Bài Phỏng vấn dưới đây được chúng tôi thực hiện với
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia về Chính trị và Bang giao Quốc tế viện Đại
học George Mason nhằm giải tỏa những thắc mắc tại sao trong thời gian vừa qua
Trung Quốc đã tung ra chính sách ngoại giao “Con đường tơ lụa trên biển” và hô
hào hợp tác phát triển “cùng thắng” với các nước lân bang có tranh chấp biển
đảo với Bắc Kinh.
Cũng trong cuộc phỏng vấn sẽ được chiếu trên Đài
Truyền hình SBTN tối Thứ Sáu (8/11/2013) trong Chương trình “Những Vấn Đề Việt
Nam”, Giáo sư Hùng còn giải thích tại sao Trung Quốc phải “cải tổ sâu rộng”
trong thời gian tới và có phải Việt Nam đã “nằm gọn” trong qũy đạo của Trung
Quốc, sau chuyến thăm Hà Nội của Thủ tướng Lý Khắc Cường?
Gs. Nguyễn Mạnh Hùng (trái) và nhà báo Phạm Trần
Sau
đây là Toàn văn cuộc Phỏng vấn:
H:
Thưa Giáo sư, như ông đã biết trong tháng 10 vừa
qua, hai Lãnh tụ hàng đầu của Trung Quốc là Tổng Bí thư và Chủ tịch Nhà nước
Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường đã thăm một số nước trong vùng Đông Nam
Á và đồng thời đề nghị khối ASEAN hợp tác để “phát triển trên biển” và cùng
nhau xây dựng “Con đường tơ lụa trên biển” trong thế kỷ 21.
Ông có biết tại sao Trung Quốc lại tỏ ra tha thiết
muốn hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á vào thời gian này và đâu là lý do
khiến họ đặt trọng tâm vào việc yêu cầu khối ASEAN “hợp tác và phát triển trên
Biển Đông”?
Đ:
Đây là chiến dịch “tấn công thiện cảm” đợt 2 (second
charm offensive) của Trung Quốc theo chính sách “mềm nắn, rắn buông.” Chiến
dịch tấn công thiện cảm đợt 1 được khởi động trong những năm đầu thế kỷ nhắm
vào các nước Đông Nam Á, trùng hợp với giai đoạn George W. Bush lên cầm quyền với
chính sách ngoại giao đơn phương, áp đặt. Nó được thể hiện qua chính sách viện
trợ rộng rãi, các ưu đãi thương mại, và việc ký kết “Hiệp ước thân thiện và
thân hữu” với ASEAN song song với việc thay cụm từ “trỗi dậy hòa bình”
(peaceful rise) bằng cụm từ “phát triển hòa bình” (peaceful rise) để giải tỏa
mối lo ngại về hậu quả của sự lớn mạnh nhanh chóng của Trung Quốc.
Tình hình này thay đổi từ khi Trung Quốc công khai
công bố “Đường lưỡi bò” trên Biển Đông (2009) và dùng vũ lực để áp đặt đòi hỏi
quá đáng của mình. Chính sách này tạo ra phản ứng bất lợi từ phía Mỹ và các
nước Á châu khác khiến họ nghiêng về Mỹ và tìm cách củng cố quan hệ quốc phòng
với Mỹ. Thêm vào đó, việc can thiệp trăng trợn và gây chia rẽ trong nội bộ
ASEAN khiến tập thể này không đưa ra được thông cáo chung kết thúc hội nghị
thượng đỉnh ASEAN ở Nam Vang năm 2012 khiến các quốc gia đó cảnh giác và đoàn
kết hơn trước áp lực của Trung Quốc. Tình trạng bất lợi này là nguyên nhân dẫn
đến chiến dịch “tấn công thiện cảm” đợt 2, vớí khẩu hiệu “con đường tơ lụa” và
“hợp tác để phát triển trên biển.”
Nên nhớ chính sách này chỉ được áp dụng một cách tùy
tiện. Trong khi Trung Quốc ve vãn một số các nước Đông Nam Á thì họ lại gia
tăng áp lực đối với một số nước mà Trung Quốc cho là cứng đầu và không thể lôi
ra khỏi quỹ đạo của Mỹ, như Nhật và Phi Luật Tân. Đây là chính sách “cây gậy và
củ cà rốt” vừa ve vãn vừa răn đe các nước Đông Nam Á.
H:
Theo các Tài liệu mà tôi đọc được thì các nước trong
Hiệp hội 10 Quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là các thành viên “có tranh chấp chủ
quyền lãnh thổ ở Biển Đông với Trung Quốc “gồm Việt Nam, Phi Luật Tân, Ma Lai
Á, Brunei và Nam Dương tỏ ra “rất dè dặt” với đề nghị mới của Trung Quốc.
