Tuesday, 12 November 2013

ÔNG PUTIN CA NGỢI HỢP TÁC VIỆT-NGA ĐẦY THÀNH QUẢ (VOA)




11.11.2013

Tổng thống Nga Vladimir Putin đăng tải một bài viết trên các tờ báo hàng đầu ở Việt Nam nhận xét quan hệ Việt-Nga là một sự hợp tác đầy hiệu quả trước thềm chuyến thăm chính thức lần thứ ba của ông tới Việt Nam bắt đầu ngày 12/11.

Trong bài viết nhan đề ‘Nga-Việt cùng nhau hướng tới các mục tiêu hợp tác mới’, Tổng thống Nga nhấn mạnh tình hữu nghị của hai nước đã được chứng minh qua thời gian. Ông Putin nói Nga đề cao tầm quan trọng trong việc hợp tác với các nước Châu Á Thái Bình Dương mà trong đó Việt Nam là một trong những trung tâm phát triển hàng đầu.

Theo ông Putin, hai nước Việt-Nga có quan điểm giống nhau trong nhiều phương diện trong các vấn đề liên quan đến nghị trình toàn cầu chẳng hạn như đôi bên cùng cho rằng mỗi nước đều có quyền chọn lựa con đường phát triển riêng của mình.

Tổng thống Nga cho hay năng lượng, lĩnh vực dầu khí vẫn luôn đóng vai trò chủ chốt trong công cuộc phát triển hợp tác đầu tư và công nghiệp giữa Việt Nam và Nga. Ông Putin nói hợp tác dầu khí Việt-Nga là hai chiều và đôi bên cùng có lợi.

Nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm hợp tác Việt-Nga trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật không còn giới hạn ở việc Nga xuất khẩu trang thiết bị sang Việt Nam, mà hiện đang có các bước tiến tới việc chế tạo các thiết bị quân sự tối tân tại Việt Nam dưới sự hỗ trợ của các công ty Nga.

Tổng thống Putin khẳng định khó liệt kê ra các lĩnh vực mà Nga và Việt Nam không phát triển hợp tác hiệu quả. Ông kỳ vọng các cuộc thảo luận cấp cao trong chuyến thăm Hà Nội sắp tới sẽ tạo thêm lực đẩy mới cho quan hệ đối tác chiến lược giữa chính phủ và nhân dân hai nước.

Dự kiến, Việt-Nga sẽ đạt thỏa thuận trong nhiều lĩnh vực và ký kết một số văn kiện hợp tác nhân chuyến thăm của ông Putin.

Truyền thông Việt Nam trích lời Chủ tịch Trương Tấn Sang cho biết ông sẽ thảo luận với nhà lãnh đạo Nga về các vấn đề quan tâm chung ở quốc tế và khu vực trong dịp này.

Ông Sang bày tỏ tin tưởng rằng chuyến thăm của Tổng thống Nga sẽ đưa quan hệ đối tác chiến lược song phương lên tầm cao mới.

Chủ tịch nước Việt Nam nói các cuộc thảo luận với người đồng nhiệm phía Nga sắp tới cũng sẽ xoay quanh các biện pháp thúc đẩy hợp tác hai nước về chính trị, kinh tế, mậu dịch, đầu tư đặc biệt trong các dự án dầu khí, dự án nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, cũng như hợp tác kỹ thuật quân sự.

Theo Tổng thống Putin, Tập đoàn năng lượng nguyên tử quốc gia Rosatom của Nga sẽ đảm trách việc xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Việt Nam tại Ninh Thuận và đôi bên cũng đang thảo luận về các kế hoạch cùng xây dựng một Trung tâm Khoa học và  Công nghệ Hạt nhân.

Chuyến thăm của ông Putin diễn ra giữa chiến dịch ngoại giao con thoi của giới lãnh đạo Việt Nam tăng cường các mối quan hệ đối tác hợp tác với các nước và tìm cách hiện đại hóa quân sự, củng cố khả năng quốc phòng trong tình hình căng thẳng Biển Đông.

