Thursday 21 November 2013

CẬP NHẬT NHỮNG PHÁT BIỂU ĐI VÀO LỊCH SỬ CỦA KỲ HỌP QUỐC HỘI THỨ 6 KHÓA 13 (BS Hồ Hải)




Thứ tư, ngày 20 tháng mười một năm 2013

Tổng bí thư đảng cộng sản ở Việt Nam phát biểu hôm 23/10/2013 trước toàn thể đại biểu Quốc Hội về vấn đề sửa đổi hiến pháp: "...Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa...".
- Thưa ông đảng trưởng, thế thì đất nước dân tộc ta đang đi đâu? Có phải đi lang thang, tức là đi đó, đi đây mà không có mục đích, thưa ông?

Trong trả lời chất vấn của ông bộ trưởng công thương Vũ Huy Hoàng với đại biểu quốc hội Ngô Văn Minh về trách nhiệm xả lũ làm chết dân, tai hại đến kinh tế quốc dân ai chịu trách nhiệm? Ông Vũ Huy Hoàng trả lời“Quy hoạch thủy điện trải qua nhiều thời kỳ là quy hoạch chung của cả nước chứ không phải quy hoạch riêng của Chính phủ hay Bộ Công thương... Chúng ta nói về chúng ta chứ không phải chúng ta nói về Chính phủ, cũng không phải chúng ta chỉ nói về bộ, ngành này hay bộ, ngành khác mà chúng ta nói về chúng ta”.
- Có lẽ, câu trả lời bóng gió này là đúng nhất, chí lý nhất trong tất cả những trả lời chất vấn của các quan phụ mẫu trong kỳ họp quốc hội này. Nhưng làm cách nào để bỏ đi tình trạng khi ăn ốc thì chỉ một số ít nhóm quyền lợi ăn, còn khi đổ vỏ thì lại không ai chịu trách nhiệm đổ vỏ, thưa ông bộ trưởng? Nhưng, có lẽ cách nói vòng vo ai muốn hiểu sao cũng được là cách trả lời "tốt nhất" của thời đại hiện nay ở nước Việt?

“Tại sao chúng ta đầu tư lôm côm, lãng phí thế này? Rất đơn giản, bởi vì lâu nay các cơ quan dân cử không thể kiểm soát được đầu tư” - Đại biểu Trần Du Lịch đã nói như vậy tại buổi thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.
- Thưa ông đại biểu, dân đen chúng tôi có được cử bất kỳ cán bộ nào của đảng cầm quyền đâu, mà ông nói thế thì tội cho dân đen chúng tôi quá.

Trả lời câu hỏi của một đại biểu “Bao giờ thì trình độ khoa học công nghệ của Việt Nam có thể nằm trong top đầu các nước ASEAN”, Bộ trưởng Nguyễn Quân nói: “Với tiềm lực khoa học công nghệ Việt Nam hiện nay, có thể tự tin nói rằng trong một số ngành khoa học công nghệ liên quan đến nông nghiệp như nghiên cứu giống lúa thì chúng ta đã có thể vượt nhiều nước trong khu vực, trong đó có cả Thái Lan”. Thưa ông bộ trưởng, thế tại sao xếp hạng trí tuệ toàn cầu của Việt Nam so với toàn cầu lại báo động đỏ, và so với Thái Lan thì ta đứng thứ 57 còn ta đứng thứ 76 là sao?
- Nông dân thì chế tạo được máy móc phục vụ nông nghiệp, còn nhà khoa học thì không có gì để giúp cho lúa gạo nông dân bán được giá, mà để cai đầu dài của đảng ăn chia làm nông dân thua lỗ, phải bỏ ruộng đi kiếm ăn xứ khác là sao?

