Thursday 21 November 2013

TỪ MIẾNG THỊT BÒ CHẾT NGHĨ VỀ 30 NGÀN TỶ GIẢI CỨU BẤT ĐỘNG SẢN (Thanh Nhã - Một Thế Giới Online)




Thanh Nhã 
Đăng Bởi Một Thế Giới - 05:00 21-11-2013

Những ngày này, các xóm làng ở huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quãng Ngãi gần như nhà nào cũng ăn thịt bò. Cái thứ thịt đỏ tươi, xa xỉ so với thu nhập của bà con, tưởng như chỉ có ngày hội làng, ngày vui dòng họ mới dám ăn thì giờ đây trở thành điều nghiệt ngã đến rơi nước mắt.

Bà con ăn những con bò, con trâu bị chết do lũ. Bà con nuốt nỗi uất nghẹn vào tâm can bởi chồng chất trên đầu miếng ngon là món nợ ngân hàng lủng lẳng. Những hình ảnh gia súc bắt đầu trương phình, ộc máu tức tưởi do đồng nghiệp gửi về, khiến ai còn lương tri, còn nghĩa đồng bào quặn từng thớ ruột.

Trời ạ, một cái hóa đơn điện, hóa đơn nước chưa thanh toán còn được gửi thông báo đến ba lần mới cắt. Vậy mà xả nước các hồ thủy điện, người ta không nói một tiếng nào. Tưởng như đã là dân nghèo thì phải cam chịu vậy. Làm sao ở một thời đại văn minh như thế này, vẫn còn điều trớ trêu, dân được (hay bị) ăn thịt bò từ sự vô cảm đến lạnh lùng của những ai đang có chức vụ quản lí ngành thủy điện?

Một con bò trị giá đến 20 triệu đồng. Toàn huyện Nghĩa Hành có đến 1000 con bị chết do lũ. Nhẩm tính sơ sơ, thiệt hại này đã lên đến 20 tỷ đồng. Vậy mà vẫn chưa thấy ai lên tiếng chịu trách nhiệm.

Pháp luật đặt ra các quan hệ, các chế tài đối với một bên gây thiệt hại và bên bị thiệt hại để căn cứ tính bồi thường. Nhưng, pháp luật cũng buộc người nông dân phải chứng minh thiệt hại của mình do hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, tổ chức.

Người ta nói, nếu không xả hồ thì nguy cơ vỡ đập sẽ nguy hiểm hơn như một cái cớ thoái thác trách nhiệm. Và, nỗi đau khổ lại tiếp tục đổ lên đầu người nông dân tội nghiệp. Việc xả nước được xem là đương nhiên không vi phạm pháp luật. Ở đâu ra cái lí lẽ vô lí đến vô hậu đó?

Hầu như ai xem chương trình “Lục lạc vàng” do một đài truyền hình tổ chức, đều nhận thấy rằng, một con bò được tặng cho một người nông dân nghèo là gần như cả dòng họ ấy vỡ òa, vui sướng. Con bò từ ngàn năm nay, nó không đơn thuần là vật nuôi mà đó là tài sản. Mà đã là tài sản thì người ta phải cố vớt vét phần thiệt hại đến mức giảm thiểu tối đa.

Đó là lí do, người dân vùng Nghĩa Hành phải bán tống bán tháo thịt bò chết. Có bất kì ai còn trái tim để xót đau với cái ngồi bó gối, đôi mắt thẫn thờ trước đàn ruồi vo ve trên miếng thịt con-vật-tài-sản của người nông dân?

Ngày 19.11, UBND tỉnh Quãng Ngãi thông qua Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, xin trung ương hỗ trợ 350 tỷ đồng, 2000 tấn gạo cùng một số vật dụng, thuốc men khác. Theo một chuyên gia, đã đến lúc các địa phương miền trung nên có quỹ dự phòng của riêng mình chỉ để đáp ứng cứu trợ khẩn cấp trong lũ trước khi trung ương.

Tiền từ trung ương, suy cho cùng cũng là từ tiền thuế của dân nộp về. Mấy năm qua, kinh tế khó khăn, vật chất tăng cao, người dân ai cũng có sự chật vật của riêng mình, gồng thêm nỗi lo cho đồng bào thì e rằng còn rất nhiều tâm tư.

Nghĩ đến miếng thịt bò chát đắng sau cơn lũ dữ, liên tưởng đến gói 30 ngàn tỷ giải cứu bất động sản lại thêm quặn lòng.

Thanh Nhã

Ảnh: Hình ảnh này đủ làm cho những ai chỉ đạo xả hồ thủy điện quặn lòng chưa?




No comments:

Post a Comment

View My Stats