Saturday 9 November 2013

ĐINH NHẬT UY KỂ CHUYỆN TRONG TRẠI GIAM (Phạm Lê Vương Các thực hiện)




Posted by Phạm Lê Vương Các on 9/11/2013  08:04

Trong nhiều năm qua, các tổ chức nhân quyền quốc tế thường xuyên cáo buộc công an Việt Nam tra tấn, hành hung và ép cung người bị giam giữ.

Đáng chú ý trong thời gian gần đây, nhiều người bị đánh chết trong đồn công an như trường hợp ông Trịnh Xuân Tùng ở Hà Nội, ông Nguyễn Công Nhựt ở Bình Dương, ông Hoàng Văn Ngài ở Đắc Nông… và rất nhiều trường hợp được ghi nhận đã bị đánh đập và hành hung ngay tại cơ quan công quyền đang nhân danh bảo vệ pháp luật.

Hay mới đây nhất dự luận đang chấn động bởi việc công an điều tra Bắc Giang dùng nhục hình để ép cung ông Nguyễn Thanh Chấn phải nhận tội dẫn đến việc ngồi tù oan 10 năm.


Đại sứ Lê Hoài Trung đại diện cho Chính Phủ Việt Nam ký Công ước Chống tra tấn hôm 7/11 (Ảnh: TTXVN)

Nhân dịp Chính phủ Việt Nam đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc "chống Tra tấn và những hình phạt hoặc đối xử vô nhân đạo, hạ nhục nhân phẩm" vào ngày 7/11 vừa qua, Cùi Các đã liên lạc với anh Đinh Nhật Uy - một người từng bị giam giữ hơn 4 tháng cho hành vi “lợi dụng các quyền tự do dân chủ”, để nghe anh kể chuyện về cuộc sống của mình trong những ngày ở trại giam.

Chào anh Đinh Nhật Uy, rất vui khi anh nhận lời cho cuộc trò chuyện này. Xin anh hãy cho biết cuộc sống của anh trong những ngày mới nhập trại ra sao, thưa anh?

Khi mới nhập trại, tất cả đều phải qua khâu kiểm tra sức khỏe, lý lịch và cạo trọc đầu. Chỉ có điều tôi không phải cạo trọc đầu như mọi người. Hằng ngày tôi đều được “đi cung”, tức là đi thẩm vấn và lấy lời khai. Khi làm việc này tôi thường được đưa đến 2 địa điểm. Trước tiên là về phòng ANĐT Công an tỉnh, sau đó là làm việc tại khu hỏi cung của trại giam.
Trong tháng đầu tiên bị tạm giam, tôi bị “đi cung” liên tục theo giờ hành chánh, từ 8h sáng đến 5h chiều. Sáng họ lên trại giam rước tôi, chiều lại trả về. Những tháng sau đó tôi làm việc tại phòng hỏi cung của trại. Tôi cũng chưa bao giờ bị gọi đi thẩm vấn vào lúc nửa đêm.

Anh có biết lý do vì sao khi nhập trại phải qua khâu cạo trọc đầu không? Đó là quy định của trại giam hay là luật bất thành văn ?

Tôi không biết lý do vì sao, và cũng không biết việc người bị giam giữ bị cạo trọc đầu khi nhập trại có phải là việc xúc phạm nhân phẩm con người hay không. Nhưng theo nhận định cá nhân tôi thì đó là vấn đề vệ sinh thôi. Bởi vì thông thường thời gian tạm giam khá dài, nên tóc của người bị giam giữ sẽ dài ra, cạo trọc đầu có thể có nhiều cái lợi với điều kiện vệ sinh ở trong này, còn quy định trại giam thì tôi có thấy không cho để ria mép.

Đinh Nhật Uy đang quảng bá cho quyền con người (ảnh: FB Đinh Nhật Uy)

Trong thời gian ở trại giam, anh được cán bộ ở đây đối xử như thế nào? Trong quá trình thẩm vấn lấy lời khai anh có bị những người bên Cơ quan điều tra đe dọa, quát nạt hay đánh đập gì không?

