ (1824-1947). Năm 1945, quân đội Anh cùng quân Đồng minh tham gia giải phóng Myanmar khỏi ách thống trị của Phát xít Nhật.
Trong thời gian dài đô hộ Myanmar, "mẫu quốc" Anh đã đào tạo cho Myanmar nhiều thế hệ nhân tài quản lý đất nước, có mối quan hệ hợp tác khá tốt đẹp với Thủ tướng Aung San (cha bà Aung San Suu Kyi) và nhiều lãnh đạo Myanmar; đồng thời "mẫu quốc" Anh cũng để lại nhiều hậu quả phức tạp về mâu thuẫn sắc tộc tại Myanmar sau khi họ trả lại độc lập cho Myanmar năm 1947.
Suốt thời gian dài Myanmar bị bao vây cấm vận, Anh là một trong những nước phương Tây đi đầu trong việc phản đối, trừng phạt Myanmar và ủng hộ đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi. Vì vậy, trong thời kỳ này, quan hệ giữa Anh với Myanmar khá lạnh nhạt. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân Anh vẫn duy trì các dự án đầu tư truyền thống tại Myanmar.
Từ khi Myanmar thực hiện chính sách hòa giải dân tộc, dân chủ hóa và cải cách kinh tế đến nay, Anh cũng là nước tích cực ủng hộ chính trị và viện trợ kinh tế cho Myanmar, khôi phục các mối quan hệ các mối quan hệ bị đóng băng trước đó. Năm 2012, Anh xếp thứ 5 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đầu tư trực tiếp vào Myanmar với 51 dự án trị giá 2,7 tỉ USD, chiếm 7,4% tổng số vốn đầu tư nước ngoài tại Myanmar.
Myanmar tiếp thu nhiều ảnh hưởng văn hóa, khoa học kỹ thuật của Anh. Các Luật lệ kinh tế do Anh ban hành ở Myanmar trước đây hiện vẫn được Myanmar sử dụng rộng rãi.

Nguồn nhân lực không có rào cản ngôn ngữ' có phải là một thế mạnh được còn lại từ thời thuộc địa Anh, dù cách đây đã hơn nửa thế kỷ? Hợp tác với bà Aung, người có gia đình ở Anh, đón nhận các nhà đầu tư phương Tây, có phải cách Myanmar chọn 'đi theo' sự phát triển kiểu dân chủ phương Tây?
- Vốn là thuộc địa của Anh và kế thừa nền giáo dục tiên tiến của Anh vì vậy tiếng Anh là ngoại ngữ chính và được sử dụng phổ biến ở Myanmar. Nói cách khác, Myanmar hơn hẳn nhiều nước Đông Nam Á khác về phổ cập tiếng Anh. Lãnh đạo các cấp, tầng lớp trí thức, doanh nhân Myanmar đều sử dụng thành thạo tiếng Anh. Sinh viên tốt nghiệp Đại học, Cao đẳng ở Myanmar đều có thể độc lập sử dụng tiếng Anh trong công việc. Người nước ngoài đến Myanmar giao tiếp hầu như không gặp phải cản trở về "hàng rào ngôn ngữ".
Đây chính là một thế mạnh của Myanmar thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang không ngừng kéo đến Myanmar. Dù là liên doanh hay đầu tư 100% vốn nước ngoài, họ đều gặp thuận lợi về giao tiếp ngôn ngữ tiếng Anh với chính quyền và người lao động.
Không có cơ sở nào để cho rằng, chính phủ Myanmar "hợp tác với bà Aung San Suu Ky, người có gia đình ở Anh, đón nhận các nhà đầu tư phương Tây, là cách Myanmar chọn 'đi theo' sự phát triển kiểu dân chủ phương Tây".

(Còn nữa)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam

----------


Việt Nam học gì từ Myanmar:
Bài đã được xuất bản.: 07/11/2013 06:00 GMT+7

‘Lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường đều đã thấu hiểu giá trị của dân chủ tự do mà họ đã thụ hưởng cũng như cái giá đắt phải trả của dân chủ quá đà’



Ông Chu Công Phùng, cựu đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Myanmar giai đoạn 2009-2012 tiếp tục trao đổi với Tuần Việt Nam bài học Myanmar.

