Sunday 10 November 2013

ĐIỀU CHỈNH QUÂN BÌNH LỰC LƯỢNG : MỘT CƠ HỘI HIẾM HOI CHO ĐÔNG NAM Á ? (Đàn Chim Việt)




01:41:pm 08/11/13

Mở đầu

Những bất ổn tại Biển Đông hôm nay xem ra không chỉ tùy thuộc vào riêng Việt nam và các nước trong vùng mà còn nằm trong một trật tự toàn cầu, có liên hệ trực tiếp đến nhiều sức mạnh. Đứng trước sự kiêu căng của Trung quốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Obama đã tuyên bố: “Hoa kỳ phải đứng ra tái xác nhận trách nhiệm lãnh đạo Thái Bình Dương.” Và mới đây ngày 27 tháng 9, 2013, Ngoại trưởng Hoa kỳ lại lên tiếng xác nhận tại hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN rằng: “Chiến lược của Hoa Kỳ hiện nay là tái phối trí tài nguyên và xác nhận lại những cam kết của Hoa kỳ ở trong vùng.”[1]

Hai lời tuyên bố này cho thấy không những bất ổn trong vùng hiện nay do Trung quốc gây ra mà còn bắt nguồn từ một chính sách dài hạn của Hoa kỳ kể từ sau Thế chiến thứ Hai và chính sách này có thể sẽ còn kéo dài đến cuối thế kỷ này.[2] Cho nên muốn hiểu được ý nghĩa thực sự của hai câu nói này, chúng ta phải hiểu được chính sách toàn cầu dài hạn của Hoa kỳ và cuộc canh tân của Trung quốc sau Chiến tranh Việt nam. Hiểu được hai vấn đề này mới biết cần phải làm gì để có thể tìm ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.

Riêng đối với Việt nam, nếu chúng ta không biết một cách rõ ràng bản chất của những bất ổn ngày hôm nay là gì và nguyên nhân của nó từ đâu và ai hoặc những thế lực nào trong quá khứ đã tham dự vào, thì không thể nào mong đợi có được một giải pháp hữu hiệu cho chính đề Việt nam hiện nay.  Lời tuyên bố của TT Obama và NT Kerry chẳng hạn, ý nghĩa ra sao và ngụ ý gì?  Phần đông quan sát viên cũng như bình luận gia am tường về vấn đề Việt nam đều cho rằng Mỹ đang xoay trục về Thái Bình Dương với ngụ ý để chống Tầu. Đánh giá tình hình một cách chung chung như vậy không giúp chúng ta biết được chân tướng của vấn đề để hoạch định những sách lược đúng đắn, giải quyết vấn đề trong tương lai.

Bởi vì thứ nhất, Hoa kỳ từ thế chiến Thứ Hai đến nay chưa hề bỏ Thái Bình Dương cũng như chưa hề ra mặt chống lại Trung cộng. Trên thực tế những bất ổn hiện nay, không ít thì nhiều, bắt nguồn từ chính sách trước kia của Hoa kỳ ở trong vùng. Vì thế nhận định đầu tiên của tôi là chúng ta phải “ôn cố tri tân”, biết việc cũ thì mới hiểu được việc hôm nay và từ đó mới có được giải pháp đúng đắn cho vấn đề trong tương lai.

Ngoài ra Ôn cố tri tân còn giúp cho chúng ta biết phải đứng ở vị trí nào mới có thể thực sự thấy được vấn đề. Vì những bất ổn hiện nay ở Việt nam cũng như tại Biển Đông đều liên quan đến nhiều thế lực, nên chúng ta cần biết thế lực nào đã thực sự ảnh hưởng đến các biến cố lịch sử trong quá khứ? Đặc biệt là tại sao Hoa kỳ sau thế chiến thứ Hai mới chỉ là một cường quốc nguyên tử, nhưng bây giờ lại mạnh dạn xác nhận mình là một cường quốc lãnh đạo thế giới? Đây là việc hình thành một trật tự mới của thế giới (new world order), không phải là chuyện có thể xẩy ra trong một sớm một chiều. TT Obama tái xác nhận vai trò lãnh đạo của Hoa kỳ trong vùng Biển Đông, vậy thì lý do gì HK đã phải đứng ra can thiệp vào vùng ĐNA trước kia. Rồi Ngoại trưởng Kerry còn đề cập đến việc tái phối trí sáchợc phân phối tài nguyên và những cam kết ở trong vùng để làm gì?

Thứ hai, vì thiếu thông tin sự đánh giá của họ đã bỏ qua một mục tiêu vô cùng quan trọng trong chính sách của Hoa kỳ và nhất là chính sách này lại chứa đựng một ý nghiã thời cơ vô cùng hiếm hoi đối với các dân tộc trong vùng Đông Nam Á và đặc biệt là dân tộc Việt nam, trong vòng 5 năm tới đây.[3]
Năm ngóai, chúng tôi đã cho phát hành kết qủa 30 năm nghiên cứu về CTVN với cuốn sách mang tưạ đề “A Revolutionary View of US Foreign Policy”, để chứng minh rằng trong bối cảnh Chiến Tranh Lạnh (CTL), Hoa kỳ đã can thiệp vào VN với mục đích làm thay đổi cán cân lực lượng trong cuộc chiến với Liên sô đồng thời đưa Hoa Kỳ từ một cường quốc nguyên tử trở thành một cường quốc lãnh đạo thế giới.[4]

Trong tiến trình đó và đứng vào vị trí của các nhà làm chính sách Hoa kỳ, tôi mới có thể thấy được là Hoa kỳ đã làm một cuộc cách mạng về chính sách đối ngoại, từ bỏ truyền thống dùng sức mạnh để phá hủy và tiêu diệt kẻ thù như trong Thế Chiến II, Hoa kỳ đã quay sang dùng chính trị ngoai giao với uy thế của một siêu cường để chinh phục, kiểm soát rồi kềm chế sức mạnh của kẻ thù thay vì hủy diệt sức mạnh.[5]

