Lại Nguyên Ân
Viet Studies 3-11-13
MỘT
BÀI BÁO CỦA PHAN KHÔI NĂM 1935
VIẾT
VỀ NGÔ ĐÌNH DIỆM
Năm 1935, khi Phan Khôi (1887-1959) đang làm Chủ bút báo Tràng An ở Huế,
ông có viết bình luận nhân sự kiện Triều đình Huế, dưới thời vua Bảo Đại, đã có
2 quyết định liên quan đến Ngô Đình Diệm: cách chức, sau đó khai phục chức
Thượng thư cho ông ta. Trong lời bình luận, Phan Khôi lưu ý đến các phương diện
khí tiết của người làm quan và “tâm thuật” của sĩ phu trước các quyết định của
triều đình.
Bài này có in trong tập: Phan Khôi, Tác phẩm đăng báo 1935 /Lại Nguyên
Ân sưu tầm, biên soạn/ Nxb. Tri Thức, Hà Nội, phát hành tháng 10/2013.
Xin giới thiệu cùng bạn đọc.
LẠI
NGUYÊN ÂN
MỘT
VIỆC RẤT CÓ ẢNH HƯỞNG ĐẾN TÂM THUẬT CỦA SĨ PHU
CÁCH CHỨC VÀ KHAI PHỤC ÔNG NGÔ ĐÌNH DIỆM
Ngót
hai năm, từ hồi Nam triều có sự thay đổi cả việc lẫn người trong các bộ, người
ta quen gọi là “cuộc cải cách ngày 2 Mai 1933”, đến nay, những việc do cuộc cải
cách ấy làm ra có gì khá hơn trước chăng, − Ấy là một đầu đề tốt lắm, chúng tôi
đã chọn để có ngày sẽ viết đến. Hôm nay, từ trong cuộc cải cách ấy chúng tôi
lấy ra một việc mà bàn, việc tuy đã nguội, song vừa rồi nhờ một lá Sắc của nhà
vua nó trở nên sốt dẻo. [a]
Chưa nói đến hết thảy những việc trong cuộc cải cách, thoáng qua một cái, chúng
tôi thấy hình như cũng chỉ có việc chúng tôi sắp bàn đây là lớn hơn hết, vì nó
có ảnh hưởng đến tâm thuật của sĩ phu.
Việc cách chức và khai phục nguyên hàm ông Ngô Đình Diệm.
***
Ông Ngô Đình Diệm, năm 1933, vì sao mà bị cách chức? Trong đó có cái cớ chánh
và cái cớ phụ. Người ngoài chỉ biết được cái cớ phụ mà thôi, tức như cái điều
đăng trên các báo lúc bấy giờ: ông Ngô đã bội lời ước với Triều đình, đem những
việc bí mật mình đã hứa giữ mà tuyên bố cùng một nhà báo nào đó.
Tuy vậy, chỉ một cớ phụ ấy thôi, ông không đến nỗi bị như thế. Phải có cái cớ
chánh, chính bởi cớ này mà ông từ chức Thượng thơ, rồi mới nhân cái lỗi bội ước
là cái lỗi nhỏ mà bị cách chức.
Nếu cái cớ phụ là sự bội ước đã là cái lỗi nhỏ không đủ cách chức ông Ngô Đình
Diệm được, vậy thì sự cách chức ông ấy, ta có thể nói được rằng trực tiếp bởi
cái cớ chánh gây ra.
Cái cớ chánh, từ bấy đến giờ, Triều đình giữ bí mật, ngoại gian không có ai
biết được cả. Không biết là không biết cho tường tế, chứ người ta đoán phỏng
rằng vì “chánh kiến bất đồng” hay là vì “trái ý bề trên” thì tưởng cũng cọ bia.[b]
Chỉ vì một chút chánh kiến bất đồng mà đành phủi áo đứng dậy, bỏ ngôi Thượng
thơ, rồi nhân đó đến bị phế truất, ấy thật là cái cao tiết của ông Ngô Đình
Diệm, 50 năm nay mới có một người! Nhưng nếu ông chỉ từ chức mà thôi, không bị
cách chức, thì cái cao tiết ấy e rồi cũng đến mai một đi mà không ai biết. Cho
nên, sự cách chức hồi đó làm cho ông Ngô lẫy tiếng bao nhiêu, càng đáng cho ta
để ý bấy nhiêu.
***
Thật, chúng tôi nói 50 năm nay mới có một người như ông Ngô Đình Diệm, không
phải là nói quá. Thì từ triều Thành Thái về sau, hỏi có ông đại thần nào có cái
thái độ rắn rỏi lấy một chút không? Chúng tôi thấy lắm kẻ đã già rồi, đôi khi
bị quở bị rầy nữa mà cũng chịu khó kiếm đủ cách để giữ lấy ngôi. Dù giống gì
người ta cũng cứ lăn vào, còn ai kể tới chánh kiến đồng hay không đồng, hiệp
cùng chẳng hiệp? Mà than ôi! Có gì đâu để được gọi là chánh kiến!
