Kiều
Minh
Miền Bắc Xã Hội Chủ Nghĩa những
năm trước chiến tranh. Một công nhân lành nghề và lương thiện với người vợ tần
tảo, một đàn con ngây thơ 9 đứa quây quần dưới mái ấm hạnh phúc. Bỗng đâu một
ngày, xe sít-đờ-ca của Sở Công an Hà Nội ập đến đọc lệnh bắt giữ khẩn cấp người
công nhân. Những gì xảy ra sau đó còn khủng khiếp hơn địa ngục. Anh bị biệt giam,
bị tra tấn, bị ép cung. Anh bị khép án tử hình nhưng vẫn một mực không nhận
tội. Sau mười năm biệt giam chờ thi hành án tử hình, người ta thả anh ra vì
thấy vô lý.
Câu chuyện về một người tử tù
xã hội chủ nghĩa hiện vẫn sống tại Hà Nội.
… Một nhà hoảng hốt ngẩn ngơ
Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây
Hạ từ van lạy suốt ngày
Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn…
(Kiều – Nguyễn Du)
Nếu đọc một số tác phẩm nói về tù Hỏa Lò thời miền Bắc XHCN, ta đều thấy nhắc đến một người tù.
Tiếng oan dậy đất án ngờ lòa mây
Hạ từ van lạy suốt ngày
Điếc tai lân tuất phũ tay tồi tàn…
(Kiều – Nguyễn Du)
Nếu đọc một số tác phẩm nói về tù Hỏa Lò thời miền Bắc XHCN, ta đều thấy nhắc đến một người tù.
Án oan giáng xuống
31 tuổi, Nguyễn Văn Căn bị kết án tử hình, sau khi bị biệt giam 10 năm liền chờ thi
hành án thì Căn được Toà tuyên vô tội. Hơn 40 năm qua kể từ ngày ra
tù, anh thanh niên Căn ngày nào nay đã thành ông già 83 tuổi. Công việc
quan trọng nhất của ông là đội đơn đi khắp nơi xin được đền bù những
tháng ngày tù đày oan khuất, nhưng đều vô vọng. Ông vẫn trắng tay như
ngày mới ra tù…
Trong túp lều khoảng 12m2
dựng tạm bợ trên vỉa hè đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội, ông Căn run run
đưa cho tôi xem tờ đơn khiếu nại, bản quyết định của Toà án nhân dân
tối cao tuyên ông vô tội ngày 13/6/1970 có chữ ký của ông Lê Giản lúc
bấy giờ là Chánh án Toà án nhân dân tối cao và là Phó Chủ toạ
phiên toà. Ông Căn còn lấy ra một trang báo mà ông giữ lại có bài
phỏng vấn ông Bộ trưởng Bộ Tư pháp trả lời về vấn đề bồi thường
bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra. Rồi ông
cất giọng khàn khàn kể câu chuyện về cuộc đời mình.
“Tôi còn hát bài ca hi vọng!”
Nguyễn Văn Căn sinh năm 1929, sinh sống bằng nghề thợ máy. Căn sống cùng vợ con ở 65 phố Quan Thánh
(Hà Nội), sau đó chuyển công tác tới Công ty Bông vải sợi (Hoà Bình).
Làm việc ở đây cho đến năm 1957 thì những thay đổi cứ liên tiếp diễn
ra ngoài dự tính của Căn. Đang công tác ở Hoà Bình, Căn nhận được
quyết định trở lại Hà Nội làm việc tại Nhà máy Giấy Trúc Bạch.
Sau này Căn mới biết, người ta chuyển công tác để tiện theo dõi mình.
Ngày 30/7/1960 Căn bị bắt cùng 3 người nữa với tội danh gián điệp,
tuyên truyền phản cách mạng, giết người, bị tuyên án tử hình, tịch
thu 2/3 tài sản rồi bị đưa vào Hoả Lò giam giữ chờ ngày thi hành
án.