Hoa kỳ đã chuẩn bị thực hiện cuộc cách mạng này ngay sau khi Liên sô thủ đắc nguyên tử lực vào năm 1947.  Cuộc cách mạng này không những giúp nhân loại thoát khỏi hoạ diệt vong mà còn giúp Hoa kỳ chiến thắng Liên sô và đưa Hoa kỳ lên vị trí lãnh đạo thế giới và thực hiện một nền kinh tế toàn cầu.[6]

Cũng từ đó, tôi mới biết cái giá mà Hoa kỳ đã trả cho cái vị trí của họ trên chính trường quốc tế ngày hôm nay, là hy sinh đồng minh VNCH và thực hiện lời hứa giúp Trung cộng canh tân đất nước sau khi Mao đồng ý hợp tác với Liên Minh các nước dân chủ kỹ nghệ Tây Phương do Hoa kỳ lãnh đạo, bao vây và làm cho Liên sô suy yếu vì bị kẹt cứng trong một nền kinh tế không tăng trưởng trong khi đó thị trường thì bị co rút lại.[7]

Khủng hoảng hiện nay tai Biển Đông là hậu qủa trực tiếp của cuộc canh tân đất nước Tầu do Hoa kỳ và các nước Tây phương hỗ trợ. Điều đáng chú ý nữa là “chính sách đi với Tầu” còn được Hoa kỳ quyết định duy trì đến hết thế kỷ 21 này. Do đó, giải pháp cho những bất ổn của Việt nam tương lai chắc chắn sẽ bị chi phối nặng nề bỏi quyết định này.

Như vậy, nhờ ôn cố chúng ta mới tri tân và dưa trên hiểu biết khách quan, xuất phát từ trung tâm làm ra chính sách này, chúng ta có thể hy vọng thấy được lối thoát cho dân tộc. Ở vào vị trí của nội bộ Việt nam, chỉ là một con cờ, chúng ta giống như “ếch ngồi đáy giếng”, sẽ không thể nào tin được “Chính trị là một kế hoạch trăm năm” mà Hoa kỳ đã vạch ra và đang thực hiện; cũng không thể thấy được vị trí thực sự của Trung cộng và Hà nội, trước kia và hiện nay là cái gì trong sách lược đó. Không biết được những điều này, không thể nào nắm được yếu tố thòi cơ để hướng dẫn việc hình thành một sách lược khả thi và hữu hiệu vì chỉ là tiếp tục mò mẫm theo cảm tính trong những kiến thức sai lầm vì đã lỗi thời.

Tôi đề nghị chúng ta sẽ tiếp cận chính đề Việt nam hôm nay qua ba giai đoạn:

a) Việt Nam và Hoa kỳ trong CTL;
b) Việt Nam sau CTL và cuộc hiện đại hoá nước Tầu;
c) Việt nam và chính sách điều chỉnh thế quân bình địa chính trong    vùng sau cuộc canh tân hoá nước Tầu.

Giai đoạn I:  Việt Nam và Hoa kỳ trong Chiến Tranh Lạnh

Hoa kỳ đã đến Việt nam với mục đích làm thay đổi cán cân lực lượng trong khi tiến hành cuộc chiến với Liên sô. Vấn đề đặt ra là tại sao HK phải đến Việt nam mới có thể đạt được mục tiêu ấy? Hoa kỳ đã can thiệp vào Việt nam (1954) và trong tiến trình thực hiện mục tiêu này, các nhà làm chính sách Hoa kỳ đã đưa công cụ của Liên Sô là chính quyền cộng sản Hà nội lên cai trị một Việt nam thống nhất (1975) và sau đó rơi vào vùng ảnh hưởng của Trung Quốc (1989). Nói một cách rõ hơn là trong CTL, Hoa kỳ đã dùng Trung cộng kềm chế ảnh hưởng của Liên sô tại Đông dương là Hà nội. Hoa kỳ phải đến Việt nam để chấm dứt cuộc chiến quốc – cộng[8], đưa Hà nội lên cai trị một Việt nam thống nhất nhưng nằm trong ảnh hưởng Trung cộng. Để đạt mục tiêu tối quan trọng này Hoa kỳ phaỉ hủy diệt chính quyền VNCH thân Mỹ ở Sài gòn. Đó là lý do tại sao Hoa kỳ phải đích thân can thiệp vào Việt nam lúc đó mà không thể nhờ vào Pháp.

Các nhà làm chính sách Hoa kỳ coi “nguyên trạng” này của Việt nam là lợi ích cốt lõi của nền an ninh Hoa kỳ trong cuộc đọ sức với Liên sô. Vì họ tin rằng Hoa kỳ không thể đánh bại Liên sô bằng một cuộc tổng công kích như đã đánh bại Đức trong T.C. II. Nhưng họ tin rằng sẽ đánh bại Liên sô trong một cuộc chạy đua “marathon” về chính trị ngoại giao trong nhiều chặng. Và Việt nam lại là chặng đầu tiên.[9] Nếu thất bại trong việc đưa cộng sản Hà nội đặt vào trong vùng ảnh hưởng của Trung cộng thì toàn bộ sách lược gồm 6 giai đoạn sẽ bị thất bại, vì một Việt nam thống nhất nằm dưới sự cai trị của Hà nội cũng chính là điều kiện tiên quyết để Mao tách khỏi Liên sô và nhận lời hợp tác với Hoa kỳ bao vây và cầm chân Liên sô.

