Saturday, 23 November 2013

KENNEDY - MỘT TƯỢNG ĐÀI DỞ DANG (Quỳnh Hoa - Thông Luận)




Được đăng ngày Chủ nhật, 24 Tháng 11 2013 00:08

Cố tổng thống John F. Kennedy được nhớ đến như là một trong những ông chủ Nhà Trắng ấn tượng nhất, song sự ra đi đột ngột của ông khiến một tượng đài mãi mãi còn dang dở. Đó là nguyên nhân khiến vụ ám sát giữa ban ngày, mà nạn nhân là vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ, người chỉ mới 46 tuổi vào ngày định mệnh 22/11/1963, trở thành một ký ức không thể nào quên đối với dư luận toàn thế giới.

Những sự kiện đánh dấu 50 năm ngày mất của Kennedy đang cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của ông, với tư cách một nhà lãnh đạo toàn tài, một biểu tượng chính trị, một ngôi sao sáng khi bóng đen của chiến tranh đang bao trùm toàn thế giới hồi những năm 60 thế kỷ trước.

Kennedy nổi lên như một người đi đầu cho những thay đổi trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 1960, và trong mắt những người thuộc thế hệ Baby Boom (ra đời trong khoảng thời gian 1946-1964), nhiệm kỳ của ông được cho là một giai đoạn đầy hy vọng, trước khi bị dập tắt đột ngột vì vụ ám sát ba năm sau đó.

Và cũng bởi vụ án mạng ấy, Kennedy, người từng tuyên bố "đừng nghĩ tới những gì đất nước đã làm cho chúng ta, mà hãy nghĩ đến những gì chúng ta có thể làm cho đất nước", sẽ sống mãi trong tâm trí người dân với tư cách một tổng thống trẻ trung, năng động và qua đời khi chưa đầy 50 tuổi.
Những người ở thời đại Kennedy vẫn luôn coi ông một người hùng hậu Thế chiến II, một chính trị gia với nụ cười rạng rỡ, một người đàn ông hạnh phúc bên cô vợ quyến rũ, và chính khách tài năng, người đã đưa thế giới thoát khỏi nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân sau vụ Khủng hoảng Tên lửa Cuba hồi năm 1962.
Gần hai thập kỷ sau ngày mất của Kennedy, nước Mỹ liên tục phải chứng kiến những nhiệm kỳ tổng thống thất bại hoặc chìm sâu trong bê bối. Điều này càng khiến ông trở thành một biểu tượng của nền chính trị, người luôn hướng tới những mục tiêu cao cả, như đưa con người lên Mặt Trăng.

Một tượng đài dở dang

Nhưng bên cạnh đó, huyền thoại về ông cũng được tô điểm bằng những câu chuyện liên quan tới phụ nữ, những yếu kém trong vụ xâm lược Vịnh Con heo ở Cuba và những vấn đề về sức khỏe của người đàn ông được mệnh danh là "hiện thân của tuổi trẻ".

Và đáng buồn là trong mắt nhiều người thời nay, Kennedy được ghi nhớ bởi cái chết đau đớn và bộ não bị đánh cắp hơn là những gì ông đã làm được khi còn sống.

"Những người thuộc thế hệ trước vẫn coi Kennedy là một biểu tượng của lòng tin, năng lực và khả năng lãnh đạo, thứ mà chúng ta vẫn luôn kỳ vọng ở các đời tổng thống", sử gia Leonard Steinhorn, người từng nhiều lần giảng dạy về di sản của John F. Kennedy ở Đại học American, cho biết.

Nhưng khi những người ở thời đại của Kennedy qua đời, Steinhorn cùng nhiều nhà sử học khác đều tin rằng, dư luận sẽ nhìn nhận vị cựu tổng thống với ánh mắt hà khắc hơn.

"Tôi cho rằng, trong mắt thanh niên thời nay, John Kennedy chỉ đóng vai trò khá khiêm tốn", giáo sư Jeffrey Engel, người đang giảng dạy tại Đại học Southern Methodist, Dallas, nói. "Nghe thì thật đau lòng, nhưng đó là bởi ông ấy chỉ là một tổng thống với nhiệm kỳ dở dang".

Trong khi Kennedy tạo ra những thành tựu chính trị nổi bật, như Đại hội cải cách xã hội và các quyền dân sự, thì người kế nhiệm ông, Lyndon Johnson, mới là vị tổng thống có công ban hành những đạo luật mang tính đột phá.

Các sử gia ngày nay vẫn không ngừng tranh cãi, rằng liệu những thành công mà Kennedy đạt được có phải là nhờ sự giúp đỡ của nhà lập pháp lão làng như Johnson hay không. Nhiều người cũng tin rằng bản thân Kennedy không thể đi xa đến thế trong lĩnh vực cải cách quyền dân sự và nhiều vấn đề xã hội khác.

