Nguyễn Quang A
Thời báo Kinh tế Sài Gòn đưa
tin “bỏ
phiên thảo luận ở hội trường” ngày mai 18-11-2013 về dự thảo hiến pháp.
Đầu phiên họp Quốc hội đã thông
qua chương trình nghị sự, theo đó 18-11 sẽ là phiên thảo luận tại hội trường về
dự thảo hiến pháp. Chắc hẳn đó đã là một nghị quyết. Không rõ Quốc hội đã có
nghị quyết khác thay đổi chương trình nghị sự hay chưa? Nếu chưa, thì có ai đó
đã lạm quyền khi quyết định bỏ và sự thay đổi phiên thảo luận ở hội trường liệu
có hợp pháp? Chỉ có các đại biểu quốc hội mới biết kỹ và có thể trả lời những
câu hỏi này.
Hãy bỏ qua những câu hỏi về thủ
tục nêu trên và xem cái gì có thể đứng sau quyết định thay đổi như vậy. Đấy
liệu có phải là mánh khoé để bịt miệng các đại biểu Quốc hội hay không? Chắc
vài vị lãnh đạo chóp bu, những người muốn để lại “dấu ấn” của mình (dù có
ông đã nói toẹt ra mong muốn đó, còn ông khác bảo không muốn tạo dấu ấn nào)
trong việc thông qua dự thảo hiến pháp sửa đổi, đã rút kinh nghiệm vụ Đường sắt
cao tốc (khi ý định của họ đã bị Quốc hội bác bỏ), và kinh nghiệm của Hội nghị
Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (khi Trung ương bác đề xuất kỷ
luật của Bộ Chính trị), nên họ đã quyết định bỏ phiên thảo luận ở hội trường về
dự thảo hiến pháp. E rằng nếu để cho thảo luận ở hội trường thì sẽ không thể
kiểm soát được, cho nên để chắc ăn họ dùng lại ngón bài kinh điển của các chế
độ toàn trị: không cho các chiếc đũa hợp thành bó, xé bó đũa ra thành từng
chiếc lẻ để dễ bề kiểm soát.
Nếu đúng thế thì đây đích thực
là việc bịt miệng các “đại biểu của nhân dân” một cách tinh vi. Các đại biểu
quốc hội có cảm thấy vậy không hay họ thỏa mãn với “tính dân chủ” này trong
hoạt động quốc hội, thỏa mãn với việc góp ý riêng lẻ bằng văn bản cho các vấn
đề khác nhau của dự thảo và phó mặc cho “ban soạn thảo” tùy ý tổng hợp ý kiến
của các đại biểu hệt như đã tổng hợp “hàng chục triệu ý kiến của nhân dân”
trong thời gian qua thay cho việc thảo luận tại hội trường? Các vị dân biểu có
thấy nhục khi bị đối xử như vậy hay vẫn rất tự hào?
Trớ trêu thay, chính ông thầy
lỗi lạc của mấy vị chóp bu ấy đã dạy họ điều quan trọng sau mà có lẽ họ đã mau
quên. Đó là châm ngôn của Lênin, rất quen thuộc đối với những người cộng sản:
chế độ không thể cai trị lâu thêm nữa theo những cách cũ, nhưng nó không biết
làm thế nào để thay đổi chúng; còn nhân dân thì không muốn sống theo những cách
cũ, và họ không còn sợ nữa để thử những cách mới.
Khi những dấu hiệu ấy trở nên
phổ biến, đấy là lúc có những biến đổi lớn (chẳng hạn cách mạng) sắp xảy ra.
Tôi ghét tất cả các cuộc cách mạng được hiểu theo nghĩa hẹp là lật đổ, xóa sổ
một chế độ cũ để xây một chế độ mới; tất cả những cuộc cách mạng như vậy đều thay
chế độ độc tài này bằng chế độ độc tài khác và đi liền với sự đổ máu, với sự
tàn phá nền kinh tế và cơ sở xã hội. Những biến đổi lớn có thể xảy ra mà không
cần đến cách mạng bạo lực, và đấy là cái chúng ta nên phấn đấu để đạt được.