Chính việc thành lập Liên Minh các quốc gia dân chủ kỹ nghệ Tây Phương với sự hợp tác của Trung cộng dưới sự lãnh đạo của Hoa kỳ đã làm cho cán cân lực lượng của CTL nghiêng hẳn về phiá Hoa kỳ. Đó là do duy nhất đã đưa HK đến VN. TS Kissinger đã xác nhận rõ ràng như sau: “America’s travail in Vietnam was only “a temporary weakness” that, once overcome, would enable us to prevail over the Soviet system.”

Không biết được việc này chúng ta cũng không biết tại sao Hoa kỳ đã bỏ phe người Việt quốc gia để đưa Hà nội lên nắm chính quyền. Cũng sẽ không hiểu tại sao Hà nội có thể tồn tại một cách nghịch lý và sức mạnh của họ ở chỗ nào, thì làm sao chúng ta có thể chiếm được thế thượng phong trong cuộc chiến với Hà nôi?

Nhờ ôn cố chúng ta mới biết được sự tồn tại của Hà nội hiện nay không phải là một nghịch lý!  Vì nếu trưóc đây ngừơi Mỹ đã lật đổ chính phủ Ngô đình Diệm với lý do Độc tài gia đình trị, đàn áp tôn giáo, bắt tay với cộng sản v.v. . . , tại sao chế độ Hà nội hiện nay là một chế độ cai trị bằng công an cảnh sát, đàn áp tôn giáo, chà đạp mọi tự do của con người v.v. . . người Mỹ lại không lật đổ?

PHẦN II: Việt Nam sau CTL và cuộc hiện đại hoá đất nước Tầu.

Hà nội lên cai trị một Việt nam thống nhất, không phải vì đã “đánh cho Mỹ cút đánh cho ngụy nhào” mà vì chế độ cộng sản Hà nội đã được Hoa kỳ xử dụng như là một bộ phận trong sách lược nhằm đưa người Mỹ nắm thế thượng phong trong cuộc chiến với kẻ thù Liên sô. Do vậy, người Mỹ không cần biết chế độ Hà nội dân chủ hay độc tài, xấu hay tốt, vì dân hay bán nước, chỉ cần nó đóng trọn vai trò trong việc thực hiện mục tiêu của Hoa kỳ là được. Đối với chúng ta đó là một nghịch lý nhưng đối với Hoa kỳ lúc đó lại là một sự cần thiết mang tính chiến lược.

Nhưng nếu người Mỹ có thể đánh bại Hà nội tại sao họ lại phải chọn con đường phản bội đồng minh? Lúc đó Hoa kỳ phải chọn Hà nội bỏ Sài gòn vì muốn lôi kéo Bắc kinh ra khỏi ảnh huởng Liên sô. Đây cũng chính là cái nghệ thuật xử lý sức mạnh của các nhà làm chính sách Hoa kỳ. Cho nên trong khi can thiệp vào Việt nam, Hoa kỳ đã không có ý định hủy diệt Hà nội và cũng không có ý định đánh bại nó bằng quân sự. Trái lại còn nghiêm cấm quân đội VNCH tiến công ra miền Bắc để tiêu diệt quân đội Bắc việt.[10]

Chúng ta không thể hiểu được cái nghịch lý tại sao “người Mỹ lại đến Việt nam để bảo vệ chế độ Hà nội” chỉ vì chưa biết cuộc cách mạng trong chính sách đối ngoại của Hoa kỳ. Các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đã từ bỏ quan điểm truyền thống coi sức mạnh là công cụ duy nhất để giải quyết mọi tranh chấp, trái lại đã dùng chính trị ngoại giao để xử lý sức mạnh. Không đánh Tầu mà Hoa kỳ vẫn kéo được Tầu ra khỏi ảnh hưởng của Liên sô. Cũng không cần phải tiêu diệt sức mạnh của Hà nội mà vẫn có thể đưa đảng cộng sản Việt nam đặt dưới vòng kềm toả của Bắc kinh.[11]

Đành rằng không tiêu diệt Hà nội (công cụ của Nga) lúc đó, nhưng Hoa kỳ giữ lại chế độ Hà nội làm gì sau khi CTVN đã chấm dứt? Lời giải đáp cho câu hỏi này cũng chính là sự hữu hiệu của việc xử lý sức mạnh.  Sử gia Robert Kaplan trong khi tìm kiếm giải pháp cho Biển Đông đã đặt câu hỏi: “How a former enemy became a crucial US ally, balancing China’s rise?” Có nghĩa là hiện nay Hà nội đang là một con ốc trong guồng máy của Hoa kỳ ngăn chận sức mạnh đang lên của Tầu. Nếu Hoa kỳ tiêu diệt sức mạnh Hà nội lúc đó, ai sẽ đứng ra đóng vai trò này trong chính sách dài hạn của Hoa kỳ?

Thật ra nội các Nixon đã tiên liệu rằng sau khi hiện đại hoá, Bắc kinh có nhu cầu bành trướng cho nên đã giữ lại chế độ Hà nội, không tiêu diệt sức mạnh của Hà nội, với mục đích để cầm chân Bắc Kinh sau này.  Thử hỏi ai có thể kềm chế Hà nội giỏi hơn Bắc Kinh (trong CTVN) và ai có thể ngăn chận Tầu hữu hiệu hơn Việt nam (sau khi Trung cộng canh tân)?”

Bây giờ chúng ta mới hiểu ý nghĩa thực sự hai câu nói của TT Obama và của Ngoại trưởng Kerry: Hoa kỳ phải đứng ra lãnh đạo Thái Bình Dương để điều chỉnh lại cán cân quân bình ở trong vùng ĐNÁ. Sau khi Trung cộng được hiện đại hoá, cán cân lực lượng trong vùng đã thay đổi, nghiêng hẳn về phiá Trung quốc. Đó là nguyên nhân của mọi bất ổn trên vùng Biển Đông ngày hôm nay.

