Mon,
11/18/2013 - 18:05 — VietTuSaiGon
Suốt
hai tháng nay, miền Trung bầm dập trong mưa gió, bão bùng, lũ lụt. Vừa chưa kịp
hoàn hồn sau các trận bão, những tưởng đã thoát nạn ít nhiều vì ông trời thương
dân nghèo. Ai dè, chưa đầy một tuần sau, dân miền Trung cuốn cuồng chạy lũ,
nước phủ khắp miền Trung, mà lần này không phải do thiên tai gây nên. Như một
người dân nói trong cơn bức xúc: Lũ bởi
chúng nó, chúng nó là một lũ ăn hại!
Vậy
chúng nó là ai? Cũng theo người nông dân tội nghiệp và nóng tính này, chúng nó
chính là những ông chủ, những bà chủ đang chễm chệ ngồi đếm tiền trên nỗi đau
của nhân dân, hưởng lợi trên tai ương của nhân dân. Thử hỏi, nếu thủy điện
không xả đập vô tội vạ như vậy, thì làm sao miền Trung bị nhấn chìm trong lũ?
Vả lại, thủy điện của ai?
Cũng
cần nói thêm, trên một trăm nhà máy thủy điện lớn, nhỏ đeo bám khắp các con
sông chẻ dọc từ Trường Sơn xuống biển Đông ở miền Trung không phải là hoàn toàn
của EVN, có hơn 30% các thủy điện này là của tư nhân. Những tư nhân này là ai?
Họ là những cán bộ về hưu, chủ rừng, giám đốc doanh nghiệp nhà nước vừa nghỉ
việc… Và đặc biệt, họ là những người từng trực tiếp hoặc gián tiếp khai thác
rừng một cách không nhân nhượng.
Nhưng
vấn đề có từng khai thác rừng hay không, của EVN hay tư nhân thì cũng như nhau,
cũng cùng một giuộc trong việc tàn sát môi trường và hại con người. Vì, qui
trình hình thành của một thủy điện (ở Việt Nam) là lên dự án, chung chi, tìm
chữ ký phê duyệt, phá rừng đầu nguồn (lượng thu của rừng đầu nguồn có thể tương
đương với kinh phí xây dựng thủy điện) gọi là khai thác lòng hồ. Xây dựng thủy
điện là giai đoạn cuối. Và cũng chính là giai đoạn làm cho cơ thể thiên nhiên
của cả một vùng rơi vào ung thư giai đoạn cuối. Lúc này, những cái túi nước
đóng vai trò ung nhọt, mỗi khi nó bục vỡ, cơ thể thiên nhiên lại kiệt quệ, chết
lâm sàn.
Suy cho cùng, xây
dựng thủy điện theo kiểu Việt Nam, sẽ đạt được ba mục tiêu cốt lõi: Tàn phá thiên nhiên; Đe dọa tính
mạng nhân dân và; Thu lợi nhuận khủng cho phe nhóm. Đến đây, có lẽ khỏi
cần bàn thêm phe nhóm là ai nữa rồi. Vấn đề là trong phe nhóm đó, không có vong
nào là không có cha, mẹ, anh chị, họ hàng. Có tất! Và cũng có rất nhiều bà con
của các vong trong phe nhóm này bị lũ lụt tàn phá, trôi nhà cửa, chết người và
cũng phải ngửa tay chờ cứu trợ như bao người.
Vì
sao lại có chuyện thương tâm như thế? Vì lẽ, nếu nghĩ đến đồng bào, nghĩ đến bà
con, dòng họ hoặc làng xóm, sẽ không ai đủ nhẫn tâm để xuống tay chặt phá rừng,
bất chấp mọi tai ương đến với đồng bào, đồng tộc của mình. Chỉ có những kẻ máu
lạnh mới đủ khả năng làm như thế, và chỉ có những kẻ vô lương tâm, không có trí
tuệ (còn gọi là “đỉnh cao trí tuệ) mới đủ liều lĩnh ký quyết định thi công thủy
điện, để mặc đàn em, vây cánh tàn phá môi trường, miễn sao phong bì, tài khoản
của mình dày thêm ra, đầy thêm lên là được.
