Chủ nhật 03 Tháng Mười Một 2013
Lãnh vực công nghệ thông tin là đề tài chủ đạo trên
hai tạp chí Courrier International và Le Nouvel Observateur số ra tuần này (từ
30/10 đến 06/11/2013). Trên trang nhất của mình, Courrier International chạy
hàng tít lớn “Google, Facebook, Apple …. những kẻ tồi tệ nhất của thế giới”.
Tuần san dành 6 trang để trích đăng lại các bài chỉ trích trên nhiều tờ báo tại
Hoa Kỳ.
“Tệ hơn cả Wall Street”
Từ lâu chiếc nôi công nghệ thông tin mới được xem như là
một nguồn chất xám, một đầu tàu kinh tế, một mô hình cần được phát triển mạnh
ra ngoài. Ngày nay, những lời chỉ trích đang lan rộng. Các chủ doanh nghiệp trẻ
của lãnh vực này, hôm qua vẫn còn được tâng bốc lên tận mây xanh, nay bị chế
giễu về chính sự thỏa mãn của họ. “Còn tệ hơn cả Wall Street” là hàng
tựa nhận định đăng trên tờ The New Republic tại Washington, được Courrier
International trích đăng dịch lại.
Câu hỏi đặt ra: “Phải chăng các chủ doanh nghiệp của
lãnh vực công nghệ mới đang thế chỗ cho các nhà tài chính tại Wall Street trong
vai ‘kẻ ác’theo như trí tưởng tượng của dân gian?”. The New Republic tổng
hợp những lời chỉ trích đó đây về lối sống của những chủ nhân doanh nghiệp công
nghệ mới trên một số tạp chí tại Mỹ. Một mặt tờ báo nhìn nhận có điểm tương
đồng giữa những người giàu có trong lãnh vực công nghệ mới với những nhà tài
chính tại Wall Street. Đó là “những người còn rất trẻ và rất giàu có. Và
cũng không thể nào chịu đựng được, giống như bao kẻ giàu và trẻ tuổi khác”,
theo như nhận xét của một tác giả bài viết trên tờ Wired.
Tờ báo phân biệt rõ rệt hai phương thức phô bày cách sống
giữa hai thế giới tài chính và công nghệ mới. Một bên thích che đậy cuộc sống
riêng tư, còn bên kia thích phơi bày lối sống của mình trên các trang mạng xã
hội. Chính vì điều này đã tạo ra những cảm giác khó chịu đối với những người
xung quanh. Không những họ trẻ, rủng rỉnh tiền trong túi, mà đôi khi lại còn
hợm hĩnh và sống tách biệt. Đó là chưa kể đến việc sản phẩm của họ tạo ra còn
bị cho là có những “giá trị đáng ngờ” với những “chi phí quá tốn kém”.
Cuối cùng tờ The New Republic còn cho hay sự ngờ vực đối với các tập đoàn công
nghệ mới này đã tăng lên từ khi có những tiết lộ cho hay nhiều doanh nghiệp lớn
trong số này đã chia sẻ các dữ liệu cá nhân với chính phủ.
Chỉ trích lan sang cả văn học
Tờ Wall Street Journal tại New York, có bài nhận định về
một thiểu thuyết của nhà văn Dave Eggers, chỉ trích thế lực quá mạnh của những
tập đoàn kỹ thuật số và giáo lý về sự minh bạch tuyệt đối. Courrier
International trích đăng lại bài viết qua hàng tựa “The Circle, doanh nghiệp
độc tài”.
Tờ báo nhận định quyển tiểu thuyết “The Circle”
(tạm dịch Vòng tròn) của Dave Eggers, có thể sẽ làm thay đổi cách thức mà thế
giới đang lao vào phục tùng một cách mù quáng, ngoan ngoãn vào những gì được
cho là kỹ thuật số. Tác phẩm đặt câu hỏi về những giáo lý của thời đại thông
tin hiện nay. Nếu như cách đây mười năm, chuyện phơi bày lối sống riêng tư trên
mạng vẫn còn là điều cấm kỵ, thì dường như quan điểm này đang dần thay đổi.
Những nghi vấn đó đã được Eggers khéo léo uốn nắn dưới
hình thức nhân loại. Câu chuyện xoay quanh nữ nhân vật chính tên gọi Mae
Holland, một người phụ nữ trẻ làm việc tại The Circle, một tập đoàn quyền lực
tại Silicon Valley. The Circle là một hình thức hòa lẫn giữa ba tập đoàn lớn
Google, Facebook, Twitter, Pinterest và Paypal.