Những dấu hiệu mà đã xuất hiện
trong hội nghị trung ương, trong vụ đường sắt, và vụ bỏ phiên thảo luận ngày
mai về dự thảo hiến pháp và bao nhiêu dấu hiệu khác trong việc ứng phó lúng
túng với vô vàn vấn đề xã hội-kinh tế và chính trị trong nước, rõ ràng là những
dấu hiệu mà người thầy của những người cộng sản đã nhắc đến. Các ông ấy sợ
không thể kiểm soát được Quốc hội nơi họ có tuyệt tuyệt đại đa số, nơi họ
“không thể cai trị lâu thêm nữa theo những cách cũ”. Và đấy là dấu hiệu nhỏ
nhưng vô cùng quan trọng!
Các đại biểu quốc hội nghĩ gì?
Họ sợ, cam chịu hay dám vượt qua nỗi sợ. Hãy cùng nhân dân vượt qua nỗi sợ và
dũng cảm đòi thực hiện chính nghị quyết về chương trình nghị sự mà họ vừa bỏ
phiếu thông qua lúc đầu kỳ họp và hãy “thử những cách mới” trong hoạt động quốc
hội cùng với nhân dân “thử những cách mới” trong mọi lĩnh vực của đời sống!
————
Bỏ phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo
Hiến pháp
M.D
Thứ Năm, 14/11/2013, 20:49 (GMT+7)
(TBKTSG Online) – Thay vì thảo
luận ở hội trường về chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu
Quốc hội sẽ góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm
2013) và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.
Văn phòng Quốc hội vừa thông
báo về chương trình mới của kỳ họp thứ 6, trong đó có một vài thay đổi so với
ban đầu.
Liên quan đến việc thảo luận và
cho ý kiến về dự thảo hiến pháp 1992 sửa đổi, theo chương trình nghị sự cũ đã
được thông qua ở đầu kỳ họp, vào sáng ngày 18-11, Quốc hội sẽ nghe Chủ nhiệm Uỷ
ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992,
Trưởng ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày
báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ và hội
trường và chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và dự thảo nghị quyết về
việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Sau đó Quốc hội sẽ thảo
luận ở hội trường về việc chỉnh lý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi
năm 2013).
Tuy nhiên, theo chương trình
mới, Quốc hội sẽ không thảo luận ở hội trường nữa, thay vào đó, đại biểu Quốc
hội góp ý trực tiếp vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013)
và ghi phiếu xin ý kiến về một số vấn đề quan trọng còn ý kiến khác nhau.
Ngày thông qua dự thảo hiến
pháp không thay đổi. Theo đúng kế hoạch đã đề ra, vào sáng 28-11, sau khi ông
Phan Trung Lý trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội
về những vấn đề còn ý kiến khác nhau trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
và dự thảo nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013),
Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua dự thảo này.
Trước đó, phát biểu tại phiên
khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định rằng để việc
thông qua Hiến pháp đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, đáp ứng nguyện vọng của
nhân dân, trong kỳ họp này Quốc hội sẽ dành thời gian thích đáng để tiếp tục tổ
chức thảo luận dân chủ, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao với tinh thần chân
thành lắng nghe ý kiến của nhân dân, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục
những vấn đề đặt ra.
Một số thay đổi đáng chú ý khác- Quốc hội sẽ bế
mạc vào chiều 29-11, thay vì sáng 30-11 (sớm hơn một ngày).
- Hai dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và Luật Công an nhân dân (sửa đổi) đã
được rút khỏi chương trình thảo luận.
- Tăng thêm một buổi thảo luận tại hội trường vào
chiều 22-11 đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
|
No comments:
Post a Comment