Nhưng có một điều mà các nhà lãnh đạo của phe chống Hà nội cần lưu ý là nếu Hoa kỳ chủ trương tiếp tục đi với Bắc kinh đến hết thế kỷ này, xem ra cái yếu tố thời cơ trong sách lược của phe chống đối Hà nội cần có một sự chú ý đặc biệt, với một chiến thuật đổi mới cũng phải đặc biệt, mới mong lật ngược thế cờ. Cho nên ôn cố một cách nghiêm túc mới hiểu được sự hiện hữu nghịch lý của chế độ Hà nội hôm nay và dưạ vào những hiểu biết này để hình thành một sách lược thật hữu hiệu.

Không biết được lý do tồn tại của Hà nội, chúng ta đưa ra sách lược công kích Hà nội nhưng thật ra chỉ là nhắm vào cái “diện” chứ không phải cái “điểm” hay là cái cơ cấu mà Hà nội đang đứng trụ. Ví dụ, cộng động NVHN đã kiên trì tranh đấu cho nhân quyền ở Việt nam, một vấn đề rất nhậy cảm đối với chế độ độc tài chuyên chế Hà nội. Đặc biệt tại Hoa kỳ, liên tiếp trong nhiều năm Hạ Viện đã thông qua dự luật nhân quyền cho VN với đa số tuyệt đối, nhưng mỗi khi đưa ra Thượng Viện thì đều bị bác bỏ.
Tóm lại chỉ sau khi chúng ta đã có một kiến thức khá khách quan và đầy đủ về những bất ổn hiện nay, chúng ta mới có thể đưa ra và xác định rõ ràng mục tiêu đấu tranh.  Tôi cho rằng trên cơ sở này lãnh đạo cộng đồng có thể nắm bắt được thời cơ trong môt tương lai gần, yếu tố đầu tiên bảo đảm sự thành cộng của mọi sách lược.

PHẦN III: Việt nam và chính sách điều chỉnh cán cân quân bình tại vùng Biển Đông: Cơ hội hiếm hoi cho Việt Nam?

Nếu hiểu được chính sách của Hoa kỳ trong qúa khứ, chúng ta có thể nắm bắt được thời cơ trong tương lai vì sẽ hiểu rõ cơ hội ấy là gì, lúc nào sẽ đến và làm thế nào để tận dụng nó cho đại cuộc? Tôi là người tôn sùng “chủ nghĩa tự nhiên”, tin vào âm – dương, khi cùng tất sẽ biến, cho nên lúc nào cũng lạc quan vì không bao giờ tin là “trong cái xui lại có cái rủi.”  Việt nam dưới sự cai trị của đảng CS đã đạt đến cùng tận của những đau khổ bất hạnh: kinh tế thì nước nghèo nhất thế giới, chính trị thì chuyên chế nhất thế giơí, xã hội thì bất công nhất thế giới, ngay cả sức khoẻ cũng tệ nhất thế giới với kỷ lục chết vì bệnh ung thư. Có thể nói dưới ách cai trị của cộng sản, dân tộc Việt nam đã bị xô ngã nằm sõng xoài trên mặt đất, không còn chỗ để rơi xuống nữa. Mà nếu không còn chỗ để ngã nữa thì chỉ còn con đường vùng đứng dậy.

Nhưng thời cơ gì có thể giúp dân tộc vùng dậy? Tôi cho rằng chính cuộc canh tân đất nước Tầu đã đem lại cho dân tộc cái cơ hội đó. Trong giai đoạn Tầu canh tân và với sự tiếp tay của phe thân Tầu trong đảng cộng sản Việt nam, Tầu đã bành trướng sức mạnh xuống phiá Nam đe dọa sự ổn định trong vùng và nền hoà bình thế gíơi. Đấy cũng chính là lúc dân tộc Việt nam bị xô ngã nằm bẹp trên mặt đất cho đến nay. Cơ hội đưa dân tộc vùng dậy chính là phản ứng của cộng đồng thế giới, đặc biệt là là Hoa kỳ, đối với “những bất ổn do Trung quốc gây ra đang thực sự đe doạ hoà bình, sự tồn vong và lối sinh sống của các dân tộc trên thế giới.”

Tuy nhiên nhà cầm quyền Việt nam hiện nay với sự hỗ trợ của cường quốc lãnh đạo thế giới là Hoa kỳ, càng ngày càng tự tung tự tác, không có ai thấy một dấu hiệu gì thuận lợi cho hành động vùng dậy của dân tộc. Nhưng tôi đã lưu ý qúy vị lãnh đạo cộng đồng ở phần trên là nếu không “ôn cố” sẽ không thể nắm bắt được cơ hội và cũng không thể biết làm thế nào để nắm bắt khi cơ hội xẩy đến. Nhiều người nhận định Hà nội đang được Hoa kỳ dùng làm lá bài ngăn chận Trung quốc (the need-to-contain-China card)[12], nhưng sự đánh giá này không phản ảnh đầy đủ mục tiêu của chính sách Hoa kỳ ở Việt nam hiện giờ. Chính vì thế chúng ta chỉ thấy ảnh hưởng tiêu cực mà không thể thấy được cơ hội hiếm hoi mà nó đem lại cho dân tộc.

Trong cuốn sách mà tôi xuất bản vào năm ngoái, dựa trên sách lược dài hạn của Hoa kỳ, chúng tôi đã tiên đoán là sau khi Tầu canh tân hoá sẽ có nhu cầu bành trướng sức mạnh xuống phiá Nam; khi đó Hoa kỳ sẽ phải điều chỉnh lại thế quân bình ở trong vùng để tái lập ổn định và duy trì nền hoà bình thế giới. Lúc đó, chính là thời cơ của các nước Đông Nam Á và đặc biệt là Việt nam.