Đối với tác giả, quan điểm chia sẻ toàn diện và toàn cầu
những hiểu biết và thông tin cá nhân có thể sẽ để lại những hậu quả thảm khốc
cho nền dân chủ, theo như nội dung câu chuyện. Đồng thời, cũng thông qua tác
phẩm, Eggers muốn đưa ra một lời cảnh báo đối với các doanh nghiệp: “cho dù
sự tiện ích của các dữ liệu có đi đến đâu chăng nữa, việc tập hợp chúng lại
thành một nhóm hoàn chỉnh kết nối mỗi centimetre đời sống riêng tư, chung và
dân sự của chúng ta cũng đều có những hậu quả nghiêm trọng”.
San Francisco nổi dậy chống lại đội ngũ chuyên viên tin
học
Về phần tờ Los Angles Times, tờ báo cho hay người dân tại
khu đô thị San Francisco bắt đầu thấy khó chấp nhận sự bành trướng của lãnh vực
công nghệ mới. Sự gia tăng đội ngũ nhân viên trẻ trong lãnh vực này đang làm
cho giá cả sinh hoạt tại đây bắt đầu đắt đỏ. Tờ báo chạy tựa “San Francisco
nổi dậy chống lại đội ngũ chuyên viên tin học”.
Theo tờ báo, sự bành trướng các hoạt động của nhiều tập
đoàn công nghệ mới tại đây như Apple, Facebook, Google và nhiều hãng khác nữa
đang làm cho cuộc sống người dân tại San Francisco bị đảo lộn và gây chia rẽ
giữa người dân địa phương với những người làm việc trong lãnh vực này. Những
tiện nghi mà các tập đoàn Net cung cấp cho các nhân viên, như xe đưa đón sang
trọng có gắn máy điều hòa, ghế ngồi thoải mái và có kết nối Wi-fi, đang tạo cho
dân địa phương cảm giác đó là “những người ngoài hành tinh đến đây bằng các
phi thuyền để cai trị họ”.
Rạn nứt thêm sâu thẳm khi người dân tại chỗ không được hưởng
sự giàu có khổng lồ do lãnh vực công nghệ mới đem lại. Nhiều nhà đấu tranh tố
cáo sự xâm nhập của công nghệ cao đã làm gia tăng giá cả sinh hoạt tại đây như
giá nhà thuê, giá bất động sản. Các vụ trục xuất đã làm nghiêm trọng thêm tình
trạng bất bình đẳng về thu nhập, đẩy ra khỏi thành phố những hộ gia đình thuộc
tầng lớp trung lưu, các doanh nghiệp nhỏ, các nghệ sĩ và những nhà trí thức.
Nói tóm lại những gì đem đến sự phồn thịnh và nét đa dạng văn hóa, tạo nên nét
quyến rũ cho San Francisco.
Không có chỗ cho người “già”
Trên bình diện xã hội, sự phát triển như vũ bão của lãnh
vực này cũng có những mặt trái của nó. Tờ San Francisco Chronicle quan sát thấy
rằng “tuổi tác còn là một khuyết tật” trong lãnh vực này. Courrier trích dịch
lại qua hàng tựa “Không có chỗ cho người ‘già’”.
Từ “già” ở đây tờ báo muốn ám chỉ đến những người làm
việc lâu năm, dày dặn kinh nghiệm. Nhân viên càng có thâm niên, càng dễ bị đuổi
việc, và khó kiếm được việc làm trong lãnh vực này.
Tờ báo thống kê, riêng trong năm 2012, tổng cộng có 48000
nhân viên bị sa thải tại ba tập đoàn nằm trong Silicon Valley. Năm nay, một tập
đoàn khác dự tính thải ra 4000 nhân viên. Điều nghịch lý là trong cùng thời
điểm, nhu cầu tuyển dụng người đang tăng lên tại Silicon Valley của San
Francisco.
Vậy thì, nếu như cung không đủ cầu, tại sao nhiều nhà
chuyên nghiệp có năng lực lại rơi vào tình trạng không có việc làm? Câu trả lời
như sau: Trong lãnh vực công nghệ mới này, kinh nghiệm không còn được xem trọng
như trước nữa và ngược lại còn có thể làm tổn hại đến mình.
