Tuesday 19 November 2013

"VIỆT NAM : ÂM MƯU GIẾT CHẾT TỰ DO TRUYỀN THÔNG?" (RSF / Phạm Lê Vương Các)




Posted by Phạm Lê Vương Các on 23:07

Vào trung tuần tháng 9 năm 2013, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) công bố một ấn phẩm đặc biệt Báo cáo về tình trạng tự do báo chí ở Việt Nam.

Bảng báo cáo có độ dài hơn 20 trang được tiến hành sau nhiều tháng thu thập dữ liệu và bằng chứng được đặt dưới tiêu đề “Việt Nam: âm mưu giết chết tự do truyền thông”.

“Không có mùa Xuân”

Mở đầu bản báo cáo đã phản ảnh “cái giá lạnh chính trị gia tăng ở Việt Nam” bất chấp việc chuyển mình sang Mùa xuân ở Bắc Phi và Miến Điện.

Trong bảng xếp hạng về tự do báo chí của RSF năm 2013, Việt Nam đứng hạng thứ 172 trên tổng số 179 quốc gia.

“Chỉ riêng trong năm 2012, nhà cầm quyền VN đã truy tố 48 blogger và những người tranh đấu cho nhân quyền, tuyên án tổng cộng 166 năm tù và 63 năm quản chế”, theo báo cáo thống kê.
Qua đó RSF lên án việc giam giữ, kết án, bạo hành các nhà báo và blogger tự do, và gọi Việt Nam là "nhà tù lớn thứ hai dành cho giới blogger , sau Trung Quốc".

Bảng báo cáo còn mỉa mai “thành tích người hùng mới của Việt Nam” là việc gia tăng nhân sự và kỹ thuật  kiểm soát và theo dõi Internet , ban hành không ngừng những luật lệ và nghị định bóp nghẹt tự do thông tin.

Mệt mỏi vì tuyên truyền, hấp dẫn vì độc lập

Dẫn chứng Việt Nam có trên 800 cơ quan thông tấn, trên 1000 nhật báo, tạp chí, đặc san, 172 đài truyền thanh và truyền hình, trên 80 báo mạng và hàng ngàn websites về thời sự. Nhưng những cơ sở này được RSF nhận định là “đều đặt dưới quyền kiểm soát tuyệt đối của Đảng, của quân đội và những cơ quan của nhà nước”.

“Trong nhiều năm, là ký giả nhà nước, tôi phải viết những điều không muốn viết. Như tất cả các đồng nghiệp, những bài tôi viết không có thảo luận, suy nghĩ gì cả. Chỉ có một mục tiêu : đạt chỉ số hàng tháng. Những bài viết tào lao đến nỗi ngày nay tôi xấu hổ đã viết dưới một bút hiệu khác”, nhà báo Trương Duy Nhất thổ lộ cho RSF biết về những năm tháng viết báo của mình trước khi bị bắt vì cáo buộc vi phạm điều 258 BLHS.

Trước guồng máy kiểm duyệt,  báo chí chính thống không đóng được vai trò đối lực với nhà cầm quyền, cũng không tạo nổi một diễn đàn cho công luận, cho nên người dân dần cảm thấy ‘điếc tai và mỏi mệt với tuyên truyền và ý thức hệ của Đảng’, theo RSF nhận định.

Trong khi đó sự ra đời của các kênh truyền thông phi chính thống, độc lập trên  mạng là một nguồn thông tin hữu ích và cũng là một trung gian duy nhất cho tiếng nói của người dân.

Sự ra đời của các báo mạng độc lập như Bauxite, Anh Ba Sàm, Truyền Thông Dòng Chúa Cứu Thế… bên cạnh nhiều blogs cá nhân như blog Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Tường Thụy, Nguyễn Hữu Vinh, Người Buôn Gió, đã thu hút càng ngày càng đông những độc giả muốn đi tìm một nguồn thông tin đa dạng không có trên báo nhà nước.

Từ đó RSF đánh giá “tất cả các trang thông tin độc lập này đem lại những cái nhìn khác, rất được độc giả tán thưởng, ngày càng hấp dẫn độc giả Việt Nam”, và ca ngợi những người chủ xướng các trang mạng độc lập là những người dũng cảm ‘bất chấp bạo lực đàn áp quả quyết hơn trong việc đòi thực thi quyền căn bản của công dân."