"Những chuyên gia về các đời tổng thống nhìn vào Kennedy và công nhận rằng, đúng là ông ấy rất tài năng cũng như đang mang lại niềm hy vọng to lớn cho người dân nước Mỹ. Tuy nhiên, chuỗi thành tựu pháp lý và ngoại giao của Kennedy lại quá ít ỏi", giáo sư Engel nói.

Tròn nửa thế kỷ sau sự ra đi của chính trị gia tài năng, người lĩnh trách nhiệm kỷ niệm chuỗi sự kiện này lại chính là một tổng thống khác của đảng Dân chủ, người đã xây dựng danh tiếng cho riêng ông dựa trên nguồn cảm hứng từ Kennedy.

Điều này được chứng minh rõ nhất thông qua chiến dịch chạy đua vào vị trí ông chủ Nhà Trắng hồi năm 2008. Thượng nghị sĩ Barack Obama khi ấy tìm cách gây ấn tượng với cử tri bằng cách nhờ cậy sự giúp đỡ của em trai cố tổng thống Kennedy, Thượng nghị sĩ Edward Kennedy.

"Đã tới lúc cần phải có một thế hệ lãnh đạo mới", Edward phát biểu trước đám đông người ủng hộ ở Đại học American tại thủ đô Washington hồi tháng 1/2008. "Và người đó chính là Barack Obama", người mà theo ông Edward là "có tài lãnh đạo và chí khí phi phường".

Nhưng nguồn cảm hứng từ Kennedy khi ấy giờ lại bị ảnh hưởng bởi những thách thức nội bộ. Sự cố chấp của giới chức cả hai đảng, những lựa chọn lộn xộn về quyền lực và sự bế tắc của chính bản thân Obama đang kìm hãm giấc mơ của cả ông và vị cố tổng thống xấu số.

Vậy nên, trong mắt người dân Mỹ, hình ảnh của cựu tổng thống Kennedy, dù với tư cách một chính trị gia đại tài, vẫn đang dần bị lu mờ, bởi chính những bóng đen của nỗi thất vọng đang bao trùm lên lý tưởng của ông.

Mật vụ Mỹ thay đổi hoàn toàn sau vụ ám sát Kennedy (Vũ Hà)

Các mật vụ Mỹ ngày nay được trang bị kỹ lưỡng và chuyên nghiệp hơn để bảo vệ tính mạng cho tổng thống bằng mọi giá, sau kinh nghiệm xương máu từ vụ John Kennedy bị ám sát năm 1963.

"Không bao giờ quên. Phải ghi nhớ những bài học của thất bại". Đó là lời thề tập thể của Cơ quan Mật vụ Mỹ sau vụ ám sát tổng thống John F. Kennedy 50 năm trước.

Thất bại trong việc bảo vệ tổng thống Kennedy dẫn đến một cuộc cách mạng về việc bảo vệ người đứng đầu nước Mỹ. Nó cũng mở ra mô hình về vòng vây thép và hỏa lực mạnh xung quanh tổng thống như hiện nay.

Bài học xương máu

Vụ ám sát Kennedy ở Dallas, bang Texas, ngày 22/11/1963, xảy ra khi vị tổng thống thứ 35 của nước Mỹ ngồi trong chiếc xe mui trần đang diễu chầm chậm trên phố. Việc này gần như là không thể xảy ra ngày nay. Mật vụ Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm bảo vệ tổng thống từ năm 1902, luôn coi vụ việc của Kennedy là một bài học không bao giờ quên.

"Mỗi năm, Mật vụ Mỹ lại nhớ đến vụ ám sát năm 1963", Dan Emmett, nhân viên mật vụ làm việc từ năm 1983 đến 2004, nói.

"Nhiệm vụ của mật vụ là giữ cho tổng thống còn sống bằng mọi giá và ngày hôm đó họ không làm được như thế. Đó là một ngày đầy đau đớn", Emmett, tác giả cuốn hồi ký kể về quãng thời gian ông bảo vệ những yếu nhân của nước Mỹ, cho biết thêm.

Emmett nói bất cứ ai gợi ý rằng, nên để Tổng thống Barack Obama hoặc những người tiền nhiệm, ngồi lên chiếc xe mui trần diễu hành trên con phố đông đúc ngày nay, có thể được xem là người điên. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, tình hình năm 1963 không giống bây giờ và không ai lường trước được chuyện đó có thể xảy ra.

Chiếc xe của Obama ngày nay cũng khác so với chiếc xe của Kennedy. Xe của Obama được bọc thép cực dày và giống như là một cỗ xe tăng hơn là một chiếc ôtô gia đình. Chiếc xe, có biệt danh "Quái vật", được trang bị để bảo vệ tổng thống khỏi súng cối, súng trường và các loại đạn khác.