Mới đây, nội các của TT Obama tuyên bố kế hoạch thành lập khối Trans-Pacific-Partnership (TPP) ở duới phiá Nam của Trung quốc. Theo chính sách đó, “Khối 600 triệu dân ở Đông Nam Á sẽ trở thành một vùng thịnh vượng chung.”[13]

Hoa kỳ lập ra TPP với mục đích gì? Câu trả lời nằm trong chính sách dài hạn của HK mà tôi đã nói ở phần trên, để làm “đối trọng với Tầu về sức mạnh kinh tế và chính trị.” Đây chính là ý nghĩa của việc điều chỉnh lại thế quân bình địa chính trong vùng, mà ngoại trưởng John Kerry đã trình bầy trước các nhà lãnh đạo Đông Nam Á, dưới hình thức một chương trình phát triển về kinh tế và an ninh trong vùng:

“ASEAN has been the centre of the Asia Pacific’s regional architecture. And this organization is also the centre of the US strategy to re-balance our resources and our engagement in the region. And that is a priority for President Obama and I am pleased to continue to work on that priority as we implement it.”

Đây rõ ràng không phải là lời nói xuông mà là một chương trình hành động. Điển hình là Hoa Kỳ đã đưa Việt nam gia nhập vào ASEAN (1990) để bây giờ (2013) hình thành tổ chức TPP với chiến thuật E.3 (Expended-Economic-Engagement). Ý nghĩa và lợi ích của nó đối với riêng Việt nam đã được một viên chức thâm niên về ngoại giao ở Việt nam, M. Benge, tóm tắt như sau:
“The TPP includes nine other countries besides Vietnam and is touted as a new generation, high-standed trade agreement of the 21st Century. The finalization and implementation of this trade deal would give a huge boost to US-Vietnam economic relations, granting Vietnam even greater access to largest export market – the United States.”

Sách lược tái phối trí tài nguyên còn cho thấy trước kia Hoa kỳ đã đưa tài nguyên giúp Trung quốc canh tân thì bây giờ sẽ tập trung tài lực vào việc biến ASEAN thành một khu vực thịnh vượng chung, trong suốt thế kỷ này.

Nhưng tôi cũng phải lưu ý cộng đồng về quan niệm độc lập quốc gia trong trật tự toàn cầu hiện nay:  Đứng vào vị trí dân tộc và với tư cách là một người nghiên cứu, tôi cho rằng chính đề Việt nam hôm nay không hẳn là “độc lập và dân chủ đa nguyên”, mà chính là “làm thế nào để dân tộc Việt nam thoát khỏi cái cảnh “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết”; cuộc chiến bất phân thắng bại giữa “quốc và cộng” sẽ còn kéo dài vì cả hai bên đều không đưa ra đưọc một giải pháp thực dụng, trái lại chỉ tiếp tục đầy ải dân tộc trong “hoả ngục trần gian hiện nay”, đã kéo dài gần một thế kỷ rồi.

Độc lập thật sự chỉ có một ý nghĩa tương đối, nhất là trong chính sách đối ngoại trong cái thế giói liên lập ngày nay. Hoà bình cũng vậy, không có nghĩa là một thế giới không có xung đột. Cho nên đừng bao giờ đi tìm một nền hoà bình lý tưởng mà hãy dành mọi cố gắng để mưu tìm một nền “hoà bình thực sự”, giữa cộng đồng các quốc gia và nhất là giữa con người với con người, đặc biệt là giữa người Việt nam với nhau.

Sự thật này lại càng cấp thiết vì trong nửa thập niên sắp tới (2014-2020), nếu cuộc chiến quốc cộng vẫn còn tiếp tục, Việt nam sẽ bỏ lỡ một cơ hội hiếm hoi mà 100 năm qua chúng ta đã không thể có được.  Cho nên đứng trên lợi ích dân tộc, muốn tận dụng cơ hội này điều tiên quyết là các nhà lãnh đạo Việt nam cả quốc lẫn cộng phải tạm thời đặt quyền lợi dân tộc trên quyền lợi của đảng và cá nhân, nếu không thể ngồi lại với nhau thì hãy ngồi yên, để cho giới trẻ (sinh từ 1965 trở lại đây) đứng ra hành động. Đây là giải pháp duy nhất để tận dụng cơ hội này, xây dựng lại đất nước.

Liệu tầng lớp lãnh đạo Việt nam hiện nay sẽ chịu ngồi yên để giói trẻ hành động sao? Bằng chứng là những lớp trẻ du học trong thời kỳ đổi mới, đã trở về nhưng không được phép xử dụng những gì đã học được ở Tây phương. Theo tôi, giai đoạn này không phải là giai đoạn đổi mới của thập niên 1990s là lúc Hoa kỳ còn đang tập trung vào việc giúp Trung cộng hiện đại hoá đất nước. Giai đoạn này (có thể nói bắt đầu từ 2010) là giai đoạn tái phối trí tài nguyên vào ưu tiên đưa 300 triệu dân chúng ĐNÁ trở thành giai câp trung lưu và qua trao đổi thương mãi với vùng thịnh vượng mới này, Hoa kỳ sẽ vực dậy nền kinh tế yếu kém của họ trong những năm vừa qua. Những thế lực (siêu quyền lực mới đúng) nằm đằng sau chương trình TPP sẽ không ngồi yên khi quyền lợi của họ bị phá hoại. Vì thế những thế hệ già nua bảo thủ và giáo điều trong vùng sẽ bị gạt ra ngoài trong khi TPP và E 3 được thực hiện trong thời hạn đã đưa ra, là một nửa thập niên và là ưu tiên của nội các của TT Obama.