Theo tôi nhận thấy thì cán bộ trại giam đối xử với tôi cũng bình thường. Thái độ của cán bộ điều tra trong quá trình thẩm vấn lấy lời khai cũng không có gì quá đáng. Họ không quát nạt, cũng như không có việc đánh đập hay tra tấn tôi. Họ cũng có nghiệp vụ riêng, đôi khi họ cũng hay “dụ ngọt” tôi.
Nếu họ có lớn tiếng hay có ý định bức cung thì tôi lên tiếng ngay. Vì tôi cũng có chút hiểu biết về những vấn đề căn bản của pháp luật. Và vì thế tôi chủ động không để tình trạng mớm cung, bức cung hay dùng nhục hình xảy ra đối với bản thân minh.
Và cũng có thể một phần vì những người bị bắt vì các Điều luật 258, 88, 79 theo BLHS thì luôn được quốc tế và các lực lượng tiến bộ trong nước quan tâm và theo dõi đặc biệt, nên họ cũng không dám “đụng” vào.
Nhờ đó mà cán bộ điều tra và bản thân tôi làm việc trên tinh thần tuân thủ Bộ luật Tố tụng Hình sự, dù đôi khi cũng xảy ra tranh cãi gay gắt, bực dọc do sự nóng nảy của hai bên. Nhưng mọi thứ đều được giải quyết theo hướng không để xảy ra căng thẳng và làm tình hình phức tạp thêm.

Khi ở trong trại giam, anh nhận thấy giữa tù chính trị và tù hình sự có sự phân biệt gì không?

Giữa tù chính trị và các tù khác dĩ nhiên là có sự phân biệt. Ngay cả trong cách nhận thức của những người tù, họ gọi tù chính trị là "tù sạch". Có nghĩa là tù chính trị không nguy hiểm, không có khuynh hướng bạo lực hoặc có hành vi gây hại, mà trái lại những người tù chính trị thường rất đàng hoàng và tử tế. Thực sự tù chính trị là một người bị bỏ tù vì tư tưởng hay việc làm mà chính quyền cảm thấy đe dọa cho chiếc ghế những người đang cầm quyền mà thôi. Hơn hết, chỉ có tù chính trị mới dám phản đối những việc làm sai trái của cán bộ trong trại giam, hay bênh vực cho các tù nhân khác, còn những loại tù khác thì hầu như không dám làm việc đó. Chính vì thế tù chính trị được các bạn tù khác đối xử thân thiện và đôi phần rất kính nể.
Điều này cũng tương tự với cách hành xử của cán bộ trại giam đối với tù chính trị, cũng có chút khác biệt về cách đối xử, họ rất mềm dẻo với tù chính trị. Chẳng hạn như tôi mỗi lần đi lấy cung, tôi cũng hay đòi hỏi này nọ, chẳng hạn như cafe và thuốc lá thì họ đáp ứng liền, hay như trong lúc thẩm vấn, dù trong người tôi lúc đó cũng bình thường, nhưng tôi than mệt và đề nghị họ cho nghỉ giải lao hay để hôm sau làm việc tiếp, thì họ cũng sẵn lòng đồng ý. Tôi có đem việc này hỏi những người bạn giam chung có được đối xử như tôi không, thì họ nói là “đời nào có những chuyện đó”.
Nhưng về nguyên tắc chung đối với cán bộ trong trại giam vẫn xem cứ vào tù thì như nhau, vì như chúng ta biết chính quyền VN luôn phủ nhận ở VN không có tù chính trị, chỉ có những người vi phạm pháp luật, nên trong mắt họ vẫn xem mình là người phạm tội nên mới phải ở đây.

Có người nhận định rằng, tù chính trị và kinh tế khi bị "nhập kho" thì ít khi hoặc không bị đánh đập hay tra tấn, còn tù hình sự thì thường xảy ra việc này. Vậy anh đánh giá ra sao về nhận định này? Và khi ở trong trại giam anh có biết hay chứng kiến cảnh đánh đập hay tra tấn tù hình sự bao giờ không?

