Hoàng
Hưng
10/11/2013
Nhóm Cánh Buồm ra đời năm 2009, nó từ chối tham gia
những cuộc “phản biện” mang tính lý thuyết, nó công bố dần những cuốn sách giáo
khoa tiểu học hàm chứa một định hướng Tâm lý học Giáo dục (TLHGD). Có thể thấy
một mối quan tâm lý thuyết mang tính TLHGD nào đó qua việc đặt tên những cuộc
hội thảo từng năm của nhóm, Hiểu trẻ em–Dạy trẻ em (2009), Chào lớp
Một (2010), Tự học–Tự giáo dục (2011), Em biết cách học (2012).
Định hướng hoạt động năm 2013 của nhóm là “Năm sư phạm” với việc triển khai Câu
lạc bộ Sư phạm Cánh Buồm, và hôm nay với việc công bố ba cuốn “Cẩm nang sư
phạm” xác nhận một mối quan tâm quán xuyến đến cái lý thuyết làm nền cho
các hoạt động của mình.
Từ hai năm nay, nhóm Cánh Buồm tổ chức dịch và chuẩn
bị công bố vào năm 2014 ba tác phẩm của Jean Piaget (Sự hình thành trí khôn
ở trẻ em, Sự tạo dựng cái thực ở trẻ em, Sự tạo thành biểu tượng ở trẻ em)
và của Howard Gardner (tái bản Cơ cấu trí khôn, dịch mới Trí khôn phi
học đường, Trí khôn sáng tạo). Thật là có căn cứ xác đáng để nêu hai câu
hỏi này: (1) Có phải định hướng lý thuyết của nhóm sẽ tập trung vào Tâm lý học
Giáo dục? (2) Tại sao nhóm Cánh Buồm lại chọn hai tác giả, nhà tâm lý học Thụy
Sĩ Jean Piaget và nhà tâm lý học Mỹ Howard Gardner, để tập trung giới thiệu về
bộ môn này?
Trả lời cho câu hỏi (1) có lẽ không khó khăn lắm.
Khi người được phân công tổ chức tủ sách TLHGD Cánh
Buồm đưa thông tin về dự án này trên FB, có một nhà văn trẻ rất chịu đọc sách
đã comment rằng: “Cháu thấy sách tâm lý đầy các hiệu sách mà nền GD nước nhà
ngày càng lụn bại, vậy giờ còn dịch sách TLHGD làm gì? Có phải người ta không
biết về lý thuyết GD đâu, mà nguyên nhân ở chỗ khác!”.
Nhưng sự thực có phải sách tâm lý đầy các hiệu
sách không? Hãy thử để một buổi tra cứu tổng mục sách TLHGD trong thư viện
Quốc gia hay thử dùng công cụ tìm kiếm Google, ta sẽ có kết quả đáng ngạc nhiên
về sự nghèo nàn không tưởng tượng nổi: quanh đi quẩn lại là một số giáo trình
đại học, mà nội dung không khác nhau là mấy, và hình như bắt nguồn từ các giáo
trình Liên Xô đã rất cũ, lại dạy rất chung chung về những vấn đề TLH khái quát
chứ không đi vào những lý thuyết mang tính tri thức học hay liên quan đến sự
phát triển trí tuệ là điều thiết cốt mà nhà giáo phải nắm rất vững. Không hề có
mặt những tác phẩm gốc của các nhà TLH GD hiện đại hàng đầu thế giới như Alfred
Bruner, Alfred Binet, John Dewey, Benjamin Bloom, Claparède, Lev Vygotsky…. Có
lẽ Howard Gardner là trường hợp hiếm hoi với cuốn “Trí khôn nhiều thành phần”
được ra mắt mấy năm gần đây (Giáo dục, 1997, 1998, Tri thức, tái bản có bổ
sung, 2013).