Theo ông đâu là lý do chính khiến Myanmar có sự thay đổi ngoạn mục về chính trị - xã hội, tổ chức bầu cử thành công, chuyển đổi từ chính quyền quân sự sang dân sự...  một cách êm thấm. Trong khi những đất nước Châu Âu, Trung Đông, Bắc Phi như Ai Cập đang mắc kẹt trong những cuộc chuyển đổi đẫm máu. Đâu là sự khác biệt lớn nhất?
- Rất nhiều người đã nêu câu hỏi này và đều tự tìm câu trả lời hợp lý nhất có thể. Theo tôi, lý do khiến Myanmar có sự thay đổi ngoạn mục trong hơn 2 năm qua chủ yếu là nguyên nhân bên trong, là do yếu tố con người Myanmar quyết định.
Lần theo lịch sử, chúng ta đều biết sau khi giành được độc lập năm 1947, Myanmar đã trải qua hai thời kỳ phát triển với chế độ chính trị trái ngược nhau: chế độ dân chủ nghị viện (1948-1962) và chế độ quân sự độc tài (từ 1962 trở đi).
Nói cụ thể hơn, mọi công dân Myanmar từ lãnh đạo cấp cao đến người dân bình thường đều đã thấu hiểu giá trị của dân chủ tự do mà họ đã thụ hưởng cũng như cái giá đắt phải trả của dân chủ quá đà và nỗi đau xót khi bị mất tự do dân chủ. Họ khát khao được tái thụ hưởng nền dân chủ tự do của thập kỷ 50 thế kỷ XX; đồng thời rất khao khát xã hội được hòa bình ổn định, không rối loạn, không đổ máu bắn giết lẫn nhau như mấy chục năm gần đây.
Về kinh tế, văn hóa, mọi công dân Myanmar đều lưu luyến niềm tự hào trong quá khứ: Myanmar từng là điểm sáng nhất Đông Nam Á về phát triển kinh tế, từng là cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới, từng có nền giáo dục trong tốp 20 của thế giới, từng có công dân (U Thans) làm Tổng Thư ký Liên hợp quốc (1961-1971), từng 2 lần vô địch bóng đá Châu Á, 5 lần vô địch bóng đá Đông Nam Á...
Vì vậy, mọi người dân Myamar đều theo dõi sát sao "Lộ trình Dân chủ 7 bước" do Thống tướng Than Shwe chỉ đạo thực hiện từ năm 2003. Tháng 11/2010, khi "lộ trình" này chuyển sang bước thứ 6: bầu cử quốc hội, lập chính phủ mới, đã đáp ứng được nguyện vọng của đại đa số công dân Myanmar kể cả những người bất đồng chính kiến.
Kể từ đó, Myanmar liên tiếp có những thay đổi ngoạn mục và không xảy ra rối loạn như một số nước Đông Âu, Trung Đông, Bắc Phi...như mọi người đã biết.
Đương nhiên, những yếu tố tác động từ bên ngoài cũng rất quan trọng, nhưng không phải là yếu tố quyết định.

'Liều thuốc thử' của Mỹ và EU

Lộ trình 7 bước dân chủ của Myanmar đã được thực hiện đến giai đoạn nào, thành công so với mục tiêu đề ra và sự ảnh hưởng của nó?
- Đầu năm 2003, Thống tướng Than Shwe tiến hành cải tổ Nội các, bổ nhiệm Đại tướng Khin Nyunt - Bí thư thứ nhất Hội đồng Hòa bình và phát triển quốc gia (SPDC) làm Thủ tướng. Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Khin Nyunt thay mặt chính phủ Myanmar công bố "Lộ trình dân chủ 7 b­ước" hướng tới xây dựng một nhà n­ước Myanmar mới "Dân chủ có kỷ cương" bao gồm:
B­ước 1,  Phục hồi triệu tập Đại hội quốc dân vốn bị đình trệ từ năm 1996.
Bư­ớc 2, Từng b­ước tiến hành những bước đi cần thiết cho việc xây dựng một chế độ dân chủ thực thụ và có kỷ cương.
B­ước 3, Soạn thảo một Hiến pháp mới dựa trên những nguyên tắc căn bản và chi tiết mà Đại hội quốc dân thông qua.
B­ước 4, Tổ chức cuộc trư­ng cầu dân ý để thông qua Hiến pháp mới.
B­ước 5, Tổ chức cuộc tổng tuyển cử tự do, dân chủ, công bằng để bầu ra Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.
B­ước 6, Triệu tập họp Quốc hội theo quy định của Hiến pháp mới.
Bư­ớc 7, Xây dựng đất nư­ớc phát triển, hiện đại và dân chủ; lãnh đạo đất nư­ớc do Quốc hội bầu; chính phủ và các tổ chức trung ­ương do Quốc hội thành lập.
 Theo lộ trình trên, hiện nay "Lộ trình dân chủ 7 bước" đã chuyển sang bước cuối cùng.
Những ai theo dõi quá trình phát triển của Myanmar đều thấy rõ lộ trình này được thực hiện thành công, đúng bài bản, đúng tiến độ và phát huy ảnh hưởng rất tích cực trong nội bộ Myanmar.
Dư luận dân chúng Myanmar cho rằng, đây chính là công lao của Thống tướng Than Shwe để lại trong lịch sử Myanmar trước khi ông nghỉ hưu năm 2011.