Nhận định này đã được vị Tổng giám đốc 28 tuổi đời của
Facebook, Mark Zuckerberg khẳng định: “Tôi muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng
của tuổi trẻ và năng lực kỹ thuật. Đơn giản là vì người trẻ tuổi thông minh
hơn. Tại sao phần lớn những kỳ thủ cờ vua đều là những người dưới 30 tuổi? Tôi
không biết. Khi ta trẻ, cuộc sống của ta đơn giản hơn. Có lẽ bởi vì ta chưa có
xe, cũng có thể là do ta chưa có lập gia đình. Có một cuộc sống đơn giản giúp
bạn tập trung tốt hơn về những gì được cho là quan trọng”.
Xây dựng “thành trì” để giam lỏng nhân viên?
Google, Facebook, Apple và Amazon sẽ cho xây dựng các trụ
sở mới to lớn hơn nhằm giam giữ hiệu quả hơn nhân viên của mình? Là câu hỏi của
tờ Slate tại New York trong bài viết có tựa đề “Những thành trì bị tách rời
khỏi thế giới”.
Thường các khoản lợi nhuận “khủng” mà các doanh nghiệp
này đang bỏ túi thường đi đôi với xu hướng mở rộng biến đổi “tòa nhà chọc
trời” thành một thành phố, tờ báo nhận xét. Các doanh nghiệp trên cần mở
rộng trụ sở để đón tiếp nhiều nhân viên hơn nữa. Nhưng điều này cũng phản ảnh
rõ lối suy nghĩ của họ. Kiến trúc tòa nhà mới và chi phí dành cho chúng chứng
minh rằng những kẻ ngoài cuộc hôm qua giờ cũng đã có một địa vị trong xã hội.
Tuy nhiên, bài viết cũng cảnh báo rằng, nếu những ai tin
vào lý thuyết “chỉ số nhà chọc trời”- theo đó, khi một doanh nghiệp bắt
đầu đầu tư vào các dự án bất động sản khổng lồ, sự suy sụp về tài chính cũng
rất gần kề - mọi công trình xây dựng đó cũng đang gióng lên hồi chuông báo động
về tương lai của ngành công nghiệp kỹ thuật số.
Một khía cạnh khác cũng được tờ báo đề cập đến, bản chất
thật sự của các công trình xây dựng to lớn đó. Theo bản thiết kế, các tập đoàn
Google, Apple, Facebook hay Amazon sẽ cho xây dựng các tòa nhà phức hợp sao cho
chỗ và chỗ ở được hòa lẫn với nhau, đầy đủ tiện nghi và dịch vụ như nhà giặt ủi
tự động, nhà hàng, quán cà phê, công viên. Cấu trúc tòa nhà được thiết kế sao
cho giống y như là một thành phố tự lập thật sự nhưng hoàn toàn khép kín. Tiết
kiệm thời gian đi lại đến mức tối đa nhưng tách biệt gần như hoàn toàn với môi
trường xung quanh.
Theo nhận định của tờ báo, các dự án đó cho thấy mục tiêu
chính là làm thế nào trói chân được các nhân viên của mình trong các bức tường
doanh nghiệp càng lâu càng tốt. Đây quả thật là “một chiếc lồng vàng” kỹ
thuật số cho các nhân viên tại Silicon Valley.
Không gian mạng: cuộc chiến tranh thế giới mới
Cũng trên lãnh vực thông tin mạng, tuần san Le Nouvel
Observateur nhìn sự việc trên khía cạnh quân sự. Cổng thông tin chính thức bị
tin tặc, chương trình dọ thám, virút tin học… Những trận chiến tin học vô hình
đó sẽ thường xuyên hơn và cũng mang tính hủy diệt cao. Đối với bài viết đề tựa
“Không gian mạng: một cuộc chiến tranh thế giới mới”, giờ đây tất cả các
quốc gia phải tự trang bị để phòng thủ hay tấn công.
Vào thời điểm của điện thoại, đồng hồ, xe ô-tô và thậm
chí đồng hồ điện cũng được nối mạng Internet, “chẳng phải là không gian mạng
đó, đến lượt nó, cũng được kêu gọi ngự trị các yếu tố khác, trên bộ, trên không
lẫn hải quân đó chăng?”, là câu hỏi của ông Michel Baud, sĩ quan bộ binh và
là nhà nghiên cứu thuộc Viện quan hệ Quốc tế Pháp.