Như vậy, hình như xã hội VN, hay nói hẹp là Giáo dục
VN không có nhu cầu về lý thuyết TLHGD? Tất nhiên, người ta có thể cứ sống mà
không có nhu cầu biết Aristotle, Hegel hay Kant…, cứ làm ăn kinh tế mà không
cần biết đến Adam Smith, Keynes…, cứ làm thơ viết văn mà không cần Saussure,
Roland Barthes… Nhưng với một nền GD quốc dân thì khác. Sau hàng chục lần mò
mẫm sửa đổi, cải cách, nền GD VN đi đến tình trạng như hiện nay, phải chăng có
nguyên nhân sâu xa từ hội chứng “sợ và ghét lý thuyết” của người VN, kể cả của
trí thức VN?
Mười sáu cuốn (chưa đầy đủ) trong bộ sách giáo khoa
tiểu học Cánh Buồm ra đời trong hoàn cảnh ấy. Xã hội chào đón bộ sách vì thấy ở
đó có những điều mới mẻ, có thể là sản phẩm kết tinh kinh nghiệm của nhiều nhà
sư phạm thuộc nhiều dòng “cải cách” khác nhau. Xã hội cũng hào hứng trước
nguyên lý của nền Giáo dục hiện đại như tuyên ngôn của nhóm Cánh Buồm
là: tổ chức cho học sinh tự học, tự giáo dục theo phuơng châm “học bằng cách
làm” (learning by doing). Dù ưu ái đến bao nhiêu chăng nữa, thì vẫn cứ còn câu
hỏi được cử toạ nêu lên, đó là: nguyên lý Giáo dục hiện đại của Cánh Buồm dựa
trên lý thuyết khoa học tâm lý GD nào?
Câu hỏi này dã được trả lời ở một đoạn bên trên. Mặt
khác, do chỗ sức nhóm Cánh Buồm có hạn, nên nó phải bắt đầu với những tác giả
được nó đánh giá là tiêu biểu: Jean Piaget và Howard Gardner cùng những công
trình tâm lý học mang tính gợi ý hơn cả của các ông.
Jean Piaget là người phát triển tâm lý học theo tư
tưởng chủ đạo là sự phát triển trí khôn. Jean Piaget đã tiến hành nghiên
cứu tâm lý học trên những trẻ em bình thường. Trước Piaget, nhà sinh lý học
Maximilian Wundt ở Đức mới chỉ có công đưa tâm lý học vào con đường thực nghiệm
và cho thấy có thể đo nghiệm được những kết quả nghiên cứu tâm lý con người.
Tiếp đó, bác sĩ y khoa người Pháp Alfred Binet tiến hành những đo nghiệm tâm lý
trẻ em mà mục đích chỉ nhằm loại bỏ được những em không đủ khả năng theo học
bậc tiểu học bắt buộc. Bộ đo nghiệm Binet vượt Đại Tây dương sang Mỹ đã được
phát triển hết sức thông minh thành bộ Binet-Simon, đã dùng những đo nghiệm
rộng rãi và bớt tốn kém trên động vật để xác định những thao tác học tập. Thế
nhưng, khi từ bên kia Đại Tây dương trở lại bờ châu Âu bên này, thì cũng mang
theo thuyết hành vi (behaviorism) đang ngự trị. Behaviorism trong Giáo
dục trông cậy tất cả vào người thầy truyền thụ kiến thức. Ông thầy đưa ra kiến
thức, rồi quan sát, đo đạc, cải tiến những thay đổi mang tính hành vi trong
kiến thức mà học trò tiếp nhận. Việc học như thế có bản chất là một đáp ứng
dạng phản xạ có điều kiện hay sự ghi nhớ và lặp lại các khuôn mẫu hành vi
cho đến khi chúng trở thành tự động. Nói một cách đơn giản, thuyết hành vi coi
kiến thức như những khuôn mẫu được làm hằn vào não đứa trẻ như vào một cục sáp
mềm.
Jean Piaget không rơi vào trạng thái có phần nào
mang tính chất giáo dục kiểu nước Phổ (Prussian) mà mục tiêu là đào tạo nhân
công cho nền đại kỹ nghệ. Jean Piaget đã thay đổi căn bản quan niệm về sự học
của đứa trẻ. Ông được coi là nhà tâm lý học nhận thức đã hoàn chỉnh lý thuyết
“xây dựng” (Constructivism) trong GD. Thuyết này gắn bó sự phát triển trí khôn
của chủ thể với sự trưởng thành tự nhiên về mặt sinh học của chính chủ thể đó.
