November
2, 2013 11:46 PM
Nền
kinh tế Nhật Bản đứng thứ nhì trên thế giới từ 1980, chỉ sau Hoa Kỳ, đã bị
Trung Quốc qua mặt vào năm 2002. Nhật Bản với nền kỹ nghệ, công nghiệp kỹ thuật
cao nhất nhì thế giới cũng góp phần thúc đẩy kinh tế toàn cầu phát triển liên
tục.
Tuy nhiên, kể từ khi đầu hàng vô-điều-kiện hồi năm 1945, Nhật Bản chưa có tiếng nói quan trọng trên chính trường quốc tế tương đương với tiềm lực kinh tế và khoa học kỹ thuật vì bị hạn chế bởi Hiến pháp Hoà bình do lực lượng chiếm đóng Mỹ soạn thảo.
Kể từ đó, Nhật Bản sống an bình dưới chiếc dù che quân sự của Hoa Kỳ và khu vực Tây Thái Bình Dương không xảy ra các vụ xung đột quân sự cấp vùng trong hơn nửa thế kỷ.
Nhờ thế, khu vực chậm tiến này trỗi dậy mạnh mẽ và trở thành đầu tàu kinh tế thế giới vào thế kỷ thứ 21 với nền kinh tế thứ nhì, Trung Quốc, thứ ba, Nhật Bản. Đồng thời, cũng tạo ra những con hổ kinh tế như Tân Gia Ba, Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông làm nên sự thịnh vượng được cộng đồng nhân loại ngưỡng mộ.
Do đó, các quốc gia trong vùng cũng như cộng đồng quốc tế không muốn môi trường an ninh, phát triển ngoạn mục bị phá vỡ nên hợp lực để duy trì hiện trạng.
Nhưng, tình hình trong khu vực, đặc biệt tại Biển Đông Trung Hoa và Biển Nam Trung Hoa, bắt đầu sóng gió trước tham vọng bành trướng chủ quyền biển, đảo và Hải quân Hải Dương của Bắc Kinh trong khi lực lượng của Hoa Kỳ bị dàn mỏng do cùng lúc phải đối phó với quá nhiều điểm nóng trên thế giới.
Hoa Kỳ từng e ngại chủ nghĩa quân phiệt Nhật tái diễn sẽ gây xung đột quân sự trong vùng Đông Bắc Á đang mờ nhạt dần trước hiểm hoạ bành trướng của Trung Quốc.
Vì thế, Hoa Kỳ đang lui về vị thế yểm trợ và trả lại vai trò trực diện với chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc cho Nhật Bản và Đại Hàn. Hoa Kỳ nới lỏng hạn chế phòng thủ để cho hai đồng minh thân cận sử dụng công nghệ tiên tiến mà tự trang bị, tổ chức, trực tiếp chỉ huy mọi lực lượng vũ trang quốc gia.
Bắc Kinh vẽ Đường 9 Vạch, tức Đường Chữ U, tức Lưỡi Bò chiếm trọn 85% Nam Hải tức Biển Đông Nam Á mà có nơi cách bờ biển Việt Nam 45 hải lý, cách bờ biển Phi Luật Tân và Mã Lai Á 25 hải lý, trái với quy định trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 về Vùng Đặc quyền Kinh tế và Thềm Lục địa.
Bắc Kinh sử dụng ngôn ngữ lập lờ khi tuyên bố chủ quyền trong Đường Chữ U là “quyền lợi cốt lõi” của Trung Quốc bất khả tranh cãi. Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương, Nội Mông được quy vào “quyền lợi cốt lõi” đồng nghĩa với chủ quyền.
Trung Quốc sẽ biến Lưỡi Bò có các hải lộ quốc tế huyết mạch và 2 Quần đảo Paracel (Tây Sa, Hoàng Sa) và Spratly (Nam Sa, Trường Sa) thành lãnh hải buộc nước khác phải chịu sự chế tài. Bắc Kinh đã coi Vùng Đặc quyền Kinh tế của mình có quy chế “lãnh hải” trái hẵn với định nghĩa trong Luật Biển 1982.
