Sunday 10 November 2013

TRÔNG ĐỢI GÌ TỪ CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA TỔNG THỐNG PUTIN ? (GS Carl Thayer / Việt Hà - RFA)




Việt Hà, phóng viên RFA
2013-11-08

Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ đến thăm Việt Nam vào tuần tới với mục đích thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ trong nhiều mặt giữa hai nước. Nhân dịp này, Việt Hà có bài phỏng vấn Giáo sư Carl Thayer, thuộc công ty tư vấn Carl Thayer, chuyên gia về châu Á, về chuyến đi này và quan hệ Nga Việt Nam.

Gây sức ép VN gia nhập Customs Union

Trước hết nói về những trông đợi từ chuyến thăm sắp tới của ông Putin, Giáo sư Carl Thayer nhận định:

GS. Carl Thayer: Đây là một phần trong một loạt các chuyến thăm cấp cao gần đây giữa hai nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sang thăm Nga vào tháng 5 năm nay.Tôi nghĩ là Putin sẽ gây sức ép lên Việt Nam để mở cửa một loạt các khu vực hiện đang gây khó khăn về mặt pháp lý cho đầu tư từ Nga. Và cũng bởi vì cuối cùng thì Việt Nam sẽ phải trả tiền cho các vũ khí quân sự mua từ Nga, và cho khoản vay mà Nga cung cấp cho nhà máy điện hạt nhân, nên theo tôi thì cái lớn hơn là Nga sẽ gây sức ép với Việt Nam để gia nhập Customs Union với Nga và Kazakhstan và Belarus và diễn đàn kinh tế Eurasia để Việt Nam tham gia một cách tích cực hơn về kinh tế vào khối mà Nga là chủ đạo. Bên cạnh đó cũng sẽ có một loạt các doanh nhân Nga đi cùng với ông Putin lần này và sẽ có một loạt các thỏa thuận và ghi nhớ được ký kết giữa hai nước.

Việt Hà: Nga cũng đang chuẩn bị cho các cơ sở sửa chữa tại vịnh Cam Ranh, theo ông liệu đây có thể coi là một dạng căn cứ quân sự nào đó của Nga đặt tại Cam Ranh?
GS. Carl Thayer: Cam ranh đang là một vấn đề nóng hiện nay, căn cứ theo những trao đổi mà tôi có được từ Việt Nam. Việc mua tầm ngầm Kilo đã ràng buộc Nga và Việt Nam trong nhiều thập kỷ bởi vì chúng ta không thể mua tàu ngầm kilo như mua một chiếc xe hơi và lái về nhà. Sẽ có một lượng lớn các nhân sự người Nga được đặt tại Cam Ranh để bảo trì các tàu ngầm này. Có thể là các chuyên gia này sẽ ở lại trong nhiều năm cho đến khi Việt Nam đủ khả năng để vận hành các tàu ngầm này. Người Nga sẽ kiếm được tiền. Cảng Cam Ranh được phát triển với các cơ sở về dân sự, hàng hóa và quân sự. Nga sẽ cố gắng giành được quyền tiếp cận toàn bộ đối với các cơ sở tại đây không phải chỉ là để giúp Việt Nam mà còn để các tàu của họ có thể ghé đây trong các chuyến đi chống cướp biển ở vinh Aden, hoặc để đẩy mạnh hơn nữa vai trò của Nga tại châu Á Thái Bình Dương. Họ cũng gây sức ép để Việt Nam xây dựng khách sạn 5 sao cho người Nga. Nga bán tàu ngầm cho Việt Nam và họ cần tiền từ Việt Nam, cho nên Việt Nam bị sức ép phải cố gắng đáp ứng các yêu cầu của Nga tại Cam Ranh.