Tuần trước, báo chí Nga dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng nước này cho biết từ đây đến năm sau Nga sẽ chuyển giao lần lượt 3 tàu ngầm điện-diesel lớp Varshavyanka cho Việt Nam. Toàn bộ 6 tàu ngầm trong hợp đồng 2 tỷ đô la Việt Nam mua của Nga sẽ được bàn giao trước cuối năm 2016.

Ngoài ra, Nga cũng đã ký thỏa thuận bán cho Việt Nam 12 máy bay chiến đấu đa năng Sukhoi-30 với giá hơn 600 triệu Mỹ kim. Dự kiến 12 chiếc này sẽ được chuyển giao vào năm 2014 và 2015, theo một hợp đồng được ký kết tháng 8 năm nay. Đây là đợt mua chiến đấu cơ Sukhoi thứ ba của Việt Nam.

Trao đổi thương mại Việt-Nga năm ngoái tăng 20% đạt 3,66 tỷ đô la và Việt-Nga kỳ vọng sớm nhất đến năm 2015 số này sẽ tăng lên thành 7 tỷ và đạt 10 tỷ đô la vào năm 2020.

Nguồn: RT.com, Kremlin.ru


-----------------------------------------------------

Cập nhật: 05:49 GMT - thứ hai, 11 tháng 11, 2013

"Lòng tin" giữa hai nước Việt-Nga
Tiến sỹ Sokolov nói về "lòng tin" giữa hai nước Việt-Nga.


Ngày thứ Ba 12/11, Tổng thống Nga Vladimir Putin bắt đầu chuyến thăm nhà nước tới Việt Nam nhằm thúc đẩy quan hệ chiến lược song phương.
Nhân sự kiện này, BBC đã hỏi chuyện Tiến sỹ Anatoly Sokolov, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga, về quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia tuy cách trở về mặt địa lý nhưng lại có nhiều gắn bó.

TS Sokolov: Đúng là về mặt địa lý thì Việt Nam và Nga nằm ở rất xa nhau. Thế nhưng từ cuối thế kỷ 19, giữa hai bên đã có những liên hệ đầu tiên. Các tàu Nga, kể cả tàu chiến, đã tới Việt Nam vào thời gian ấy. Sa hoàng tương lai Nikolai Đệ nhị của Nga lúc đó đã từng có mặt ở Sài Gòn.
Tuy nhiên khi ấy Việt Nam chưa nằm trong tầm quan tâm về địa chính trị của nhà nước Nga.
Quan hệ giữa hai bên trở nên thân cận hơn từ sau Cách mạng tháng Mười năm 1917, khi mà ý tưởng về cách mạng toàn thế giới lan truyền tới các nước, nhất là các nước thuộc địa ở Đông Dương.
Những năm 20-30 thế kỷ trước, nhiều người Việt đã theo học các khóa của Cộng sản quốc tế ở Moscow, trong đó có các lãnh đạo Cộng sản Việt Nam như Hồ Chí Minh, Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai...
Đến cuối Thế chiến II khi Việt Nam giành độc lập từ thực dân Pháp thì quan hệ song phương với Nga đã chính thức được thiết lập. Năm 1950, Liên bang Soviet công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Và từ đó thì giữa hai bên có mối quan hệ trung thực và hữu nghị.

BBC: Có chi tiết khá thú vị là có người Việt Nam đã tham gia chiến đấu ở Liên Xô thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai?
TS Sokolov: Vâng, trong cuốn sách 'Comintern và Việt Nam' của tôi, có nhắc lại việc ông Lê Hồng Phong đã học tập ở trường đào tạo phi công của Soviet. Khi Thế chiến II bắt đầu và phát xít Đức tiến về Moscow, một số người Việt Nam ở đây đã tình nguyện tham gia chiến đấu bảo vệ Moscow.
Theo các tài liệu thì con số người Việt Nam tham gia bảo vệ thủ đô của nước Nga lúc đó là 5 hoặc 6 người. Họ đã hy sinh và sau được nhà nước Soviet truy tặng huân chương, đó là sự thực. Người dân Nga cũng hết sức biết ơn việc họ đã hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước chúng tôi.