Hoa Thịnh Đốn cam kết đưa 60% lực lượng Hải quân vào khu vực Tây Thái Bình Dương, nhưng, vẫn khó duy trì nguyên trạng và kiềm chế tham vọng vô bờ của Bắc Kinh.
Vì thế, vai trò của Nhật Bản trong khu vực Tây Thái Bình Dương ngày càng cần thiết, nhưng, Hiến pháp Hoà bình đã hạn chế sức mạnh quân sự của nước này.
Tu chính Hiến pháp trở nên cấp bách không chỉ riêng Chính phủ Shinzo Abe mà còn do ý chí của dân chúng muốn Nhật Bản trở thành một quốc gia bình thường có Quân đội chứ không phải Lực lượng Phòng vệ, có quyền chế tạo và xuất cảng vũ khí, có quyền tuyên chiến khi cần.
Chủ trương này bị Trung Quốc chỉ trích kịch liệt khi thổi phồng bóng ma quân phiệt Nhật trong thế chiến thứ hai.
Chế độ Quân phiệt Nhật đã cáo chung và được thay thế bằng chế độ Quân chủ Lập hiến. Từ năm 1945 đến nay, Nhật Bản chưa gây chiến hoặc chiếm đất của bất cứ quốc gia nào trên thế giới.
Ngược lại, quá khứ “vó câu Mông Cổ” từng dày xéo nhiều dân tộc trên thế giới. Những Tây Tạng, Nội Mông, Tân Cương tuần tự bị sáp nhập vào Trung Quốc ngoài ý muốn. Trung Quốc gây cuộc chiến biên giới, trên biển với Liên Xô, Ấn Độ, Việt Nam để rỉa dần lãnh thổ, biển đảo láng giềng.
Do đó, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á ngày càng xích gần với Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ, Úc Đại Lợi để bảo đảm an ninh cho hải lộ huyết mạch quốc tế và gìn giữ chủ quyền biển, đảo.
Với tiềm lực kỹ thuật quân sự và kinh tế hạn hẹp, các quốc gia duyên hải Đông Nam Á, dù cố hết sức, cũng chẳng bì kịp với Trung Quốc mà điều kiện mua sắm phương tiện chiến tranh và vũ khí của Tây Phương thường đắt đỏ và bị ràng buộc nhiều điều kiện khó vượt.
Nhật Bản, Đại Hàn có thể viện trợ hoặc cung cấp cho các loại phương chiến tranh hiện đại thích ứng với điều kiện Biển Đông Nam Á theo giá phải chăng. Hai quốc gia công nghiệp này có ưu thế chế tạo các loại chiến hạm hạng trung hiện đại rất cần thiết trong tác chiến và phòng thủ quốc gia.
Tiềm năng công nghệ quốc phòng của Nhật Bản dẫn đầu Châu Á với 12 doanh nghiệp nặng và 1,000 doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất công nghệ quốc phòng chuyên chế tạo chiến hạm, phi cơ, tiềm thuỷ đỉnh, vũ khí cho Lực lượng Phòng vệ.
Năm 2006, Mỹ thoả thuận để Nhật bán hoả tiễn bắn chặn cho quốc gia thứ ba với sự kiểm soát nghiêm ngặt.
Do không được phép xuất cảng vũ khí nên sản phẩm của Nhật đắt giá hơn trên thị trường thế giới. Tình trạng này sẽ đảo ngược khi Tokyo bãi bỏ lệnh cấm xuất cảng vũ khí tạo điều kiện cho hạ giá thành sản phẩm và khả năng tài chính để phát triển công nghệ quốc phòng.
Trung Quốc khó thắng Nhật Bản về chiến tranh quy ước trên biển vì thiếu-kinh-nghiệm hải chiến, thiếu-tác-phong công nghiệp, thiếu-kỷ-luật tác chiến. Bắc Kinh không thể sử dụng vũ khí nguyên tử vì Nhật Bản nằm dưới chiếc dù che của Hoa Kỳ.
Bắc Kinh không sợ Hoa Kỳ vì siêu cường này chỉ có thể đương đầu một lúc với 2 cuộc chiến tranh rưởi trong khi Nhật Bản chỉ lo đối phó với một mình Trung Quốc nên càng đáng sợ.
Đại-Dương
No comments:
Post a Comment