Sunday, 17 November 2013

QUY TRÌNH ĐẺ RA ÁN OAN & CƠ CHẾ MINH OAN CHO NGƯỜI VÔ TỘI (LS-ThS Trịnh Minh Tân)




Luật sư, thạc sĩ Trịnh Minh Tân
Đăng Bởi Một Thế Giới - 21:40 17-11-2013

Theo Điều 20 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 , hệ thống tòa án ở nước ta thực hiện chế độ hai cấp xét xử: tòa án cấp sơ thẩm xét xử vụ án lần đầu và đưa ra bản án hoặc quyết định sơ thẩm. Bản án sơ hoặc quyết định sơ thẩm có thể bị kháng cáo, kháng nghị.


Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật khi bị kháng cáo, kháng nghị.

Giám đốc thẩm và tái thẩm không phải là một cấp xét xử, mà là những thủ tục tố tụng đặc biệt để xét lại các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật khi có căn cứ cho rằng cần phải áp dụng thủ tục giám đốc thẩm hoặc thủ tục tái thẩm theo quy định vủa Bộ luật Tố tụng hình sự.

Căn cứ để giám đốc thẩm

Theo Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự, tính chất của giám đốc thẩm là “xét lại bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc xử lý vụ án”.

Giám đốc thẩm thực chất là một thủ tục nhằm hủy bỏ một bản án hoặc một quyết định của tòa án đã có hiệu lực pháp luật. Vì sao phải hủy bỏ? Vì bản án hoặc quyết định đó đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

Vậy vi phạm đến mức nào thì gọi là nghiêm trọng? Nếu nói rộng ra thì có vẻ hơi trừu tượng, nhưng đi vào cụ thể từng vụ việc thì “vi phạm pháp luật nghiêm trọng” trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự được thể hiện ở việc các cơ quan và người tiến hành tố tụng tiến hành tác nghiệp không theo các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong việc điều tra (khởi tố, khám nghiệm…, thu thập chứng cứ, bắt tạm giam), truy tố, xét xử.

Thông thường, các biểu hiện vi phạm pháp luật rõ nhất là ở biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi, biên bản ghi lời khai, biên bản hỏi cung bị can, kết quả giám định… nên đã không phản ánh thực tế khách quan của vụ án, dẫn đến kết quả giải quyết vụ án sai hoặc kết án oan người vô tội.

Phiên tòa phúc thẩm hời hợt, không quan tâm đến những lời kêu oan, không kiểm tra hồ sơ, kiểm tra tính có căn cứ của bản án sơ thẩm sẽ dẫn đến kết cục y án sơ thẩm.

Nếu những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong quá trình điều tra không được viện kiểm sát phát hiện để khắc phục sẽ dẫn đến việc lập cáo trạng truy tố theo đúng nội dung kết luận điều tra không khách quan của cơ quan điều tra.

Khi tòa án thụ lý vụ án, trong quá trình chuẩn bị xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thẩm phán nghiên cứu hồ sơ cũng không phát hiện ra những vi phạm pháp luật trong hồ sơ vụ án tất yếu sẽ dẫn đến việc xét xử đúng như cáo trạng truy tố. Phiên tòa phúc thẩm hời hợt, không quan tâm đến những lời kêu oan, không kiểm tra hồ sơ, kiểm tra tính có căn cứ của bản án sơ thẩm sẽ dẫn đến kết cục y án sơ thẩm.
Quy trình của một vụ án oan được khép kín từ giai đoạn điều tra đến khi kết thúc việc xét xử phúc thẩm.

Theo Điều 273 thì các căn cứ để xác định có vi phạm pháp luật nghiêm trọng là:
1.    Việc điều tra xét hỏi tại phiên tòa phiến diện hoặc không đầy đủ;
2.    Kết luận trong bản án hoặc quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án;
3.    Có sự vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong khi điều tra, truy tố hoặc xét xử;
4.    Có những sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng Bộ luật Hình sự.

Các quy định trên cho thấy chỉ cần có một trong bốn căn cứ nêu trên thì chánh án Tòa án nhân dân Tối cao hoặc viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm. Thẩm quyền kháng nghị thuộc cả hai chủ thể tiến hành tố tụng là chánh án tòa án và viện trưởng viện kiểm sát có ý nghĩa quan trọng trong việc nhanh chóng, kịp thời “phá án” minh oan cho người vô tội nếu xác định người bị kết án không thực hiện hành vi phạm tội.

Sau khi có kháng nghị giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm sẽ đưa ra một trong ba quyết định:
1.    Không chấp nhận kháng nghị và giữ nguyên bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật;
2.    Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án ;
3.    Hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại.

Điều 286 Bộ luật Tố tụng hình sự diễn giải việc Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật và đình chỉ vụ án khi có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 của luật này.

Điều 107 quy định những căn cứ không được khởi tố vụ án hình sự là:
1.    Không có sự việc phạm tội;
2.    Hành vi không cấu thành tội phạm;
3.    Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội chưa đến tuổi chịu trách nhiệm hình sự;
4.    Người mà hành vi phạm tội của họ đã có bản án hoặc quyết định đình chỉ vụ án có hiệu lực pháp luật;
5.    Đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự;
6.    Tội phạm đã được đại xá;
7.    Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết, trừ trường hợp cần tái thẩm đối với người khác.