Tuy nhiên, bảng báo cáo này cũng bày tỏ lo ngại “hậu quả của thái độ thụ động của những người đấu tranh cho nhân quyền trong các tổ chức dân sự cũng như trong chính phủ, sẽ đè nặng hơn bao giờ hết lên tự do thông tin ở Việt Nam.”

Hệ thống kiểm duyệt báo chí

Bảng báo cáo còn chỉ ra Hệ thống kiểm duyệt báo chí gắt gao này được vận hành bởi một cơ quan đứng đầu là Ban Tuyên Giáo Trung Ương, hoàn toàn nằm ngoài phạm vi luật định, có quyền lực hơn cả công an chính trị, với nhiệm vụ hàng tuần triệu tập các cơ quan truyền thông để khảo sát bài vở và ra chỉ thị…

Hệ thống kiểm duyệt báo chí theo báo cáo của RSF

Khi Ban Tuyên Giáo Trung Ương quyết định khen thưởng hay trừng phạt một cơ quan truyền thông, Bộ Thông Tin và Truyền Thông chỉ đứng ra thi hành vì có cơ sở hợp pháp.

Phòng An Ninh Tư Tưởng Văn Hoá (là PA25 hay PA83) là một đơn vị công an, đảm nhiệm an ninh chinh trị nội bộ và bảo vệ tư tưởng văn hoá Đảng. Họ là những “công an tư tưởng” có nhiệm vụ cố vấn phối hợp công an tỉnh hay thị xã, các Tổng cục An ninh và các cơ quan văn hoá để theo dõi, đe dọa và bắt bớ những người bất đồng trên mạng.

Bên cạnh đó còn có Đảng Ủy trong mỗi cơ quan, chịu trách nhiệm trước Ban Tuyên Giáo, có nhiệm vụ thi hành chỉ thị của ban Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

RSF đã mô tả đây là "hệ thống kiểm duyệt không tên, nhưng cực kỳ hữu hiệu".

Trấn áp và phản kháng

Bản báo cáo cũng đưa ra những đánh giá về hệ thống pháp luật về báo chí, và gọi các điều luật về báo chí ở Việt Nam rất tốt đẹp và hoa mỹ, nhưng cũng chỉ ra rằng trên thực tế, khi muốn truy tố một ký giả hay một blogger về một bài viết, ít khi Đảng đả động tới những luật lệ về báo chí.

“Để hành hạ một cách hữu hiệu những người làm báo, nhà cầm quyền thường nêu những luật hình sự quy định các vi phạm một cách rất mơ hồ, cho phép nhà nước truy tố một cách dễ dàng những ký giả và blogger ra khỏi đường lối Đảng”, báo cáo viết.

Các điều luật được nhắc tới là điều 79, 88 và 258 BLHS để bắt giam, truy tố và kết án cho hành vi phạm “an ninh quốc gia” như đã từng làm đối với Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày), Lê Công Định, Trần Huỳnh Duy Thức, Tạ Phong Tần, Nguyễn Tiến Trung, Phạm Minh Hoàng, Phan Thanh Hải (Anh Ba Sài Gòn),…

Qua đó RSF nhận định “hàng loạt những vụ bắt bớ và cầm tù các tiếng nói đối lập trong những năm gần đây cho thấy là nhà cầm quyền Việt Nam sử dụng pháp luật như một công cụ nhằm đàn áp chứ không phải để bảo vệ quyền công dân.’

Khá bất ngờ khi bản báo cáo này không ngần ngại sử dụng đến cụm từ “état voyou” tức là “nhà nước côn đồ” để nói đến các vụ tấn công vào các blogger Nguyễn Hoàng Vi, Võ Quốc Anh,  JB Nguyễn Hữu Vinh, Binh Nhì… vì các vụ tấn công này có sự dính líu trực tiếp hoặc gián tiếp đến công an. 

Mẹ và em gái của blogger Nguyễn Hoàng Vi bị tấn công ngay trước đồn công an phường Phú Thạnh  bởi những người được cho là An ninh, một ngày sau buổi Dã ngoại Nhân Quyền 5/5/2013.

Bên cạnh đó còn có các hình thức như bỏ tù, vu khống, bắt giữ tùy tiện, quản thúc…nhằm dập tắt các tiếng nói đối lập.

