Monday 18 November 2013

SỰ KHÁC BIỆT CĂN BẢN GIỮA HAI NỀN GIÁO DỤC QUỐC GIA & CỘNG SẢN (TS Trần Gia Thái)





Kính thưa quí vị,

Ý kiến cho rằng Bộ Quốc Gia Giáo Dục của hai nền đệ nhất và đệ nhị VNCH đứng ngoài cuộc chiến chống Cộng, và rằng đã không đóng góp vào công cuộc đấu tranh của quân dân miền Nam chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược, xem ra có ý đổ lỗi cho những người có trách nhiệm trong nền giáo dục của VNCH. Tôi e rằng ý kiến này phiến diện, thiếu bề sâu và không biết đến sự khác biệt căn bản giữa hai nền giáo dục của người quốc gia và Cộng Sản.

Từ sau 1945 chương trình giáo dục của Pháp dành cho người bản xứ (Enseignement Franco-Indigène) bị hủy bỏ và được thay thế bằng chương trình Hoàng Xuân Hãn do hoàng đế Bảo Đại ban hành bằng dụ số 67 ngày 03/06/1945. Đây là chương trình giáo dục VN đầu tiên được áp dụng trên toàn quốc niên khóa 1945-1946.  Bốn tháng sau, Bộ Trưởng Giáo Dục Vũ Đình Hoè trong Chính Phủ Liên Hiệp cho thành lập Hội Đồng Cải Cách Chương Trình Giáo Dục với phương châm ” Dân Chủ, Dân Tộc, Khoa Học” theo tôn chỉ “PhụcVụ Lý Tưởng QuốcGia”.  Chương trình Hoàng Xuân Hãn sau cuộc cải cách được gọi là “Chương Trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân”.

Người quốc gia đã sử dụng chương trình này từ 1945 đến ngày 30/04/1975 khi miền Nam VN mất vào tay Bắc Cộng. Tuy có vài thay đổi dưới thời các vị tổng, bộ trưởng giáo dục như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Thành Giung, Phan Huy Quát, Vương Quang Nhường, Nguyễn Dương Đôn, Trần Hữu Thế, Nguyễn Quang Trình, Nguyễn Lưu Viên, Trần Ngọc Ninh, Ngô Khắc Tỉnh, nhưng nền móng căn bản vẫn là chương trình Hoàng Xuân Hãn nguyên thủy.  Một cách chính xác, chương trình Hoàng Xuân Hãn đã được dùng làm căn bản và tiêu chuẩn cho mọi cải cách.  Ở mỗi thời điểm sửa đổi, Hội Đồng Giáo Dục được thành lập để làm công việc bổ sung, cập nhật cho phù hợp với trình độ học sinh và đà tiến hoá của giáo dục, khoa học đương thời.  Các khuyến cáo của tổ chức văn hoá, khoa học, giáo dục UNESCO thuộc Liên Hiệp Quốc đã được dùng để tham khảo trong việc sửa đổi.

Chương trình Hoàng Xuân Hãn được hoàn thành bởi những người yêu nước, các nhà trí thức trẻ tốt nghiệp từ các đại học danh tiếng của Pháp, và các nhà cựu học uyên thâm đầy tâm huyết như Hoàng Cơ Nghị, Nguyễn Dương Đôn, Phạm Đình Ái, Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Xiển, Đặng Phục Thông, Nguyễn Đình Thụ, Nguyễn Duy Thanh, Lê Văn Căn, Nguyễn Hữu Quán. Những người đóng góp trong việc cải cách ban chuyên khoa văn, sử địa có Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Nguyễn Huy Báo, Đoàn Nồng, Tôn Quang Phiệt, Nguyễn Thúc Hào, Phạm Đình Ái, Nguyễn Dương Đôn. Đây là một chương trình giáo dục dân tộc và nhân bản. Một chương trình giáo dục có tính cách vô tư, tương tự như các chương trình giáo dục tiến bộ của các nước Tây phương tự do dân chủ, coi giáo dục là một hiện tượng tự nhiên, giáo dục không phải là một hiện tượng xã hội,