Những động thái Mỹ và EU tới Myanmar, dỡ bỏ cấm vận, sự ủng hộ đối với quốc gia này sau khi 'liều thuốc thử' về thái độ nhất quán của Myanmar đã được đáp ứng. Sau đây Mỹ và EU sẽ còn đòi hỏi gì thêm ở Myanmar? Sự ủng hộ này sẽ có ảnh hưởng thế nào đến các nước láng giềng và khu vực, đặc biệt Trung Quốc?
- Như đã trình bày ở câu 11, Mỹ và EU tuy đang từng bước tháo dỡ các đạo luật trừng phạt kinh tế đối với Myanmar, nhưng họ vẫn đang theo dõi chặt chẽ các bước cải cách kinh tế và hòa hợp dân tộc của chính phủ Myanmar. Cuộc bầu cử Quốc hội 2015 sẽ là "liều thuốc thử" quan trọng để họ quyết định bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Myanmar, chấp nhận Myanmar hội nhập với thế giới hay không? Ứng xử của Myanmar sẽ "giải đáp" những mong muốn của Mỹ và EU.
Các nước láng giềng của Myanmar trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ đều hoan nghênh các động thái tích cực từ Mỹ, EU đối với Myanmar mấy năm qua. Tuy nhiên, xuất phát từ quan hệ song phương với Myanmar và lợi ích của các nước láng giềng tại Myanmar, mỗi nước đã và đang có những phản ứng riêng của họ đối với mối quan hệ đang ấm lên giữa Myanmar với Mỹ và EU.

Tỷ lệ ủng hộ của người dân thể hiện qua cuộc bầu cử 1/4/2012 với đảng NLD và bà Aung San Suu Kyi sẽ có tác động thế nào tới chính sách của Mỹ và phương Tây đối với Myanmar?
- Ngày 1/4/2012 Myanmar tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung để bầu thêm 45 nghị sĩ còn thiếu. Cuộc bầu cử bổ sung này được giám sát chặt chẽ của Đoàn Ngoại giao tại Yangon và nhiều phóng viên nước ngoài, thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận trong và ngoài nước Mynamar. Đảng NLD của bà Aung San Suu Kyi đã tham gia ứng cử và giành thắng lợi vang dội với 43 người trúng cử trên tổng số 45 ghế cần bổ sung.
Ngay sau khi NLD giành thắng lợi này, Mỹ đã hoan nghênh đây là "bước tiến quan trọng trong tiến trình chuyển đổi dân chủ, thể hiện quyết tâm của Myanmar hướng tới sự cởi mở, minh bạch và cải cách lớn hơn". Các nước EU cũng lần lượt tuyên bố hoan nghênh kết quả cuộc bầu cử và chúc mừng đảng NLD. Cũng sau cuộc bầu cử này, các quan chức Mỹ đã chuyển sang sử dụng tên nước "Myanmar" thay cho "Bumar" trước đây vẫn sử dụng với ngụ ý "Bumar" là chính phủ quân sự độc tài.
Sự kiện đảng NLD có mặt trong Quốc hội Myanmar kể từ ngày 1/4/2012 và bà Aung San Suu Kyi được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Pháp chế Quốc hội hiển nhiên là phù hợp với mong muốn của Liên Hợp Quốc, Mỹ và các nước phương Tây, chắc chắn sẽ là cơ sở quan trọng để họ điều chỉnh chính sách theo hướng tích cực hơn đối với Myanmar.

