Từ
1975, hơn 3 triệu người Việt Tỵ Nạn định cư và sinh sống tại hải ngoại, trên
khắp thế giới tự do, đều chia sẻ cùng một thân phận khắc nghiệt, trầm bổng, hồi
sinh. Đa số đã mất tất cả — tài sản, nhà cửa, địa
vị, danh dự, hạnh phúc, liên hệ gia đình, ân tình làng xóm… để bơ vơ nơi đất
khách quê người và tại đó cố gắng tạo dựng lại từ đầu một đời sống mới, nhiều
thách thức trở ngại, nhiều thương đau, đổ vỡ: chính khách mất chính thể; sĩ
tướng mất quân quyền; chủ nhân ông trắng tay, đổi đời; chuyên viên giải nghiệp;
trí thức mất thế; gia đình, tập thể, cộng đồng lo âu tái lập truyền thống, lý
tưởng, tình người.
Có một điều họ không mất, đó là niềm tin
vào thực lực tồn tại của họ, vào lẽ sống trong
thế hội nhập của ba khả năng chọn lựa:
1. Tồn giữ Nhân phẩm, Chia sẻ Giá Trị Việt Tính;
2. Yêu Chuộng Tự do, Công Lý, Dân Chủ chân chính;
3. Gắn bó Đại Nghĩa với Chí Nhân.
Các đặc tính và khả năng trên thụ hình ít hay nhiều,
tùy thuộc vào từng hoàn cảnh cá biệt, đa dạng, nhưng hiển nhiên đều là những
thành tích tiếp nối tới ngày nay, sau gần 40 năm phấn đấu.
I.
Thực Lực Tồn Giữ Nhân Phẩm, Chia Sẻ Giá Trị Việt Tính
Người Việt Tỵ Nạn bỏ nước ra đi vì họ quyết tâm
khước từ thân phận tù đày, vô nhân cách. Họ từng bị “điều kiện hoá”, nhồi sọ;
hạ nhục thành loài vật, thành dụng cụ khai thác đoản kỳ; thành kẻ tiêu thụ hạ
cấp, lỗi thời, ươn hèn, vô thức.
Họ quyết tâm thoát ly cảnh tù túng, đày đoạ, bất
nhân, bất nghịa trong nước là vì họ còn đủ nghị lực kiên trì bảo trọng giá trị
làm người tử tế, tự trọng, biết nhận, biết hưởng và biết cho lại.
Phẩm giá làm người chân chính đó có tính cách
bẩm sinh, bất khả tước đoạt, mà con người chỉ từ bỏ khi lìa đời. Nhân
phẩm và lòng tự trọng không cho phép mình hạ thấp, quỵ lụy hơn những gì cần
thiết; không cho phép con người sống còn trong nhục nhã, sợ hãi, hèn mọn.
Con giun xéo lắm cũng quằn, huống chi là con người?
Do đó, quyết tâm ra khỏi địa ngục CSVN là vì con
người chưa vô cảm, còn biết quằn quại, vùng vẫy, đứng dậy và chạy thoát cảnh nô
lệ, thoái hoá và thú hoá vậy.
Ngoài ra, khả năng “vượt thoát” ra khỏi bế tắc, sa
lầy và sai lầm cũng như khả năng “vượt thắng” đều chiết tự ngay từ “Việt
tính”, mà ông cha chúng ta ra công gắn liền với “siêu việt”, vì “Việt” (越, bính âm: yuè) là một từ gốc
Hán-Việt có nghĩa là “vượt qua”. Hy sinh của người Việt Tỵ Nạn Cộng
Sản dám liều lĩnh thách đố cái chết trăm hình vạn trạng để đổi lấy hy vọng sống
thực, sống trọn vẹn có đáng gọi là hành động “siêu việt”, vượt bực hay
không?
Người Việt còn lại trong nước chưa “vượt ngục” CSVN,
không hẳn vì hèn nhát, thiếu can đảm, mà chỉ vì họ chưa hồi hướng đúng mức,
đúng độ, hay chưa gặp đúng thời, đúng cuộc. Người dân trong nước sẽ tụ tập đứng
lên khởi nghĩa khi vỡ lẽ CSVN chỉ là quân bịp bợm, phá hoại, bất tài, vô
luân; khi toàn dân thấy rõ xã hội họ đang sống chỉ là “nhà tù tập thể” không
còn tầm vóc và mánh khoé bao vây, kìm hãm, doạ nạt họ được nữa.
