Friday, 22 November 2013

MỘT THÁNG THẾ GIỚI ĐÓN Ờ SAO CHỔI ISON (Hà Tường Cát - Người Việt)




Hà Tường Cát/Người Việt
Tuesday, November 19, 2013 1:52:52 PM

Liệu ISON có thể sẽ là “sao chổi của thế kỷ”,  sáng chưa từng thấy  từ xưa đến nay hay không. Đó là điều mà giới khoa học và mọi người trên toàn thế giới đang mong đợi đón xem từ bây giờ  đến cuối tháng 12.

Sao chổi ISON chụp qua viễn kính không gian Hubble của NASA ngày 17 tháng 11. (Hình: NASA/Space.com)

Sao chổi ISON đã gây sự quan tâm đặc biệt từ hơn một năm nay khi nó mới bắt đầu được hai nhà thiên văn tài tử người Nga phát hiện hồi tháng 9 năm ngoái. Theo tính toán, đúng ngày Lễ Tạ Ơn, ISON sẽ đến cách xa Mặt Trời 1.2 triệu km, nghĩa là 1 phần 250 lần khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trời (300 triệu km). Ở vị trí ấy và di chuyển với vận tốc 377 km một giây đồng hồ, sao chổi sẽ chịu nhiều tác dụng vì bị hâm nóng tới 2,670 độ C.  Trước đó 2 ngày, Thứ Ba 26 tháng 1, sao chổi đã ở gần Trái Đất hơn nữa, xa khoảng 1 triệu km, nhưng không ảnh hưởng gì tới Trái Đất và cũng không hẳn đã nhìn thấy đẹp hơn, bởi vì ánh sáng của sao chổi là do từ Mặt Trời chứ Trái Đất không có tác dụng gì tới nó.

Sau ngày Lễ Tạ Ơn, sao chổi bắt đầu đi xa dần Mặt Trời nhưng chính khi ấy mới là thời gian sao chổi sáng nhất bởi vì đã chịu thêm tác động của Mặt Trời. Và người ta sẽ nhìn thấy sao chổi mờ đi dần cho tới cuối tháng 12.

Tuy nhiên, một sự kiện mà các nhà khoa học không thể nào dự đoán, là liệu sao chổi có tan rã khi đến quá gần Mặt Trời như thế hay không, và nếu điều này xảy ra thì … sẽ chẳng có gì lạ nữa và không còn có chuyện “sao chổi của thế kỷ” như sự mong chờ.

Cũng đừng nên quên là trong quá khứ, nhiều lần chuyện về các sao chổi đã từ sôi nổi đi đến lép xẹp. Chẳng hạn như trước đây, năm 1987,  các nhà khoa học  đã loan báo sao chổi Halley, 76 năm quay lại gần chúng ta một lần, là sao chổi lớn đẹp nhất thế kỷ. Cuối cùng kết quả khác hẳn, sao chổi Halley chỉ là một sao chổi tầm thường, cái đầu không lớn, và cái đuôi mờ nhạt. Theo giải thích sau đó, thì khi sao chổi đến gần Mặt Trời lần trước, năm 1910, nó đã tiêu hao mất nhiều sinh lực – đó là những tảng băng và lớp khi bao quanh tan rã – nên năm 1987 …xì hơi.

Dù đã đạt nhiều tiến bộ phi thường trong các lãnh vực, khoa học vẫn chưa thể hiểu và dự đoán được tất cả những sự kiện của thiên nhiên, từ những hiện tương trên mặt đất như núi lửa, động đất, mưa bão chứ chưa nói tới những hiện tượng ngoài vũ trụ. Tuy vậy tính hiếu kỳ và lòng ham muốn tìm hiểu của con người không bao giờ cạn và là nguồn gốc đem tới những sự phát triển bất tận. Việc theo dõi sao chổi ISON  thuộc một phần trong những ý hướng ấy và chắc chắn sẽ là niềm hào hứng cho rất nhiều người, về mặt khoa học thuần túy cũng như cả khoa học huyền bí.

Từ xưa nhiều dân tộc, Đông và Tây, đều đã có những tin tưởng dị đoan về sao chổi. Ngưới ta coi nó là báo hiệu của thiên tai, chiến tranh, nghĩa là những sự kiện bất hạnh cho nhân loại. Ngày nay chẳng mấy ai còn bị ám ảnh bởi tư tưởng đó, cho nên ta có thể theo dõi, quan sát sao chổi với tất cả sự bình an trong tâm hồn, không bị ám ảnh bởi nỗi lo sợ gì khác.