Về phía Cộng Sản, vì hoàn cảnh cấp bách, Việt Minh (Cộng Sản VN trá hình) sau khi cướp được chính quyền, trong thời gian đầu đành phải tạm dùng chương trình Hoàng Xuân Hãn Canh Tân cho đến niên khóa 1949-1950. Khi đã có trường ốc và giáo chức tương đối ổn định, Việt Minh đã cải tổ giáo dục lần thứ nhất vào tháng 07, 1950 nhằm mục đích xóa bỏ tính cách vô tư của nền giáo dục.  Hai quyển Giáo Dục Dân Chủ Mới Những Vấn Đề Giáo Dục của Nguyễn Khánh Toàn, thứ trưởng Giáo Dục Việt Minh, được dùng làm căn bản cho việc cải tổ. Hai quyển này trình bày có hệ thống các quan điểm và tư tưởng giáo dục dựa trên lý thuyết của chủ nghĩa Marx-Lénin. Các giáo chức phải quan niệm giáo dục là một hiện tượng xã hội chứ không phải là một hiện tượng tự nhiên. Giáo dục và chính trị không phải là hai vấn đề riêng biệt mà giáo dục phải phục vụ cho mục tiêu chính trị. Nền giáo dục của Cộng Sản kết hợp chuyên môn với chính trị, lấy chủ nghĩa Marx-Lénin làm nền tảng nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Giáo dục bị đặt dưới sự lãnh đạo chuyên chế tuyệt đối của đảng Cộng Sản. Tóm lại, đây là một hệ thống giáo dục phi dân tộc, phi nhân bản.

Lần cải tổ giáo dục thứ hai của chính quyền Cộng Sản Bắc Việt vào tháng 06, 1956 nhằm chuẩn bị tiến lên xã hội chủ nghĩa và xây dựng miền Bắc thành hậu phương lớn chi viện cho cuộc xâm chiếm miền Nam. Tóm lại, hai lần cải tổ giáo dục của Cộng Sản Việt đều nhằm sử dụng giáo dục như phương tiện để phục vụ cho các mục đích chính trị. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy khả năng yếu kém của học sinh, sinh viên miền Bắc so với miền Nam về mọi môn, mọi phương diện. Nhồi nhét những điều sai lạc vào đầu óc non trẻ như yêu nước là yêu bác, yêu đảng Cộng Sản, yêu xã hội chủ nghĩa, v.v.

Chiến tranh tâm lý vạch rõ sự vô nhân, tàn ác, dã man của Cộng Sản, đề cao hy sinh to lớn của quân cán chính trong việc bảo quốc, an dân là nhiệm vụ của chính phủ VNCH, là trách nhiệm của bộ Dân Vận, Bộ Thông Tin, Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị (mà cựu Trung Tướng Trần Văn Trung là Tổng Cục Trưởng). Dùng hệ thống giáo dục đào tạo con người thành công cụ chống Cộng là thiển cận. Người quốc gia không thể bắt chước Cộng Sản. Chính nền giáo dục Cộng sản đã hủy hoại bao thế hệ tuổi trẻ. Chúng ta, người quốc gia, khác người Cộng Sản. Nền giáo dục của VNCH không phục vụ cho mục tiêu chính trị ngắn hạn, mà nhằm một mục đích rộng lớn hơn, lâu dài hơn, đó là: đào tạo con người với phẩm chất Việt cao, với lòng yêu nước, thương nòi.

Chương trình giáo dục của VNCH hướng vào mục đích dân tộc và nhân bản. Đâu cần phải biến học đường thành nơi hò hét chống Cộng, đâu cần học sinh xuống đường đả đảo Cộng Sản. Không cần phải làm thế nhưng chúng ta có biết bao người tự nguyện nhập ngũ chống Cộng Sản xâm lược, biết bao anh hùng có danh và vô danh hy sinh cho chính nghĩa dân tộc? Đó chính là kết quả của nền giáo dục VNCH. Những bài học từ lớp 1 đến lớp 12 đã tạo cho miền Nam những con người phẩm chất cao, biết lễ nghĩa liêm sỉ, kính già yêu trẻ, giúp người hoạn nạn, cô thế, yêu tổ quốc, yêu đồng bào,v.v. Chính những con người đó khi vào đời, tự họ sẽ ý thức được việc chống Cộng, bảo vệ đất nước.

Trân trọng,

TS. Trần Gia Thái
[Trần Bích San]



No comments:

Post a Comment

View My Stats