Với vị trí 'cửa ngõ' ra vùng Nam Á và Ấn Độ Dương, Myanmar có rơi vào thế bị giằng co giữa Trung Quốc, Ấn Độ và phương Tây?
- Với vị thế địa chiến lược quan trọng là cửa ngõ giữa Đông Nam Á với Nam Á, Trung Đông, Châu Âu...,lại án giữ Ấn Độ Dương, mấy chục năm qua Myanmar là đối tượng tranh giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ với ưu thế nghiêng về Trung Quốc.
Hơn 2 năm qua, cùng với sự điều chỉnh chính sách đối ngoại của Myanmar theo hướng hội nhập quốc tế, giảm phụ thuộc vào Trung Quốc và sự can dự ngày càng tăng của Mỹ, Phương Tây đối với Myanmar, các nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế đều đang theo dõi sát sao về việc Myanmar thực thi chính sách đối ngoại như thế nào để có thể giữ được vị thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn.

Myanmar thời 'hậu cấm vận' sẽ nhanh chóng vượt qua các quốc gia láng giềng về kinh tế, chính trị và vị thế quốc tế, có cơ sở không, thưa ông?
- Tôi không cho rằng Myanmar thời kỳ "hậu cấm vận" sẽ nhanh chóng vượt qua các nước láng giềng Đông Nam Á về kinh tế, chính trị và vị thế quốc tế, bởi 3 lẽ:
- Xuất phát điểm phát triển của các nước Đông Nam Á khác đều sớm hơn Myanmar vài chục năm (Việt Nam, Lào cũng đi trước Myanmar hơn 20 năm).
- Tuy Myanmar có nhiều thuận lợi hơn các nước Đông Nam Á khác về tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực biết tiếng Anh..., nhưng để phát huy có hiệu quả thế mạnh đó đòi hỏi phải phát triển đồng bộ cơ chế quản lý kinh tế, cơ sở hạ tầng và hệ thống dịch vụ... những lĩnh vực này Myanmar tụt hậu khá xa so với các nước trong khu vực.
- Mỹ, EU tuy đang từng bước tháo dỡ các đạo luật trừng phạt kinh tế đối với Myanmar, nhưng họ vẫn đang theo dõi chặt chẽ các bước cải cách kinh tế và hòa hợp dân tộc của chính phủ Myanmar. Cuộc bầu cử Quốc hội 2015 sẽ là "liều thuốc thử" quan trọng để họ bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Myanmar hay không?

(Còn nữa)

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam


Việt Nam học gì từ Myanmar:
Tác giả: Hoàng Hường (Thực hiện)
Bài đã được xuất bản.: 11/11/2013 06:00 GMT+7

'Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư trực tiếp vào Myanmar, chiếm khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư nước ngoài' 


Sau những nhận định về sự vận động về chính trị, xã hội của Myanmar, trước thời điểm quốc gia này đảm nhận vị trí Chủ tịch luân phiên ASEAN 2014. Cựu đại sứ Việt Nam tại Myanmar Chu Công Phùng tiếp tục chia sẻ những đổi thay, tiềm năng và các cơ hội hợp tác kinh tế của Myanmar và Việt Nam, cũng như với cộng đồng quốc tế.

Ngoài những sự thay đổi về chính trị - xã hội, theo ông đâu là lý do chính khiến Myanmar thu hút các dòng đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng như vậy trong thời gian gần đây?
- Myanmar hiện đang là “điểm nóng” thu hút các dòng đầu tư mạnh mẽ và nhanh chóng từ bên ngoài, chủ yếu là do các lý do sau:
- Vị trí địa chiến lược của Myanmar nằm giữa 2 cường quốc Trung Quốc và Ấn Độ, án ngữ Ấn Độ Dương và là cầu nối giữa Đông Nam Á với Tây Á, Trung Đông, Châu Âu… khiến nhiều nước lớn rất coi trọng gia tăng sự có mặt của họ tại quốc gia này, trước hết là về kinh tế.
- Myanmar là một thị trường lớn ở Đông Nam Á với diện tích gấp hơn 2 lần Việt Nam và dân số 60 triệu người. Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến tại Myanamr khiến các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không gặp phải “hàng rào ngôn ngữ” khi thực hiện các dự án đầu tư, thương mại tại Myanmar.
- Myanmar có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú thuộc bậc nhất khu vực Đông Nam Á từ đất đai, dầu khí, khoáng sản, lâm sản, nông sản phẩm, thủy hải sản, nguồn nhân lực… Các nguồn tài nguyên đó đều có trữ lượng rất lớn và hầu như mới chỉ bắt đầu khai thác.
- Chính sách mở cửa của chính phủ Myanmar tuy muộn nhưng rất hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Luật Đầu tư nước ngoài mới năm 2012 của Myanmar được đánh giá là một bộ Luật cởi mở trong khu vực.
Chính vì vậy, nhiều người đã gọi Myanmar là “mảnh đất mầu mỡ cuối cùng của Châu Á”