Chỗ miếu đường đã thế nên thảo dã cũng hòa theo. Hầu hết đám người có học ít
nhiều chỉ biết lấy phú quý lợi lộc làm cái đích cho đời mình mà không biết nhân
cách của mình là đáng trọng. Bởi vậy, trong bức thư ông Phan Châu Trinh đưa cho
chánh phủ Pháp hồi đó, ông có nói câu này mà không dè dặt chút nào hết: “Sĩ phu
nước Nam, cái lòng liêm sỉ của họ đã mất hết rồi!”
Trong cái xã hội sĩ phu đó, có sự cách chức ông Ngô Đình Diệm, khác nào một
tiếng nổ to, đánh thức dậy hết thảy. Nghe tiếng nổ ấy tất họ phải đi tìm cho
biết cái con người Ngô Đình Diệm thế nào. Sau khi biết con người ấy chỉ vì chút
chánh kiến bất đồng mà dám vứt bỏ số lương tháng bốn trăm luôn với bộ áo chầu
nhị phẩm, ít nữa họ cũng ngó lại con người của họ mà sinh lòng hổ thẹn: sao ông
Ngô Đình Diệm dám bỏ đến cái nhị phẩm mà mình lại cúi luồn lạy lục để xin lấy
cái cửu phẩm!
Nó có ảnh hưởng đến tâm thuật sĩ phu là thế. Một viêc rất tốt! Một việc rất có
bổ ích cho thế đạo nhân tâm.
***
Bài
này không cốt bàn về chánh trị, cho nên trên kia có nói tới chánh kiến bất đồng
mà chúng tôi không nói đến bên nào dở bên nào hay. Tuy vậy ta nên biết rằng
trong trường chánh trị thường có lúc hai cái chánh sách đồng có giá trị như
nhau mà phải lấy cái này bỏ cái kia, ấy là tùy theo hoàn cảnh, tùy theo tình
thế. Nếu cái hoàn cảnh ấy đổi đi, cái tình thế ấy không còn nữa, bấy giờ cái
chánh sách bị bỏ sẽ được phục lại cái giá trị của nó chưa biết chừng.
Có lẽ vì đó mà nay ông Ngô Đình Diệm được khai phục nguyên hàm. Sự khai phục
này hoặc có hàm một cái ý nghĩa rằng cái chánh kiến của ông Ngô là không phải
dở, cũng không phải trái nhau với cái chánh kiến khác đến cực đoan.
Lại nữa, sự khai phục này cũng rất có ảnh hưởng đến sĩ phu như lần trước. Có
nhiều người bình nhật giữ một cái ý kiến nào hay một cái thái độ nào, rủi vì đó
thất bại, rồi họ đành bỏ hay đổi cái ý kiến ấy, cái thái độ ấy. Ông Ngô Đình
Diệm từ khi thất bại (nói vậy đó thôi) đến nay vẫn ôm luôn lấy cái cao tiết ấy
mà không hề sai chạy. Rồi ngày nay tự nhiên ông được trả lại phẩm tước cũ,
ngoài sự khấn ba cái tạ ơn, ông chẳng hề tốn một tiếng nói nào với ai. Như thế
há chẳng phải bồi đắp thêm cái lòng tự trọng cho mọi người?
Cải cách! Cải cách! Cải cách mà gặp hồi kinh tế khủng hoảng này, đừng nói không
làm, làm mà sổ dự toán không cho phép, thì phỏng còn kết quả gì hay? Tuy vậy,
ước gì được nhiều việc như việc đối với ông Ngô Đình Diệm đây, nhà ngôn luận
chúng tôi có tiếc gì mà không ca tụng?
“Sĩ phu liêm sỉ chi đạo táng”, chính câu ông Phan Châu Trinh nói như thế. Con
người mất cả liêm sỉ là con người bỏ; huống chi cả một đám người mất cả liêm
sỉ, mà còn mong gì được ư?
Nhờ ông Ngô Đình Diệm vớt lại nhiều ít, nhờ sự cách chức và khai phục ông Ngô
Đình Diệm vớt lại nhiều ít, họa may cái lòng liêm sỉ của sĩ phu Việt Nam ngóp ngỏi
dậy chăng?
PHAN
KHÔI
Nguồn:
Tràng
An, Huế,
s. 9 (29 Mars 1935), tr. 1.
Chú
thích
[a] Tràng an s.
8 (26 Mars 1935, tr. 1) đưa tin Cách viên được khai phục, cho biết ba
đạo Sắc ra ngày 20 Mars 1935 khai phục cho một đại thần và hai ông quan đã bị
cách từ năm Bảo Đại thứ 8, trong đó, kể từ ngày 20 Mars 1935, ông Ngô Đình Diệm
được khai phục nguyên hàm và cho lại các huy chương đã được khi trước, theo đạo
Dụ số 23.
[b] cọ bia: gần trúng,
gần đúng.
LNA
gửi ngày 3-11-13
No comments:
Post a Comment