Điều 287 diễn giải việc Hội đồng giám đốc thẩm hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra lại hoặc xét xử lại nếu có một trong những căn cứ quy định tại Điều 273 nêu trên.
Điều 286 và 287 Bộ luật Tố tụng hình sự là những quy định (có tính diễn giải) để người có quyền kháng nghị giám đốc thẩm và Hội đồng giám đốc thẩm căn cứ vào đó đưa ra quyết định đúng đắn và chính xác.

Căn cứ để tái thẩm

Điều 290 Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thủ tục tái thẩm được áp dụng đối với bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị có những tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định mà tòa án không biết được khi ra bản án hoặc quyết định đó.

Điều 291 luật này quy định những tình tiết được dùng làm căn cứ để kháng nghị tái thẩm là:
1.    Lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch có những điểm quan trọng được phát hiện là không đúng sự thật;
2.    Điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã có kết luận không đúng làm cho vụ án bị xét xử sai;
3.    Vật chứng, biên bản điều tra, biên bản các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật;
4.    Những tình tiết khác làm cho việc giải quyết vụ án không đúng sự thật.

Những tình tiết được xác định là tình tiết mới phải nằm trong tổng thể các tình tiết có liên quan đến người đã bị kết án, làm thay đổi căn bản nội dung vụ án và phản ánh sự thật khách quan của vụ án.
Trong vụ án hình sự, nguồn chứng cứ có được từ: lời khai của người làm chứng, kết luận giám định, lời dịch của người phiên dịch (nếu có), vật chứng, biên bản điều tra…, các hoạt động tố tụng khác hoặc những tài liệu khác trong vụ án là một trong những căn cứ để xác định sự thật khách quan của vụ án.
Tình tiết mới được xác định khi kiểm tra các nguồn chứng cứ nêu trên phát hiện đó không phải là chứng cứ của vụ án để xác định tội phạm, nhưng trước đó điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, hội thẩm đã sử dụng để kết tội người bị kết án mà sau này phát hiện có những tình tiết khác (liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến hành vi bị coi là tội phạm của người bị kết án) phủ nhận những tình tiết dùng làm chứng cứ buộc tội trước đó. Hoặc chính những tình tiết đó qua phân tích đã bộc lộ là không đúng với thực tế khách quan của vụ án nhưng đã được sử dụng làm chứng cứ để buộc tội người bị kết án thì đó là tình tiết mới.

Những tình tiết được xác định là tình tiết mới phải nằm trong tổng thể các tình tiết có liên quan đến người đã bị kết án, làm thay đổi căn bản nội dung vụ án và phản ánh sự thật khách quan của vụ án. Ví dụ: tình tiết mới xác định người bị kết án phạm tội “cố ý gây thương tích” chứ không phải tội “giết người”, hoặc người bị kết án thực hiện hành vi phòng vệ chính đáng, hoặc hành vi “vô ý làm chết người”… thì đó là tình tiết mới làm căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm.

Xuất phát từ tính chất của tái thẩm là xuất hiện tình tiết mới làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật, nên mục đích chính của thủ tục này là để hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật để điều tra hoặc xét xử lại.

Vì vậy, theo Điều 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, người có quyền kháng nghị chỉ giới hạn là viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao. Khác với thủ tục giám đốc thẩm là chánh án Tòa án nhân dân Tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát  nhân dân từ cấp tỉnh, cấp quân khu đến cấp Tối cao có quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

Giám đốc thẩm hay tái thẩm?

Trường hợp các tình tiết được phát hiện là chứng cứ chứng minh một người khác phạm tội chứ không phải là người bị kết án phạm tội mà các tình tiết được coi là chứng cứ kết tội người bị kết án là không có thực, người bị kết án hoàn toàn không hay biết gì về sự việc phạm tội đã xảy ra thì đó không phải là tình tiết mới.

Trong trường hợp này, phải khẳng định là “không có sự việc phạm tội” như quy định tại Khoản 1 Điều 107 Bộ luật Tố tụng hình sự, nên bản án có hiệu lực pháp luật đối với người bị kết án đó phải được xử lý theo thủ tục giám đốc thẩm. Hội đồng giám đốc thẩm sẽ căn cứ vào Khoản 1 Điều 107 ra quyết định hủy bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực pháp luật, đình chỉ vụ án và tuyên bố người bị kết án không phạm tội.

Việc kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm phải căn cứ vào hồ sơ vụ án để tìm và xác định những vi phạm pháp luật nghiêm trong trong quá trình tiến hành tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng trong tất cả các giai đoạn: điều tra, truy tố và xét xử.

Trong trường hợp người bị kết án không phải là người thực hiện hành vi phạm tội thì chánh án Tòa án nhân dân Tối cao hoặc viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao kháng nghị giám đốc thẩm, Hội đồng giám đốc thẩm quyết định hủy bản án đã có hiệu lực pháp luật, đình chỉ vụ án và tuyên bố người bị kết án không phạm tội. Cho dù chưa tìm và xác định được người phạm tội thì quy trình này vẫn phải được thực hiện để minh oan cho người vô tội.


Luật sư, thạc sĩ Trịnh Minh Tân

(* Tít bài do tòa soạn đặt)



No comments:

Post a Comment

View My Stats