Có những ý kiến lo ngại mũi nhọn kinh tế của Việt Nam như may mặc, xuất khẩu gạo… có khả năng bị Myanmar vượt qua. Lo lắng này có cơ sở không? Ông có thể đưa ra những so sánh giữa môi trường đầu tư (kinh tế, chính trị, chính sách, xã hội, hạ tầng…) giữa Myanmar và Việt Nam?
- Việt Nam và Myanmar đều là nước nông nghiệp và đều là quốc gia đang phát triển, lẽ đương nhiên cơ cấu sản phẩm xuất nhập khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài cơ bản giống nhau.
Từ cuối thế kỷ 19, Myanmar từng là vựa lúa của Châu Á, từng đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo (năm 1959-1960 xuất khẩu 3 triệu tấn gạo). Mấy năm gần đây Myanmar xuất khẩu gạo với số lượng tăng dần (năm 2012 đạt khoảng 1 triệu tấn). Tiềm năng sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản của Myanmar lớn hơn Việt Nam, họ có hơn 20 triệu hecta đất nông nghiệp (gấp 5 lần Việt Nam), hơn 3000 km bờ biển nhiệt đới, hơn 8 triệu hecta mặt nước sông hồ…
Việc Myanmar khôi phục vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu lương thực là có thể. Đồng thời, hơn 2 năm qua, đầu tư nước ngoài vào Myanmar tăng liên tục, các ngành sản xuất gia công, chế biến cũng phát triển theo. Hơn nữa, Mỹ và EU đều dành ưu đãi thuế quan cho các sản phẩm xuất khẩu của Myanmar như hàng dệt may, giầy dép..
Với những ưu thế kể trên, trong tương lai không xa Myanmar không chỉ là đối thủ cạnh tranh với Việt Nam mà còn là đối thủ cạnh tranh với nhiều nước Châu Á về xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm công nghiệp tiêu dùng.
Tuy nhiên, để đạt được trình độ phát triển đó, Myanmar còn không ít việc phải làm về xây dựng cơ sở hạ tầng, đường xá, phát triển ngành điện lực, củng cố nâng cấp hệ thống ngân hàng, tài chính, hoàn thiện cơ chế quản lý đầu tư sản xuất và các luật lệ kinh tế liên quan.
Về mặt này Myanmar còn thua kém nhiều các nước trong khu vực.

Giữa Việt Nam – Myanmar có những lợi thế hay tương đồng đáng kể nào trong giao thương và đầu tư?
- Các bạn Myanmar đều có nhận xét chung giống chúng ta, giữa hai nước có nhiều điểm tương đồng về chính trị, văn hóa. Đó là:
a/ Hai nước đều bị đế quốc thực dân phương Tây đô hộ hơn một thế kỷ, đều đấu tranh gian khổ giành độc lập dân tộc bằng chính sức mạnh của dân tộc mình.
b/ Hai nước đều trải qua nhiều năm bị bao vây cấm vận từ bên ngoài nhưng vẫn giữ vững được độc lập tự chủ. Việt Nam đã vượt qua khó khăn này, Myanmar đang từng bước vượt qua.
c/ Hai nước đều có nền văn hóa lúa nước phong phú trong đó đạo Phật là tôn giáo chính. Nhân dân hai nước đều rất quý trọng độc lập tự do, cần cù lao động và đều có phong tục ăn "trầu cau" mang đậm bản sắc dân tộc.
d/ Hai nước không tồn tại bất kỳ xung đột nào về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, an ninh quốc phòng và an ninh kinh tế.
Về kinh tế, như đã nêu ở trên vì đều là nước nông nghiệp nên Việt Nam và Myanmar có thể bổ sung cho nhau các sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu từ nông nghiệp và kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp.
Hai năm qua, một số công ty Việt Nam đang giúp Myanmar trồng các loại lúa cao sản và xuất khẩu máy móc nông nghiệp, phân bón tới Myanmar. Nền công nghiệp Việt Nam phát triển hơn Myanmar, công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng của Việt Nam phù hợp với thị trường Myanmar, vì vậy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang đầu tư kinh doanh sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng tại Myanmar.
Về địa lý, Myanmar cách Việt Nam không xa lắm. Giao thương hàng hóa giữa hai nước khá thuận lợi về đường biển, đường không và trong tương lai gần là đường bộ sau khi Hành lang Đông Tây từ Việt Nam sang Lào và Myanmar xây dựng xong.

