Thu, 11/07/2013 - 04:55 —
canhco
Cả nước đang nóng lên khi câu
chuyện của người tù Nguyễn Thanh Chấn xuất hiện trên mặt báo. Mười năm oan sai
là cái cớ để người dân khắp nơi soi lại chính mình trong xã hội mà họ đã cảm
thấy nhiễu nhương nhưng chưa thật sự xác định rằng một ngày nào đó chính họ sẽ
là nạn nhân của những điều mà mặt báo mấy ngày vừa qua khai thác hết mức.
Nguyễn Thanh Chấn
nghiễm nhiên trở thành một trường hợp điển hình về hành vi bất nhân của công an
điều tra và sự toa rập của hệ thống tòa án. Hai ngày sau khi hình ảnh của ông xuất hiện trên
mặt báo, những người trách nhiệm xa gần từ Bộ trưởng công an, Bộ trưởng Tư
pháp, Chủ tịch nước rồi Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao...tất cả có
vẻ hấp tấp tuyên bố trước dư luận báo chí về việc mà họ gọi là phải nhanh chóng
đưa những người trách nhiệm ra pháp luật và đồng thời đền bù thỏa đáng cho ông
Chấn.
Ông Chấn bị bắt, bị kết án giết
người cướp của và cơ quan điều tra đã mang ông ra tòa mà không có vật chứng hay
nhân chứng nào. Hội đồng xét xử nghe cáo buộc của Viện kiểm sát và kết luận
cuối cùng của thẩm phán Nguyễn Minh Năng với bản án tử hình nhưng sau khi xét
rằng cha của bị can là liệt sĩ nên đã ân xá thành chung thân.
Sự sống đối với ai cũng quý và
đối với người bị kêu án tử lại càng quý hơn. Con người được sinh ra để chiến
đấu cho sự sống còn của bản thân và chân lý này không ngoại lệ cho bất cứ một
ai. Ông Nguyễn Thanh Chấn tuy không phạm tội vẫn thấy mình may mắn không bị tử
hình nhờ sự đóng góp máu xương của cha mình.
Trước khi ra tòa và bị nhốt 10 năm, ông Chấn đã trải qua những đêm dài
khủng khiếp. Ông bị tra tấn như một gián điệp. Những kẻ trực tiếp tra tấn ông
hầu hết đều còn sống và còn đang mang thẻ đảng viên. Kinh nghiệm nghiệp vụ
của những kẻ này dư sức cho họ biết ông Chấn không phải là phạm nhân nhưng động
cơ nào thúc đẩy họ làm như vậy?
Thứ nhất chỉ tiêu, thứ nhì máu lạnh.
Mỗi một vụ án mạng xảy ra cơ
quan điều tra bị cấp trên dán mắt vào ngày đêm không phải vì lo lắng cho vụ án
mà vì lo lắng cho chỉ tiêu không đạt được. Áp lực tăng dần tùy theo chi tiết vụ
án có lan rộng ngoài xã hội đe dọa tới tính "ổn định chính trị" hay
không.
Từ bị áp lực, nhân viên điều tra dễ dàng nhìn thấy ai cũng là kẻ phạm tội. Chỉ cần một chi tiết có vẻ trùng hợp là nạn nhân trở thành tội phạm. Nếu không khai như ý của điều tra viên mà họ gọi là "hợp tác" thì nạn nhân khó thể thoát nhục hình. Trong trường hợp của ông Chấn nhân viên điều tra tiến xa hơn: bắt ông thực hiện hành vi giết người theo kịch bản của công an.
Theo lời kể của ông Chấn với
phóng viên tờ Dân Trí: "ông đã phải thức suốt mấy đêm liền để tập diễn lại
hành động giết người của mình. Dùng một người tù khác giả làm nạn nhân để tập
bê, tập đâm bằng thìa, tập bao giờ cho thuần thục thì thôi. Sau đó, ông Chấn
được di lý tới một ngôi nhà dân ở ngoài trại để quay phim thực nghiệm hiện
trường trong một buổi sáng".