Song song với hành động gián điệp qua mạng, mặt trận
chiến đấu kỹ thuật số ngày càng cho thấy tính ưu việt cho quân đội của toàn thế
giới. Tại Mỹ, quốc gia đạt đến trình độ tiên tiến nhất, phòng ngự và tấn công
đang được thiết kế trên mọi lãnh vực: không quân, bộ binh, hải quân và không
gian mạng.
Theo Le Nouvel Observateur, Hoa Kỳ lẫn Israel, không ngần
ngại phát triển các loại vũ khí trên mạng, có khả năng thâm nhập vào các hệ
thống tin học của kẻ thù để theo dõi và/hoặc phá hủy chúng. Sức mạnh của ngọn
lửa kỹ thuật số có thể làm cho các mục tiêu thật sự như ra-đa và các thiết bị
viễn thông hay dự trữ điện không thể hoạt động được. Các virút tin học giờ sẽ
thế chỗ cho các vụ oanh tạc bằng bom nhằm hỗ trợ cho các chiến dịch trên bộ.
Việc phát triển khả năng tấn công còn cho phép thử nghiệm lá chắn của chính
mình sao cho không trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng tương tự với
những gì họ thiết kế.
Ngoài việc liệt kê lại các vụ tấn công mạng đầu tiên, bắt
đầu từ năm 2007 tại Estonia, Le Nouvel Observateur nhắc lại cuộc đối đầu giữa
hai người khổng lồ nhất hành tinh: Hoa Kỳ và Trung Quốc, khi nhấn mạnh đến vai
trò của đơn vị bí ẩn “61398” của Trung Quốc, trong việc dọ thám đối thủ trên
hai lãnh vực chính kinh tế và quân sự. Theo nhận định của tờ báo, như hiểu rất
rõ rằng nếu muốn chế ngự Hoa Kỳ và thế giới, Trung Quốc tuyệt đối phải thu hẹp
khoảng cách công nghệ. Và để thắng được bàn cược kinh tế, thương mại, kỹ thuật
số, Bắc Kinh đã chọn cách… “đi ăn cắp bí mật” của phương Tây. Một kiểu
phương pháp “đi tắt đón đầu” rẻ tiền nhưng không nguy hiểm, Le Nouvel
Observateur kết luận.
Campuchia: Các công trường xây dựng bóc lột phụ
nữ
Thời sự châu Á tuần này khá hiếm hoi. Duy trên tờ
Courrier International có đăng trích dịch lại một bài viết trên tờ Southeast
Asia Globe quan tâm đến số phận và tình trạng đối xử bất công đối với phụ nữ
Campuchia, những người cũng làm các công việc như nam giới trên các công trường
xây dựng.
Theo ước tính của một vị lãnh đạo nghiệp đoàn tại
Phnôm-Pênh, phụ nữ chiếm đến 40% lượng công nhân lao động tại các công trường
xây dựng. Con số này cách đây bảy năm chỉ có 20%.
Tác giả bài viết nhận thấy số phụ nữ làm việc tại các
công trường này cũng làm đủ các loại công việc nặng nhọc của phái nam như trộn
vữa, quấn sắt cho bê-tông và chuyển gạch. Đa số các phụ nữ làm việc trong các
công trường đều là người nhập cư, không có tay nghề. Đó là chưa kể đến tình
trạng phân biệt đối xử nam-nữ, cũng làm một việc giống nam giới, nhưng lương
của nữ công nhân lại thấp hơn phái nam 50 xu đô-la.
Theo giải thích của vị lãnh đạo nghiệp đoàn, sở dĩ lượng
phụ nữ làm việc đông tại các công trường là vì, trong khi đợi thu hoạch, họ theo
chồng lên thành phố làm những công việc ngắn hạn, vụ mùa. Bên cạnh đó, do thiếu
nhân công, nên giữa các doanh nghiệp có sự cạnh tranh gay gắt dù đó là công
nhân thiếu tay nghề. Vì vậy, các cô các bà cũng không mấy khó khăn tìm được
việc làm trong lãnh vực này, như là lời giải thích của ông Thierry Loustau,
tổng giám đốc tập đoàn LBL International, một trong những tập đoàn xây dựng
quan trọng hiện nay tại Campuchia.