Theo Giáo sư thì nguyên nhân “dè dặt” của ASEAN bắt
nguồn từ đâu? Vì chưa biết bụng dạ Trung Quốc ra sao hay ASEAN cần có thời gian
để suy nghĩ?
Đ: Lãnh đạo các nước ASEAN không ngây thơ và dễ tin. Họ dè dặt vì muốn chờ
xem hành động cụ thể của Trung Quốc như thế nào. Sư dè dặt này bắt nguồn từ
kinh nghiệm của họ với những hành vi lấn lướt của Trung Quốc trong thời gian
qua, với đòi hỏi về lãnh thổ và lãnh hải quá đáng của Trung Quốc, cũng như quan
tâm của họ về ý đồ thực sự của nước này qua chương trình canh tân quân sự, gia
tăng nhanh chóng khả năng tấn công của Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự dè dặt của các nước ấy cũng khác nhau
về mức độ. Trong những nước mà ông kể thì Indonesia không có tranh chấp Biển
Đông với Trung Quốc và họ còn muốn đóng vai trò trung tâm trong vùng Ấn Độ-Thái
Bình Dương (Indo-Pacific) chứ không phải chỉ trong vùng Á châu-Thái Bình Dương.
Tương đối họ không ngại Trung Quốc trừ khi Trung Quốc làm hại đến sự đoàn kết
ASEAN và vai trò trung tâm của ASEAN (ASEAN centrality) mà Indonesia là một
thành phần chủ lực. Đối với bốn nước còn lại, tranh chấp biển đảo với Trung
Quốc của Brunei và Mã Lai Á không gay gắt bằng tranh chấp biển đảo với Trung
Quốc của Việt Nam và Phi Luật Tân cho nên sự dè dặt của hai nước sau này cũng
lớn hơn.
H: Trong Bài diễn văn đọc trước Quốc hội Nam Dương ngày 3/10 vừa rồi, Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng: “Trung Quốc và các nước ASEAN như môi
với răng, cùng gánh vác trách nhiệm giữ gìn hòa bình và ổn định của khu vực…
Chúng ta cần phải từ bỏ tư duy Chiến tranh Lạnh, tích cực đề xướng quan niệm
mới về an ninh tổng hợp, an ninh chung, an ninh hợp tác, cùng nhau giữ gìn hòa
bình và ổn định của khu vực”.
Ông thấy đề nghị này của họ Tập có “nghiêm chỉnh
không”? Ông có thấy là giới lãnh đạo mới của Trung Quốc không còn có ý đồ “bá
quyền” như thời “Diều hâu-Bá đạo” Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình không?
Đ: Bài diễn văn của ông Tập rất khéo với nhiều hứa hẹn đường mật. Mục đích
chính của nó là khuyến cáo cần tránh chiến tranh lạnh, vì chiến tranh lạnh sẽ
đưa đến thế đối đầu, liên minh quân sự, tranh vùng ảnh hưởng khiến Trung Quốc
có thể lâm vào thế bị Mỹ vây chặn với chính sách be bờ mới (containment).
Còn ý đồ bá quyền là ý đồ tự nhiên của nước lớn mạnh
nhất trong vùng, không lãnh tụ Trung Quốc nào tránh được hấp lực của nó.
Diều Hâu hay hòa bình?
H: Thưa Giáo sư Hùng, cũng trong Bài Diễn văn ấy, ông Tập Cận Bình cũng
nói:”Về một số bất đồng và tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi biển giữa
Trung Quốc và một số nước Đông Nam Á, hai bên cần phải trước sau như một kiên
trì giải quyết bằng biện pháp hòa bình, xử lý thoả đáng thông qua đối thoại
bình đẳng và hiệp thương hữu nghị, giữ gìn đại cục của quan hệ song phương và
ổn định của khu vực.”
Ông có lạc quan khi thấy ông Tập Cận Bình đã khẳng
định dùng “biện pháp hòa bình”, thay vì võ lực để giải quyết tranh chấp và như
vậy phải chăng họ Tập đã kìm chế được phe Diều hâu hiếu chiến ở Trung Quốc vẫn
hô hào sử dụng võ lực để đánh chiếm cho thật nhanh các quần đảo còn lại trên
Biển Đông, phần lớn thuộc chủ quyền của Việt Nam?