Dù vậy nhưng RSF đánh giá dù bạo lực càng gia tăng nhưng các blogger lại càng kiên quyết đấu tranh đòi lại quyền tự do cơ bản của mình. Họ hỗ trợ thường xuyên hơn và ngày một nhanh nhẹn, hiệu quả hơn guồng máy cầm quyền.

Dẫn chứng là hàng loạt các phong trào vừa mới ra đời như Phong trào Con đường Việt Nam, Kiến nghị 72, Tuyên bố 258… và các trang mạng thông tin hoàn toàn dành cho vấn đề bảo vệ nhân quyền như Vietnam Path Movement, Defend the Defenders và Vietnam Humain Rights Commitee đã tạo nên sức bật, có tác động ảnh hưởng tích cực lên đời sống chính trị tại Việt Nam. Đặc biệt báo cáo còn nhận định Tuyên bố 258 là thể hiện “sự trưởng thành của một thế hệ blogger dấn thân” vì chiến lược đưa vấn đề nhân quyền tại Việt Nam ra thế giới.

“Việc phát triển các khoảng không gian đối thoại và tự do thông tin như thế trên mạng đã tạo ra một sức bật mới cho phong trào liên kết đấu tranh có khả năng phòng thủ và đáp trả từng bước tấn công của nhà cầm quyền đối với các nhà đấu tranh dân chủ”, báo cáo viết.

Kêu gọi tự do thông tin

Từ đó RSF đi đến kết luận cáo buộc nhà nước Việt Nam thiếu thiện chí trong việc hầu thúc đẩy cải thiện tự do thông tin mặc dù Việt Nam đã được gia nhập Tổ Chức Thương mại Thế giới , giữ vai trò chủ tịch Hiệp Hội ASEAN, và được nhận lãnh những khoản vay của các nước phương Tây hay của các tổ chức quốc tế, thậm chí được ký kết hiệp định tăng cường hợp tác với Liên Hiệp Châu Âu.

“Cộng đồng thế giới đã không thúc đẩy được nhà cầm quyền Việt Nam cải thiện đáng kể về tình hình tự do thông tin và bớt sự đàn áp đối với các nhà đối lập sử dụng trang mạng tại Việt Nam”, báo cáo nhận định.

Qua đó RSF đặt vấn đề "Cộng đồng quốc tế cần đặt điều kiện cho chính quyền Việt Nam khi viện trợ tài chánh hay những khoản vay mượn nhằm bắt buộc quốc gia này phải cam kết tôn trọng quyền tự do cơ bản, nhất là tự do truyền thông, cũng như nêu vấn đề về các blogger bất đồng chính kiến trong mọi thương thuyết về chính trị hay thương mại."

Thông qua báo cáo, RSF mạnh mẽ yêu cầu nhà cầm quyền trao trả tự do vô điều kiện cho tất cả các blogger, nhà báo và các nhà đối lập công dân mạng đang bị cầm tù bởi những bài viết của mình đăng trên mạng lưới internet; chấm dứt sự kiểm duyệt, ngưng lạm dụng các điều luật về an ninh quốc gia.
Đối với các tổ chức quốc tế phi chính phủ, RSF kêu gọi sự quan tâm chặt chẽ những vi phạm về quyền tự do truyền thông ở Việt Nam, và kêu gọi sự ủng hộ dành cho các nhà báo cấp tiến, các blogger bằng cách cung cấp các phương tiện tác nghiệp theo yêu cầu của họ, để họ có thể tiếp tục những hoạt động thông tin của mình.

RSF cũng kêu gọi báo chí chính thống ở Việt Nam áp dụng những nguyên tắc căn bản về đạo đức nghề nghiệp, tức là chỉ chuyển tải “sự thật thực tế” và từ chối mọi chỉ thị nhắm tới sự tự kiểm duyệt.
Tuy nhiên, các báo cáo của RSF về Việt Nam từ trước tới nay luôn bị chính quyền bác bỏ, và thường bị báo Nhân Dân – một cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam xem là “xuyên tạc, bịa đặt, và bóp méo sự thật”, cũng như không được phép trích dẫn trong các hoạt động nghiên cứu khoa học chính thống tại Việt Nam.

Cùi Các giới thiệu

*

Bản báo cáo nguyên bản tiếng Pháp: 

Bản dịch sang Việt ngữ được thực hiện bởi Báo Lề dân:



No comments:

Post a Comment

View My Stats