Sat, 11/16/2013 - 17:11 —
nguyenhuuvinh
Chuyện chiếc ghế nhân quyền
Dường như đã thành lệ,
mỗi lần nói đến Việt Nam hội nhập quốc tế, bang giao hoặc làm ăn, thì các nước
phươngTây luôn luôn đặt vấn đề nhân quyền tại Việt Nam và coi đó là cản trở cho
quá trình làm ăn, bang giao, cải thiện quan hệ hợp tác…
Không chỉ có thế, hàng năm các
nước còn đưa ra các nghị quyết, các văn bản về tình trạng nhân quyền ở Việt
Nam… Mỗi lần Mỹ ra bản Báo cáo nhân quyền hàng năm, thì y như rằng cái băng cát
sét được đưa ra xài lại là: “Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ tiếp tục dựa
vào các thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam và đưa ra những nhận xét không
khách quan về tình hình thực thi quyền con người ở Việt Nam”.
Theo nhà nước Việt Nam thì tất
cả đều do “không đủ thông tin” hoặc “không khách quan” thậm chí là “có ác ý, áp
đặt” đối với Việt Nam. Và phản hồi đầu tiên là cái băng cassete lại được mở ra,
rằng thì là “Dự Luật Nhân quyền Việt Nam” đi ngược lại quan hệ Việt-Mỹ”.
Cứ năm này qua năm khác, nhiệm kỳ này qua nhiệm kỳ khác, nội dung cái băng này
không mấy khi thay đổi, nếu có chỉ là vài từ ngữ thêm, bớt cho đỡ quá nhàm. Hầu
hết phản ứng của Việt Nam cũng chỉ có vài lời tuyên bố suông lấy lệ như thế. Vì
thế đã có lần tôi phải hiến một kế với nhà nước là “Cần
thông qua một dự luật về Nhân quyền ở Mỹ”.
Mặc dù Việt Nam đã từng ký công
ước Quốc tế về Nhân quyền, nhưng cách thực thi nhân quyền của Việt Nam chẳng
giống ai trên thế giới, may chăng, chỉ có giống vài ba nước trong cái mồ ma
“anh em trong Phe Xã hội chủ nghĩa” còn sót lại như Trung Quốc, Bắc Hàn.
Để giải thích điều đó,
nhà nước Việt Nam cho rằng “nhân quyền là vấn đề rất nhạy cảm và hết sức
phức tạp, vì nó gắn liền với bản chất chế độ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã
hội”. Như vậy, bản chất chính trị xã hội Việt Nam là độc tài Cộng sản, thì
nhân quyền đi kèm hẳn sẽ khác với nhân quyền của chế độ Tư bản giãy chết? Thậm
chí nó khác đến mức: Người dân Việt Nam đem phổ biến bản Tuyên ngôn Nhân quyền
Quốc tế mà nhà nước Việt Nam đã trịnh trọng ký vào, một công việc lẽ ra nhà
nước phải làm để người dân hiểu. Ngược lại người dân đã bị ngăn chặn, cấm cản
bằng cảnh sát, bằng công an và các lực lượng hùng hậu.
Báo chí, quan chức Việt Nam đưa
ra những con số nhằm chứng minh nhân quyền Việt Nam được tôn trọng, rằng “Những
tiến bộ quan trọng trong các lĩnh vực như xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, bình
đẳng giới và chăm sóc sức khỏe trẻ em tại Việt Nam cũng đã được ghi nhận…”.
Thế nhưng, báo chí Việt Nam trong khi đưa ra những thành quả, con số xóa đói,
giảm nghèo để so sánh với thế kỷ trước, thì họ lại quên rằng đi cùng với con số
ấy, quyền lợi người dân Việt Nam cũng được “đảm bảo” ngược lại khi mà nợ nần
ngày càng chồng chất, tài nguyên khoáng sản bị cạn kiệt, đời sống nhân dân ngày
càng điêu đứng…
Tình trạng nhân quyền Việt Nam,
nếu xét theo những tiêu chí và ngôn từ của Đảng CSVN và nhà nước Việt Nam, thì
quả là tuyệt vời “gấp vạn lần ở các nước tư sản nhưng ở trình độ cao hơn”.
Thậm chí, ông thầy
chùa Thích Thanh Quyết còn lớn tiếng giải thích “Cái dân chủ, nhân quyền
của Việt Nam phù hợp hoàn cảnh văn hóa, lễ nghi tôn giáo của người Việt Nam, họ
không hiểu được hoặc cố tình không hiểu rồi cứ nhìn từ góc nọ sang góc kia”.
Chẳng biết “Cái nhân quyền” của ông Quyết có mấy góc và ông muốn người ta của
ông theo góc nào? Nhưng nếu xét theo bản Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế thì vô
cùng tệ hại. Tiếc rằng nhà nước VN lại ký vào bản Tuyên ngôn nhân quyền Quốc tế
mà đã không buộc các nước Liên hiệp Quốc ký đồng ý vào bản giải thích về nhân
quyền của Việt Nam.Do vậy mới có chuyện tréo ngoe nói trên về nhân quyền.
