Hòa Ái, phóng viên RFA
2013-11-13
2013-11-13
Sau thời gian tự ứng cử và thực hiện chiến dịch vận
động tranh cử trên trường quốc tế để trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền
LHQ, VN đạt được kết quả như mong muốn vào hôm thứ Ba, 12/11/13.
Câu hỏi đặt ra là Đại hội đồng LHQ dựa vào những
tiêu chuẩn nào để bầu chọn VN vào danh sách 14 thành viên mới cho nhiệm kỳ 3
trong khi những tổ chức đánh giá nhân quyền độc lập như Human Rights Watch
(Theo dõi Nhân Quyền), Amnesty International (Ân xá Quốc Tế), RSF (Tổ chức
Phóng viên Không biên giới)…liên tục tỏ ý quan ngại về tình hình vi phạm nhân
quyền tại VN.
Phó Tổng Biên tập Báo SGGP, ông Kha Lương Ngãi,
cho đài ACTD biết quan điểm của mình khi đón nhận tin VN vừa chính thức trở
thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền LHQ:
“Có lẽ
người ta bầu vào không dựa theo tiêu chuẩn nào cả mà người ta bầu có ngụ ý là
cho vào để buộc VN phải hòa nhập với thế giới văn minh tiến bộ. VN phải công
nhận quyền tự do dân chủ của người dân”.
Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, cũng hoạt động trong lĩnh
vực truyền thông, nhà báo Lý Kiến Trúc cho rằng phong trào đòi hỏi nhân quyền
và dân quyền ở VN đang dâng lên rất cao và xu thế tất yếu của cộng đồng ở nước
ngoài đòi hỏi cho người dân trong nước là yếu tố quan trọng buộc chính quyền Hà
Nội không có lựa chọn nào khác hơn phải chấp nhận chiều hướng tự do dân chủ cho
VN. Tuy nhiên, sự kiện VN trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ không hẳn
chỉ mang lại sự lạc quan.
Nhà
báo Lý Kiến Trúc nói:
“Đối với chúng tôi làm truyền thông nhận thấy điều
đó có 1 phần lạc quan nhưng cũng có 1 phần rất bi quan. Lạc quan là chúng ta
nhận thấy nhờ sự tranh đấu của người Việt hải ngoại và kể cả trong nước thì yếu
tố nhân quyền bây giờ thì người Cộng Sản ở VN bắt buộc phải chấp nhận. Còn bi
quan là khi họ đã vào chân trong LHQ, họ có thể lớn giọng và cao giọng nói rằng
‘Đây LHQ công nhận chúng tôi là nước có nhân quyền và dân quyền’. Bi quan này
sẽ vẽ cho chúng ta thấy con đường sắp tới sẽ rất khó khăn trong công cuộc tranh
đấu đòi hỏi thêm nữa về nhân quyền và dân quyền cho người dân VN của chúng ta”.
Lạc
quan, vì sao?
Tại Pháp, ông Nguyễn Gia Kiểng, một trong những
người thành lập “Tập hợp Dân chủ Đa nguyên” lên tiếng Hội đồng nhân quyền LHQ
không đặt nặng vấn đề chọn lựa thành viên, thì đây chỉ là 1 tổ chức tương đối
mờ nhạt và còn kém hiệu lực so với cả các tổ chức nhân quyền độc lập, nhưng có
thể hy vọng rằng VN một khi trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ sẽ bị
chất vấn và sẽ bị đặt trước vấn đề nhân quyền 1 cách tích cực hơn.
Ông
Nguyễn Gia Kiểng lý luận:
“Tình hình đang thay đổi. Nghĩa là thế giới đang
chứng kiến 1 trào lưu dân chủ mới, 1 làn sóng dân chủ mới. Các quốc gia dân chủ
trên thế giới tỏ ra tích cực hơn về mặt nhân quyền. Ví dụ như chính quyền Mỹ
mới đây cũng đã cảnh giác Hà Nội phải cải tiến 1 cách nhanh chóng về điều kiện
nhân quyền. Có lẽ trong tâm lý mới, trong bối cảnh thế giới mới, mọi quốc gia
nhưng trước hết là những thành viên của Hội đồng Nhân quyền phải chịu những áp
lực lớn hơn”.
Hơn ai hết, những người dấn thân cho tự do dân chủ ở
VN, những người đang cất lên tiếng nói yêu cầu Nhà nước phải tôn trọng các
quyền cơ bản của con người mà trong đó bao gồm quyền tự do ngôn luận, tự do hội
họp…đang gặp phải sự bắt bớ, sự đối xử hà khắc vì bị cho là vi pham pháp luật
về tội tuyên truyền, kích động, lôi kéo người dân chống phá Nhà nước nói gì khi
VN trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Anh
Nguyễn Lân Thắng, người hoạt động tích cực cho tự do dân chủ trong
nước chia sẻ:
“Tôi phải
nói là hết sức vui mừng khi VN trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền. Việc này nghe
thực ra có vẻ sốc nhưng thực ra rất là vui cho những người hoạt động về nhân
quyền, về tự do dân chủ. Bởi vì khi VN đặt ở vị thế Hội đồng Nhân quyền LHQ thì
mọi hành xử của chính quyền sẽ được cộng đồng quốc tế cũng như các cơ quan
thông tin ngôn luận sẽ chăm chú theo dõi rất kỹ. Điều đó sẽ đặt VN vào cái thế
phải hành động đúng đối với các tiêu chuẩn nhân quyền mà không thể tự ý biện
minh cho những việc xảy ra do các đặc thù ở VN. Tôi nghĩ VN quan trọng nhất bây
giờ là phải đạt được sự tiến bộ, sự hiểu biết chung về vấn đề nhân quyền theo
những giáo trình phổ quát của nhân loại. Rất hy vọng chính quyền hiểu biết và
sẽ hành xử xứng đáng với vị trí đã giành được trong kỳ bầu cử vừa qua”.
Có phải những người đã và đang là nạn nhân của tình
trạng vi phạm nhân quyền ngay nơi quê nhà sẽ tin tưởng vào 1 viễn ảnh lạc quan
hơn qua những lời chia sẻ vừa rồi? Có phải người dân trong nước có đủ niềm tin
về 1 ngày mai cuộc sống của họ được tốt đẹp hơn khi VN trở thành thành viên Hội
đồng Nhân quyền LHQ. Đa số những người mà đài RFA tiếp xúc đều bày tỏ 1 niềm
lạc quan trong hy vọng vì theo họ thể diện của 1 quốc gia không chỉ đơn thuần
là những lời tuyên bố suông.
No comments:
Post a Comment