Nguyễn
Xuân Nghĩa
Monday,
November 18, 2013 3:57:39 PM
Trục xoay về Châu Á bị lỏng chốt
Bị
chiếu bí ở nhà, tổng thống Mỹ có thể đi tìm thành quả đối ngoại để chứng tỏ
quyền lực của mình vì hiến pháp cho lập pháp nhiều quyền hạn về ngân sách và
nội chính nhưng để khoảng trống về ngoại giao cho Hành pháp. Nhưng trong cơn
sóng gió hiện nay về đạo luật bảo dưỡng y tế của mình, với sự thất vọng và xé
rào của nhiều đảng viên Dân Chủ vì viễn ảnh thất cử năm tới, Tổng Thống Barack
Obama lại chỉ mong là dư luận đừng chú ý đến chuyện đối ngoại.
Nhưng tứ bề thọ nạn!
***
Hôm Chủ Nhật vừa qua, chuyến thăm viếng Israel của Tổng Thống Pháp Francois Hollande giải tỏa được một nghi vấn. Vì sao hôm Thứ Năm mùng tám, Ngoại Trưởng Laurent Fabius lật đật qua Geneva dự hội nghị về Iran và bất ngờ xé rào khi đơn phương bước ra thông báo việc Pháp bác bỏ đề nghị hòa giải của ngoại trưởng Mỹ mà ông gọi là “mua hớ” - marché de dupes? Lý do không chỉ vì Fabius là gốc Do Thái nên có lập trường gần gũi với chính quyền Israel của dân Do Thái và hoài nghi lời hứa của Iran để thoát khỏi nạn cấm vận.
Tổng thống Pháp được chính quyền của Thủ Tướng Benyamin Netanyahu và dư luận Do Thái đón tiếp như một anh hùng đã dám đơn phương chống Mỹ! Câu chuyện có nguyên do sâu xa hơn vậy.
Chiều 31 Tháng Tám, chính quyền Paris chuẩn bị chiến dịch can thiệp vào Syria theo kế hoạch hỗn hợp Pháp-Mỹ thì Tổng Thống Hollande được ông Obama điện thoại cho biết quyết định bất ngờ: Bãi bỏ việc tấn công trù tính vào đêm hôm đó, mà tìm giải pháp khác! Sau đấy là thái độ cả tin của chính quyền Obama với Iran trong hội nghị của nhóm P5+1 (năm hội viên thường trực của Hội Ðồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cộng với nước Ðức) về kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm của Iran. Vào giờ chót tại Geneva, Ngoại Trưởng John Kerry lòi ra đề nghị mới tinh mà ba đồng minh Anh, Pháp, Ðức chưa kịp tham khảo trước. Sau khi đọc ra, Ngoại Trưởng Fabius bèn nói thẳng với báo chí về quyết định từ chối của Pháp.
Nhưng vấn đề không chỉ là đối sách bất ngờ hoặc tráo trở vì bất lực của Tổng Thống Obama.
Trong một cuộc hội thảo hôm 13, ông Fabius công khai trình bày mối e ngại của Pháp về việc Mỹ thiệt thoái khỏi Trung Ðông để tập trung vào khu vực quan yếu hơn cho quyền lợi của Hoa Kỳ, thí dụ như Á Châu. Hậu quả là nhiều quốc gia sẽ gặp bất ổn như Lebanon hay Iraq. Trầm trọng hơn vậy, thế giới không ở trong tình trạng “đa cực” multipolaire mà “vô cực” a-polaire! Chữ của ông Fabius, người đã từng là một thủ tướng trẻ nhất của Pháp ở tuổi 37 vào năm 1984 khi ông Obama mới tập tành phát triển cộng đồng tại Chicago.
Sau phản ứng bất ngờ của Saudi Arabia - từ chối gia nhập Hội đồng Bảo an - để bày tỏ nỗi bất mãn với Hoa Kỳ, sau những chỉ trích của Israel về chủ trương hòa dịu với Iran, sau quyết định ngưng viện trợ cho Egypt, Hoa Kỳ đang gặp sự chống đối không còn ngấm ngầm của Pháp. Khi nháo nhào tháo chạy khỏi Trung Ðông, Hoa Kỳ đang mất đồng minh ở một khu vực bất ổn nhất.
Chỉ vì muốn chuyển trục về Châu Á? Á Châu lại bị oan!
Vì phải ở nhà giải quyết vụ khủng hoảng ngân sách và nguy cơ chính quyền liên bang bị đóng cửa, hồi Tháng Chín, Tổng Thống Obama đã liên tục hủy bỏ các cuộc họp quan trọng với lãnh đạo của các nước Ðông Nam Á như Indonesia, Malaysia và Philippines và cũng chẳng tham dự các thượng đỉnh của Diễn đàn APEC (Hợp Tác Á Châu Thái Bình Dương) và Ðông Á. Ðây là lần lỡ hẹn thứ ba sau hai lần trước vào năm 2010 cũng vì đang thai nghén chuyện ObamaCare của mình.
Với các nước Ðông Nam Á, sự khả tín của nước Mỹ đã trở thành một vấn đề.
Ngược với những thông báo rầm rộ của cựu Ngoại Trưởng Hillary Clinton, việc “chuyển trục về Châu Á” chưa là ưu tiên của một tổng thống từng khoe rằng thiếu thời thì mình có quan hệ với Á Châu Thái Bình Dương khi đã sống tại Indonesia và Hawaii. Khi vừa đắc cử cuối năm 2008, Obama từng nói như người Hà Nội, đến chuyện “đẩy sóng ra khơi, nối chân trời gần lại”. Không, siêu phàm hơn vậy - “sẽ đảo ngược thủy triều”.