Về việc này tôi cũng chưa chứng kiến tận mắt vì bản thân tôi khi bị giam thì họ giam chung với tù kinh tế. Những người bạn ở trong này lâu hơn họ kể lại rằng: những tù nhân khác vi phạm nội quy trại thì thường bị đánh bằng dùi cui. Chẳng hạn như nói chuyện với tù nhân khác phòng mà lớn tiếng, hay mang những thứ cấm như thuốc lá, kim loại vào trại đều bị đánh hoặc tự chế tạo những thứ như bài, cờ, vật nhọn cũng bị đánh. Cán bộ bảo họ ngồi xổm và dùng dùi cui đánh vào phần chân và mắt cá. Còn việc quát tháo thì tôi đã nhiều lần nghe thấy, nó diễn ra rất thường xuyên.
Còn nhận định về vấn đề tù kinh tế và chính trị ít khi hay không bị đánh thì tôi chưa nghe về việc này. Theo tôi nhận định thì, các loại tù khác khi vô trại mà có những hành vi mang tính chất côn đồ hoặc nguy hại trực tiếp đến những người xung quanh, thì cán bộ trại sẽ sử dụng đến vũ lực trấn áp để họ sợ mà tuân thủ. Vì tù thì đông, mà lực lượng quản lý thì mỏng, như trong trại tôi ở có khoảng 400 người, nhưng lực lượng cán bộ quản giáo túc trực khoảng gần 40 người. Nên tôi nghĩ họ cần đến việc sử dụng vũ lực để trấn áp là lựa chọn tốt nhất của cán bộ trong trường hợp này.

Theo Khoản 2, Điều 2 Công ước Chống tra tấn quy định: Không được viện dẫn bất kỳ hoàn cảnh nào để biện minh cho việc sử dụng vũ lực đánh đập hay tra tấn. Vậy theo anh, khi VN đã ký kết Công ước này mà vẫn còn biện minh cho hoàn cảnh để sử dụng vũ lực trấn áp liệu có phù hợp hay không?

Nếu VN đã ký Công ước quốc tế chống tra tấn thì cứ chiếu theo điều luật trong Công ước đó mà làm. Những lời biện minh đều không được chấp nhận, và mọi sự tra tấn trong bất kỳ hoàn cảnh nào đều là phạm luật. VN đã ký thì phải tôn trọng và chấp hành. Đây là một dấu hiệu tốt cho công dân VN nếu như Chính phủ giữ đúng tinh thần và cam kết theo Công ước Chống tra tấn.
Mỗi lần khi nghe thấy sự quát thao, trịch thượng hay đánh đập họ như vậy, tôi thấy rất xót xa. Dù họ có là người phạm tội đi chăng nữa nhưng họ vẫn đang chịu sự quản lý của pháp luật, và họ đã tuân thủ hình phạt. Nên thiết nghĩ cần có lựa chọn giải pháp khác tốt hơn để thay thế việc dùng vũ lực trấn áp.

Hình ảnh ông Hoàng Văn Ngài chết trong trụ sở công an thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông. (Ảnh: do thính giả gửi cho RFA)

Là một người đã từng ở trong trại giam, qua đó anh có giải pháp nào để ngăn ngừa và chấm dứt tình trạng người bị giam giữ chịu tra tấn hay ngược đãi trong trại giam không?