Hiện đã có bao nhiêu doanh nghiệp/dự án của Việt Nam được chính thức cấp phép vào Myanmar? Việt Nam giữ vị trí thứ mấy trong danh sách các nhà đầu tư, hàng hoá Việt chiếm bao nhiêu % thị trường, thưa ông?
Theo thống kê của Bộ Công thương Việt Nam, Bộ Thương mại Myanmar và Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, năm 2012 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với Myanmar đạt 227 triệu USD, tăng 35,9% so với năm 2011 và cao gấp 7 lần so với 10 năm trước.
Tính chung trong giai đoạn 2003-2012, tổng giá trị kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Myanmar tăng bình quân 24,8%/năm, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Myanmar tăng bình quân 28,3%/năm và nhập khẩu tăng bình quân là 22%/năm.
Hiện nay Việt Nam là bạn hàng thương mại thứ tư của Myanmar trong các nước ASEAN (sau Thái Lan, Singapore, Malaysia) và cũng là bạn hàng xuất khẩu thứ 11, bạn hàng nhập khẩu thứ 12 trong tổng số hơn 100 bạn hàng thương mại của Myanmar trên thế giới. Tuy nhiên, kinh ngạch thương mại giữa Việt Nam - Myanmar mới chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Myanmar.
Về đầu tư, theo thống kê của Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam tại Myanmar (AVIM), tính đến hết tháng 5/2013 đã có 23 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép hoạt động tại Myanmar. Các hình thức đầu tư được cấp phép hoạt động gồm: mở 14 Văn phòng đại diện; mở 3 chi nhánh công ty tại Yangon và cấp phép thành lập 6 Công ty liên doanh Việt Nam - Myanmar. Trong đó 4 doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã được Chính phủ Myanmar cấp giấy phép đầu tư với tổng giá trị hơn 600 triệu USD.
Theo thống kê của phía Myanmar, Việt Nam hiện đứng thứ 9 trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới có đầu tư trực tiếp vào Myanmar, chiếm khoảng 1,4% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào nước này.

Với sự chú ý từ nhiều bên như hiện nay, Myanmar sẽ góp phần như thế nào vào việc đẩy mạnh vị thế của ASEAN, đặc biệt vào năm 2014 khi Myanmar là Chủ tịch luân phiên; và ngược lại, ASEAN đã hỗ trợ Myanmar như thế nào để tìm kiếm sự ủng hộ của quốc tế?
Trong quá khứ và hiện tại, các nước AEAN đã tốn nhiều công sức trong việc kết nạp Myanmar vào ASEAN (tháng 7/1997), vận động Liên hợp quốc và phương Tây xóa bỏ bao vây cấm vận, trừng phạt kinh tế đối với Myanmar và vận động Myanmar đổi mới để hòa nhập quốc tế.
Năm 2010, chính sự ủng hộ nhanh chóng của ASEAN do Việt Nam làm chủ tịch luân phiên đối với kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Myanmar ngày 7/11/2010 đã tạo dư luận thuận lợi cho Liên Hợp Quốc, Mỹ và Phương Tây ghi nhận, không tẩy chay kết quả cuộc bầu cử này.
Đáp lại thiện chí của các nước bạn bè ASEAN, sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 11/2010, Myanmar đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng khối đoàn kết và nâng cao vị thế của ASEAN trên quốc tế. Phát biểu của Myanmar tại các diễn đàn ASEAN và quốc tế về các vấn đề an ninh khu vực liên quan đến tình hình Biển Đông, bán đảo Triều Tiên... đều được dư luận đánh giá cao.
Không chỉ riêng các nước ASEAN bè bạn mà cả thế giới đang chăm chú quan sát Myanmar sẽ đảm nhiệm trọng trách này ra sao để đáp ứng sự tin cậy và trông đợi của cả khu vực và quốc tế.

Xin cảm ơn ông!

>> Mời độc giả ghé thăm và đóng góp ý kiến cho trang Fanpage của Tuần Việt Nam



No comments:

Post a Comment

View My Stats