Một kế hoạch đầu tư lớn lao chưa từng có vào ĐNÁ trong lãnh vực đào tạo chuyên viên cho mục tiêu này, đó là chương trình Fulbright. Những tài năng trẻ được huấn luyện để trỏ thành những chuyên viên rồi trở về quê hương làm việc trong một môi trường mới và phục vụ cho mục tiêu của họ đề ra chứ không phải của các chính quyền địa phương.

Dựa vào đâu mà tôi có thể đưa ra thời điểm rõ ràng như vậy? Theo lời tuyên bố của Ngoại trưởng Kerry tai hội nghị cấp bộ trưởng của ASEAN (tháng 7, 2013) thì trong tiến trình thực hiện TPP, 300 triệu người trong số 600 triệu dân chúng trong vùng Đông Nam Á sẽ trỏ thành giai cấp trung lưu, trong vòng 5 năm tới. Đặc biệt trong ưu tiên của nội các Obama ngoài vấn đề phát triển về kinh tế, NT Kerry còn đưa ra ưu tiên giải quyết các vấn đề về an ninh và những tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, trên sông nước cũng như trên biển cả với Ngoại Trưởng Việt nam. Kể từ ngày Trung cộng bành trướng sức nạnh xuống phiá nam đến nay, đây là lần đầu tiên Hoa kỳ chính thức và công khai đưa ra giải pháp chi tiết với Ngoại trưởng Việt nam để tái lập ổn định trên Biển Đông . Xin trích dẫn lời của NT Kerry:
“This is going to require respect for International Law and unimpeded lawful commerce in the China sea. And that China and ASEAN should move quickly as possible to reach a binding code of conduct (COC) for addressing disputes without threats, without coercion, and without use of force.”

Lời lẽ của NT Kerry cho thấy Hoa kỳ muốn đứng ra để giải quyết nhanh chóng và trong hoà bình những tranh chấp hiện nay tại Biển Đông. Tuy nhiên nhiều người lo ngại rằng nếu Trung quốc cứ tiếp tục đòi giải quyết tranh chấp theo đường lối song phương và cố tình làm chậm lại tiến trình tố tụng, giải pháp mà NT Kerry đưa ra chỉ có tính cách thuần túy ngoại giao chính trị, mua thời gian mà thôi.
Có thể trưóc kia là như vậy. Nhưng bây giờ là giai đoạn điều chỉnh lại thế quân bình trong vùng ĐNÁ và kích thích sự phục hưng của nền kinh tế Hoa kỳ. Hai mục tiêu này nằm trong chính sách dài hạn, là lợi ích cốt lõi của Hoa kỳ tại vùng Biển Đông hiện nay. NT Kerry đã được giao phó để bảo vệ những lợi ích này. Cho nên lời tuyên bố của NT Kerry không phải là kế sách ngoại giao để mua thời gian. Mặc dầu Hoa kỳ vẫn đi với Tầu đến hết thế kỷ này vì Nga vẫn lăm le phá vòng vây. Nhưng có nhiều bằng chứng cho thấy Hoa kỳ đã bắt đầu làm áp lực với Tầu bằng quyết tâm xây dựng TPP với chiến thuật E.3 để bảo vệ quyền lợi này. Họ đang xiết chặt vòng vây, kềm chế và kiểm soát Tầu bằng kinh tế và chính trị ngoại giao:

Về mặt Kinh tế, Trung quốc bị gạt ra ngoài khối thịnh vượng chung TPP dưới phiá Nam. Trong tiến trình thực hiện TPP các nhà đầu tư đòi hỏi phải có sự ổn định trong vùng để an tâm đầu tư. Do đó việc giải quyết những vấn đề an ninh trên giòng sông Cửu Long và cả trên Biển Đông đã được coi là ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch thực hiện TPP và E 3, biến Hoa kỳ và 10 nước ĐNÁ trở thành khối thịnh vượng chung.

Hiện nay nền kinh tế Trung quốc đi vào suy thoái vì thị trường toàn cầu mất tin tưởng vào hàng hoá Tầu. Sức mạnh kinh tế của Trung cộng sẽ rơi vào vòng kềm toả của Hoa kỳ và vòng vây này sẽ xiết chặt thêm khi chương trình thực hiện khối thinh vượng chung TPP ở dưới phiá Nam hoàn tất. Một lần nữa NT Kerry tái xác định:
“New business opportunities and new jobs on both sides of the Pacific . . . One task on the lower Mekong Initiative: I am supportive of and engaged in – we are partnering to tackle energy and enviroments – now in water, agriculture and food security that simply don’t stop at any one partner’s borders. These efforts can improves lives for everybody in the region on a day-to-day basis. The Mekong is one of the great rivers in the world shared by Vietnam, each has an interest in the integrity of that river. So we need to focus on this challenge.”

Như vây, dưạ trên ngôn ngữ của sức mạnh, triển vọng giải quyết tranh chấp trên dòng sông Cửu Long và Biển Đông xem ra sáng sủa hơn bao giờ hết chính vì nhờ lợi ích của Hoa kỳ và khối TPP, trong khi lợi ích riêng của Trung cộng bị coi là thứ yếu.

Về mặt chính trị, Hoa kỳ đã trở thành lưỡi gươm để bảo đảm sự tôn trọng các giao ước và luật pháp quốc tế, trên danh nghiã bảo đảm sự ổn định trong vùng và hoà bình thế giới. Một lần nữa NT Kerry khẳng định:
“Another goal is peace and security. Our shared security is a prerequisite for our shared prosperity. We focus on every aspect from marine to cyber security, growing from highseas to our PC’s and beyond.”