Trước câu hỏi của hàng loạt đại biểu liên quan đến thông tin 30% công chức không làm được việc”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nói đó chỉ là “dư luận”. Trong khi đó, chính ông Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Xuân Phúc đã công nhận từ đầu năm 2013 là: "30% công chức sáng cắp ô đi, tối cắp về".
- Sao lại có chuyện trống đánh xuôi, kèn thổi ngược vậy các quan phụ mẫu?

Bà bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến xin nhân dân bao dung với ngành Y vì 4 lý do, trong đó có do "những mặt trái của cơ chế thị trường dẫn đến quan điểm bất chấp tất cả để kiếm được nhiều tiền". - Vì cơ chế thị trường hay vì cơ chế chính trị tạo điều kiện để con người tha hóa và tham nhũng thưa bà? Cái nguyên nhân sao bà không dám nói, mà bà đi nói ra cái hậu quả của vấn đề nhức nhối của chế độ hiện tại ở Việt Nam? Triết học duy vật biện chứng về cặp phạm trù nhân quả ngày xưa bà được học không đúng rồi, thưa bà.

Phát biểu của ông Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại phiên họp quốc hội lần này: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chúng tôi sau khi trao đổi với Hội đồng dân tộc, Ủy ban Dân tộc và với Bộ Nội vụ thì đã căn cứ vào các chủ trương chính sách của Đảng và của Quốc hội, đã có chính sách cử tuyển, dự bị đại học và tuyển thẳng cho 125 huyện nghèo và 23 huyện có tỷ lệ nghèo cao trên phạm vi cả nước. Chúng tôi đã chỉ đạo tất cả các nhà trường trong toàn hệ thống là tôn trọng và đáp ứng tối đa yêu cầu về đào tạo cử tuyển của các địa phương. Trách nhiệm về việc phân công cho các cháu thuộc đối tượng này sau tốt nghiệp thuộc về các địa phương”.
- Tại sao phải có sự ưu tiên bất công bằng trong đào tạo như vậy ông bộ trưởng có biết không? Tại sao ở các quốc gia khác không có kiểu ưu tiên như Việt Nam, nhưng những vùng xa xôi hẻo lánh vẫn có người ở, thậm chí có người đã từng là giáo sư danh tiếng ở các trường đại học trên thế giới vẫn đến đó để ở. Đó mới là cách để tìm ra câu trả lời tốt nhất mà chế độ này cần phải học hỏi và làm theo, thưa ông.

Trong kỳ họp quốc hội này, ông bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh không được quốc hội sắp xếp lịch trả lời chất vấn. Nhưng các đại biểu vẫn đòi nợ những câu hỏi cũ từ hơn 1 năm trước mà ông chưa chịu trả lời, vì hoặc "quên" hoặc nhiều việc quá nên chưa trả lời được. Nhưng trong thảo luận ở tổ riêng lẻ, ông trả lời về khối nợ công như sau: "Chỉ cần tách nợ địa phương ra khỏi nợ chính phủ, sau một năm xử lý, nợ xây dựng cơ bản đã giảm được khoảng 50%, từ 85.000 tỷ đồng xuống chỉ còn 43.000 tỷ đồng ở thời điểm hiện tại. Như vậy, khối nợ còn lại các địa phương phải chịu trách nhiệm xử lý. Đây là cố gắng rất lớn của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương nhất là sau Chỉ thị 1792 ban hành cuối năm 2011”. 
- Xin hỏi ông bộ trưởng, thế nợ công chính quyền địa phương và nợ công của chính quyền trung ương là không phải nợ công? Đất nước Việt chia làm loạn sứ quân hồi nào vậy cà?

"Tăng giá cước 3G là việc làm bình thường trong cơ chế thị trường nhằm bảo đảm cạnh tranh lành mạnh cũng như để tăng đóng góp cho Nhà nước", đó là ý kiến của Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son trước nhiều chất vấn của đại biểu Quốc hội (ĐBQH).
- Thưa ông bộ trưởng 4T, có phải ý ông nói rằng, chúng ta đang độc quyền, nên chúng ta muốn tăng thì tăng lo gì dân không xài? Tôi chưa thấy ở đâu trên thế giới, và thời đại nào, cũng như sách giáo khoa kinh tế học nào dạy rằng để cạnh tranh trên thị trường thì tăng giá hàng hóa, mà chỉ có hạ giá thành hàng hóa và tăng chất lượng sản phẩm mà thôi, thưa ông?

