Sunday 3 November 2013

TƯỞNG NIỆM CỐ TỔNG THỐNG NGÔ ĐÌNH DIỆM (Phạm Minh Tâm - DienDanCTM)




Phạm Minh Tâm  -  DienDanCTM
10:36 - 03/11/2013  

Tổng Thống Ngô Đình Diệm

Đúng vào ngày này 50 năm trước, Tổng-thống Ngô Đình Diệm và bào-đệ đã bị thảm-sát trong chính-biến 01-11-1963, kéo theo sự sụp đổ hoàn toàn nền Đệ Nhất Cộng-hoà tại Miền Nam Việt-Nam. Sự sụp đổ này không chỉ đơn-thuần là một việc thay bậc, đổi ngôi như thời vua chúa hay là sự thay đổi chính-sách và guồng máy điều-hành của một chính-quyền. Đây là một biến-cố lịch-sử vì những hệ-quả của nó mang tính lịch-sử, có tầm ảnh-hưởng và  hệ-lụy cho cả Miền Nam lẫn toàn cuộc đất nước khi  đang ở vào thế tương-tranh giữa hai ý-hệ cộng-sản và quốc-gia.

          Hôm nay, thể theo đề-nghị cũng như nguyện vọng của nhiều đồng-hương và được sự hỗ trợ của Ban-chấp-hành Cộng-đồng Người Việt Tự Do Victoria, Ủy Ban Tranh Đấu cho Nhân Quyền tại Việt-Nam chúng tôi phối-hợp cùng Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc  tổ-chức
buổi lễ tưởng-niệm này. Mục-đích không phải là để hoài-niệm về một thời đã qua còn vấn-vương theo thời-gian, song chính là để chúng ta – cũng gồm không ít quý-vị có mặt hôm nay và tất cả những đồng-bào khác mà lúc đó mới ở  vào độ từ 10 đến 30 tuổi để có thể gọi được là “người trong cuộc” - cùng nhau phân-định minh-bạch và công-bằng theo lý lẽ chứ không theo  thương ghét khách-quan hay chủ-quan thường tình như một sự gạn đục khơi trong.

Trong nửa thế-kỷ qua, đã có rất nhiều tác-giả bình-luận, phân-tích và nhận-định về vị-thế lịch sử của cố Tổng-thống Ngô Đình Diệm  cùng  các sự việc liên-hệ. Lại cũng có những tiếng nói của  các chứng-nhân đã cùng chung trách-nhiệm với Cố Tổng-thống lúc đương thời như những chứng-từ. Song vì thời gian giới hạn chúng tôi không thể tóm lược hết. Ở đây, chỉ xin được thưa ngắn gọn về đôi điều cảm-nghiệm trong hồi-ức, liên-hệ đến buổi tưởng-niệm hôm nay.

Vào thời gian biến-động này, bản thân chúng tôi chỉ mới vừa xong chương-trình Trung-học, chắc chắn còn non kém trong các nhận định về chính-trị, về thời-cuộc. Tuy vậy,  cho đến giờ, hình ảnh về một Sài-gòn hỗn-loạn của những ngày sau cơn chính-biến với từng sự việc đầy bạo-lực và khủng-bố vẫn rõ nét. Nơi này, một căn nhà bị mang danh là của phe đảng Cần-lao đang bị nhóm người mang gậy gộc kéo đến đập phá tan hoang, không loại trừ cả những kẻ gian manh lợi dụng để hôi của. Góc phố kia một chiếc xe hơi bị đốt cháy vì chủ xe bị quy cho là tay sai Diệm Nhu. Ở đoạn đường khác lại có cảnh xe đang chạy thì bị chặn lại, đuổi người ra và đốt xe. …Tất cả  người đi đường chỉ dám liếc nhanh rồi tìm cách tránh xa vì lúc đó mà bị chụp cho cái mũ “Cần Lao” hay “tay sai Diệm Nhu” thì sẽ bị nhiều nguy khó. Nỗi sợ hãi này có lẽ cũng căng-thẳng không kém cảnh sau 30-4-1975 có các nhóm  người mang danh là “cách mạng 30”, cứ có khẩu  súng AK và dải vải đỏ thắt ở cánh tay là hung hăng đi lục xét nhà này nhà khác.

Rồi tình trạng này cũng qua mau song các diễn-biến theo sau  trong chính trường Miền Nam đã tạo ra một cơn khủng-hoảng dai-dẳng cho đến 30-4-1975. Đảo-chính và chỉnh-lý như cơm bữa. Từ 1964-1967 đã có bốn chính quyền. Chính sự xáo trộn này góp phần không nhỏ trong việc tạo thuận lợi, mở đường cho cộng-sản Miền Bắc dễ dàng hơn khi  tiến chiếm Miền Nam. Nguyễn Hữu Thọ trong thành phần Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam nói với báo Nhân Dân: "Sự lật đổ Diệm là một món quà mà Trời ban cho chúng tôi." …