Sao chổi ISON do hai nhà thiên văn tài tử người Belarus, Vitali Nevski, và Nga, Artyom Novichonok, tìm ra tháng 9 năm 2012. Thông thường sao chổi được mang tên người tìm thấy đầu tiên, nhưng sự phát hiện là nhờ vào các phương tiện thuộc Mạng Lưới Viễn Kính Khoa Học Quốc Tế (International Scientific Optical Network, viết tắt là ISON) nên sao chổi này được gọi là ISON, tên dễ đọc dễ nhớ hơn Nevski-Novichonok. Trong  danh mục thiên văn của các thiên thể, sao chổi ISON có danh số C/2012 S1.

ISON xuất phát từ một nơi rất xa trong vũ trụ, các nhà tiên văn dự đoán từ một vùng gọi là Đám Mây Oort (Oort Cloud) bên ngoài Tử Vương Tinh (Pluto) cách xa Mặt Trời khoảng một năm ánh sáng. Cũng có thể ISON từ nơi xa hơn nữa trong vũ trụ và lần đầu tiên từ mấy tỷ năm du ngoạn tới thăm Thái Dương Hệ. Quỹ đạo của ISON không phải là một ellipse nghĩa là một đường cong khép kín để cho sau một thời gian, ngắn hay rất dài, quay trở lại một lần. Theo sự tính toán của các khoa học gia NASA, quỹ đạo của ISON là một parabol, một đường cong mở, và ISON chỉ đi tới gần Mặt Trời một lần rồi sau đó mãi mãi đi xa vào trong vũ trụ không còn bao giờ trở lại.

Nhưng như vậy với điều kiện sao chổi không bị tổn hại gì khi đi tới gần Mặt Trời. Như đã nói trên, sao chổi ISON tới cách xa Mặt Trời chỉ hơn 1 triệu km, quá gần và có thể chịu sức hút kéo nó đâm vào Mặt Trời. Cũng có thể sao chổi không bị kéo hẳn vào Mặt Trời nhưng sẽ vỡ thành nhiều mảnh và biến thành một đám mưa sao băng rơi một phần xuống bầu khí quyển Trái Đất. Cả hai trường hợp ấy nếu xảy ra thì người ta sẽ chỉ được thấy một hiện tượng ngắn ngủi trên không trung.

Trường hợp thứ ba, nếu ISON bảo toàn được mạng sống và tiếp tục đi xa dần Mặt Trời là thỏa mãn sự mong đợi của mọi người chúng ta hơn hết. Lúc đó như dự đoán, sao chổi sẽ có một lúc sáng hơn cả Mặt Trăng, dù nhỏ hơn, và có thể nhìn thấy ngay giữa ban ngày.

Từ một tuần trước đây, sao chổi ISON đã đột ngột sáng lên hơn dự đoán trước và sự kiện ấy khiến người ta càng hy vọng là nó đừng bị tan rã sau ngày Lễ Tạ Ơn. Hiện nay theo lý thuyết đã có thể nhìn thấy sao chổi bằng mắt thường, không cần dùng tới viễn vọng kính. Một vật trong vũ trụ có thể nhìn thấy bằng mắt thường nếu quang độ (magnitude) dưới 6.5 (quang độ càng nhỏ  thì vật càng sáng, ngôi sao sáng nhất trên bầu trời, Sirius, có quang độ -1.46). Ngày 15 tháng 11, ISON đã có quang độ 5.4, trên nguyên tắc có thể nhìn thấy bằng mắt thường, nhưng thực tế còn là chỉ với những con mắt tốt và trời … đừng có mây hay không khí ô nhiễm.

Từ bây giờ tới Lễ Tạ Ơn, có thể nhìn thấy ISON vào buổi sáng sớm trước khi Mặt Trời mọc, qua ngày ấy – nếu sao chổi  hãy còn sống – sẽ nhìn thấy sau lúc Mặt Trời lặn, và nếu sao chổi rất sáng sẽ thấy từ trước lúc Mặt Trời lặn.

Những hiện tượng ấy nếu diễn ra như sự mong mỏi, chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của cả những người không mấy quan tâm vì vẫn cho rằng chẳng có gì đáng nói về sao chổi. Vậy thì xin hãy chờ đợi về những điều có thể xảy đến, hay không bao giờ xảy đến, và cuộc sống của con người trên Trái Đất vẫn chỉ liên quan tới kinh tế, chính trị và xung đột chiến tranh.  (HC)



No comments:

Post a Comment

View My Stats