Trong bản quyết định có nêu
Căn bị luận tội vì một vụ án giết người đã xảy ra năm 1957, nạn
nhân là em Nguyễn Huy Thịnh, 15 tuổi, nhà có hiệu vàng bạc ở phố Tạ
Hiền. Đêm 17/3/1957, em Thịnh được hai người lạ mặt đến xin phép gia
đình đưa đi dự liên hoan, rồi từ đó em Thịnh không trở về nữa. Sáng
18/3, xác em Thịnh được phát hiện trên một thửa ruộng của cánh đồng
Hào Nam, Giảng Võ (khi ấy thuộc ngoại ô Hà Nội). Tại hiện trường, Công an Hà
Nội không thu được gì ngoài một chiếc vòi bơm xe đạp, nghi là thủ phạm bỏ quên
tại hiện trường.
… Công an Hà Nội đã điều
tra từ năm 1957 đến 1960 mới kết thúc. Nguyễn Văn Căn, Lê Đoan, Nguyễn
Hi Sinh, Đoàn Hiểu đã bị bắt và bị truy tố về tội giết người nhằm
thực hiện âm mưu gây hoang mang trong quần chúng theo lệnh của Nguyễn
Quang Hải (người này đã bị Toà án nhân dân thành phố Hà Nội xử tử
hình tháng 3/1958 trong vụ án gián điệp Phòng Nhì cài lại miền Bắc, tùy viên
văn hóa De Bonfils bị trục xuất). Dựa theo lời khai của Đặng Khôi (một can
phạm trong tổ chức gián điệp Nguyễn Quang Hải) thì 4 can phạm bị bắt
đều nằm trong tổ chức Mặt trận chống cộng miền Bắc do Hải cầm đầu và thủ
phạm chính trong vụ giết người là Nguyễn Văn Căn, theo lời khai của Khôi
do bị tra tấn, bức cung.
Bị quy giết người, lại hoạt
động gián điệp trong tổ chức phản động, cấu kết với nước ngoài chống phá cách
mạng miền Bắc XHCN, Căn bị Cục Chấp pháp (Bộ Công an) và Phòng Chấp pháp (Sở CA
Hà Nội) đối xử bằng những hình thức tra tấn khủng khiếp nhất và chỉ còn một
quyền duy nhất là cúi đầu nhận tội. Bị biệt giam trong xà lim tử hình, Căn
không có cơ hội để thanh minh cho sự vô tội của mình. Với tính chất cực
kỳ nghiêm trọng như vậy, Căn không có cơ hội tiếp xúc với ai, không
biết tin tức gì ở ngoài.
Vào tù, Căn bỏ lại ngoài
đời vợ và đàn con 9 đứa. Suốt thời gian nằm trong tù, điều ý nghĩa
nhất với Căn là nỗi nhớ vợ con da diết, nhớ những buổi chiều tan
giờ làm về, vợ con đã chờ cơm, cả gia đình quây quần ấm
cúng. Những hình thức tra tấn tại Hỏa Lò thì cực kỳ khủng khiếp nhưng đều
không bằng nỗi nhớ con. Nhớ không ngủ được. Nhớ phát điên lên. Cũng nhờ nỗi nhớ
này mà lúc nào Căn cũng hun đúc ý chí phải sống, sống để trở về gặp lại đàn con
của mình.
Nhưng sau đó 2 năm, phó giám
thị trại giam đã tới báo cho Căn một tin không ngờ: vợ Căn đã nộp đơn
xin li dị vắng mặt để lấy chồng khác. Lúc đó, Căn chỉ còn biết
nghĩ, mình như thế này rồi không biết sống chết thế nào thì cứ để
cho người ta yên tâm đi xây dựng cuộc sống mới, để họ chờ đợi biết
đến bao giờ… Cái cảm giác không thôi ám ảnh Căn suốt những năm tháng
nằm trong tù: ngày lê thê, đêm vô tận, ngày thì ngủ mà đêm thì thức.
Lo sợ nhất là thời gian gần về sáng, miệng thầm mong đừng có tiếng
mở cửa, qua thời điểm đó mới yên tâm vì cuộc sống lại được kéo dài
thêm.