Tôi đã từng ở trong trại giam hơn 4 tháng. Tôi cũng hiểu rõ tâm lý của những người bạn tù khác trong nhiều lần tâm sự và ngay cả suy nghĩ của bản thân mình. Vì kiến thức và sự hiểu biết về pháp luật của phạm nhân chưa cao, có nhiều người tù còn không biết chữ, điều đó đi đôi với việc họ không biết về quyền lợi của mình. Đây cũng là một lý do dẫn đến việc họ không biết cách bảo vệ mình khi bị tra tấn và ngược đãi. Thậm chí có người khi bị tra tấn họ cũng nghĩ rằng: “có tội thì bị đánh chứ chẳng có gì phải thắc mắc”, và cũng chính vì vậy dẫn đến việc cán bộ trại giam có cách hành xử "theo thông lệ", riết thành thói quen.
Theo tôi nghĩ mỗi khi nhập trại, Cơ quan điều tra hoặc trại giam phải giải thích rõ cho họ biết về quyền lợi và nghĩa vụ của người bị giam giữ một cách thiết thực hơn. Chẳng hạn như phải cung cấp kiến thức pháp luật căn bản cho họ. Việc giải thích quyền lợi và nghĩa vụ của người bị giam giữ phải được thực hiện bằng một khóa học bắt buộc, được thực bởi những luật gia hay những chuyên gia về nhân quyền giảng dạy. Mặt khác phải giải thích cho họ biết cán bộ trong trại giam được làm gì và không được phép làm gì.
Tóm lại phải cung cấp kiến thức pháp luật cho người mới nhập trại để họ biết cách tự bảo vệ cho chính mình. Bên cạnh đó cũng cần nâng cao tinh thần pháp luật, cũng như nhận thức trong việc tôn trọng quyền con người của cán bộ điều tra và quản giáo ở trại giam. Phải có tác động hai chiều như vậy thì tình trạng đánh đập, tra tấn và ngược đãi người bị giam giữ ở trong trại giam mới có thể suy giảm và chấm dứt được.

Trong thời gian 4 tháng ở trong trại giam, anh nhận thấy điều kiện giam giữ ở đây như thế nào, có cần phải cải thiện gì không thưa anh?

Điều kiện giam giữ ở trại giam thì tôi thấy cần phải cải thiện nhiều chỗ, không phải cứ như dân gian nói rằng "đi tù chứ có phải đi nghỉ mát đâu mà đòi hỏi".
Nhưng thực tế khi trải qua đời sống trong trại giam thì mới biết những người khi nhập trại có ai đòi hỏi gì đâu, họ chỉ mong muốn có được một điều kiện sống tối thiểu của một con người thôi. Nhưng phải nói là điều kiện sống ở trại giam hiện nay phải nói là rất tệ, thiếu thốn và kém vệ sinh vô cùng.
Như bản thân tôi bị giam hơn 4 tháng, sống trong một căn phòng khoảng 12m vuông ẩm thấp, nhà vệ sinh ở ngay đầu nằm, hồ nước cũng bên cạnh, sinh hoạt thì thiếu thốn đủ thứ về nhu yếu phẩm.
Còn việc ăn uống thì “cơm tù” một ngày được phát hai lần, sáng khoảng 7h30, chiều khoảng 4h. Khẩu phần mỗi người là 1 "bo" (tô cơm bằng nhựa), trong đó có một nhúm cơm và một chút rau luộc. Một tuần mới có "chế độ" (phần thịt hoặc cá cho thêm) một lần. Với khẩu phần ăn như vậy, những người ở trong này thấy ăn không bao giờ no và luôn thiếu chất.
Vấn đề vệ sinh nơi ở mới là cái đáng nói, căn phòng như trên tôi đã nói mà ở lâu ngày thì hôi tanh kinh khủng. Thiếu ánh sáng, thiếu không khí, không có gió và nó trở thành nơi gây bệnh. Mặc dù cứ hai ngày là rửa bằng nước và xà phòng nơi ăn ngủ thật kỹ, nhưng không có kết quả. Bản thân tôi khi ra khỏi trại vẫn còn đang phải trị chứng viêm mũi và da liễu do điều kiện môi trường trong phòng giam.
Bởi vậy, về nhận xét cá nhân, tôi thấy rằng phòng giam cần phải thiết kế lại cao ráo, thoáng hơn và có nhiều ánh sáng hơn. Phải phun thuốc tẩy trùng định kỳ. Khẩu phần ăn cũng phải tăng lên và phải có thịt hoặc cá thường xuyên, không ai đòi hỏi cao lương mỹ vị gì, chỉ cần cung cấp chất dinh dưỡng thiết yếu cho cơ thể con người thôi.
Tôi nghĩ vấn đề này cũng không phải là bài toán khó cho ngân sách nhà nước, vấn đề là nhà nước có chịu làm hay không mà thôi, khi đã ký kết Công ước Chống tra tấn hay đối xử tàn bạo hoặc vô nhân đạo.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Cùi Các thực hiện



No comments:

Post a Comment

View My Stats