Friday, 1 November 2013

MỸ DO THÁM ĐỒNG MINH : "CHUYỆN THƯỜNG TÌNH THẾ THÔI !" (Hà Giang - Người Việt)




Hà Giang/Người Việt
Wednesday, October 30, 2013 7:22:56 PM

Báo chí khắp thế giới gần đây gây xôn xao dư luận khi họ ào ạt đưa tin là nhiều đồng minh quan trọng của Mỹ, trong đó có Đức, Mexico, Pháp và Tây Ban Nha, và lãnh đạo nước họ, từng bị NSA, Cơ quan An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, do thám, kể cả bị nghe trộm điện thoại.

Diễn dịch các tài liệu do ông Edward Snowden, một nhân viên từng làm hợp đồng cho NSA, tiết lộ, một bài báo trên tờ Washington Post viết rằng có đến 35 lãnh đạo các nước bị NSA nghe lén điện thoại. Riêng điện thoại cầm tay của bà Angela Merkel, Thủ tướng Đức, đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ, có thể đã bị nghe trộm từ hơn 10 năm nay.

Dĩ nhiên, trước tin này, các cường quốc Âu Châu đã có hàng loạt phản ứng vô cùng gay gắt.

Tây Ban Nha triệu đại sứ Mỹ đến đòi giải thích và làm tỏ tường những điều NSA bị cáo buộc.

Tổng thống Pháp François Hollande gọi điện thoại chất vấn Tổng thống Obama về một cáo buộc rằng NSA nhắm vào mục tiêu các cuộc gọi điện thoại tư nhân và tin nhắn text của hàng triệu người Pháp.

Bà Angela Merkel phản ứng mạnh mẽ nhất, tuyên bố: “Lòng tin của Đức đối với Hoa Kỳ đã 'lung lay.'"
Ông Steffen Seibert, phát ngôn viên của bà Angela Merkel, cho biết bà thủ tướng đã gọi điện thoại trực tiếp cho Tổng Thống Obama và khẳng định “hoàn toàn không chấp nhận quan điểm và hành động (của NSA) nếu những cáo buộc kia được chứng thực.”

Ngoài những phản ứng riêng lẻ, các nhà lập pháp Âu Châu hôm thứ Tư, qua cuộc họp tại Tòa Bạch Ốc với bà Lisa Monaco, Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, và những thành viên khác của Hội đồng An ninh Quốc gia, còn đòi hỏi Hoa Kỳ phải “có câu trả lời” về chương trinh do thám của Mỹ.

“Đây là một vấn đề tối quan trọng liên quan đến sự tin tưởng của Liên minh Âu Châu và Hoa Kỳ," Claude Moraes, người đứng đầu phái đoàn chín thành viên Liên minh châu Âu có trách nhiệm đến Hoa Thịnh Đốn tìm hiểu sự việc, phát biểu.

Tương phản với sự sôi sục này của thế giới, nhiều giới chức quan trọng của Hoa Kỳ lại có một thái độ khá bình thản.

Đối với giới nghiên cứu, hoặc thậm chí từng hoạt động gián điệp, việc Mỹ theo dõi các đồng minh là điều chẳng có gì mới mẻ.

Sở dĩ các quốc gia đồng minh do thám lẫn nhau, là chỉ vì một thực tế, một người bạn hôm hay có thể ngày mai không còn là bạn nữa, các chuyên gia giải thích.

"Nhiều hoạt động gián điệp diễn ra ngay giữa cả các nước bạn bè, và một số trong những hoạt động gián điệp này có mục tiêu chống lại các mối đe dọa an ninh quốc gia", ông Charles Kupchan, giáo sư dạy môn quan hệ quốc tế tại Đại học Georgetown và là một thành viên cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nói.
"Ngay cả những chi tiết nhàm chán hơn, nhân viên tình báo cũng phải thu thập, chẳng hạn như ai sẽ là ngoại trưởng kế tiếp hay quan điểm của Đức trong đàm phán với Iran là gì," ông Kupchan nói thêm.
Ông cho biết, trong giới tình báo và học giả, việc các quốc gia do thám lẫn nhau là một "kiến thức phổ thông," điều mà nhiều năm sau mới được tiết lộ, khi các tài liệu mật được bạch hóa.
“Điều này đã xẩy ra cả bao thế kỷ nay.” Ông Kupchan kết luận.