Nhiều lần Căn hỏi người
quản giáo cách thanh minh, kháng cáo nhưng công việc của họ là coi tù
nên họ cũng chẳng thể cho Căn biết gì nhiều về các thủ tục. Căn
chẳng được gặp ai, chẳng biết làm đơn gửi cho ai nên chỉ mong khi ra
toà sẽ có cơ hội kêu oan. Ngay cả khi chính quyền đến nhà Căn xác
minh và gia đình làm đơn khiếu nại Căn cũng không biết.
Đến tận ngày 25/5/1965, Toà
Phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao đã quyết định chấp nhận đơn kháng
cáo của Nguyễn Văn Căn và chiểu điều 4, điều 6 sắc lệnh 133-SL ngày
20/1/1953 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hoà xử phạt:
Nguyễn Văn Căn tử hình. Đơn kêu oan của Căn tiếp tục được gửi lên Uỷ
ban Thường vụ Quốc hội.
Các tử tù khác, trong thời
gian chờ thi hành án, nhiều người phát điên lên vì lo lắng, sợ hãi.
Nhưng Căn cố gắng không để cho mình bị rối loạn thần kinh, Căn tin sự
vô tội của mình sẽ có cơ hội được minh oan. Một động lực thúc đẩy
niềm tin đó là việc dù đã bị tuyên án tử hình nhưng Căn vẫn trong
thời gian chờ thi hành án vì chưa có đủ chứng cớ luận tội. Chính
vì vậy, một anh bạn tù đã tưởng là Căn bị điên khi thấy Căn cứ ê a các
câu hát trong “Bài ca hi vọng”, cậu ta khóc và bảo “sắp chết rồi còn
lắm chuyện”, nhưng Căn nói với cậu ta Căn quyết không bi quan, bi quan
là công nhận mình có tội. Vậy nên nằm trong tù nhưng Căn luôn nhớ đến
những gì tươi vui ngoài xã hội để hát, để tìm đến sự lạc quan! Và
trên hết, Căn nhớ tới con. Hình ảnh của chúng hiện ra trong mơ là thiên thần
cứu rỗi Căn, giúp Căn sống sót được trong địa ngục trần gian, qua những tháng
ngày thê lương, vô tận.
Từ cõi chết trở về
Trong suốt thời gian Căn ở
tù, có 3 lần các luật sư vào gặp Căn nói chuyện để tìm cách bào
chữa cho Căn. Căn cũng không hiểu hành động của mình đúng hay sai nhưng
Căn cứ nhất mực từ chối. “Tôi bảo với họ hãy đi bào chữa cho người
khác vì tôi không có tội”. Ban đầu, Căn bị coi là có thái độ bất
hợp tác, nhưng rồi các luật sư cũng phản ánh tình hình đó với cấp
trên.
Hồ sơ vụ án này được
chuyển sang Toà án nhân dân thành phố Hà Nội. Lúc bấy giờ, Luật sư
Nguyễn Xuân Dương đang ở cương vị Chánh án Toà án nhân dân thành phố
Hà Nội, ông đã nghiên cứu hồ sơ và phân tích các mâu thuẫn của vụ
án và nhận định rằng các bị cáo không phạm tội. Trong báo cáo trình
lên Thường vụ Thành uỷ Hà Nội, ông Dương viết: “Theo quan điểm của tôi
thì về mặt pháp luật, không có đủ căn cứ để kết tội bị cáo. Trong
gần 4 năm, từ khi cuộc điều tra kết thúc đến khi đưa vụ án ra xét
xử, trong cuộc tranh luận kéo dài về việc các bị cáo có tội hay
không có tội, tôi vẫn giữ quan điểm là các bị cáo không có tội”.
Luật sư Nguyễn Xuân Dương đã từ chối xét xử vụ án này. Một thẩm
phán khác đã được giao xét xử vụ án nhưng vẫn tuyên án tử
hình Căn, chung thân Đoan, Sinh 5 năm tù, Hiểu 3 năm tù.
