Wednesday, 27 November 2013

TẠI SAO VÙNG PHÒNG KHÔNG TRUNG QUỐC GÂY RỦI RO ? (BBC)



Cập nhật: 11:29 GMT - thứ tư, 27 tháng 11, 2013

Việc Trung Quốc lập ra vùng phòng không chồng lấn lên vùng mà Nhật Bản cũng tuyên bố chủ quyền là một tuyên bố mạnh mẽ, cây viết Alexander Neill của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế nhận định, và là điều có thể gây ra rủi ro dẫn tới những tính toán sai lầm và căng thẳng leo thang trong khu vực.

Sự thiết lập vùng nhận dạng phòng (ADIZ) cho thấy quyết tâm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc của Chủ tịch Tập Cận Bình.
Đây là hành động leo thang quân sự mạnh nhất kể từ khi ông trở thành lãnh đạo chính trị và cũng là lãnh đạo quân đội Trung Quốc cách đây một năm.
Tuy nhiên giới lãnh đạo Trung Quốc sẽ phản bác lại bất kỳ chỉ trích nào và chỉ ra rằng Nhật Bản cũng có ADIZ chồng lấn lên vùng lãnh thổ Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Do thiếu sự minh bạch về chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc, các chuyên gia thường dựa vào việc nghiên cứu các tín hiệu chiến lược của Giải phóng Quân Nhân dân và việc thiết lập ADIZ là tín hiệu mạnh mẽ từ giới lãnh đạo quân đội.
Việc áp đặt ADIZ làm người ta nhớ tới đợt bao vây Đài Loan bằng tên lửa của Giải phóng Quân Nhân dân hồi năm 1996 khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân ra lệnh đơn phương thiết lập không phận và hải phận miễn vào trong thời gian diễn ra một loạt các cuộc thử tên lửa ở mạn bắc và nam Đài Loan.
Tuyên bố ADIZ xác nhận rằng Điếu Ngư/Senkaku là "lợi ích cốt lõi" đối với Trung Quốc. Nó cũng đặt quần đảo này ngang tầm Biển Đông và Đài Loan.
Sách trắng quốc phòng của Trung Quốc ra hồi tháng Tư cho thấy một số dấu hiệu rõ ràng về những hành động gần đây của Giải phóng Quân Nhân dân.
Japan bị coi là "gây rối" tại vùng đảo tranh cãi trong khi chính sách xoay trục sang châu Á tạo căng thẳng trong vùng, theo sách trắng.

Bản đồ vùng nhận dạng phòng không

Trong thập niên qua, chủ nghĩa dân tộc mị dân ở Trung Quốc đã được thổi lên bởi sự tuyên truyền chính thức về chuyện phương Tây đã làm mất mặt Trung Quốc.
Nhưng tinh thần dân tộc ấy đã bị việc tuân theo phương châm 'Thao quang - Dưỡng hối', hay 'Ẩn mình - Chờ thời' của Đặng Tiểu Bình chế ngự.
Tuy nhiên, những cách thể hiện sức mạnh quân sự của Trung Quốc gần đây cho thấy ông Tập Cận Bình có thể đã sẵn sàng bỏ qua phương châm này.
Tư cách một nền kinh tế lớn vững chắc với quân đội ngày càng hùng mạnh khiến cho việc tuyên truyền về sự tủi hổ của Trung Quốc dưới bàn tay phương Tây ít ý nghĩa trong khi tinh thần dân tộc đang lên cao.
Sự khoa trương sức mạnh quân sự của Trung Quốc thường phản ánh tâm lý người dân và cũng là một dạng xoa dịu dân chúng.
Động thái mới nhất diễn ra trong lúc căng thẳng quân sự trong khu vực đang lên cao.

Hồi tháng 1/2013, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tố cáo Hải quân Trung Quốc hướng radar nhắm bắn vào tàu hải quân Nhật Bản cách đảo tranh chấp không xa.
Trung Quốc mạnh mẽ bác bỏ cáo buộc này.
Giờ đây ADIZ là cách tốt nhất để Trung Quốc ở vào thế áp đảo trong leo thang quân sự trong khi lại không có sự hiện diện quân sự thường trực tại Senkaku.
Vạch đỏ lớn nhất đối với Trung Quốc là khả năng Nhật Bản lập các vị trí có nhân sự trên đảo, vốn có thể dẫn tới sự thù nghịch leo thang.
Cho tới nay cả hai nước đã tránh những hành động như vậy, nhưng gần đây Trung Quốc cũng cho những máy bay không người lái bay gần vùng đảo tranh chấp khiến Nhật Bản phái máy bay chiến đấu lên.

Giám sát của Hoa Kỳ

Một diễn tiến gần đây khác là sự ra đời của máy bay tàng hình không người lái đầu tiên của Trung Quốc, vốn diễn ra ít lâu sau khi máy bay chiến đấu tàng hình J-31 xuất hiện.
Tất cả các hệ thống vũ khí này hiện vẫn còn ở giai đoạn phát triển nhưng chúng cho thấy sự thành công trong hiện đại hóa quân đội Trung Quốc trong một thập niên qua.
Và trong khi Trung Quốc còn lâu mới có thể trở thành siêu cường quân sự toàn cầu, các chuyên gia quốc phòng Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc có thể tập trung khả năng quân sự đáng nể tại sân sau của họ.

Một số chuyên gia còn cho rằng Trung Quốc có thể sánh ngang với Hoa Kỳ về mặt năng lực ở một số lĩnh vực nhất định trong khu vực.
Quan trọng hơn cả, ADIZ tượng trưng cho sự tức giận thường trực của Trung Quốc khi quân đội Hoa Kỳ thường xuyên có những chuyến bay do thám và tình báo trên vùng biển và không phận dọc biên giới Trung Quốc.

Vụ nhạy cảm nhất xảy ra hồi năm 2001 khi một phi công Trung Quốc thiệt mạng khi va chạm với máy bay do thám của Hoa Kỳ ở Biển Đông.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ nói rằng việc thiết lập vùng phòng không là để tránh những sự cố như vậy, nhưng do đòi hỏi phải phản ứng cực nhanh của các vụ ngăn chặn xâm nhập hàng không và do sự thiếu kinh nghiệm của cả không quân Trung Quốc và Nhật Bản, khả năng leo thang nhanh chóng và tính toán sai lầm sẽ tăng cao.

Với sự hiện diện cách ADIZ không xa của Hạm đội 7 của Hoa Kỳ tại Nhật Bản và các hoạt động thường xuyên của quân đội Hoa Kỳ ở vùng ADIZ đồng nghĩa với chuyện Lầu Năm Góc sẽ rất khó có khả năng tuân theo đòi hỏi nhận dạng hàng không của Trung Quốc và quân đội Nhật Bản cũng vậy.

Việc tạo ra vùng nhận dạng hàng không cũng cho thấy sự tự tin của Trung Quốc về khả năng kiểm soát và thực hiện sự giám sát không phận trên vùng rộng lớn ở Biển Hoa Đông.
Để đáp trả, Hoa Kỳ có thể sẽ tăng nhịp độ của các đợt tập trận đã lên kế hoạch sẵn trong vùng và buộc Giải phóng Quân Nhân Dân phải có phản ứng tự vệ, thử thách cả quyết tâm và khả năng lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.

Tác giả Alexander Neill là Học giả Cao cấp của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế đóng ở Singapore.

*

Các bài liên quan








No comments:

Post a Comment

View My Stats