Chia sẻ quan điểm của ông Kupchan, ông Peter Earnest, người từng làm việc cho CIA 36 năm, trong đó khoảng 25 năm phục vụ cho những điệp vụ bí mật của cơ quan này, nói: "Ngay cả các sứ quán hay tòa đại sứ cũng là một bộ phận gián điệp. Các quốc gia cho phép họ trao đổi thông tin một cách chính thức, nhưng những sứ quán cũng được sử dụng để thu thập những thông tin mật. 
Không chỉ xác định việc do thám lẫn nhau là "chuyện thường tình thế thôi," vị cựu nhân viên tình báo kỳ cựu này còn nói thêm: “Tôi cho rằng các quốc gia Âu Châu có phần hơi đạo đức giả, khi nói, 'Chúa ơi, người Mỹ theo dõi cả đồng minh nữa!' Trên thực tế, chính họ cũng làm như thế."

Chứng minh nhu cầu cần “do thám bạn bè”, ông Earnest nhắc đến câu nói nổi tiếng trước Quốc Hội, của Henry Temple, một nhà ngoại giao Anh vào thế kỷ 19: "Chúng ta không có đồng minh vĩnh cửu và chúng ta cũng không có kẻ thù vĩnh viễn, lợi ích của chúng ta mới là vĩnh cửu và vĩnh viễn, và những lợi ích đó là nhiệm vụ mà chúng ta phải làm.”

Không chỉ giới phân tích, mà các lãnh đạo hàng đầu của Hoa Kỳ cũng có phản ứng tương tự.

Ông James Clapper, người đứng đầu cơ quan tình báo Mỹ, nói với các nhà lập pháp Hoa Kỳ rằng “nhận biết” được ý định của các nhà lãnh đạo nước ngoài là một “mục tiêu hàng đầu” của tình báo Hoa Kỳ
“Như thế không có nghĩa là cơ quan tình báo do thám một cách bừa bãi,” ông Clapper khẳng định.
“Chúng tôi không theo dõi ai, ngoại trừ có lý do chính đáng, và chúng tôi không vi phạm pháp luật khi làm việc. Dĩ nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi cũng phạm phải những lỗi lầm."

Trong buổi điều trần trước Quốc Hội, Tướng Keith Alexander, giám đốc NSA, cho biết báo giới đã diễn dịch sai các tài liệu mật bị ông Edward Snowden rò rỉ.
“Một số siêu dữ liệu về các cuộc điện đàm là chính do các quốc gia đồng minh lưu giữ và trao đổi với Hoa Kỳ, những dữ liệu còn lại do NSA thu thập, Tướng Alexander nói.

Cựu Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney nói một cách chung chung về sức mạnh của gián điệp Mỹ, rằng nước Mỹ có khả năng thiết lập “một mạng lưới tình báo tuyệt vời trên toàn thế giới để đối phó với tất cả mọi loại vấn đề," đặc biệt là sau cuộc tấn công ngày 11 tháng Chín năm 2001.
Ông Cheney nói với CNN: “Thực tình mà nói, chúng ta thu thập rất nhiều thông tin tình báo.”
“Khả năng thu thập thông tin tình báo hết sức quan trọng đối với Hoa Kỳ, để chúng ta có thể có những chính sách đối ngoại, quốc phòng, và kinh tế thích hợp. Tôi là một người ủng hộ mạnh mẽ hoạt động tình báo,” ông Cheney nói thêm.

Nhà phân tích chính sách ngoại giao và quân sự Max Boot gửi một thông điệp thẳng thắn cho các quốc gia Châu Âu, khi ông viết: “Tôi có một lời khuyên cho các đồng minh đang bất bình trước cáo buộc là NSA đã theo dõi các lãnh đạo của họ. Đó là: Hãy lớn lên đi (grow up!) các bạn Đức, Anh, Pháp, cả các bạn Brazil và Mexico nữa.”

Bình luận gia Glenn Greenwald lập luận: “Nếu các nước này phẫn uất về việc Hoa Kỳ do thám họ như vậy, tại sao hồi đó họ không cho ông Edward Snoden được tạm dung?”
“Thật ra không ai trong số các nhà lãnh đạo bày tỏ sự phẫn nộ thực sự bị sốc vì điều này. Tất cả mọi người biết do thám giữa các quốc gia là chuyện bình thường xảy ra,” ông Greenwald viết.

Không biết các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có thực sự nghĩ như thế không, chỉ biết Tổng Thống Obama nói rằng ông không biết việc điện thoại cầm tay của bà Merkel bị nghe lén.

Và hiện giờ người ta kỳ vọng Quốc Hội và Tòa Bạch Ốc phải xét lại và cải cách thu thập tin tức của cơ quan tình báo, nhất là trong việc do thám đồng minh, cũng như phải minh bạch trong hoạt động.



No comments:

Post a Comment

View My Stats