Lâu dần với cách điều tra như
vậy máu của những con người này lạnh dần với nạn nhân và lạnh cả với chính họ.
Cảm giác phạm tội đã chết hẳn, trong mắt loại người này sự đau khổ của kẻ khác
là nấc thang danh vọng cho chúng.
Người tù Nguyễn Thanh Chấn bổng trở thành nổi tiếng. Ông nổi tiếng vì oan
khuất, vì con số 10 năm trong trại giam và vì một câu nói sau khi ra tù: "Ơn
đảng ơn chính phủ ông mới được tha như được tái sinh một lần nữa".
Ai nghe câu này mà không giận
ông?
Phản ứng dư luận cùng giống như
nhau: ông quá u mê không còn thuốc chữa mới nói một câu như vậy. Bởi chính cái
đảng, cái nhà nước mà ông mang ơn ấy là kẻ đã tạo chứng cứ giả, ép cung, tra
tấn, hành hạ và tạo ra kịch bản bắt ông học cho thuộc về việc ông giết người,
điều mà ông hoàn toàn không làm.
Hàng ngàn trang blog, facebook
đã thở dài vì câu nói này. Có người cho rằng ông đần độn, có người xa hơn cho
là ông nên ngồi tù thêm 10 năm nữa để sáng mắt ra.
Thật ra ông Chấn chỉ là một sản phẩm tuyệt hảo của chế độ
sau khi bị cấy lá bùa "ơn đảng, ơn chính phủ" vào người. Lá bùa ấy sẽ tác động khi người ta gặp một hoàn
cảnh bi thương vượt sự kiểm soát của chính họ. Chẳng hạn như trường hợp của ông
Chấn.
Ông bị bắt trong một tình trạng
bất ngờ nhất. Sau khi bị bức cung, bị giam chung với đầu gấu, bị đánh đập, tra
tấn và cuối cùng phải tham gia vở kịch mà cán bộ điều tra đạo diễn. Rồi ra tòa
từ bản án tử hình được giảm xuống còn chung thân nhờ người cha liệt sĩ đã tạo
cho ông cảm giác rằng số phận của ông chưa phải là chấm dứt.
Cảm nhận may mắn lâu ngày biến
thành mang ơn vì mình còn sống, mặc dù sống trong tăm tối và đau đớn khôn cùng.
Mang ơn ai thì khá mơ hồ nhưng sự mang ơn đối với ông là có thật nhất là khi vợ
ông đã vì ông không ngại gian khó tiếp tục kêu gào cho đến khi đơn của ông được
cứu xét, được mang ra ánh sáng và từ đó ông trở về với tự do.
Khi mới ra tù ông
không biết rằng chính vợ ông là người phát hiện ra kẻ sát nhân và tố cáo nó với
chính quyền chứ không phải tự thân chính quyền điều tra xác minh cho ông.
Ông buột miệng kêu "ơn
đảng, ơn chính phủ" không có gì là khó hiểu.
Chính ông Chấn là người hiểu hơn ai hết ý nghĩa việc ông kêu lên câu bùa chú nầy vì ông nghĩ sự tự do của ông chưa chắc là có thật. Ông vẫn có thể vào tù lại bất cứ lúc nào và từ đó, bản năng tự vệ khiến ông kêu to lên như để đánh động với đảng, với chính phủ rằng ông là một tín đồ thuần thành của đảng, của chính phủ và quan trọng hơn hết tuy bị oan khiên suốt 10 năm nhưng ông không hề oán giận đảng hay chính phủ.
"Ơn đảng, ơn chính phủ" qua tiếng kêu thống thiết của ông Chấn còn có
một tầng ngầm ý nghĩa khác. Nó cho thấy sự sợ hãi của nạn nhân đối với chế độ
đã lên tới tột đỉnh, tiếng rên xiết biến thành cảm thán là phản xạ có điều
kiện. Ông Chấn có ba
điều kiện để tạo thành phản xạ ấy.