Việt Hà: Vậy Việt Nam làm thế nào để cân bằng các quan hệ với các nước khác ví dụ như Mỹ và Trung Quốc?
GS. Carl Thayer: Chúng ta phải nhìn lại một năm trước đó khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta đến thăm Cam Ranh và nghĩ liệu Mỹ có thể quay lại Cam Ranh nhưng sau đó ông được nghe Bộ trưởng Phùng Quang Thanh trả lời là Việt Nam có chính sách 3 không, đó là không có căn cứ quân sự, không liên kết đồng minh với nước nào và không kết hợp với bất kỳ các nước để chống lại nước khác.
Nhưng giới chức Việt Nam có thể nói là quan hệ giữa Việt Nam với Nga là đối tác chiến lược toàn diện nên có khác và đặc biệt, cho nên Nga có quyền tiếp cận đặc biệt với Cam Ranh. Tôi nghi ngờ là những nước như Mỹ có gây sức ép để đòi công bằng nếu họ có thể làm vậy nhưng ở đây chúng ta nói các cơ sở bảo hành sửa chữa quân sự ở đây. Và Mỹ sẽ có thể thảo luận về thỏa thuận bảo hành sửa chữa chéo. Theo luật của Mỹ thì một loạt các điều kiện cần phải được đáp ứng và Việt Nam cũng có những điều kiện của mình. Việt Nam không phải là đồng minh của Mỹ, nên hiện không trợ giúp các hoạt động quân sự của Mỹ, và không cho phép đặt các thiết bị của Mỹ tại Việt Nam để dùng cho các trường hợp khẩn cấp trong khu vực. Cho nên đó là một đoạn đường đi dài. Nhưng Hoa kỳ có thể tận dụng các cơ sở sửa chữa thương mại và các tàu của Mỹ có thể đỗ tại cảng Đà Nẵng. Sự có mặt của Nga ở đây có thể làm Trung Quốc lo ngại chút ít và một số các quốc gia châu Á có thể thắc mắc không biết Việt Nam đang làm gì vì Việt Nam là thành viên của ASEAN. Hiện tại thì Nga chưa có khả năng toàn bộ để đóng vai trò như một người chơi chính trong khu vực này. Tổng thống Nga không dự thượng đỉnh Đông Á, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng không dự hội nghị các Bộ trưởng quốc phòng ASEAN cộng.

Tiềm năng và thách thức

Việt Hà: Theo ông những tiềm năng và thách thức trong quan hệ giữa hai nước thời gian tới là gì?
GS. Carl Thayer: Vấn đề chính là thương mại hai chiều chỉ đạt 2,7 tỷ đô la là nhỏ và mối quan hệ kinh tế hai nước đã đạt đúng tiềm năng. Nga đang xem xét tham gia cùng với công ty của Thái để đầu tư vào dự án lọc dầu có thể coi là lớn nhất châu Á ở tỉnh Bình Định. Nga cung cấp tín dụng cho Việt Nam trong việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Cho nên cái lớn hơn của Nga ở đây là làm ra càng nhiều tiền từ Việt Nam càng tốt và tạo lợi thế ở Việt Nam để đảm bảo có thể nhận được phần hoàn trả từ Việt Nam.

Việt Hà: Chuyến thăm lần này của ông Putin có ý nghĩa thế nào với hai nước?
GS. Carl Thayer: Putin đã từng bày tỏ mong muốn Nga sẽ đóng vai trò quan trọng hơn tại khu vực châu Á Thái Bình Dương. Một vài người có thể nói là với những thù nghịch hướng về phía Mỹ, ông Putin sẽ muốn trở thành một bên quan trọng trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc để cân bằng với Mỹ. Và chúng ta sẽ thấy đây là một tình huống không có ai thua bởi vì nó giúp làm giảm căng thẳng giữa Trung Quốc và Việt Nam, trong khi cả hai nước đều đang lệ thuộc vào Nga, Việt Nam có hơn một đôi chút, về mặt vũ khí, và cả hai đều hoan nghênh một cường quốc là thành viên của UN đứng về phía mình để đối lại với việc chuyển trục chiến lược của Mỹ. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ là nước cảm thấy khó khăn nhất trong ba nước đối với sự sắp xếp này.
Ông Putin cũng đã bày tỏ mong muốn trở lại châu Á hơn một năm qua, nhưng cho đến giờ đó mới chỉ là lới nói nhiều hơn hành động. Trước Việt Nam, Putin đã thăm Trung Quốc và sau đó là Nam Hàn, chúng ta đang thấy là họ đang cố gắng tạo dựng lại ảnh hưởng của mình và tạo cơ sở cho vai trò lớn hơn của nga tại đây trong tương lai. Nhưng liệu họ có kiếm được thêm tiền và giữ được cam kết hay không thì chúng ta còn phải chờ xem.

Việt Hà: Xin cảm ơn ông đã dành cho chúng tôi buổi phỏng vấn.


No comments:

Post a Comment

View My Stats