Các thiết bị trên xe được giữ bí mật, nhưng được cho là gồm máy trợ thở oxy và dự trữ nhóm máu tương ứng với nhóm máu của tổng thống, cũng như các thiết bị phá sóng. Ôtô cũng được gia cố phần bánh và lốp.

Không giống như chiếc xe của Kennedy đi chậm để ông vẫy chào đám đông, xe của Obama không cho tổng thống có thời gian để bị tấn công. Đoàn xe của tổng thống khi xuyên qua những khu vực đông người thường được dọn đường sẵn cho thông thoáng và hành trình di chuyển không bao giờ được công khai, Jeffrey Robinson, đồng tác giả cuốn sách "Đi cùng Lịch sử" với nhân viên mật vụ Joseph Petro, nói.

Một bài học khác nữa từ vụ ám sát Kennedy, đó là các mật vụ không bao giờ được phép mở cửa kính ôtô, dù cho như vậy khiến cho tổng thống rất xa cách với công chúng. "Càng ít càng tốt, để giảm tối thiểu những nguy cơ. Họ thực sự phải loại bỏ từng giây từng phút nguy hiểm, được chút nào hay chút đó", ông Robinson nói.

Trang bị đến tận răng

Đoàn xe của tổng thống luôn là mục tiêu thú hút sự chú ý, với các xe máy hộ tống xung quanh, xe cảnh sát, hai xe limousine cho tổng thống, các xe tải, xe cứu thương và xe tải cho nhân viên, phóng viên. Phái đoàn thường gồm 30 xe trở lên.

Các thiết bị để phát hiện chất độc phóng xạ, chất độc hóa học hoặc các đe dọa bằng khí, cùng các thiết bị có khả năng ngăn chặn bom điều khiển từ xa, được cho là có trong đoàn xe. Tuy nhiên, các mật vụ không bao giờ tiết lộ thêm chi tiết.

Ngay sau chiếc xe limousine của tổng thống là đội biệt kích trong một chiếc SUV với sức mạnh "đủ để tấn công một quốc gia nhỏ", ông Robinson cho hay.

Mật vụ Mỹ cũng học được bài học khác vào năm 1981, khi họ suýt nữa đã không bảo vệ được tổng thống Ronald Reagan. Ông bị bắn và bị thương bên ngoài một khách sạn ở Washington.

Ngày nay, thời điểm các tổng thống lên và xuống xe hiếm khi được nhìn thấy. Chiếc limousine của Obama thường chui vào trong một lều trắng để che khuất tầm nhìn của mọi người khi ông rời xe. Trong những dịp khác, tổng thống sử dụng bãi đỗ xe dưới tầng hầm mà xung quanh là đầy các mật vụ bao bọc.

Bất kỳ ai muốn đến gần tổng thống đều phải đi qua máy dò kim loại như cách kiểm soát chặt chẽ ở sân bay. Bầu trời trên các tòa nhà nơi tổng thống đến thăm cũng trở thành vùng cấm bay và các máy bay chiến đấu ở trong trạng thái sẵn sàng để ngăn chặn bất cứ phi cơ đáng ngờ nào.

Vành đai an toàn được lập tại bất cứ đâu mà tổng thống dừng chân và các nhân viên an ninh được huy động sẵn từ trước đó.

Hao tiền, tốn của

Sau vụ ám sát Kennedy, chi phí cho các mật vụ tăng lên chóng mặt, từ 5,5 triệu USD cho 350 người vào năm 1963 lên thành 17 triệu USD cho 600 người trong 5 năm sau đó, mật vụ Brian Leary nói.

Ngày nay, số nhân viên chính thức của lực lượng là 7.000 người với khoản ngân sách thường niên là 1,6 tỷ USD. Những nguồn lực này cho phép chuẩn bị tỉ mỉ cho một chuyến thăm ngoài trời ở Washington.

Để được bảo vệ tổng thống, những mật vụ phải trải qua quá trình huấn luyện rất gian khổ. "Tôi không chỉ trích những gì xảy ra 50 năm trước hay cách mà các mật vụ thời đó làm việc, nhưng tôi muốn nói là bây giờ việc huấn luyện đã toàn diện hơn", Leary nói. "Trong và sau quá trình rèn luyện, có rất nhiều bài học được rút ra từ kinh nghiệm trong quá khứ".

Ngoài vụ ám sát hụt tổng thống Reagan và Gerald Ford, lực lượng mật vụ luôn hoàn thành nhiệm vụ với các tổng thống thời hậu Kennedy.

"Có lý do cho thành tích trên, bởi vì chúng tôi thực sự đã học được rất nhiều từ vụ việc ở Dallas", Vincent Palamara, tác giả cuốn "Survivor's Guilt" (tạm dịch : Tội lỗi của người sống sót) viết về ngày 22/11/1963, nói.

Quỳnh Hoa


No comments:

Post a Comment

View My Stats