Đây lại thêm một bằng chứng cụ thể là những tranh chấp tại Biển Đông sẽ sớm được giải quyết vì lợi ích của Hoa kỳ và trong nhiệm kỳ II của TT Obana, đặc biệt thúc đẩy bởi những thế lực tư bản trong bóng tối. Nhưng cũng nhờ đó những cơ hội hiếm hoi mới đến với Việt nam và các nước trong vùng:
Thứ nhất: Những tranh chấp với Trung quốc sẽ sớm giải quyết vì nhu cầu ổn định để tạo môi trường thuận lợi cho tư bản đầu tư và đẩy mạnh nhu cầu hình thành quân bình điạ chính trong vùng. Bắc kinh sẽ không thể chia rẽ ASEAN để theo đuổi chiến thuật thương thảo với từng nước về tranh chấp chủ quyền trên biển Đông. Các nước ĐNÁ không còn rời rạc như trước kia vì đã nằm trong khối thịnh vượng chung do Hoa kỳ chủ xướng. Tương tự một bộ luật về qui tắc ứng xử (COC) cũng sẽ sớm được thông qua, không cần biết Trung cộng đồng ý hay không, vì nhu cầu ổn định trong vùng là ưu tiên đầu trong tiến trình thực hiện TPP.

Thứ hai, triển vọng Việt nam sẽ có một thể chế bớt chuyên chế và tiến dần đến tiêu chuẩn giống như Miến điện, Đài loan, Nam hàn vân vân: Ba trăm triệu ngưòi trở thành tầng lớp trung lưu cũng có nghiã là khối ASEAN sẽ trở thành “một xã hội dân sự”, điểu kiện cần và đủ để xây dựng những thể chế dân chủ tại khu vực.

Tại Việt nam có những dấu hiệu nhà cầm quyền Hà nội đã và đang chịu nhiều áp lực để đóng trọn vai trò một lá bài của Hoa kỳ trong cái trật tự mới trong vùng và sẽ bị cuốn hút vào trong những diễn biến chính trị nằm ngoài tầm kiểm soát của họ, do viêc hình thành khối thịnh vượng chung mà hậu qủa là sự xuất hiện của một tầng lớp trung lưu sẽ đưa đến viện hình thành một xã hội dân sự.
Cựu đảng viên cộng sản Lê hiếu Đằng không phải tình cờ xuất hiện, mà là dưới sự chỉ đạo của đảng, đứng ra kêu gọi lập một đảng để xây dựng một xã hội dân sự cho Việt nam. Trong khi đó Chủ tịch nhà nước Trương tấn Sang thay mặt đảng đến thăm Mỹ, một biểu kiến xác nhận là đảng sẵn sàng thực hiện những giá trị dân chủ nằm trong phần mở đầu của hiến pháp Hoa kỳ. Chủ tịch Sang đã viện dẫn với TT Obama rằng trước đây Hồ Chí Minh đã mơ ước các giá trị này trong The US Declaration of Independence và rất hâm mộ Thomas Jefferson. Vì thế TT Obama mới khen Chủ tịch Trương Tấn Sang là người thành thật trong dịp ông Sang đến thăm toà Bạch Ốc.  TT Obama biết “không nói dối không phải là cộng sản” nhưng tại sao lại khen ông Sang là thành thật? Dầu sao đi nữa, TT Obama đã ngầm cảnh báo rằng cái việc “Both countries share mutual admiration for Thomas Jefferson and our founding principles” dù muốn dù không cũng sẽ phải đến vì “your prosperity is our prosperity”.[14]

Tóm lại vấn đề bất ổn tại Biển Đông sẽ sớm được giải quyết. Theo đúng ý nghiã như ông Lý quang Diệu nói “Mao Trạch Đông vẽ một bức tranh vĩ đại trên nền khảm xà cừ. Khi cơn mưa tạt vào, moị thứ đều trôi đi hết. Khối thịnh vượng chung TPP chính là cơn mưa tạt vào bức tranh đó. Tầu lại hoàn Tầu. Nhưng đối với dân tộc Việt nam, TPP lại là cơ hội trăm năm một thuở và riêng đối với đảng cộng sản Việt nam, môt cơ hội bằng vàng để “hạ cánh an toàn” vì đây sẽ là một sự thay đổi nằm trong vòng kiểm soát giống như tại Liên sô năm 1989 (chứ không đi từ bất ổn này đến bất ổn khác). Vì ổn định là điều kiện tiên quyết để phát triển đầu tư và bảo đảm lợi nhuận cao nhất.

Nếu trước đây Hoa kỳ vì muốn kéo Trung quốc ra khỏi ảnh hưởng của Liên sô đã phải hy sinh gần 40 ngàn lính Mỹ và đồng minh Nam Việt nam để đưa đảng cộng sản lên nắm chính quyền,[15] thì bây giờ vì muốn ngăn chận Trung quốc họ phải tạo dựng lên một khối thịnh vượng dưới phiá Nam Trung quốc trong đó có Việt nam, đủ mạnh về kinh tế chính trị làm đối trọng với Trung quốc. TS Kissinger năm 1999 đã xác nhận bằng giấy trắng mực đen: “Chúng tôi bỏ Sài gòn tuy nhiên, sẽ không bỏ Việt nam vì tại đất nước này gần 40000 người Mỹ đã phải hy sinh để đưa hàng chục triệu người đặt dưới ách cai trị của cộng sản, những người này đã dám đem chính mạng sống của mình ra đánh cược chỉ vì tin tưởng vào lời nói của chúng tôi.” Trước đó năm 1971, TS Kissinger cũng đã tiết lộ cho Th.T. Châu ân Lai biết “Nhưng với thái độ cứng đầu của Hà nội hiện nay, chúng tôi nghĩ cũng phải từ 10 đến 15 năm.“
Hy vọng những gì tôi muốn gởi đến các nhà lãnh đạo và dân chúng Việt nam hôm nay sẽ được qúy vị lưu tâm đặc biệt, thúc đẩy con cháu mạnh dạn đứng ra tận dụng thời cơ, tích cực hành động trong những ngày sắp tới. Sách lược đấu tranh là cạnh tranh kinh tế và phát triển mạnh mẽ trong các khu vực giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật, vân vân . . .  là những khu vực mà các em hiểu biết nhiều nhất. Nguyện cầu ơn trên giúp sức cho giới trẻ Việt nam hoàn thành sứ mạng, tận dụng được cái thời cơ vô cùng hiếm hoi này.