Đ: Đề nghị kể trên của ông Tập không có gì hoàn toàn mới, nó chỉ nhắc lại
lập trường và cam kết cũ. Chừng nào mà Trung Quốc chưa chính thức bãi bỏ “Đường
lưỡi bò” và tương quan lực lượng giữa Trung Quốc với các quốc gia tranh chấp
không đồng đều thì khó có thể có sự “xử lý thỏa đáng” thông qua “đối thoại bình
đẳng được.”
Nói rằng Tập Cận Bình đã củng cố được quyền lực của
mình thì đúng, còn bảo rằng ông kiểm soát được “phe Diều hâu hiếu chiến” thì
không đúng hẳn. Tôi không nghĩ rằng việc “hô hào xử dụng võ lực để đánh chiếm
thật nhanh” các đảo còn lại trên Biển Đông phản ánh lập trường của một phe có
thế lực trong Bộ Chính Trị của Trung Quốc, nhất là của phe quân đội, như nhiều
nhà bình luận suy đoán. Trong tổ chức chính trị của các đảng cộng sản nói chung
và của đảng cộng sản Trung Quốc nói riêng thì “chính trị là thống soái,” quân
đội luôn luôn phải ở dưới quyền kiểm soát của lãnh đạo chính trị. Nếu đó là áp
lực của quân đội thì tại sao Trung Quốc lại đấu dịu ở Đông Nam Á trong khi làm
găng với Nhật ở Bắc Á?
H: Thưa Giáo sư, ông là Chuyên viên về Chính trị và Ngoại giao Quốc tế tại
Đại học George Mason, ông đánh giá về “con người Hòa Bình” của Tổng Bí thư đảng
CS Trung Quốc Tập Cận Bình như thế nào sau khi nghe họ Tập nói câu này trước
Quốc hội Nam Dương ngày 3/10 vừa qua: “Trung Quốc sẽ kiên định bất di bất dịch
đi con đường phát triển hòa bình, kiên định bất di bất dịch thi hành chính sách
ngoại giao hòa bình độc lập và tự chủ, kiên định bất di bất dịch thi hành chiến
lược mở cửa cùng có lợi cùng thắng. Sự phát triển của Trung Quốc là sự lớn mạnh
của lực lượng hòa bình thế giới, là sự tăng cường cho năng lượng dương hữu
nghị, mang lại cơ hội phát triển chứ không phải là đe dọa cho châu Á và thế
giới.”?
Đ: Ở Hoa Kỳ, nếu Tổng Thống Franklin Roosevelt có thể bỏ chủ thuyết Monroe
coi Mỹ là thống soái ở Mỹ châu La tinh để thay thế nó bằng chính sách “láng
giềng thân thiện” (good neighborliness) thì người ta cũng có thể hy vọng Chủ
tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thật tâm muốn thay đổi chính sách ngoại giao của
Trung Quốc như lời ông nói.
Tuy nhiên, ta cũng nên nhớ rằng các hành động lấn
lướt, khiêu khích gần đây của Trung Quốc, như cát giây cáp của tàu Việt Nam và
khuynh đảo sự đoàn kết của ASEAN trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN năm 2012 ở
Nam Vang, đều đã xảy ra trong nhiệm kỳ của ông Tập.
Nói đến lời hứa, tôi xin nhắc đến tuyên bố chắc nịch
của Ayatollah Ali Khameini. Nhà lãnh đạo tôn giáo tối cao của Iran từng xác
quyết rằng Iran sẽ không bao giờ chế tạo bom nguyên tử vì hành động này không
những “vô ích, nguy hiểm” mà còn là một “cái tội,” không phù hợp với kinh Quran
(kinh thánh của Hồi giáo). Cho đến giờ phút này, tôi tin lời của ông Khameini
hơn lời hứa của ông Tập.
Trung Quốc cải tổ và Việt Nam
H:
Thưa Giáo sư, Hội nghị Trung ương 3 Khóa 18 của đảng
Cộng sản Trung Quốc sẽ diễn ra từ ngày 09 đến 12 tháng 11 này, theo đó một kế
họach được gọi là “cải tổ toàn diện và sâu rộng” nhất từ Cuộc cải cách 33 năm
trước dưới thời Đặng Tiểu Bình sẽ được đem ra thảo luận.
Ông đánh giá như thề nào về quyết định cải tổ lần
này và tại sao Trung Quốc lại cần phải có một cuộc “cải tổ sâu rộng” như vậy?
Đ:
Trước hội nghị trung ương 3 năm nay của đảng Cộng
Sản Trung Quốc, có nhiều tin đồn về “cải tổ toàn diện và sâu rộng” xuất phát từ
ngay những người thân cận với ông Tập Cận Bình; họ cho rằng những cải tổ trung
ương 3 khóa 18 lần này nếu không quan trọng hơn thì cũng không kém những cải tổ
do Đặng Tiểu Bình đề xuất tại trung ương 3 khóa 11.