Ngay từ sơ sinh, chủ thể đã tự học, mà cách thức tự học chính là những
phản xạ. Cách “học tập” tự nhiên ban đầu đó được Piaget đặt tên là trình độ trí
khôn cảm giác-vận động trước khi trở thành trí khôn thao tác,
trước khi thành trí khôn cụ thể, trí khôn trừu tượng. Các “kiến thức”
được phát triển ở con người khi thông tin mới đi vào tiếp xúc với kiến thức đã
có trong con người nhờ những kinh nghiệm trước đó và đã được “xây dựng” trong
những cấu trúc tư duy. Vậy kiến thức là cái được sáng tạo trong quá trình chủ
thể khám phá thế giới. Đứa trẻ tự tạo nên kiến thức có nghĩa là làm nên thế giới
của chính mình từ kinh nghiệm, thay đổi nó từ chỗ hỗn loạn đến chỗ có tổ chức.
Và theo cách đó, Piaget tin rằng một người thầy chủ yếu là người tạo điều kiện
thuận lợi (facilitator), quan sát và hướng dẫn học sinh xây dựng nên kiến thức
của chính chúng, hơn là người truyền thụ kiến thức.
Đóng góp của Piaget với GD được tóm tắt ở những điểm
sau: 1. Tập trung vào quá trình tư duy của trẻ hơn là ở sản phẩm cuối
cùng (tức là chú trọng phương pháp tạo ra kiến thức hơn là một số kiến thức cụ
thể). 2. Nhìn nhận vai trò chủ chốt của việc trẻ tự khai tâm, người lớn
cần tích cực tham dự vào hoạt động học của trẻ. 3. Tôn trọng tiến trình
phát triển từng bước của trí khôn để GD phù hợp với lứa tuổi của trẻ. 4.
Chấp nhận sự khác biệt cá nhân trong phát triển.
Điều thú vị mà có thể ta chưa biết: mãi cho đến thập
niên 1960, nền GD Mỹ vẫn còn được coi là rất nặng tính “Phổ” của thuyết hành
vi, nghĩa là một nền GD nhắm đào tạo công cụ cho cỗ máy công nghiệp hoá, hầu
như chưa biết đến Piaget, cho đến khi những tác phẩm quan trọng nhất của ông
được dịch ra và cũng đúng lúc GD Mỹ chín muồi cho một sự thay đổi. Không thể
phủ nhận tác động của Piaget đối với thành công ngoạn mục của GD Mỹ trong nửa
thế kỷ lại đây (Xem “Jean Piaget’s Enlightened Influence on the American
Educational System”: http://voices.yahoo.com/jean-piagets-enlightened-influence-american-10516715.html?cat=37).
Chúng ta dễ dàng nhận ra rằng GD VN đã có đủ kinh
nghiệm thất bại để thấy thời điểm đã đến cho lý thuyết TLHGD của Piaget phải
được coi như tư tưởng chỉ đạo cho mọi toan tính cải cách căn bản nền GD. Mà câu
nói sau đây của ông có thể là một triết lý GD mang tính khai minh: “Phần lớn
người ta cho rằng giáo dục nghĩa là dẫn dắt đứa trẻ để nó trở thành một người
trưởng thành điển hình của xã hội… Nhưng với tôi, giáo dục nghĩa là tạo ra
những con người sáng tạo… Ta phải tạo ra các nhà phát minh, các nhà cách tân,
không phải những kẻ tuân thủ” (Jean Piaget, Trò chuyện với Jean Claude
Bringuier, 1980)
Đó là vài điều rất sơ sài giải thích việc nhóm Cánh
Buồm lựa chọn cái «mẫu» Jean Piaget. Còn đây là lý do của việc chọn cái «mẫu»
nữa từ nhà tâm lý học Mỹ đương đại Howard Gardner.