Sau vụ việc này, ông Dương
không làm Chánh án nhân dân thành phố Hà Nội nữa, nhưng vẫn đề nghị
vụ án Căn, Đoan, Sinh, Hiểu được mau chóng xem xét lại.
Năm 1970, vụ án được Uỷ ban
Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xét xử lại. Chủ toạ phiên toà đã
tuyên cả 4 người đều vô tội. Vậy mà cũng kéo dài 10 năm trời…
Ông Căn nhớ lại: “Đó là
một ngày mà tôi không bao giờ quên được. Anh Kim, cán bộ quản
giáo đến gặp tôi và bảo chuẩn bị sắp xếp đồ đạc. Tôi nghĩ
chắc lại chuyển buồng như mọi khi. Nhưng khi ngồi trước anh Kim, uống
nước, hút thuốc thì đột nhiên tôi không tin ở tai mình khi nghe anh Kim
nói rất trịnh trọng: “Hôm nay, tôi được lệnh của Toà án nhân dân tối
cao đến đọc lệnh trả tự do cho anh và chúc mừng anh từ nay được trở
về đoàn tụ với gia đình. Mong anh trở về với xã hội trở thành
người cán bộ tốt, những gì Đảng và Nhà nước làm sai thì Đảng và
Nhà nước sẽ sửa”. Với tôi, đó là ngày khai sinh lần thứ hai trên
đời?.
Căn được cho 100 đồng để đi
tàu điện về nhà. Nhưng Căn làm gì còn nhà nữa, vợ con cũng đã rời
xa rồi. Mái ấm mà Căn ngày đêm nơi địa ngục mong ngóng trở về nay đã vỡ vụn.
Những thiên thần của Căn cũng tan đàn, cầu bơ cầu bất, mỗi đưa một nơi. Căn
lếch thếch ôm đống chăn chiếu, áo quần về nhà mẹ đẻ đang ở cùng
cậu em trại tại 17C Kim Mã. Người hàng xóm chạy về báo cho mẹ và em
trai Căn nhưng họ không tin vì nghĩ Căn đã chết rồi. Trông thấy con trai,
người mẹ già chỉ kịp ngã vào Căn rồi ngất lịm. Sau đó chỉ toàn nước mắt
mừng vui vì đoàn tụ. Lúc đó, Căn đã 40 tuổi.
Không muốn sống bám vào em
trai, sau khi mẹ chết Căn bỏ đi sống một mình, lang thang hết nơi này
đến nơi khác (làng Sài, đê Yên Phụ, dốc Bưởi và bây giờ là vỉa hè
đường Hoàng Hoa Thám). Người dân ở các khu vực này chẳng lạ gì ông
già gầy còm lủi thủi sống trong một túp lều dựng sơ sài với đủ
thứ nghề kiếm sống: sửa chữa máy móc, làm thuê, mua bán xe đạp cũ…
Cách đây hơn chục năm, một người bạn công tác ở xưởng phim giới
thiệu cho ông Căn gặp bà Liễu – một người phụ nữ quê Nam Định lên Hà
Nội bán rau – hai hoàn cảnh khốn khó dựa vào nhau kiếm sống và bầu
bạn lúc tuổi già.