Và,
hệ quả của mọi hành vi ngu xuẩn này là gì? Là cả một miền Trung tá hỏa chạy lũ
mặc dù mưa rất nhỏ, theo kinh nghiệm dân gian thì mưa như vậy, gỏi lắm chỉ lụt
lòng sông. Trong khi đó, mùa nắng, các con sông trơ đáy bởi tích nước cho thủy
điện, mạnh vong nào vong nấy tích, tích lấy tích để, miễn sao chạy hết công
suất để bán, để hái ra tiền. Phía hạ du, nước mặn xâm thực vì các con sông
không đủ nước để đẩy các đợt triều cường về phía biển. Cay đắng nhất là thủy
điện dày đặc như vậy, nhưng giá điện của nông dân vẫn cứ tăng vùn vụt!
Có
nhiều gia đình phải bỏ ra tiền triệu (số tiền này quá lớn đối với nông dân!) để
trả tiền điện bơm nước chống mặn cho ruộng, bơm tưới rau cải. Và không những
thế, họ còn phải đóng tiền phạt cho điện lực vì dùng vượt công suất cho phép.
Đến
mùa mưa thì hỡi ôi! Nước ngập mênh mông, nước tha hồ trút xuống đầu dân vì nó
bị tích quá nhiều trong mùa nắng, lòng hồ như một cái bao tử nhét cứng thức ăn,
nếu để lâu nó sẽ bục vỡ (hơn nữa, kết cấu cái bao tử này cũng không an toàn,
đảm bảo cho mấy vì nó bị “thượng đế” của nó rút quá nhiều thứ trong lúc nặn ra
nó!). Hậu quả là nông dân trắng tay trên mọi nghĩa, rau màu hư hại, nhà cửa tan
hoang, thậm chí mất cả tính mạng.
Nhưng,
đến lúc này, người dân được gì? Họ được xem kịch, được thấy các gương mặt mập
láng, bệu bạo trên màn hình và tỏ ra lo lắng, tìm phương án cứu nhân dân, cứu
thủy điện. Đến khi người dân bị thiệt hại, thiệt mạng do lũ gây ra thì các vong
này cũng bày trò cứu trợ, thông cảm. Mà lẽ ra, đúng nguyên tắc pháp luật và
đúng đạo lý làm người, các vong của phe nhóm phải đứng ra đền tội vì đã gây ra
thiệt hại, phải đền bù thiệt hại. Rất tiếc là các vong này được các vong to hơn
ở trên che chở (để được hưởng lợi từ các cổ phần ma trong thủy điện) nên chẳng
hề hấn gì, vẫn cứ ăn trên ngồi trốc, tỏ ra đạo đức, chễm chệ và đạo mạo, nhìn
rất đàng hoàn, rất tự tin, chỉ có người dân là hoang hoải và đau khổ!
Không
những thế, bọn chúng còn bày trò rao giảng khoa học với người dân, bảo rằng
miền Tây sống chung với lũ nhờ căn nhà biết nổi lên và chìm xuống theo mực
nước, tại sao miền Trung không học hỏi. Còn bão thì đào hầm… Nói thế, một đứa
con nít nghe cũng không lọt tai, nhưng có vong đã nói thế trên VTV3 trong ngày
18 tháng 11, trong lúc nước lụt còn ngập ở Hội An – Quảng Nam, Tuy Phước, Vân
Canh – Bình Định, Mộ Đức - Quảng Ngãi, Hương Điền – Huế… Nếu biết khoa học thật
sự, nếu có đầu óc, sẽ không ai đủ trơ trẽn nói thế trong lúc này!
Có
thể nói, đã đến lúc, người dân miền Trung cần tỉnh táo nhận ra mối họa đang đe
dọa mình từng giờ từng phút và nhìn thấy những kẻ đã gây họa, đã ném tai họa về
phía mình để bắt buộc họ phải nhận chịu trách nhiệm trước sự thất thoát, hư hại
tài sản và sinh mệnh của nhân dân. Không còn cách nào khác, khởi sự là những lá
đơn kiện tụng, đúng trình tự qui định pháp luật và nêu rõ, dẫn giải các nguyên
nhân dẫn đến tai họa… Nếu những lá đơn không có hồi đáp, cần phải có những động
thái khác nhằm bảo vệ mình. Đừng để đến lúc thiên nhiên nổi giận, thiệt hại bản
thân, sẽ không có ai đứng ra thay mình làm việc ấy đâu!
Và, khởi sự ngay bây
giờ, xin kêu gọi các trí thức hãy bắt tay vào tư vấn cho những bà con, những
gia đình thiệt hại, thiệt mạng (gồm hơn 50 gia đình có người chết và mất tích
cho đến thời điểm này) do lũ uốn cùng viết đơn khởi kiện ngành thủy điện, ngành
điện lực! Đó cũng là một hành động vì quyền con người!
No comments:
Post a Comment