Lý do cần có những cải tổ quan trọng vì mức độ phát
triển kinh tế của Trung Quốc bị khựng lại trước tình hình kinh tế toàn cầu
không có gì là khả quan. Cải tổ của Đặng Tiểu Bình đã đi hết chu kỳ của nó. Mô
thức phát triển cũ dựa vào xuất khẩu dùng nhân công rẻ để sản xuất hàng rập
khuôn hàng nước ngoài không hữu hiệu nữa khi giá nhân công Trung Quốc gia tăng
và khả năng tiêu thụ hàng Trung Quốc ở bên ngoài giảm. Nhiều kinh tế gia cho
rằng mô thức phát triển mới của Trung Quốc phải dựa vào tiêu thụ nội địa và vào
khả năng sáng tạo và phát minh, nhưng khó có thể khuyến khích sáng tạo trong
một môi trường chính trị kiểm soát, thông tin bưng bít. Nhu cầu cải tổ chính
trị một cách sâu rộng thì có, làm thế nào để cải tổ mà vẫn giữ được ổn định
chính trị là một thử thách lớn cho trung ương 3.
Ngay trong trung tâm quyền lực của Trung Quốc cũng
có những đề nghị cải tổ mạnh bạo. Thông Đốc Ngân Hàng Trung Ương Chu Tiểu Xuyên
hô hào cải tổ lãnh vực tài chính. Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Quốc Vụ
Viện (Hội đồng Nội các) đề nghị giảm đặc quyền kinh tế của các xí nghiệp quốc
doanh, cho nông dân quyền mua bán ruộng đất, và cho chính quyền địa phương rộng
quyền hơn trong việc thu thuế và sử dụng thuế. Những cải tổ này không những chỉ
đụng chạm đến tín điều căn bản của Xã hội Chủ nghĩa mà còn đụng chạm đến đặc
quyền đặc lợi của nhiều người trong giới lãnh đạo Trung Quốc. Đó là những quyết
định nhức nhối mà trung ương 8 của đảng Cộng sản Trung quốc phải cứu xét và
chọn lựa.
H: Sau cùng, xin Giáo sư bình luận về Thỏa hiệp mới về “hợp tác trên biển”
giữa Việt nam và Trung Quốc vừa công bố trong Tuyên bố chung tại Hà Nội ngày
15/10/2013, tiếp theo sau chuyến thăm 2 ngày của Thủ tướng Lý Khắc Cường. Tôi
muốn hỏi ông rằng, có phải thỏa hiệp Hà Nội đã đáp lại mong muốn của Bắc Kinh
như những gì hai ông Tập Cận Bình và Lý Khắc Cường đã nói trong các chuyến du
hành Đông Nam Á của họ trong 2 tuần lễ đầu tháng 10 vừa qua?
Đ: Lần trước ông (Chủ tịch Nhà nước) Trương Tấn Sang đi Trung Quốc
(19/06/2013) để ký kết “Chương trình hành động giữa Chính phủ Việt Nam và Chính
phủ Trung Quốc về việc triển khai quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện
Việt Nam-Trung Quốc.” Lần này ông Cường thăm Việt Nam, ký tuyên bố chung làm
“sâu sắc thêm hợp tác chiến lược toàn diện” giữa hai nước. Về ngôn từ thì vẫn
“16 chữ vàng, 4 tốt, hợp tác cùng phát triển, để ý đến đại cục, xử lý thỏa đáng
các vấn đề tồn tại, dễ trước khó sau…” Về bản chất thì những cam kết này chỉ
nhằm xây dựng quan hệ chằng chịt giữa hai nước và hai đảng về mọi phương diện,
mọi cấp bậc, qua cả những dự án xây cất đường xá và phương tiện giao thông nối
liền hai nước và chương trình nối kết thế hệ thanh niên hai nước, khiến Việt
Nam khó thoát khỏi quỹ đạo của Trung Quốc không những bây giờ mà còn trong
tương lai
Riêng vấn đề “hợp tác cùng phát triển trên biển,”
tuyên bố chung chỉ đưa ra những nguyên tắc đàm phán. Cụ thể là cam kết “kiểm
soát tốt những bất đồng trên biển, không có hành động phức tạp, mở rộng tranh
chấp” và tìm kiếm các “biện pháp có hậu quả để kiểm soát tranh chấp.” Đó chỉ là
những lời hứa. Mà lời hứa thì không mất tiền mua. -/-
(6/11/2013)
No comments:
Post a Comment