Mong có điều kiện sống yên thân tuổi già
Chỗ ở hiện nay trước cổng
Viện Lao trên đường Hoàng Hoa Thám là đất lấn chiếm, được ông bạn
tốt mua của người ta rồi cho lại để ông Căn có chỗ nương thân. Tuy
nhiên vì là đất lấn chiếm, chẳng ai có chủ quyền hợp pháp nên nó
là nơi lý tưởng cho các vụ tranh chấp có cơ hội xảy ra. Những người
sống bên cạnh (cũng thuộc diện lấn chiếm) muốn mua lại miếng đất con
con nơi ông Căn ở để mở rộng diện tích kinh doanh nhưng ông không đồng
ý. Hai ông bà đã mở hàng ăn và thu nhập cũng đủ một cuộc sống đạm
bạc nên không muốn thay đổi. Người dân sống ở khu vực trước cổng Viện
Lao chẳng ngạc nhiên lắm mỗi khi dãy lều trên vỉa hè trước cổng Viện
xảy ra những vụ ồn ào, trong đó nhiều lần có vụ tranh chấp chỗ ở
của ông Căn. Trong một vụ ẩu đả, người ta còn thấy hai ông bà già bị
đánh què cả tay. Phải đến khi xung quanh túp lều ông Căn ở thường
xuyên bị vứt những thứ xú uế, thì dân xung quanh và cả những người
ở Viện chẳng dám đến ăn ở hàng của ông Căn nữa. Việc bán hàng ăn
đành phải bỏ, ông Căn chuyển qua nghề mua xe đạp cũ về, hai ông bà
già lọ mọ cạo sơn, đánh ráp, tân trang lại rồi bán kiếm lời.
Về chỗ ở của ông Căn, đó
là một vòng luẩn quẩn, cán bộ chính quyền địa phương đã nhiều lần
trả lời nếu ông có hộ tịch thì có thể sẽ được đền bù khi bị bắt
buộc phải di dời khỏi chỗ ở hiện tại. Ông Căn cho biết hộ khẩu của
ông trước khi vào tù vẫn ở 65 Quan Thánh, từ khi ra tù ông chưa được
nhập hộ tịch ngay, sau đó lại lang thang hết chỗ này đến chỗ khác –
mà phải có nhà thì mới được cấp hộ tịch! Bây giờ việc nhập hộ
tịch phải lần lại thời gian hơn 50 năm về trước, phải có sự chứng
nhận của cơ quan ông Căn công tác, của chính quyền sở tại… “Việc này
tôi đã làm rồi nhưng mờ mịt lắm – ông Căn nói – nhất là việc nhờ
Công ty Bông vải sợi Hà Nội xác nhận giúp lai lịch của tôi, bây giờ
tôi làm gì cũng khó, nói gì đến việc bồi thường chỗ ở – ông Căn
thở dài - hàng chục năm sống tạm bợ trên vỉa hè này lúc nào tôi
cũng trong tình trạng thấp thỏm lo bị đuổi đi…”.
Đơn từ khiếu nại ông Căn
gửi đi chẳng thấy hồi âm. “Từ ngày ra tù đến giờ, cứ cơ quan nào
của Đảng và Nhà nước là tôi gửi đơn, nhưng chẳng thấy hồi âm. Duy có
một lần họ gửi đơn của tôi trở lại phường Bưởi nhưng tôi chỉ nhận
được câu trả lời của địa phương là họ không đủ thẩm quyền giải
quyết”.
Khi biết Quốc hội đã thông
qua Nghị định bồi thường án oan sai, ông Căn có thêm động lực để tiếp
tục gửi đơn khiếu nại. Ông nói: “Người ta thường nói một ngày trong
tù bằng thiên thu tại ngoại, huống chi tôi chịu 10 năm tù oan thì bù
sao hết những cái đã mất! Bây giờ, tôi cũng chẳng ăn vạ gì đâu mà
chỉ mong nhờ có quyết định của Quốc hội, tôi sẽ được bù đắp phần
nào, để có điều kiện sống yên ổn tuổi già còn lại”.
Tử tù Nguyễn Văn Căn lắc đầu
khi được yêu cầu kể thêm về chế độ giam, phạt dưới mái tù XHCN lúc đó. Ông
chỉ vén ngực để lộ những vết sẹo đan nhằng nhịt do tra tấn mà không đưa ra
lời kết tội nào, nhưng thảm kịch mà chế độ gây ra đối với ông là lời kết án
mạnh mẽ nhất. Thảm kịch đó vẫn tiếp nối đến tận ngày nay khi mà các cấp chính
quyền Hà Nội luôn đùn đẩy không giải quyết bồi thường cho người tử tù oan
thế kỷ.
Kiều Minh
No comments:
Post a Comment