Trả lời câu hỏi ép cung của trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Trương Hòa Bình Chánh án TAND Tối cao trả lời rằng: "Việc ép cung, nhục hình nếu có phải được chứng minh. Vụ án ông Chấn không thể kết luận ngay là có ép cung, cán bộ nào vi phạm đều phải xử lý, tùy vào mức độ, nếu vi phạm pháp luật phải xem xét trách nhiệm hình sự về vi phạm hoạt động tư pháp. Nếu không phải chúng ta không thể kết luận bởi còn liên quan đến tinh thần, ý chí tấn công trấn áp tội phạm. Nếu không khéo sẽ làm nhụt ý chí của những người đang làm nhiệm vụ trên mặt trận đầy khó khăn gian khổ này.” - Nhưng thưa ông, chứng cứ làm gì còn sau 10 năm lao tù? Và ai đứng ra bảo vệ cho người oan sai, khi tình hình luật pháp ở ta đang nhập nhèm, và việc điều hành đất nước không phải bằng luật, mà bằng nghị định và nghị quyết, trong khi đó nghị định và nghị quyết thì đầy lỗi sai.

Chiều nay, 14h50' ngày 21/11/2013, ông thủ tướng chính phủ trả lời chất vấn của đại biểu về vấn đề lạm phát có xảy ra, nợ công có an toàn không khi nâng chỉ tiêu ngân sách? Ông thủ tướng khẳng định rằng: "Nợ công nước ta vẫn trong giới hạn an toàn và ổn định, theo đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới. Chính phủ sẽ quản lý tốt để tình trạng lạm phát trong mức cho phép của quốc hội đề ra, sử dụng hiệu quả vốn vay, nợ trung hạn và tích lũy trả nợ, đảm bảo thực hiện đúng chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia. Tốc độ nợ xấu đã chậm lại, đã lành mạnh hơn, tỉ lệ an toàn vốn tối thiểu cao hơn nhiều so với quy định. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn còn cao với mức 4,62% tính tới cuối tháng 10.2013”.
- Nhưng thưa ông thủ tướng, người dân chúng tôi muốn biết rõ nợ công thực là bao nhiêu % GDP, và những con số thực về phương pháp trả nợ của quốc gia có được không? Chúng tôi muốn nghe cụ thể, chứ không chung chung như thế này. Như thế nào là an toàn, những con số đó có bắt dân đen chúng tôi phải còng lưng đóng những loại thuế phí vô lý mà, từ những nghị định của chính phủ đưa ra trong tương lai hay không?

Trong giờ giải lao các nhà báo đã phỏng vấn ông phó thủ tướng Hoàng Trung Hải về vấn đề an toàn của thủy điện. Ông trả lời: "Công trình (thủy điện) nào đã đầu tư, nhưng không hợp lý cũng phải dừng…”. Nhớ mới ngày nào cũng chính ông nói với báo chí rằng: "Tất cả các dự án đầu tư thủy điện đều đã được nghiên cứu khảo sát rất kỹ lưỡng về an toàn và làm lợi cho xã hội, rồi mới cho thực hiện. Cho nên tất cả các đập thủy điện đều an toàn". Ngay cả thủy điện Sông Tranh 2 bị nứt đập rò rỉ lớn ông cũng nói an toàn. Sao nay ông lại nói thế?

(Còn tiếp tục cập nhật đến hết kỳ họp quốc hội dài nhất lịch sử nước Việt)

Được đăng bởi Hồ Hải vào lúc 22:09


No comments:

Post a Comment

View My Stats