Trong cuộc họp báo 51 phút vào Thứ Năm 14 vừa qua, Obama nói về cái “tôi” đến 120 lần, mà cái tôi đó không chặn được làn sóng đáy tại Thái Bình Dương, hay trong Quốc Hội Mỹ. Chỉ vì hôm đó, ông nhận được một lá thư ngỏ của 151 dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Dân Chủ.
Số là Hoa Kỳ có thể thức đàm phán ngoại thương theo thủ tục nhanh gọn: Hành pháp được rộng quyền thương thảo với các nước về hiệp định tự do mậu dịch, khi hoàn tất thì trình bày trọn gói cho Lập pháp biểu quyết. Ðó là thủ tục “fast track”, để tránh việc Quốc Hội can thiệp vào từng điều khoản khi còn thương thảo. Thủ tục đó kết thúc từ năm 2007 và Hành pháp Obama đang muốn xin tái tục. Khối dân biểu vừa gửi thư ngỏ đã yêu cầu chấm dứt trò chạy bộ một mình!
Mà chuyện ấy liên hệ gì đến Á Châu Thái Bình Dương?
Hoa Kỳ đang thương thuyết với 11 quốc gia trong vành cung Thái Bình Dương Hiệp định Ðối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP. Ðây là kế hoạch lớn nhằm hạ thấp hàng rào quan thuế gần tới số không và giải tỏa luồng trao đổi hàng hóa, dịch vụ, đầu tư và chế độ bảo vệ tác quyền, v.v... Với sự gia nhập của Nhật Bản cùng nhiều nước Ðông Nam Á, mà không có Trung Quốc, kế hoạch TPP này là một phần trọng yếu và thiết thực của việc “chuyển trục”.
Nhưng ngay trong Quốc Hội Mỹ, xu hướng bảo hộ mậu dịch rất mạnh đã vừa gây thêm phân hóa trong đảng Dân Chủ của ông Obama. Như trong hồ sơ ObamaCare, hậu phương Dân Chủ đã tuột đáy còn nhanh hơn lãnh tụ.
Họa vô đơn chí, ngày 13 vừa qua, hệ thống WikiLeaks lại tiết lộ một phần quan trọng của hồ sơ TPP liên quan đến quy chế bảo vệ tác quyền. Phe chống đối kế hoạch TPP từng đả kích chính quyền Obama là che giấu nhiều cam kết trong việc đàm phán nên vụ tiết lộ liền thổi bùng tranh luận bên trong. Kỹ nghệ điện ảnh Hollywood xưa nay vốn ưa ca tụng Obama đã vào cuộc để bảo vệ quyền lợi của mình và phản đối những cam kết ngầm của đặc sứ thương mại trong Nội các Obama.
Vì vậy, việc hoàn tất Hiệp định TPP nội trong năm nay chỉ là chuyện ảo. Huống hồ là các quốc gia khác cũng phải ráo riết bảo vệ quyền lợi của họ trước sự phê phán của dân chúng ở nhà. Ðấy cũng là những làn sóng ngầm tại Thái Bình Dương...
Nhìn từ bên ngoài, Hoa Kỳ đang thấy các đồng minh lần lượt tháo chạy ra khỏi vòng lãnh đạo của nước Mỹ. Lời phát biểu của ngoại trưởng Pháp về một thế giới vô cực không chỉ ứng vào Trung Ðông. Chính quyền Obama nhất quyết rút khỏi Iraq và Afghanistan, thả nổi khu vực Trung Ðông và nói đến quyền lực mềm của ngoại giao và kinh tế. Về ngoại giao, Mỹ mất nhiều đồng minh chiến lược. Về kinh tế để tạo ra một luật chơi khác ở Châu Á và Mỹ Châu La Tinh với những đối tác mới qua hiệp định TPP thì kết quả cũng là một sự thất vọng.
Một định nghĩa khác của “vô cực” là mất trục xoay.
Chỉ
có tại nước Mỹ:
Khi Trung Quốc đang mà mắt thế giới về nỗ lực cải cách sau hội nghị kỳ ba của khóa 18 thì hệ thống thông tin kinh doanh Bloomberg lãnh đạn. Ðể khỏi phật ý Trung Quốc và khó hành nghề, Bloomberg bất ngờ hủy bài phóng sự của phóng viên điều tra Michael Forsythe về mối quan hệ giữa tỷ phú giàu nhất Trung Quốc với giới lãnh đạo Bắc Kinh. Hoàng Kiến Lâm không chỉ cầm đầu tập đoàn Vạn Ðạt Wanda với tài sản trị giá hơn 14 tỷ đô la mà còn là đảng viên Cộng Sản có thần thế. Hãng Bloomberg không chỉ ngưng bài báo mà còn sa thải tác giả, một ký giả từng đoạt giải về điều tra. Khi bị tờ New York Times và Financial Times khui vụ này thì Bloomberg chối bay. Bloomberg là cơ sở kinh doanh của ông tỷ phú cùng tên, thị trưởng vừa mãn nhiệm của New York. Có nên tin truyền thông của Hoa Kỳ về tình hình Trung Quốc hay chăng? Còn tùy!
No comments:
Post a Comment