II.
Thực Lực của Người Việt Yêu Chuộng Tự Do Dân Chủ Chân Chính
Bên cạnh một thiểu số nạn nhân bị thời cuộc rày vò
điêu đứng, bị phá hủy nhân vị đến kiết sức phân tâm, nên không sao hội nhập
toàn vẹn cuộc sống phấn khởi, rộng lượng hài hoà nơi đất khách quê người, thì
may mắn hơn, đa số người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản trên thế giới tự do đã biết hoàn
chỉnh, cải sinh đời sống và thân phận mình từng bị CSVN ngược đãi, hủy hoại.
Sau gần 40 năm gắn bó với nếp sống đáng sống, đa số
người Việt Tỵ Nạn và nhất là hậu duệ, con cháu họ đều ý thức rõ rệt phạm vi
định chế nhân quyền, dân quyền và trách nhiệm công dân là một thoả ước xã hội
chính trực, kết sinh đa thể, linh động và hiển nhiên, luôn luôn cần bảo trọng,
tu bổ cho thêm vẹn toàn, siêu thoát.
Sức mạnh của người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản chỉ
hội đủ khi đa số
- thực thi dân chủ chân chính, pháp trị, hài hoà, tử tế, nhân đạo;
- tôn trọng tự do và nhân phẩm của chính mình và tha nhân;
- ý thức về quyền sở hữu, quyền hành chính trị và trách nhiệm công dân.
Như vậy, người Việt Quốc Gia chúng ta cần thi hành
và bảo trọng đúng mức tôn chỉ dân chủ tự do, chứ không thể ỷ lại vào “căn cước”
vừa được cung cấp để làm ngược lại. Đó là trường hợp của một thiểu số cá
nhân cố vị, bị lây thói võ đoán hàm hồ, thường khôi phục thủ đoạn võ đoán, mánh
mung, bằng cách chụp mũ, chửi-rủa, phá phách bất cứ ai không vừa ý họ, thì chắc
chắn họ không thể “thắng cuộc”, vì không sao sánh kịp ma phiệt CSVN…nổi tiếng
về các thủ đoạn rừng rú, hèn mọn; ném đá giấu tay, phun máu hại người.
Nếu giả thử tất cả người Việt Tỵ Nạn chúng ta tiếp
tục long đong, sai quấy, thiệt thòi, thất thế, thất thểu, thì con cái họ và
người dân trong nước lấy gì để trông mong, nhờ vả, noi theo?
May thay, người Việt Tỵ Nạn đi trước đã từng vượt
thoát và thành công chính trực, thì những đợt tỵ nạn sau này cũng có bề vượt
thoát và thành tựu như chúng ta mong muốn. Đó là trách nhiệm quy tụ, bao
bọc bằng nghĩa cử dấn thân gương mẫu, bằng thực hành đối chiếu.
Chúng ta hãy cố hành động đúng nhân cách của người
Việt tự do, tự trọng đề thẳng tiến và đem lại hy vọng cho hậu duệ, cho người
“đi” sau. Chúng ta không thể tự hủy bằng cách đi ngược đường hay dùng ngõ
tắt thủ lợi sáo mòn, thường bị gài bẫy chia rẽ, ám hại, do địch để lại, như
theo “nghị quyết 36” chẳng hạn.[1]
III. Đại Nghĩa & Chí Nhân
III. Đại Nghĩa & Chí Nhân
Thế lực của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản là khả năng
dấn thân theo đại nghĩa, đại cuộc: biết cưu mang lẽ phải, bảo trọng công lý;
trợ lực nghĩa sống và phúc lợi nhân loại. Đó là cách ứng dụng “chính nghĩa siêu
việt” của Ông Cha chúng ta vào đời sống hiện đại:
Đem đại nghĩa để thắng hung tàn,
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Lấy chí nhân để thay cường bạo.