Cuối cùng tờ báo cũng có phần chỉ trích vai trò yếu kém
của nghiệp đoàn trong lãnh vực này. Sự yếu kém đó, một phần cũng được giải
thích bởi tình trạng công nhân thay đổi địa điểm làm việc liên tục. Nhiều người
trong số họ làm việc nhưng không có ký kết hợp đồng lao động. Các nghiệp đoàn
cố gắng đánh động về tình trạng này, nhưng rất dễ thực hiện như trong ngành dệt
may, có thể ngưng sản xuất để đình công. Ngoài ra, thiếu tay nghề, thiên hướng
phát triển chuyên môn hạn chế nên các nghiệp đoàn rất khó hỗ trợ các cô để đấu
tranh chống lại sự bất bình đẳng trong lương bổng giữa nam và nữ.
Hãy là bác sĩ tốt nhất của mình!
Tít lớn trên trang nhất của tạp chí “L’Express” tuần này
chạy hàng tựa khá ấn tượng “Hãy là bác sĩ tốt nhất của mình!”. Tại Pháp,
một cuộc cách mạng đang âm thầm diễn ra, tờ báo nhận định. Thay vì cứ phải đổ
xô đi tìm bác sĩ cho vết đau tí tẹo, ngày càng có nhiều người Pháp tự chữa lấy
cho mình.
Người dân Pháp hiện nay nhận thức được rằng chỉ cần những
động tác đơn giản và có một lối sống lành mạnh, trong sạch sẽ phòng tránh được
rất nhiều căn bệnh. Chỉ cần đặt chân vào nhà thuốc Tây, ta có thể nhận thấy
ngay là người Pháp hiểu rõ tình trạng sức khỏe của họ như thế nào và không còn
dựa dẫm vào bác sĩ để được chữa bệnh. Họ biết sử dụng các loại công cụ nào để
có thể chẩn đoán sơ bộ như sử dụng cân có ghi rõ lượng mỡ thừa, bộ dụng cụ xét
nghiệm sử dụng một lần để thử nước tiểu…Nói tóm lại họ biết đủ mọi phương thức
để tự giám sát.
Đối mặt với nhiều chứng bệnh của xã hội, bệnh nhân thời
hiện đại không còn là những kẻ ngây thơ. Họ biết rất rõ về những căn bệnh của
thời đại stress, về trầm cảm, và chứng nhồi máu cơ tim hay chứng thừa cân. Họ
rất xem trọng mối đe dọa căn bệnh ung thư bằng cách thường xuyên tự mình soi
gương khám xét các nốt ruồi trên da.
Theo bài viết, Internet, các diễn đàn trao đổi giữa các
bệnh nhân, sách về sức khỏe và cách sống là những nguồn thông tin ngày càng
được nhiều người Pháp tìm đến. Sách về các chủ đề này bán chạy như tôm tươi.
Nhu cầu tập thể thao với phương châm “phòng bệnh hơn chữa
bệnh” cũng gia tăng. Nắm bắt được nhu cầu đó, nhiều hãng đồ thể thao lớn cũng lao
vào cuộc với những khẩu hiệu đại khái “Hãy biến mỗi đoạn đường đi thành một
giây phút thể thao!” của hãng Decathlon chẳng hạn.
Một tín hiệu khác cũng cho thấy có sự thay đổi về lối suy
nghĩ: sự bùng nổ các khóa học “thiền” tại Pháp, một phương pháp có nguồn gốc
xuất xứ từ đạo Phật. Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy các phương pháp “thiền”
này giúp tăng khả năng tập trung, ổn định sự chú ý, giảm tính xung động và giúp
chống stress tốt hơn. Bài viết cũng không quên nhắc đến tầm quan trọng của chế
độ dinh dưỡng cũng như việc giữ thăng bằng tâm lý trong điều trị và phòng ngừa
bệnh tật.
Bên cạnh những ghi nhận về hiện tượng trên, L’Express còn
đưa ra “30 lời khuyên để tự chăm sóc”. Các lời khuyên này tựu chung xung quanh
các ý chính: cách bảo vệ cột sống, làm thế nào để có giấc ngủ sâu, chế độ dinh
dưỡng phù hợp, cách giảm stress, cách chơi thể thao để đạt hiệu quả tối ưu, lối
sống tình dục lành mạnh, cách chống mệt mỏi và nhất là vấn đề vệ sinh. Cuối
cùng, L’Express giới thiệu đến độc giả 35 quyển sách về sức khỏe và tâm lý cần
đọc, những tác phẩm hướng dẫn hiệu quả nhất tại Pháp hiện nay.
No comments:
Post a Comment