Điều kiện thứ nhất: cha ông là liệt sĩ. Nhờ cha mà ông không bị tử
hình. Từ tiềm thức tâm lý biết ơn nảy sinh.
Điều kiện thứ hai: vợ ông kêu gào trong 10 năm trường đến nỗi nhiều
lần nằm viện tâm thần. Nỗi ám ảnh này làm một người cứng cỏi có thể hận thù mãn
kiếp nhưng đối với người yếu đuối nó sẽ vắt kiệt những phản ứng cuối cùng. Khi
không còn phản ứng, lời cám ơn là cách duy nhất để biểu cảm còn việc cám ơn ai
không thành vấn đề.
Điều kiện thứ ba: bốn đứa con thất học, mẹ già như đóm lửa tàn,
đói khát hàng ngày tấn công vào trí não của ông rồi cuối cùng khi gặp lại họ
ông bật ra tiếng kêu như một con thú bị thương. "Ơn đảng, ơn chính
phủ".
Người có đạo khi gặp trường hợp
này sẽ la to: "Tạ ơn Chúa". Người theo tôn giáo khác sẽ kêu lên
"Tạ ơn Trời Phật". Ông Chấn cũng cần một chỗ để giải tỏa niềm khao
khát ấy nhưng lại không có tôn giáo nào để kêu.
Ông Chấn không bao giờ quên bọn
người cùng toa rập mang ông vào tù nhưng mười năm trong tù và những đau khổ do
nhà tù gây ra tạo cho ông niềm tin rằng đảng, chính phủ là nơi duy nhất có thể
hóa giải tù tội cho ông tự do, mặc dù ông cũng biết rằng sức mạnh của nó là sức
mạnh của quái vật, nó có thể cứu mà cũng có thể tiêu diệt.
Niềm tin của ông giống như thuở
sơ khai con người tin vào mọi loại thần linh kể cả các quái vật hung ác. Tin
chúng như một cách để tồn tại.
Quái vật trở thành linh thiêng
đối với hoàn cảnh của ông Chấn không phải là chuyện diễn giải. Nó logic và đang
hình thành khắp nơi trên dải đất Việt Nam.
Nếu không là quái vật thì làm
sao một nhân viên điều tra lại có thể ung dung tạo dựng một kịch bản giết người
và bắt người khác đóng để sau đó kết tội sát nhân?
Nếu không phải là quái vật thì
tại sao từ Chánh án, Hội đồng xét xử, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa sơ thẩm và
phúc thẩm khi dư sức biết bằng chứng là ngụy tạo vẫn kết án tử hình đối với một
con người đang sống bình thường và chưa một lần phạm pháp?
Nếu không phải là quái vật thì
tại sao trong 10 năm trời người vợ bất hạnh cùng khổ ấy chạy kêu cứu khắp nơi
mà không một cơ quan nào đoái hoài tới dù chỉ là một lời kính chuyển?
Nếu không là quái vật thì tại
sao bản án đã được thi hành gần mười năm, bị can đang nằm trong tù mà phóng
viên báo chí vẫn viết bài khơi lại diễn tiến câu chuyện như đang xảy ra và kết
luận rằng đã giết người lại còn kêu oan!
Nếu không là quái vật thì tại
sao tới hôm nay những tay giết người hay liên can đến vụ án ấy vẫn ung dung
ngoài vòng pháp luật và vẫn lên tiếng như những nhà đạo đức? Bộ trưởng Tư pháp
không cảm thấy có liên đới. Bộ trưởng công an lại càng không. Viện trưởng viện
kiểm sát tối cao vô can, Thẩm phán tòa án Nhân dân tối cao cũng vẫn còn rất xa
với đường ranh trách nhiệm.
Những quái vật ấy nếu không
được ông Nguyễn Thanh Chấn quỳ lạy như lạy thần linh với câu bùa chú "Ơn
đảng, ơn chính phủ" thì mới là chuyện lạ.
Chuyện lạ hơn: đảng, chính phủ đã trở thành
quái vật nhưng vẫn không tự biết mà cứ mãi bàn chuyện của con người.
No comments:
Post a Comment