Nguyễn Trãi, “Bình Ngô đại cáo”[2]
Đem
Đại Nghĩa Để Thắng Hung Tàn
Đại Nghĩa là Lẽ Sống Chính Đáng, Toàn Diện; là Trào
lực Chỉ đạo lấy phẩm giá con người làm trọng tâm cho mọi sinh hoạt hiện
hữu. Do đó, luật pháp công minh và công lý đạo đức phải căn cứ vào nhân
phẩm để định chế hoá và hướng dẫn đời sống toàn vẹn.
Phẩm giá làm người chân chính có tính cách bẩm sinh,
bất khả tước đoạt. Nhân phẩm phải được kết tạo bằng nguồn gốc nhân sinh, chủng
tộc, truyền thống văn hoá của một dân tộc; bằng kích thước và vị trí địa-chính
của một lãnh thổ; bằng tầm vóc môi sinh và dưỡng khí bao bọc liên hệ.
Nhân phẩm đòi hỏi một hiện tượng tổng hợp, mà bất cứ
kết tố nào khiếm khuyết đều làm nhân phẩm chao đảo, thất tung, bất toàn.
Do đó, con người sẽ mất nhân phẩm khi phải sống cảnh
nô lệ, đói khát, bệnh hoạn, ngu xuẩn, tù đày, đe doạ, khinh miệt, kỳ thị, bóc
lột, lợi dụng, quên lãng. Như toàn dân đang sống lây lất dưới ách cộng
sản Việt Nam [trừ thiểu số đại gia, băng đảng của chúng].
Hiển nhiên công dân mất nhân phẩm khi đất nước họ bị
ngoại bang xâm lấn; khi lãnh thổ họ bị tháo ranh, cắt đất; khi lãnh hải, hải
đảo, núi rừng, nguồn lợi thiên nhiên bị tài phiệt đại gia tham ô trục lợi, bị
ngoại nhân bất chính cưỡng đoạt, phá hủy; khi dân oan thấy mình thất lạc, hắt
hủi ngay nơi chôn nhau cắt rốn, ngay nơi thờ phụng tổ tiên.
Công dân cũng bị tước đoạt nhân phẩm khi tiếng mẹ đẻ
thuần túy mỗi lúc trở nên pha tạp, hổ lốn, ngọng ngịu, sai lạc, bôi bác, sa
đoạ.
Vậy “Đại Nghĩa”, song song với công minh chính đại,
đòi hỏi
1. người
Việt Tỵ Nạn và người chiến sĩ tự do phải dứt khoát “Chống Cộng”
- không chỉ để “chống đỡ, chống cự, phòng thủ, tự vệ” một cách tiêu cực, yếu thế;
- mà thực sự để vạch rõ làn ranh giữa chính nghĩa nhân bản và ý thức hệ của tội ác;
- để sáng suốt thu thập tài liệu vạch trần hành động và thủ đoạn của kể hung tàn diệt chủng; bá quyền, bá đạo, vô nhân, thất đức;
- để xác định lập trường cảnh tỉnh, minh mẫn trong việc chuẩn bị đối phó và ngăn ngừa kẻ trọng tội tái phạm. Ngăn ngừa đã là thực hiện nửa đường của điều trị.
2. người Việt Tỵ Nạn và người chiến sĩ
tự do phải dứt khoát “Diệt Cộng”
- không bằng thế quân sự, vì lúc này chiến tranh ở ngoài tầm tay “bất bạo động” của người Việt Tỵ Nạn và người chiến sĩ tự do; hơn nữa, quân sự chỉ là giải pháp ngoại vi, cục diện, tạm bợ, không thể giải quyết toàn thể quốc nạn, tai ương nhân tạo dưới ách cộng sản;
- cũng không áp dụng chính sách hung tàn để trả đũa trừng phạt, khai trừ, thủ tiêu con người cộng sản, khi họ chỉ là những thành phần mù quáng, lỗi thời, bất tài, bệnh hoạn;
- mà thực sự để “khử trùng cộng sản”; để điều trị, tảy trừ tận gốc căn bệnh cộng sản hiểm nghèo, ngu xuẩn, điên cuồng bằng cách [a] nâng cao dân trí, [b] phát triển đời sống vật chất và tinh thần của người dân, [c] bảo trọng công lý thượng tôn luật pháp, v.v.
