Chủ nhật 24 Tháng Mười Một 2013
Hôm qua 23/11/2013 lần đầu tiên phía Nga cho biết, các
thành viên người nước ngoài trên con tàu của Greenpeace bị bắt giữ hồi tháng
Chín và vừa được ra tù, sắp tới có thể rời nước Nga. Loan báo này được tổ chức
bảo vệ sinh thái đón nhận một cách thận trọng.
Chánh văn phòng Dinh Tổng thống
Nga Serguei Ivanov tuyên bố : « Ngay khi vấn đề về phương cách rời nước Nga
được giải quyết, tôi nghĩ rằng họ có thể ra khỏi lãnh thổ Nga. Không ai cầm giữ
họ lại ». Ông không cho biết thời hạn có thể ra đi, chỉ nói rằng vấn đề
được nêu là việc các thành viên thuộc 16 quốc tịch khác nhau của Greenpeace vừa
được tại ngoại hầu tra không có chiếu khán Nga.
Đây là lần đầu tiên kể từ khi
xẩy ra vụ này vào giữa tháng Chín, một quan chức cao cấp Nga thân cận với Tổng
thống Vladimir Putin đề cập đến việc các thành viên Greenpeace có thể ra đi.
Tuy vậy, luật gia Anton Benelavski của tổ chức này, khi trả lời đài Tiếng vọng
Matxcơva, cho rằng, tuyên bố trên cần được đón nhận một cách thận trọng vì
những khó khăn của các thủ tục, nhấn mạnh rằng họ đang bị truy tố.
Luật sư Mikhail Kreindline của
Greenpeace nói với AFP là “không ai hiểu tình trạng thực sự hiện nay »
của những người ngoại quốc được tự do đi lại nhưng không có giấy phép xuất cảnh
Nga.
Tuyên bố của quan chức Nga được đưa ra sau khi Tòa án Quốc tế về Luật Biển
đặt tại Hambourg (Đức) hôm thứ Sáu, giải quyết đơn kiện của Hà Lan, đã yêu cầu
Nga để cho các thành viên nước ngoài của Greenpeace được ra đi.
Ông Serguei Ivanov tái khẳng
định là Matxcơva, vốn đã tẩy chay phiên tòa trên, không nhìn nhận thẩm quyền
của Tòa án Quốc tế về Luật Biển trong vụ này. Tuy nhiên, loan báo trên đây của
ông có thể được coi là một dấu hiệu hòa dịu, vào thời điểm còn hai tháng rưỡi
nữa sẽ khai mạc Thế Vận Hội mùa đông ở Sotchi, miền nam nước Nga.
Vụ bắt giữ các thành viên
Greenpeace đã gây ra nhiều chỉ trích tại phương Tây. Ngay cả những ngôi sao như
nữ ca sĩ nhạc rock nổi tiếng Madonna cũng kêu gọi Nga trả tự do cho họ. Hành
động của Greenpeace nhằm tố cáo những nguy cơ từ việc khai thác dầu khí ở vùng
Bắc Cực của Nga, một khu vực có hệ sinh thái rất dễ bị tổn thương.
Tòa án Saint Petersburg tuần này đã ra lệnh trả tự do cho 29/30 thành
viên chiếc tàu Arctic Sunrise của Greenpeace, sau khi đóng mỗi người hai triệu
rúp (45.000 euro)n để được tại ngoại hầu tra. Chỉ có ông Colin Russell người Úc
bị kéo dài thời hạn tạm giam ba tháng cho đến ngày 24/02/2014. Ban đầu, tất cả
bị kết tội « hải tặc » có khung hình phạt đến 15 năm tù, sau đó được
chuyển đổi tội danh thành « hooligan » có thể bị phạt đến 7 năm tù.
No comments:
Post a Comment