© Dr. Tấn Nguyễn


[1] Đọc tại hội nghị cấp bộ trưởng ASEAN vào ngày 29 tháng 7 năm 2013.
[2] Richard Nixon, 1999, Victory Without War, New York, Simon & Schuster.
[3] Michael Benge, “Vietnam’s Talk/Fight Strategy in Play on Human Rights Negotiations”, in America Thinker, September 22, 2013. Michael Benge đã từng là một nhân viên ngoại giao phục vụ tại VN 11 năm và iện nay là một bình luận gia chính trị về ĐNA. Ông cũng là một người rất hăn say tranh đấu trong tổ chức nhân quyền cho VN và viết rất nhiều bài tham khảo về đề tài này.
[4] Nguyễn ngọc Tấn PhD. 2012, The Vietnam War Revisited: A Revolutionary View of US Foreign Policy, Westminster, USA: Vietnamese Nationalists in Diaspora.
[5] Cốt lõi của cuộc cách mạng là chủ trương bảo vệ nền hoà bình thế giới bằng việc thành lập các quân bình về điạ chính trị dưạ trên nguyên tắc xử lý sức mạnh thay vì dùng sức mạnh để tiêu diệt kẻ thù bằng một cuộc tổng công kích, giống như trong thế chiến thư Hai, tiêu diệt nước Đức.
[6] Tháng Năm, 1996, tác giả đã đại diện đại học Monash tham dự một hội nghi về “Globalisation” được tổ chức tại Hán THành để quảng bá quan niệm “Free Market Economy” này sau sự sụp đổ của nền kinh tế chỉ huy Liên sô, do đại học Harvard chủ trì.
[7] Henry Kissinger, 1999. “I, Henry”, in Australian Financial Review, May 7.
[8] Hoa kỳ đã ép buộc hai phe Việt nam quốc gia và cộng sản ký kết vào hiệp định ngưng bắn Paris 1973.
[9] Xem “I, Henry” sđd.
[10] Col. Harry Summers, 1996. “Military Strategy” Conversation with Colonel Harry G Summers, Jr., March 6, by Harry Kreisler and Thomas G. Barnes. Institute of International Studies. UC Berkeley: “We saw Vietnam as a limited war, a strategic defensive. Under this kind of war a battlefield victory was not attainable. So we went to Vietnam with that constraint. Not only did we not go on offensive, we forbade the South Vietnamese to go on the offensive. They could not carry the war north. So we took away their goal of unification because it wasn’tin our interest for the South Vietnamese to go north.”
[11] Từ 1960 đến 1989, Hà nội nằm trong vùng ảnh hưởng của Liên sô.
[12] Michael Benge, Sept. 22, 2013. Sđd.
[13] John Kerry, sđd.
[14] Michael Benge, “White House visit”, July 2013, sđd.
[15] Henry Kissinger, 1999. Sđd. Con số 58200 lính Mỹ chết ở Việt nam là con số Hà nội thổi phồng lên và đã gặp nhiều khó khăn khi Hoa kỳ đòi trao trả những lính Mỹ “missing in action”.


1 Phản hồi cho “Điều chỉnh quân bình lực lượng: Một cơ hội hiếm hoi cho Đông Nam Á?”
1.    Nguyễn Văn says:
Mỹ phải xác định vai trò của mình với thế giới: Tiếp tục làm cường quốc số một hay không? Câu trả lời đương nhiên là muốn. Vậy thế kỷ này là thế kỷ của Á Châu, Mỹ sẽ phải làm gì ở Châu Á Thái Bình Dương nói chung, hay Đông Nam Á nói riêng, hay cụ thể là Mỹ sẽ cần gì ở Việt Nam, và ngược lại cộng sản Hà Nội cần gì ở Mỹ? Ván bài đã đến lúc lật ngửa, đã đến lúc Mỹ phải can thiệp mạnh hơn vào Việt Nam, và họ (Mỹ và Việt Nam) đã có những bước đi chuẩn bị trước khi thế hệ anh Ba Dê về vườn.
Tác giả phân tích vấn đề cũng là đúng lúc, vì khi kết thúc đàm phán hiệp định TPP cuối năm nay thì cũng là lúc thế chiến lược mới toàn cầu bước vào trò chơi mới, và tất cả quyền lợi của tất cả các cường quốc sẽ được phân chia lại. Các nhà chính trị chiến lược Việt Nam cũng biết nhưng họ được Mỹ bảo kê, Mỹ cho thế hệ có liên hệ trực tiếp đến chiến tranh được hưởng, và thế hệ ngày nay là thế hệ mới được đào tạo ở Mỹ và không liên hệ gì đến chiến tranh. Một trang sử mới cho Việt Nam.
Hãy chờ xem. Con bài tẩy Nhật Bản cũng đã lật ngửa. Mỹ/NATO/Các nước đồng minh Châu Á/ASEAN sẽ kết hợp chống ai? Nga Sô sẽ đứng đâu để không bị lẻ loi và được chia quyền lợi? Năm 2014 sẽ là năm bạn thù được phân lại; ai sẽ là bạn và kẻ thù mới của Mỹ và nhân loại là ai?


No comments:

Post a Comment

View My Stats