          Hoàn-cảnh Miền Nam khi ông Ngô Đình Diệm về chấp chính chỉ là  một nửa miền đất nước ngổn-ngang trong cái tàn cuộc của một giai-đoạn lịch-sử nhiễu-nhương người Pháp để lại. Tình-trạng phân-tranh của các giáo-phái, các phe nhóm từ trước vẫn đang hùng cứ từng vùng là một bằng chứng. Sài-gòn và Chợ-lớn hoàn-toàn do lực-lượng Bình-xuyên khuynh-loát. Giờ này, khi đọc lại các sách sử viết về thời gian ấy, bản thân chúng tôi vẫn có ý nghĩ không chút khôi hài là không hiểu giang-sơn và quyền hạn mà hoàng-đế Bảo Đại ủy-thác cho Thủ-tướng Ngô Đình Diệm về chấp-chính có ra được tới chợ Bến Thành hay không. Song trong cái giới-hạn phức-tạp này thì vẫn là vai trò của một Thủ-tướng mang trọng-trách phải tái-lập trật-tự xã-hội, khôi-phục uy-quyền quốc-gia. 

Và rồi trật-tự cũng đã được vãn-hồi. Phủ Tổng-uỷ Di-cư, rồi Phủ Tổng Uỷ Dinh-điền thành-lập đã ổn định cho gần một triệu người từ bên kia vĩ-tuyến 17 vào Miền Nam tỵ-nạn cộng-sản. Các chương trình phát triển xã hội, cải cách điền địa, nhất là kế-sách bình-định nông thôn trước vấn-nạn  khoảng 100.000 cán-bộ  Việt Minh vẫn còn ở lại nằm vùng tại miền Nam, sẵn sàng hoạt-động vũ-trang bất cứ lúc nào có cơ-hội. Không bao lâu, Miền Nam đã được xây dựng trong  thanh bình, tự do và no ấm thực sự.

Nếu so-sánh các giai-đoạn  từ 1945 tới 1975, thì phải nhận rằng trong 9 năm lãnh-đạo, cho dù bị mai phục bởi đủ cả thù trong giặc ngoài nhưng cố Tổng-thống Ngô Đình Diệm và chính quyền Đệ Nhất Cộng Hoà đã đưa Miền Nam Việt-Nam đi vào một thời-kỳ thịnh-vượng đáng kể.  Đặc biệt là ngăn chặn được làn sóng xâm lăng của cộng sản Miền Bắc. Cho đến  năm năm sau, khi lực-lượng cộng-sản  nằm vùng gia tăng đánh phá và  vào  ngày 23-3-1959 , Tổng-thống Ngô Đình Diệm phải tuyên bố đặt miền Nam "trong tình trạng chiến tranh" thì  an-ninh quốc-gia vẫn được duy-trì. Vào thời đó, quân dân Miền Nam nhắc nhiều đến hai chữ “Bắc Tiến”. Sau ngày 30-4-1975, nhiều người Miền Bắc đã cho biết  âm vang hai chữ này khi ra đến Miền Bắc thì thành niềm hy-vọng cho họ và khi biết tin về cuộc chính-biến 01-11-1963,  họ thấy hụt hẫng và tuyệt vọng.

Giờ đây, người thì đã ra đi vào cõi thiên-thu thanh-thản, nhưng những oan-khiên của một thời vẫn còn đó. Tuy nhiên, lịch-sử của một dân-tộc, một đất nước không thể được viết bằng cảm-xúc cá-nhân hay thị-phi phe nhóm mà là công bằng ghi nhận công-nghiệp để luận chính tà. Thời-gian vẫn là yếu tố cần thiết đang tiếp-tục giúp lịch-sử trả lời.  Và trước khi dứt lời, chúng tôi xin trích dẫn đôi ba ý-kiến liên-hệ. Tổng-thông Hoa-kỳ Lyndon Johnson đã thú nhận "Tôi nghĩ chúng ta đã lầm khi không ủng hộ Ông Ngô Đình Diệm và "Tôi tin rằng việc sát hại Ông Ngô Đình Diệm đã tạo thêm nhiều vấn đề hơn là giải quyết chúng.

 Tổng-thống Nixon thì nhận định: "Tổng Thống Diệm ổn định Việt Nam, ví như viên Đá Đỉnh Vòm giữ vòm nhà đứng vững. .... Chỉ khi nào đá đỉnh vòm được lấy đi, người ta mới thấy là nó quan trọng. Thì cũng y hệt như vậy, chỉ khi  Ông Ngô Đình Diệm chết rồi, toàn thể hệ thống chính trị miền Nam Việt Nam sụp đổ tan tành, người ta mới nhận rõ vai trò sinh tử của ông ta."....

Và của một người Việt-Nam bình-thường viết trên mạng “ tôi và gia đình chưa hề gặp mặt ông Diệm hay bất cứ viên chức chính quyền nào, cũng chưa hề hưởng một ơn mưa móc nào của chế độ, dù nhỏ, và không phải là Cần Lao, hay gốc Bắc di cư. Nhưng khi nghe tin ông bị sát hại, cha tôi đã rơi nước mắt ...”./.



No comments:

Post a Comment

View My Stats