- “Diệt Cộng” vắn tắt là nỗ lực trừ ác tính để trọng sinh, khi dõng dạc, công minh bảo đảm quyền lợi và phẩm giá toàn diện của người dân, tại học đường; trong xã hội mở rộng; tại thương trường; nơi công quyền, pháp quyền, chính quyền; dưới mọi hình thức chọn lựa tín ngưỡng, phát biểu tư tưởng sáng tạo, bảo trọng môi sinh, đời sống căn bản.
Lấy
Chí Nhân Để Thay Cường Bạo
Nhưng “Đại Nghĩa” tức lẽ sống chân chính đó phải
được thực hiện và bảo trọng một cách ôn hoà, nhân từ, bác ái. Quyền sống phải
được thực hiện đúng mức và bảo vệ đúng nghĩa. Công bằng, đạo đức, trách nhiệm.
Trong quan niệm “Chí Nhân”, nhân từ là căn
bản. Khi nhân từ được tôn trọng và thực hiện ở mức cao đẹp, thì mẫu mực
nhân từ trở thành chí nhân, ở mức độ toàn hảo, cao vượt. Do đó:
- người chiến sĩ tự do phải luôn luôn tố cáo, khai trừ mọi vi phạm nhân quyền;[3] đồng thời cổ võ các biện pháp ôn hoà “phục hồi công lý”; ứng dụng pháp lý công bình[4] thay vì công lý trừng phạt, trả thù.[5]
- người chiến sĩ tự do chủ trương hoàn trả, bồi thường, bù đắp tương xứng mọi thiệt hại trong quá khứ giao tranh; mặt khác chỉ trừng phạt những trọng tội, sai phạm quá đáng như tàn bạo, lạm quyền, tham nhũng bất chính; còn các tội danh khác đều được hưởng miễn trách[6] hay ân xá [7] nếu nghi can chỉ thi hành nhiệm vụ giao phó. Điều này không có gì khó hiểu, vì trước đây, chính thể Việt Nam Cộng Hoà đã từng áp dụng chính sách “chiêu hồi”. Dù sao, chính sách “Chí Nhân” không nhằm phục vụ mục tiêu chính trị của “chiêu hồi”, mà thực sự nhằm chấn hưng đạo đức; tái phục nhân phẩm; cải thiện nhân tính công dân.
Với quyết tâm đem đại nghĩa để thắng
hung tàn cộng phỉ, lấy chí nhân để thay tận gốc căn bệnh cộng sản, người
Việt Tỵ Nạn Cộng Sản và người chiến sĩ tự do đã rõ rệt “vượt cộng” hay
vượt thắng CSVN khi dồn sức tạo dựng một nhân sinh quan trong
sáng, phồn thịnh, tử tế, khả trọng.
ĐỂ
TẠM KẾT:
Thắng lợi là điều hay nếu chúng ta không đánh mất
liêm khiết trong lúc thi hành.[8] Vậy, muốn có thế lực đối phó với chính
mình, với đối tác và đối thủ, và muốn thực sự “thắng cuộc” một cách chân chính,
nhân hậu, người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản cần
- có can đảm đối mặt với sự thật, để bổ túc lẽ phải hay kịp thời sửa sai;
- sống ngay thẳng, làm điều tốt lành, vì như thế sẽ giúp chúng ta sống một cách chính trực, làm gương mẫu cho hậu duệ và đồng bào trong nước;
- chủ trương công minh, bất bạo động vì cách đó sẽ đưa tới trình độ đạo đức cao nhất, vốn là cứu cánh của mọi tiến hoá;
- thương xót tất cả những gì thuộc về đời sống, vì đạo đức không khác gì hơn là sự kính cẩn đời sống.[9]
Phẩm chất của người Việt Tỵ Nạn Cộng Sản, của người
chiến sĩ tự do còn lại sau khi gạt bỏ mọi hư danh, ảo tưởng; mọi mánh mung,
thiển cận; mọi mặc cảm tự hủy. Thực lực của họ chỉ đáng kể khi đo
lường bằng kinh nghiệm sống chính trực, can đảm; bằng trí tuệ và viễn
kiến trong giai đoạn liên kết phục hồi sự vẹn toàn cho đất nước; an
sinh, phúc lợi và phẩm giá cho toàn dân.
Trân trọng,
TS-LS
Lưu Nguyễn Đạt
No comments:
Post a Comment