Chuyện nhân quyền phương Tây khác nhân quyền Việt Nam, chuyện các nước
can thiệp nội bộ khi yêu cầu Việt Nam cải thiện nhân quyền vẫn chưa có hồi kết.
Những ngôn từ lỳ lợm, bất chấp thực tế, nói lấy được vẫn cứ ra rả được đưa ra
giải thích mỗi khi Việt Nam bị lên án vi phạm nhân quyền, thì ngày
12/11/2013, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc (ĐHĐLHQ) bầu VN vào ghế Chủ tịch HĐ Nhân
quyền.
Khỏi phải nói nhà nước, qua hệ
thống báo chí Việt Nam sung sướng đến thế nào. Chừng như việc được bước chân vào
HĐNQ này của Việt Nam, không làm gì hơn là chỉ để cho hả hê, để “các thế lực
thù địch” trong nhân dân biết tay.
Báo
Nhân Dân, báo Quân đội Nhân dân… liệt kê một loạt các cơ quan truyền thông
quốc tế có uy tín, các tổ chức quốc tế, các cơ quan ngoại giao, các nghị sĩ,
những chính khách… đều lên án Việt Nam vi phạm trầm trọng quyền con người và
yêu cầu Việt Nam cải thiện điều kiện về nhân quyền. Những tớ báo đảng say sưa
chiến thắng, say sưa kể lể, kết tội, lên án mà không hề biết rằng câu hỏi lộ ra
rất rõ đằng sau sự liệt kê đó là: “Vì sao, các tổ chức quốc tế, các chính
phủ, chính khách, các hãng truyền thông uy tín, lớn lao kia đã không nói về ai,
mà đồng loạt tố cáo VN vi phạm nhân quyền? Phải chăng, khói đã từ không mà ra
chứ không hề có lửa?” Lẽ đời, khi bị một, hai hoặc ba người lên án chưa
chắc đã khẳng định là anh có lỗi. Nhưng, khi mọi người đều phản đối và nghỉ
chơi với anh, thì anh không bị lậu cũng giang mai.
Có lẽ vì mải mê chống “Diễn
biến hòa bình” nên nhà nước VN quên rằng việc vào HĐNQ của LHQ được xác định là
một nghĩa vụ nhằm thúc quyền con người trên thế giới tốt hơn nữa, chứ không
phải chỉ là một cái biển tên nhằm trang trí, che đậy cho anh những tội ác phía
sau.
Bởi, chiếc áo không làm nên
thầy tu.
Chuyện cái chân hương lý
Nhân chuyện VN vào HĐNQ của
ĐHĐLHQ, bỗng nhớ câu chuyện vui dân gian, dù có những lời lẽ hơi tục, nhưng nội
dung như sau:
Một tên nông dân bao đời bị
khinh rẻ, coi thường vì dốt nát nghèo kiết. Vừa dịp có chút tiền dành dụm được,
làng đang thiếu chút tiền sửa lại mái tam quan và khuyết một chân hương lý, thế
là hắn bỏ tiền ra mua và bỗng nhiên thành hương lý làng.
Hắn soạn một bộ quần dài khăn
đóng chĩnh chiện rồi đi ra đi vào tự ngắm mình và bắt vợ con ngắm để khen hắn.
Chán, hắn đi ra bến đò cho ra vẻ ông hương lý. Một lúc sau, hắn trở về gọi vợ
từ ngoài cổng:
- Mẹ nó ơi, tao mới làm hương
lý mà oai lắm rồi nhé, đi qua đò, thằng lái đó chưa kịp ghé đò vào, tao chửi nó
mà nó không dám nói lại câu nào nhé.
- Vậy à, anh chửi nó thế nào mà
nó im?
- Thì tao chửi: Mày như con cặc
tao.
Chị vợ tưởnng bỏ tiền làm hương
lý thì ông chồng sẽ khác đi, nhưng vẫn là giọng vũ phu thất học, bèn lu loa:
- Ối giời đất ơi, sao ông ngu
thế, nói thế thì thành ra nó ngủ với tôi à?
- Ừ nhỉ.
Hắn không nói gì và đi ra. Một
lát sau chạy về hớn hở:
- Xong rồi nhé, tao chửi lại
rồi mà nó cũng cấm dám cãi lời nào.
- Xong là xong thế nào?
- Thì, tao ra sông gọi nó và
bảo: Lúc nãy tao chửi sai, giờ tao chửi lại nhé: Tao như cặc mày.
- Ồi giờ đất ơi, vậy ra là anh
ngủ với vợ nó?
Hắn hoảng, thấy vợ nổ cơn tam
bành hắn bỏ chạy. Một lúc lâu lâu sau hắn lại chạy về:
- Này, giờ thì ổn nhé, không
việc gì phải lo nghĩ nhé.
- Ổn là ổn thế nào?