Howard Gardner còn rất trẻ, ông sinh năm 1943, khi
vào nghề tâm lý học thì ngành học này đã có nhiều thành tựu về tâm lý học phát
triển. Ngành học thì phát triển, nhưng cũng để đọng lại những điều có hại cho
nền Giáo dục, trong đó điều nguy hại nhất mà H. Gardner chống đối mãnh liệt nhất,
đó là hệ thống đo nghiệm tâm trí, đặc biệt là cái chỉ số IQ. H. Gardner coi
việc gắn chặt cuộc đời một em bé vào một con số như là tiền định, như là số
mệnh, sau khi được hỏi han qua loa bên cây bút chì và tờ giấy trắng, là điều vô
lý đến cùng cực, không thể chấp nhận được. Không thể coi IQ là thân phận con
người!
H. Gardner rất coi trọng Jean Piaget, thấy ở Piaget
người khởi đầu của tâm lý học đích thực. Ông rất tôn trọng những thực hành của
Piaget giúp trẻ em ở trường phát triển trí khôn. Song H. Gardner không đồng
tình với việc coi trí khôn người như là có một gốc chung duy nhất. H. Gardner
đặt câu hỏi: một thiếu niên sinh trưởng ở vùng đảo Thái Bình Dương tuy mù chữ
nhưng điều khiển con tàu không bị lạc giữa cả ngàn hòn đảo, em đó có được coi
là «thông minh» không? Một tu sĩ Hồi giáo hơn chục năm sống trong tu viện vừa
học chữ vừa học thuộc lòng cả bộ Kinh Koran, người đó có được coi là «thông
minh» không? Và giữa người nghệ sĩ du ca mù Homer thuộc lòng cả vạn câu thơ và
em bé ngồi sáng tác nhạc bên chiếc máy tính điện tử thời nay, hai người ấy có
chung một kiểu trí khôn nào không? Những vấn đề như thế, những nghiên cứu sâu
vào các loại hồ sơ trí khôn người và các đề án nghiên cứu phát triển tiềm năng
người, đã khiến H. Gardner vào năm 40 tuổi (1983) hình thành lý thuyết về những
«khung» trí khôn người: trí khôn ngôn ngữ, trí khôn lô gich-toán, trí khôn
không gian, trí khôn cơ thể ở dạng động, trí khôn âm nhạc, trí khôn cá nhân
hướng nội, và trí khôn cá nhân hướng ngoại.
Ta thấy rõ, lý thuyết tâm lý học Gardner bổ sung cho
cách nghiên cứu cổ điển, căn bản của Piaget, sẽ mang lại một không khí tươi
mới, dân chủ, cởi mở cho nhà trường.
Xin nói thêm vài lời về việc tại sao lại chọn
Piaget và Gardner, phải chăng chọn lựa này cố tình cho thấy chỉ có hai nhà tâm
lý học đó là đủ cho nền Giáo dục?
Chắc chắn là không phải vậy rồi! Ngay từ khi thành
lập, nhóm Cánh Buồm đã biết thân biết phận, chỉ dám làm những việc mang tính
gợi ý – gọi nôm na là «làm mẫu». Vậy thì, Piaget và Gardner cũng chỉ là
những cái «mẫu».
Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi, cũng là một thành viên
cao tuổi của nhóm Cánh Buồm, sau khi thấy các bản thảo dịch Piaget và Gardner,
đã nghĩ đến việc dịch Sự phát triển các chức năng tâm lý bậc cao của Lev
Vygotsky.
Và chúng tôi cũng còn nghĩ đến công trình khác cũng
của Vygotsky về tư duy và ngôn ngữ, những công trình của các nhà tâm lý học sư
phạm Nga Xô Viết cũ như A. Luria, Leontiev, V. V. Davydov … Nhưng
chắc chắn đó không thể là việc làm của một nhóm Cánh Buồm.
Để kết thúc báo cáo này, cho phép tôi kể một chuyện
vui vui có thật. Chúng tôi ngồi làm kế hoạch dịch sách tâm lý học giáo dục với
nhau. Và chúng tôi cười phá lên vì thấy mình đang tự giao hẹn phải sống thêm
dăm bảy năm, mươi lăm năm nữa, sao mà vô lý! Thế rồi vừa buồn cười và vừa đau
khổ chúng tôi đặt ra câu hỏi công việc nhiều quá, ai làm nốt đây?
3 tháng 11 năm 2013
H.
H.
No comments:
Post a Comment