BBC: Và ngược lại, thì người Nga, hay đúng hơn là người Soviet, cũng đã tham gia trong các cuộc chiến ở Việt Nam?
TS Sokolov: Vâng, chúng ta nói tới hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ nhất đánh thực dân Pháp, nhiều người Nga tham gia lực lượng lính lê dương của Pháp đã chạy sang phía Việt Minh. Một trong những người đó là ông Platon Skrzhinski.
Rồi sau đó có ông Fyodor Bessmernyi, và nhiều người khác. Những người này tham gia lê dương vì nhiều lý do nhưng sau đó hiểu ra là số phận của họ gắn liền với cuộc đấu tranh độc lập dân tộc của người Việt Nam.
[Tổng cộng có bốn làn sóng người Nga gia nhập quân đoàn viễn chinh nước ngoài tại Đông Dương. Đầu tiên là hồi cuối thế kỷ 19 - đầu thế kỷ 20, làn sóng thứ hai là những năm 20 của thế kỷ trước, thứ ba là khi Thế chiến II bắt đầu, và đợt thứ tư là những năm chiến tranh. Năm 1921, có 107 lính lê dương Nga ở Việt Nam. Đến năm 1929, con số này lên đến 129.]
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ hai chống Mỹ, Liên bang Soviet cũng ủng hộ nhân dân Việt Nam một cách tích cực về cả quân sự, kỹ thuật, văn hóa vv... tức là hỗ trợ toàn diện.
Tại sao lại có sự hỗ trợ như vậy? Tôi nghĩ là vì bản thân người Nga, người Soviet đã phải trải qua các cuộc chiến tranh khốc liệt, cho nên đồng cảm được với người Việt Nam. Lúc đó nhiều người Nga đóng góp tiền bạc, ngày công lao động... cho Việt Nam.
Có một bộ phim tài liệu tựa đề là "Không nỗi đau nào của riêng ai" dựa trên ý thơ của nhà thơ Simonov phản ánh đúng tâm tư của người dân Soviet lúc đó.

BBC: Liệu có sự tranh giành ảnh hưởng nào đó giữa Liên Xô và Trung Quốc ở Việt Nam thời bấy giờ, cũng như giữa Nga và Trung Quốc bây giờ hay không?
TS Sokolov: Tôi không cho là có sự tranh giành giữa Liên Xô và Trung Quốc ở một nước thứ ba.
Đất nước chúng tôi xây dựng quan hệ với nước ngoài không phụ thuộc vào quan hệ với một nước thứ ba nào khác. Đó là nguyên tắc đối ngoại của Nga.
Quan hệ giữa Nga và Việt Nam là quan hệ lâu dài và vững chắc. Việc Tổng thống Putin tới Việt Nam lần này, trong chuyến thăm hai bên ký kết nhiều tài liệu quan trọng, cũng chứng tỏ ý nghĩa của Việt Nam đối với nước Nga.
Trong chuyến thăm lần này của Tổng thống Vladimir Putin, tôi nghĩ ông Putin sẽ lần nữa khẳng định rằng quan hệ giữa Nga và Việt Nam là quan hệ lịch sử-chiến lược, quan hệ hữu nghị dựa trên các viễn cảnh tầm xa, hướng tới tương lai.
Bản thân tôi với tư cách người nghiên cứu lịch sử Việt Nam, tôi theo dõi sự kiện này với một sự lạc quan. Tôi cũng tin rằng quan hệ hai bên sẽ tiếp tục phát triển lâu dài và hiệu quả.

BBC: Liệu chúng ta có thể nói đến một lòng tin nào đó giữa hai nước?
TS Sokolov: Nhân dân Nga và Việt Nam đều trải qua các cuộc chiến tranh nặng nề. Chiến tranh luôn luôn khiến con người ta cho thấy bản chất thật của mình, chứng tỏ mình, và có lẽ điều đó đã gắn kết hai nước chăng?

 ---------------------------------------------------




No comments:

Post a Comment

View My Stats