- Thì tao ra sông, nó chèo đò
sang tận bên kia, tao gọi với theo và bảo nó: “Lúc nãy tao chửi vẫn sai, giờ
tao chửi lại nhé: Cặc mày là cặc mày, cặc tao là cặc tao”. Thế mà nó vẫn im
cấm cãi lời nào mẹ nó ạ.
Bà vợ ngao ngán:
- Thế thì lại vẫn như ban đầu
thôi.
Lời bàn
Khi Việt Nam được bầu vào chân
HĐNQ của Liên Hợp Quốc, cũng là lúc Quốc Hội Việt Nam của Đảng CS đang hối hả
để thông qua một cái gọi là “Hiến Pháp”. Ở đó, quyền được bình đẳng, được tự
lựa chọn thể chế chính trị, tư tưởng, quyền sở hữu bị tước đoạt không thương
tiếc, ý kiến, nguyện vọng của người dân không được đếm xỉa.
Khi Việt Nam được bầu, cũng là
lúc tại Hà Nội, hàng đoàn dân oan do mất đất mất đai và chị chèn ép, đàn áp
đang kéo về thủ đô khiếu kiện tập thể và họ bị đối xử tàn tệ bằng công an, côn
đồ…
Khi Việt Nam được bầu vào ghế
HĐNQ, cũng là lúc Việt Nam vừa phải thả bớt hàng chục ngàn tù nhân bằng cái gọi
là “đặc xá” không phải vì cải tạo có tiến bộ mà chỉ vì nhà tù không đủ chỗ để
chứa tội phạm.
Khi nhà tù không đủ chỗ để chứa
tội phạm, thì tỉ lệ oan sai trong bắt bớ, tố tụng, xét
xử là hơn 10% vẫn chưa có một sự thay đổi nào. Nghĩa là vẫn cứ có hàng chục
ngàn công dân chịu tù đày, bắt bớ, giam cầm oan ức. Vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở
Bắc Giang bị tuyên án chung thân đã ngồi tù hơn 10 năm, giờ hung thủ thú tội
thì mới công nhận ông bị oan là vụ án gần nhất. Trong khi đó một Phó Chủ nhiệm
Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vẫn chọc tức dân chúng bằng một câu ráo hoảnh: “cơ
quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án
rất nhanh”. Thậm chí chừng như sự chọc tức đó chưa đủ, một ông thầy
chùa còn lên báo chí ca ngợi “các đồng chí” công an của ông là “đã khám
phá rất nhanh, phát hiện nhanh nhạy, điều tra, làm rõ được hành vi phạm pháp
của từng đối tượng…” Kể ra, tìm được một đồng chí tu hành như vậy cũng
không dễ dàng.
Khi VN được bầu vào ghế HĐNQ
của LHQ, thì trong trại tù, hàng chục nhân sĩ, trí thức đang bị giam cầm bởi đã
dám nói lên nguyện vọng của mình, cất tiếng nói của mình ngược với ý đảng.
Khi VN được bầu vào HĐNQ, thì
người dân Việt Nam ước mơ được cái quyền ghi từ lâu đời trong cái gọi là Hiến
Pháp là quyền bình đẳng của các công dân trước pháp luật. Để không có cảnh anh
em Đoàn Văn Vươn nổ súng hoa cải thì đi tù. Còn đám công an dùng súng trường,
mìn vào phá nhà, bắt người, cướp tài sản, xương máu của ông ta thì bình yên vô
sự.
Tất cả những điều trên, nguyên
nhân sâu xa nhất của nó, cũng bắt đầu từ chế độ độc tài, độc trị của Đảng CS
trên mọi lĩnh vực đời sống với phương châm “Lãnh đạo tuyệt đối”. Và hẳn nhiên
là sẽ dẫn tới sa đọa, tha hóa tuyệt đối.
Vậy người ta hi vọng gì ở việc
VN được bầu vào ghế HĐNQ của LHQ?
Hẳn nhiên, nếu có hi
vọng, chắc chỉ có điều này: Khi đã ngồi vào chân Hương lý trong làng, lão nông
dân cũng phải căng tai, gài mắt lên mà xem cái luật chơi của làng, cái quan
niệm của làng nó ra sao chứ không bịt tai nhắm mắt cố tình nói bừa như ở nhà
với vợ con.
Và ở đây, chắc đã đến lúc những
giọng lưỡi như của ông Thầy chùa Thích Thanh Quyết rằng “Cái dân chủ, nhân
quyền của Việt Nam phù hợp hoàn cảnh văn hóa, lễ nghi tôn giáo của người Việt
Nam…” nhằm giải thích cho tình trạng nhân quyền tồi tệ sẽ không ai còn đủ
sự trơ trẽn để thốt ra nữa.
Vâng, chỉ hi vọng có vậy, liệu
có quá lớn không?
Hà Nội, ngày 16/11/2013
J.B Nguyễn Hữu Vinh
No comments:
Post a Comment